Nhân Tháng Cầu Cho Những Người Ðã Qua Ðời Nhìn Về Sự Chết
Posted by Hồng BínhKhi cầu nguyện cho người đã qua đời, chúng ta thường nghĩ tới cái chết của họ và đời sống của họ. Rồi từ đó, chúng ta nghĩ sang hiện tình của họ trong cõi đời sau. Họ đang ở đâu? Ðược hạnh phúc hay còn bị thanh luyện? Chỉ nghĩ thế thôi. Nghĩ với đức tin và niềm hy vọng.
Nghĩ tới những người đã qua đời, đó là một bổn phận cao đẹp ta phải chu toàn. Nhưng tiếp đó, chúng ta cũng nên nghĩ tới cái chết của chính mình ta. Thiết tưởng đó cũng là một bổn phận quan trọng, chúng ta không nên né tránh.
Chết là một chấm dứt kèm theo đóng ấn
Cái chết của mỗi người là việc sau cùng của cuộc sống. Nhất định nó phải tới. Nó là một phần của cuộc sống. Một phần hết sức quan trọng.
Cuộc sống là một hành trình. Cái chết là việc chấm dứt hành trình cuộc sống. Sự chấm dứt này không giống bất cứ sự chấm dứt nào. Chết không có nghĩa là hết sống. Nhưng nó là một kết thúc cuộc sống này và là một khởi đầu cho cuộc sống khác.
Một cách nào đó, cái chết, khi kết thúc một dòng đời, sẽ đóng ấn vào đó. Ðể theo dấu ấn ấy, con người sẽ đi vào cõi sau theo một hướng nhất định.
Nếu một dòng đời là những chuỗi chọn lựa tốt lành đạo đức, thì khi cái chết đến chấm dứt nó, sẽ có một dấu ấn đẹp xinh được đóng vào cuộc đời ấy. Dấu ấn xinh đẹp này cho phép người quá cố đi vào nơi lãnh nhận phần thưởng cao quý.
Nếu một dòng đời là những chuỗi chọn lựa tội lỗi xấu xa, thì khi cái chết đến chấm dứt nó, sẽ có một dấu ấn ghê tởm đóng vào cuộc đời ấy. Dấu ấn kinh khủng này sẽ buộc người quá cố phải đi vào nơi lãnh chịu hình phạt rất đáng sợ.
Cái nhìn trên đây chỉ là một cách suy nghĩ bình dân của người có tín ngưỡng.
Chết là việc Chúa Giêsu đến tỏ bày sự thực
Riêng đối với người sống đức tin, thì cái chết được hiểu như sự Chúa Giêsu đến với từng người.
Chúa Giêsu đến tìm mỗi người chúng ta. Ngài đến lúc nào, nơi nào, cách nào, thì đó là việc của thánh ý Ngài. Trong Phúc Âm, Ngài cảnh báo là giờ Ngài đến thường sẽ bất ngờ: “Anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến” (Mc 13,35).
Ngay từ giây phút đầu, khi gặp Chúa Giêsu, mỗi người sẽ thấy Ngài hiện ra rõ ràng. Ngài đúng thực là tình yêu. Ngài đúng thực là sự sống. Ngài đúng thực là sự khiêm tốn vâng phục ý Chúa Cha. Ngài đúng là Ðấng cứu chuộc loài người.
Do đó, tất cả những ai có nét giống như Chúa Giêsu sẽ tự nhiên được thu hút vào Ngài. Ðó là những ai suốt đời đã để ý gieo vãi tình thương, thực hiện điều răn yêu thương. Ðó là những ai suốt đời đã cố gắng phục vụ sự sống, luôn tìm cách đem lại cho mọi người sự sống, sự sống dồi dào. Ðó là những ai trọn đời khiêm tốn vâng phục ý Chúa. Ðó là những ai suốt đời khao khát đón nhận ơn cứu chuộc của Ngài và nhiệt tình cộng tác vào công việc cứu chuộc của Ngài.
Và cũng chính do đó, tất cả những ai không có nét nào giống như Chúa Giêsu, sẽ bị đẩy xa khỏi Ngài. Không muốn nên giống như Ngài, không cố gắng đi theo Ngài, không muốn đón nhận ơn Ngài. Tất cả những thứ người như thế sẽ bị loại. Bị loại một cách như tự nhiên, tự động.
Có thể nói, trước mặt Chúa Giêsu là sự thực, mỗi người sẽ được thấy rõ mọi chi tiết sự thực về mình. Sự thực về mình là toàn bộ lịch sử đời mình.
Với những chọn lựa của mình để sống tốt hay không tốt giới răn căn bản là yêu thương bác ái,
Với những chọn lựa của mình để thực thi tốt hay không tốt bổn phận riêng đã được trao cho mình,
Với những chọn lựa của mình để diễn tả tốt hay không tốt sứ mạng làm người của mình,
Với những chọn lựa của mình để dùng tốt hay không tốt các ơn chung riêng Chúa đã ban tặng. Tất cả sẽ được hiện rõ với những hoàn cảnh của lịch sử đời mình.
Như thế sự chết sẽ cho mỗi người thấy rõ những sự thực đời mình, đồng thời cũng cho thấy những sự thực đời mình sẽ dẫn mình về đâu. Như vậy, có thể nói, dưới ánh sáng Ðức Kitô, mỗi người sẽ tự phán xét mình. Sự phán xét đó nằm trong chính cuộc sống của mình.
Dọn mình chết lành
Khi hiểu sự chết là như thế, chúng ta thấy rõ hơn một bổn phận hết sức quan trọng, đó là phải lo cho cái chết của mình. Sao cho cái chết đó được gọi là chết lành. Lo bằng cách nào? Thưa bằng cách cố gắng sống lành. Nếu đối với ta, sống lành không thể là chu toàn hoàn chỉnh suốt đời mọi ý Chúa về ta, thì ít là ta có lòng khiêm tốn biết mình lầm lỗi, hết lòng ăn năn sám hối, cố gắng sửa mình, và tin cậy vào lòng thương xót Chúa. “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Kinh nghiệm cho thấy, tất cả những việc đưa tới sự tái sinh sẽ rất khó thực hiện, nếu không có ơn Chúa. Vì thế, rất cần phải cầu nguyện. Cầu nguyện để được ơn biết mình. Cầu nguyện để được ơn sám hối. Cầu nguyện để được ơn sửa lại lỗi lầm. Cầu nguyện để được ơn tin cậy vào Chúa. Nhất là cầu nguyện để được ơn làm cho cái tôi xấu xa trong ta được chết đi dần dần. Ðó là cái tôi kiêu căng, cái tôi biếng lười, cái tôi giả hình, cái tôi mê say trần tục, cái tôi trống rỗng mà huênh hoang, cái tôi nặng ý riêng mình.
Hãy cầu nguyện như người bệnh tật. Cầu nguyện như người hèn mọn. Cầu nguyện như người yếu đuối. Cầu nguyện như người tội lỗi. Rất khiêm tốn. Rất kiên trì.
Nếu đời sống ta luôn luôn mang đậm dấu ấn cầu nguyện sám hối và tin tưởng vào lòng thương xót Chúa, thì đó là cách tốt nhất để dọn mình chết lành.
Ðừng dối lòng mình về bốn điều sau hết, đó là sự chết, sự phát xét, thiên đàng và hoả ngục. Bốn điều sau cùng này quen gọi là tứ chung. Kinh Thánh kêu gọi mọi người hãy năng nghĩ tới tứ chung đó.
Mỗi người sẽ có phần, có chỗ trong tứ chung. Tứ chung của ta sẽ đến với riêng ta. Năng nghĩ như vậy, để ta biết lo cho phần rỗi của ta. Phần rỗi của ta bắt đầu từ hôm nay, trong từng ngày, từng giây phút. Bằng sự quyết tâm sống lành, làm lành theo hết khả năng của ta.
Và như vậy, dọn mình chết lành chính là để biết sống có chất lượng hơn, có ý nghĩa hơn, có giá trị hơn. Theo lời Chúa dạy: “Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không thối đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).
+ Gm. G.B. Bùi Tuần