Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 30 Tháng 6 2012 19:02

5 Phút Mỗi Ngày Cho Lời Chúa - Tháng 7.2012 (Từ 01 đến 15)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Lạy Chúa Giê-su, Vua Tình Yêu! Thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con thật quá nhỏ, xin ban cho chúng con trái tim bén nhạy và đôi tay rộng mở để chúng con luôn sẵn sàng đến với những anh chị em đang cần tình thương và sự nâng đỡ. Amen.

 

01/07/12 CHÚA NHẬT TUẦN 13 TN – B
Mc 5,21-43

 

LẠY CHÚA, CON CẦN ĐẾN CHÚA!


Đức Giêsu xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. (Mc 5,21)


Suy niệm: Đứng trước cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Tây Ban Nha, một tổ chức có tên “Sứ Giả Hoà Bình” vừa khai trương trang mạng “Ngân Hàng Liên Đới” (Bancosolidario) để những người nghèo tại đó có thể truy cập và yêu cầu trợ giúp bất cứ điều gì họ đang cần đến, từ lương thực, quần áo, sách vở cho tới cả xe lăn. Chỉ trong ít ngày, hàng trăm người nghèo khổ đã vào trang mạng này và họ đã nhận được những gì cần thiết cho cuộc sống của họ. Phúc Âm nhiều lần kể lại đông đảo dân chúng tuốn đến với Chúa Giêsu (x. Mc 4,1; 6,34; 8,1). Ngài như người chủ ngân hàng vô tận của tình thương, chấp nhận bị người ta quấy rầy, thậm chí lợi dụng, vì Ngài luôn chạnh lòng thương trước những thảm cảnh, những nỗi thống khổ của dân chúng. Và khi giải thoát họ khỏi những khốn cùng ở cuộc sống này, Chúa còn lôi kéo họ tới cuộc sống vĩnh cửu mai ngày nữa.


Mời Bạn: Nhiều người ngày nay tỏ ra lãnh đạm đối với vấn đề tôn giáo. Phải chăng đó là dấu hiệu cảnh báo người ta đã quá thoả mãn với cuộc sống hưởng thụ vật chất đến độ không còn cảm thấy mình cần đến Chúa để được Ngài cứu độ? Hay nói cách khác, phải chăng đời sống thiêng liêng cũng đã bị vật chất hoá đến độ không còn sức đánh động cảm thức về sự linh thánh nơi tâm hồn con người nữa? Thế nên một điều cấp bách mà bạn cần cầu xin ngay lúc này cho mình và cho mọi người chính là ơn nhận ra mình đang cần đến Chúa.


Sống Lời Chúa: Đọc kinh Lạy Cha mỗi ngày để ý thức những điều mình cần cầu xin với Chúa.


Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

 


 

 

02/07/12 THỨ HAI TUẦN 13 TN
Mt 8,18-22

 

ĐI THEO ĐẤNG KHÔNG CÓ CHỖ TỰA ĐẦU


“Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8,20)


Suy niệm: Alfred Plummer, một học giả Thánh Kinh người Anh, nhận xét: “Cuộc đời Chúa Giêsu bắt đầu trong một chuồng bò đi mượn và kết thúc trong một ngôi mộ cũng đi mượn.” Đó chính là thực trạng trần trụi về cuộc đời của Chúa Giêsu, “Con Người không có chỗ tựa đầu,” mà bất cứ ai muốn làm môn đệ của Ngài phải biết và dám đảm nhận. Chúa Giêsu hẳn đã gây một ấn tượng sâu đậm nơi vị kinh sư nào đó khiến ông này nhất quyết xin làm môn đệ Ngài: nguyện đi theo Thầy, bất cứ Thầy đi đâu. Chẳng biết vị kinh sư ấy cuối cùng có trở thành môn đệ của Ngài không nhưng ít nhất những lời vừa rồi cũng giúp xua tan đi những ảo tưởng mà ông vẽ ra về một Đấng Mêsia vinh quang, để lôi ông về với thực tại của Đấng Mêsia Tôi Tớ đau khổ của Giavê, một thực tại rất khó chấp nhận đối với người Do Thái, và cả với chúng ta.


Mời Bạn: Những lời đó cũng là sứ điệp Chúa gửi đến với chúng ta: cái giá phải trả để làm môn đệ của Chúa Kitô là dám đi theo Đấng không có chỗ tựa đầu. Chúa mời gọi chúng ta thanh luyện những động lực trần tục khi đi theo Ngài: làm môn đệ Chúa không phải để được chỗ nhất trong Vương quốc của Ngài, mà trước tiên là “từ bỏ mọi sự, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).


Sống Lời Chúa: Xét mình cách sâu xa để khám phá và thanh lọc những động lực trần tục xen lẫn trong những việc thiện, việc đạo đức của mình.


Cầu nguyện: Lạy Chúa xin giúp con dám loại bỏ những gì không phải là Chúa để đạt được chính Chúa và chỉ mình Chúa mà thôi.

 


 


03/07/12 THứ BA TUẦN 13 TN
Th. Tôma, tông đồ
Ga 20,24-29

 

TIN LỜI CHỨNG CỦA CỘNG ĐOÀN


Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.” (Ga 20,28-29)


Suy niệm: Tôma được gọi là “chuyên gia đi vắng”, bởi vì ngoài lần vắng mặt hôm nay, theo truyền thuyết, ông còn vắng mặt khi chôn cất Đức Mẹ. Lúc trở về, ông đã nằng nặc đòi mở tảng đá để nhìn xác Đức Mẹ lần cuối, và vì thế, khám phá ra trong mộ không còn xác Đức Mẹ nữa! Nhờ lần vắng mặt khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra ấy, ông được Ngài hiện ra lần nữa, đặc biệt cho riêng ông, cho thấy Ngài quan tâm đến ông biết bao, và cũng nói cho ông biết Ngài xác nhận lời chứng của các tông đồ. Ngài như muốn nói với ông, và cả chúng mình, rằng không cần phải mắt thấy tai nghe, tay đụng chạm mới tin Ngài phục sinh, chỉ cần dựa vào lời chứng của các tông đồ là đủ. Theo truyền thống, thánh nhân rao giảng Tin Mừng tại Ba Tư, Syri, Ấn Độ và tử đạo tại miền đất Á Châu xa xôi này.


Mời Bạn: Noi gương thánh Tôma: khi đã tin Đức Kitô phục sinh, thì sống hết mình với niềm tin ấy. Cách tốt nhất để sống niềm tin phục sinh là trở thành chứng nhân cho niềm tin này.


Chia sẻ: Tại sao đời tôi buồn phiền, lây lất như vậy, phải chăng vì niềm tin phục sinh chưa thật sự chi phối đời tôi?


Sống Lời Chúa: Tôi sẽ để niềm hy vọng phục sinh chi phối cuộc đời, bằng cách mọi cư xử, chọn lựa, quyết định của tôi đều dựa vào niềm hy vọng này.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin cho chúng con chân thành tuyên xưng như thánh Tôma: “Lạy Chúa Con, lạy Thiên Chúa của con” và nỗ lực hết mình để niềm tin phục sinh chi phối toàn bộ cuộc đời chúng con. Amen.

 


 

 

04/07/12 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN
Th. Êlisabét nước Bồ Đào Nha
Mt 8,28-34

 

SỰ SỐNG CON NGƯỜI LÀ SỐ MỘT


Các người chăn heo chạy trốn vào thành, kể lại mọi sự và những gì đã xảy ra cho mấy người bị quỷ nhập. Bấy giờ cả thành ra đón Đức Giêsu, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ. (Mt 8,33-34)


Suy niệm: Một việc trừ quỷ thật ‘đắt đỏ’: để chữa lành cho hai người, mất toi cả đàn heo! Phản ứng của dân thành cũng thật quyết liệt: xin Người rời khỏi vùng đất của họ, bởi vì biết đâu Người chẳng chữa thêm vài người bị quỷ ám nữa, và họ lại có thể phải mất thêm vài đàn heo khác! Bậc thang giá trị của họ thật rõ ràng: đàn heo quý hơn sinh mạng con người.

 

Hình như nhiều lúc chúng mình cũng cư xử y như dân thành Gadara đó thôi! Coi trọng vật chất hơn con người, quyền lợi của mình hơn cả sự sống của người khác. Có thể không đến nỗi “đốt nhà hàng xóm chỉ để luộc chín một quả trứng” như phát biểu của một nhà văn, thế nhưng, chúng mình cũng thật ích kỷ khi chấp nhận tình trạng ai chết mặc ai, miễn là quyền lợi, tài sản tôi không xuy xuyển chút nào!


Mời Bạn: Điều chỉnh lại cách ứng xử của bạn: coi trọng con người hơn vật chất của cải, sự sống con người hơn danh giá, quyền lợi…


Chia sẻ: Lâu nay tôi đã coi trọng sự sống, sinh mạng con người hay coi trọng của cải vật chất, danh tiếng?


Sống Lời Chúa: Tôi sẽ hành động theo bậc thang giá trị của Tin Mừng: coi trọng con người hơn của cải vật chất.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa buồn lòng vì thấy dân thành Gadara coi trọng đàn heo hơn sự sống con người. Xin Chúa giúp chúng con biết sống theo Lời Chúa dạy: coi trọng sự sống con người hơn mọi giá trị khác trên đời. Xin giúp chúng con sẵn sàng nâng đỡ anh em, dù sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Amen.

 


 

 

05/07/12 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN
Th. Antôn Maria Dacaria, linh mục
Mt 9,1-8

 

“KHÔNG AI LÀ MỘT HÒN ĐẢO”


Người ta liền khiêng đến cho người một kẻ bại liệt nằm trên giường. (Mt 9,2)


Suy niệm: Chứng bệnh bại liệt tuy không ghê sợ như bệnh phong hủi, nhưng nó cũng là đáng sợ, khi làm cho người bệnh tê liệt, không còn khả năng tự mình hoạt động như mình muốn. Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta một bài học thật cảm kích: tấm lòng nhân ái của những người khiêng bệnh nhân đến với Chúa Giê-su, tình thương của họ đã bù đắp những khiếm khuyết nơi người bại liệt và nhờ đó anh ta đã đến được với Chúa Giê-su và được chữa lành.


Mời Bạn: Ngày nay, bại liệt hầu như không còn là một chứng bệnh hiểm nghèo: người ta được tiêm chủng phòng ngừa ngay khi còn là trẻ sơ sinh. Thế nhưng, chứng bại liệt tinh thần vẫn còn là một căn bệnh đáng sợ, khi mà con người ngày nay dễ dàng mất đi khả năng phân định tốt xấu, không đủ sức mạnh để chọn lựa, bênh vực cho chân lý và sự thật, kéo theo biết bao vấn đề xã hội: bất công, tham nhũng, hối lộ, nạo phá thai, ăn chơi truỵ lạc… Bao kế hoạch hành động chỉ là “phong trào” nếu không trị tận căn chứng bại liệt tinh thần này.


Sống Lời Chúa: Tại môi trường bạn đang sinh sống và làm việc có những ai đang mắc những chứng bệnh bại liệt nào đối với những giá trị Tin Mừng? Bạn hãy cùng với vài người thiện chí “khiêng” họ đến với Chúa Giê-su bằng những lời nói chân thành, nụ cười cảm thông và hành động giúp đỡ thiết thực của bạn.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Vua Tình Yêu! Thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con thật quá nhỏ, xin ban cho chúng con trái tim bén nhạy và đôi tay rộng mở để chúng con luôn sẵn sàng đến với những anh chị em đang cần tình thương và sự nâng đỡ. Amen.

 


 

 

06/07/12 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN
Th. Maria Gôrétti, trinh nữ, tử đạo
Mt 9,9-13

 

TIN VÀO LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT


“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9,13)


Suy niệm: Bệnh ung thư thực sự nguy hiểm vì cho tới nay nhân loại vẫn chưa hiểu biết tường tận nguyên nhân cũng như cơ chế của bệnh này; hơn nữa, chính bệnh nhân cũng khó nhận biết những triệu chứng của nó, đến khi phát hiện thì đã quá muộn, bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối. Lời Chúa hôm nay cảnh báo chúng ta về mối nguy hiểm tương tự trong lĩnh vực thiêng liêng, đó là ảo tưởng mình công chính trong khi mình là người tội lỗi và cần được Chúa cứu độ. Trước mặt Chúa, ai trong chúng ta dám tự hào là vô tội? May thay Lời Chúa nói với chúng ta chính là Tin Mừng của lòng Thương Xót: Chúa Kitô đến để kêu gọi những người tội lỗi đến với người để được cứu độ. Lêvi, người thu thuế, được biến đổi thành Mátthêu, vị tông đồ, làm chứng cho điều đó.


Mời Bạn: Để có thể đứng dậy rời bỏ tình trạng tội lỗi đi theo làm môn đệ Chúa như Mátthêu đã làm, trước tiên cần một sự nhận thức: nhận thức mình tội lỗi và nhận thức mình đã được Chúa thứ tha; hai bước nhận thức đó được dựa trên và được nối kết bởi một niềm tin: tin vào lòng Thương Xót của Chúa.


Sống Lời Chúa: Lặp lại lời nguyện tắt: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu đầy lòng thương xót, bản tính của Chúa là yêu thương và tha thứ. Xin đừng nhìn đến tội lỗi chúng con, nhưng hãy nhìn đến sự tín thác chúng con đặt trót cả vào lòng nhân hậu vô biên của Chúa. Xin đón nhận hết thảy chúng con vào Trái Tim từ bi lân mẫn vô bờ của Chúa, và đừng bao giờ để chúng con thoát khỏi nơi đó.
(Tuần cửu nhật Lòng Chúa Thương Xót, ngày thứ nhất)

 


 

 

07/07/12 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN
Mt 9,14-17

 

CANH TÂN ĐỜI SỐNG ĐẠO


“Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai.” (Mt 9,17)


Suy niệm: “Rượu mới bầu da mới” đã thành một qui luật tồn tại. Qua mọi thời, Giáo Hội vẫn luôn đi tìm những hình thức mới chuyển tải sứ điệp Phúc Âm để người đương thời có thể tiếp nhận được. Cũng trong ý hướng đó mà vào ngày 25/01/1959, khi được bầu làm Giáo Hoàng mới chỉ có ba tháng, đức chân phước Gioan XXIII đã triệu tập công nghị giáo phận Rôma, rồi công đồng chung của Giáo Hội toàn cầu và canh tân giáo luật. Ngài muốn cập nhật (aggiornamento) đời sống Giáo Hội cho thích hợp với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Đây cũng chính là ý hướng chủ đạo của công đồng chung Vatican II mà chúng ta sắp cử hành kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc.


Mời Bạn: Cuộc sống chung quanh ta đang diễn ra với những thay đổi sâu rộng và nhanh chóng: làm ăn, mua sắm học hành, vui chơi, xây cất… Cần tìm ra những cách sống đạo, làm việc tông đồ, sinh hoạt đoàn thể phù hợp với hoàn cảnh mới, bằng không có nguy cơ xơ cứng, xói mòn, lạc hậu, không hiệu quả.


Chia sẻ: Thử canh tân giờ kinh nguyện gia đình: sắp xếp giờ giấc để cả nhà có thể tham dự hoặc thêm phần đọc và suy gẫm Lời Chúa…


Sống Lời Chúa: Tránh thái độ bảo thủ, nhưng biết cởi mở, sẵn sàng lắng nghe những phản biện, những đề xuất mới mẻ giúp cho đời sống đạo mỗi ngày một sống động hơn, linh hoạt hơn.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến đổi mới tâm hồn con trong ân sủng Chúa và giúp chúng con đổi mới cuộc sống chung quanh con.

 


 

 

08/07/12 CHÚA NHẬT TUẦN 14 TN – B
Mc 6,1-6

 

CẢM NHẬN ĐIỀU KỲ DIỆU


“Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc 6,2)


Suy niệm: Người dân Nadarét ngạc nhiên về sự khôn ngoan, về quyền năng của Đức Giêsu, thế nhưng họ lại không tin Ngài, không thán phục Ngài. Bởi vì lòng họ đầy thành kiến về lý lịch, gốc gác họ hàng của Ngài. Họ quá gần Ngài nên không nhận ra sự cao cả, tư cách Con Thiên Chúa của Ngài. Phần Đức Giêsu, “Ngài ngạc nhiên về sự cứng tin của họ.” Có lẽ hôm nay Đức Giêsu sẽ tiếp tục ngạc nhiên về việc cứng tin của ta, sau khi đã biết và đã cảm nghiệm bao việc kỳ diệu Chúa đã làm cho mình.


Mời Bạn: Có những điều diễn ra quá nhiều lần khiến trong cuộc sống khiến chúng ta đón nhận một cách theo thói quen máy móc và rồi không thể nhận ra điều kỳ diệu ẩn chứa trong những dáng vẻ bình thường ấy nữa. Chúa mời gọi chúng ta vượt qua sự quen thuộc ấy để: - nhận ra sự mới mẻ tươi vui của Chúa Giêsu Thánh Thể trong một thánh lễ quen thuộc; - khám phá Thiên Chúa hiện diện nơi một người vẫn gặp mỗi ngày; - cảm nghiệm hồng ân của Chúa trong từng ngày đời sống của chúng ta.


Sống Lời Chúa: 1/ khi tham dự thánh lễ, cố gắng nhận ra ý nghĩa sâu đậm của từng lời kinh, từng cử chỉ, nhất là cảm nếm được niềm vui thanh thoát khi đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể; 2/ nhận ra khía cạnh tích cực của một người quen ta thường có ác cảm.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa hiện diện thật bình thường trong một thứ lương thực quen thuộc: tấm bánh, ly rượu. Chúa cũng hiện diện nơi những con người bình thường và tầm thường quanh chúng con. Xin cho chúng con, đừng vì lớp vỏ quen thuộc mà không nhận ra Chúa. Amen.

 


 

 

09/07/12 THỨ HAI TUẦN 14 TN
Th. Augustinô Dao Rong và các bạn tử đạo
Mt 9,18-26

 

CHẾT LÀ ĐI VÀO CÕI SỐNG


Đức Giêsu nói: “Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Nhưng họ chế nhạo Người. (Mt 9,24)


Suy niệm: Cái chết là một thực tại bí nhiệm và rất khó chấp nhận –dù chúng ta đã chứng kiến và đưa tiễn biết bao người chết. Đối diện cái chết, người ta thường rơi vào hai thái cực: hoặc là tin để rồi chấp nhận; hoặc không tin để rồi nhạo báng những kẻ tin, thậm chí nhạo báng luôn cả Thượng Đế. Chúa Giêsu cho biết cái chết chỉ là một trạng thái tương đối, như là một giấc ngủ. Để minh chứng, Ngài đã đánh thức đứa bé trước sự ngỡ ngàng của đám đông bao quanh, mà trước đó họ cho rằng đứa bé đã chết và chế nhạo Ngài. Cũng thế, với Ladarô, kẻ đã chết chôn trong mồ bốn ngày, Chúa Giêsu bảo “Anh ấy đang yên giấc” và đã đánh thức anh ấy dậy (x. Ga 11,1-44). Chứng kiến Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, nhiều kẻ chế nhạo, nhưng nhiều người đã tin vào Ngài (x. Lc 23,39-43; Mc 15,29-39). Và rồi khi chỗi dậy sau khi ngủ yên trong mồ ba ngày, Ngài đã ấn định ý nghĩa mới của cái chết: từ nay, chết là đi vào cuộc sống vĩnh hằng (x. Mt 28,1-15).


Mời Bạn: Có lẽ chúng ta không kém tin đến mức chế nhạo cái chết, nhưng nếu chúng ta không chuẩn bị cho cuộc sống sau khi chết, chúng ta sống như là mình không chết, thì điều đó càng đáng chế nhạo hơn!


Chia sẻ: Làm sao để có thể củng cố niềm tin vào sự chết?


Sống Lời Chúa: Viếng mộ người thân, cầu nguyện cho họ và suy niệm về cái chết của chính mình.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đánh thức, đừng để con ngủ trước khi chết: ngủ trong đam mê, ngủ trong những thú vui xác thịt… vì như thế, thì có chết hay ngủ cũng chẳng khác chi!

 


 

 

10/07/12 THỨ BA TUẦN 14 TN
Mt 9,32-38

 

THIÊN CHÚA THỂ HIỆN TÌNH YÊU


“Ở It-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ.” (Mt 9,33)


Suy niệm: Thiên Chúa là tình yêu, thánh Gioan định nghĩa như thế (x. 1Ga 4,8.16). Tự bản chất tình yêu là hướng đến tha nhân, quan tâm đến họ và làm cho họ được hạnh phúc. Chúa Giêsu chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, loan báo Tin Mừng cứu độ; đó là những việc làm cụ thể biểu hiện tình yêu của Thiên Chúa. Những hành động yêu thương này làm dân chúng chứng kiến hôm đó phải ngạc nhiên: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ.” Trái tim Chúa vẫn chạnh thương trước đám đông lầm than vất vưởng như chiên không người chăn dắt. Bởi đó, Chúa lại kêu gọi các môn đệ trở nên hiện thân của Chúa trong hành động yêu thương này.


Mời Bạn: Được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, nên cuộc sống con người gắn liền với việc yêu thương. Tình yêu phát sinh và gắn kết nhau trong những mối quan hệ: vợ chồng, cha mẹ-con cái, anh em, bạn hữu. Nhưng yêu thương đích thực hệ tại ở cách thức yêu: Yêu thương như Thầy đã yêu mới là yêu đích thực. Khi chúng ta mang tâm tình của Đấng là Tình Yêu, thì cách thức yêu thương của chúng ta sẽ hoạ lại cách yêu thương của Chúa. Lúc bấy giờ người ta nhìn vào và sẽ nói: tôi chưa hề thấy ai có tình yêu như thế.


Chia sẻ: Bạn cảm nhận niềm vui như thế nào khi bạn thực hiện những hành vi yêu thương như Chúa yêu?


Sống Lời Chúa: Quan tâm thể hiện tình yêu đối với tha nhân bằng con tim rộng mở của Chúa.


Cầu nguyện: Lạy Chúa là tình yêu. Xin cho chúng con cảm nhận được tấm lòng rộng mở của Chúa, để chúng con mở lòng ra chia sẻ lại tình yêu đối với tha nhân.

 


 

 

11/07/12 THỨ TƯ TUẦN 14 TN
Th. Bênêđíctô, viện phụ
Mt 10,1-7

 

THAO THỨC VÌ CÁC CHIÊN LẠC


“Hãy đến với các con chiên lạc nhà ít-ra-en.” (Mt 10,6)


Suy niệm: Chúa Giêsu khi sai các tông đồ đi rao giảng đã căn dặn các ông đừng đến với “dân ngoại” mà chỉ đến với “các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.” Chỉ thị đó không khỏi làm chúng ta thắc mắc: Chúa được sai đến là để cứu chuộc mọi người, và trước khi lên trời, Ngài còn sai các môn đệ đến với mọi dân tộc cơ mà? Vậy tại sao Chúa lại có thái độ phân biệt đối xử, kỳ thị chủng tộc như thế? Các ngôn sứ vẫn ví Ít-ra-en như cây nho được Thiên Chúa yêu quí chăm sóc đặc biệt; vì thế khi Ít-ra-en sống chung với các dân ngoại, bị sa lầy trong việc thờ ngẫu tượng, lạc xa đường lối huấn lệnh của giao ước Thiên Chúa đã ký kết với họ, Ngài đã không đành lòng để họ mãi mãi là những chiên lạc, mà mong muốn qui tụ họ lại thành một đàn chiên. Đó chính là việc ưu tiên hàng đầu trong sứ vụ của Đức Kitô. Vì thế, vừa mới chọn gọi mười tông đồ, Chúa đã sai họ đi ngay đến với các chiên lạc, sứ vụ đầu tiên và cấp bách nhất, trước khi mở rộng ra đến với mọi dân tộc.


Mời Bạn: Trong giáo xứ bạn, nơi bạn sinh sống và làm việc có ai vốn đã là kitô hữu mà nay vì hoàn cảnh nào đó đã không sống đạo không? Bạn có thao thức về điều đó không? Bằng lời cầu nguyện và những hy sinh cũng như bằng cuộc sống bác ái, bạn hãy nói lên rằng đàn chiên Hội Thánh chính là mái ấm gia đình mời gọi họ trở về sum họp.


Sống Lời Chúa: Sống bác ái mỗi ngày với ý thức đây chính là cung cách thiết yếu để sống và loan báo Tin Mừng.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con tấm lòng biết chạnh thương như Chúa, và xin sai chúng con đi để loan báo Tin Mừng tình thương của Chúa cho muôn dân.

 


 

 

12/07/12 THỨ NĂM TUẦN 14 TN
Mt 10,7-15

 

MỆNH LỆNH BẮT BUỘC


Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy rao giảng rằng Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu... khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10,7-8)


Suy niệm: Ta thường cho rằng những lời trên đây là những lời khuyên, muốn làm cũng được, không thích cũng chẳng sao. Đang khi ấy, đây là những mệnh lệnh. Đức Giêsu như một tướng lãnh ra lệnh cho binh sĩ trước khi ra trận, như một vị vua truyền lệnh cho sứ giả, như một ông thầy ra bài cho học trò, như một người kêu cầu bạn bè trợ giúp. Đàng nào cũng là những việc thuộc loại phải làm và phải làm ngay. Xem ra mệnh lệnh truyền giáo, rao giảng Tin Mừng là loại lệnh truyền khẩn cấp, bắt buộc và áp dụng cho mọi người. Có lẽ ta đã quá quen với việc khoán trắng lệnh này cho những người tu hành, mà quên mất đây là lệnh truyền mỗi người giáo dân.


Mời Bạn: Sửa chữa lại một cách nhìn sai về bổn phận của bạn: bổn phận rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho người chung quanh. Đức Giêsu mời gọi bạn thi hành bổn phận này bằng hai cách: lời nói giới thiệu về Nước Trời và việc làm phục vụ cụ thể.


Chia sẻ: Tôi sẽ giới thiệu Đức Giêsu cho người lân cận như thế nào: bằng lời nói? bằng việc làm?


Sống Lời Chúa: Tôi sẽ bắt đầu thi hành bổn phận này bằng cách giới thiệu con người và công trình của Đức Giêsu cho một người bạn chưa biết Ngài.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa đã tin tưởng giao phó việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho chúng con. Chúng con hứa sẽ giới thiệu Chúa cho người khác bằng lời nói và việc làm tốt đẹp của chúng con. Amen.

 


 

 

13/07/12 THỨ SÁU TUẦN 14 TN
Th. Henricô
Mt 10,16-23

 

SỨC MẠNH TRONG YẾU ĐUỐI


“Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác.”
(Mt 10,23)


Suy niệm: Chúa Giêsu tiên báo những các môn đệ của Ngài sẽ bị bách hại. Quả thế, hơn hai mươi thế kỷ qua, thời nào các Kitô hữu cũng bị vua quan, bạo quyền giết hại, thù ghét cách này cách khác. Nhưng lạ thay, Chúa Giêsu không dự phòng cho các môn đệ những chiến lược võ trang để chống lại, mà lại dạy kế ‘đào vi thượng sách’: “Ai bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác.” Hơn nữa, ngay cả khi bị bắt nộp, Ngài cũng chẳng bày cho họ biết phải ăn nói làm sao. Cách ‘ứng phó tình thế’ bạc nhược như thế chẳng khác nào ‘đem con bỏ chợ’! Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn tỏ sức mạnh bằng cách mà loài người cho là yếu nhược, như thánh Phaolô làm chứng: “Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục, và dân ngoại cho là điên rồ… Nhưng cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,23-25).


Mời Bạn: Làm môn đệ đi theo Chúa Giêsu có nghĩa là Ngài thế nào thì bạn theo như vậy. Vì thế chỉ khi nào bạn chấp nhận một Đấng Cứu Thế là Con Thiên Chúa làm người chịu đóng đinh thập giá và bạn chấp nhận từ bỏ mọi sự mà vác thập giá đi theo Ngài, bạn mới đích thực là kitô hữu.


Sống Lời Chúa: Tập lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần để đón nhận những thập giá trong đời sống hằng ngày như thánh ý Chúa.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã gửi những thập giá đến cho con. Xin cho con biết đón nhận chúng như đón nhận thánh ý Chúa.

 


 

 

14/07/12 THỨ BẢY TUẦN 14 TN
Thánh Camilô Lenli, linh mục
Mt 10,24-33

 

“ĐỪNG SỢ” VÀ “HÃY SỢ”


“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” (Mt 10,28)


Suy niệm: Các loài vật trốn chạy mỗi khi có mối nguy hiểm đe doạ tính mạng, nhưng khi bị dồn đến đường cùng chúng lại dám liều chết để chống lại mối đe doạ đó. Chính bản năng sinh tồn thúc đẩy chúng lúc nào biết sợ, lúc nào không biết sợ trước những mối đe doạ tới sự sống còn của chúng. Sự sống còn của người kitô hữu cũng hệ tại ở việc nhận biết điều gì đáng sợ, điều gì không đáng sợ trong cuộc sống của mình. Không đáng sợ là những gì “chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn.” Ngược lại, những gì có thể làm cho cả hồn lẫn xác phải tiêu vong mới là điều đáng sợ.


Mời Bạn: Bao thế hệ kitô hữu, trong đó có cả cha ông chúng ta đã để lại tấm gương can đảm của những người không sợ hãi trước những kỳ thị, bách hại và kể cả cái chết nhưng lại rất sợ tội lỗi là cái còn tệ hại hơn cả cái chết. Phần bạn, bạn đang sợ hãi điều gì? Phải chăng là bệnh tật, đói khát, tai nạn, thậm chí cái chết? Nhưng bạn ơi, những thứ đó “chỉ giết được thân xác chứ không giết được linh hồn”! Chính cuộc sống hưởng thụ ích kỷ, chiều theo đam mê, dục vọng mới là những điều đáng sợ. Mời bạn đặt trọn niềm xác tín vào Chúa để dũng cảm sống làm chứng nhân Tin Mừng và cũng dũng cảm khước từ mọi cám dỗ tội lỗi.


Sống Lời Chúa: Noi gương thánh trẻ Đaminh Saviô, cam kết với Chúa: “thà chết chẳng thà phạm tội.”


Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết “đừng sợ” những người “chỉ giết được thân xác”, nhưng xin giúp con “biết sợ” tội để con luôn bước đi trong đường lối của Ngài.

 


 

 

15/07/12 CHÚA NHẬT TUẦN 15 TN – B
Mc 6,7-13

 

SAI ĐI TỪNG HAI NGƯỜI MỘT


Khi ấy, Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai họ đi từng hai người một. (Mc 6,7)


Suy niệm: “Từng hai người một”, có nghĩa là hơn một người. Nếu hiểu rao giảng Tin Mừng là làm chứng, thì quả thật, hai người là cần thiết, vì: “nhất chứng phi, nhị chứng quả”. Ngoài việc thiết lập tôn chỉ cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu chắc chắn còn nghĩ đến việc hình thành của Giáo Hội sau này. Ngài muốn cho Giáo Hội được hiệp nhất chính trong niềm tin và cả trong hoạt động để củng cố và phát triển niềm tin này. Từng “hai người một” nói lên sự đồng tâm nhất trí mà những người được sai đi phải luôn canh cánh như tôn chỉ hàng đầu. Nguyên việc sống hiệp nhất đã là một lời rao giảng, nên không có gì làm trở ngại cho việc rao giảng bằng đời sống thiếu hiệp nhất.


Mời Bạn: Trong cánh đồng truyền giáo, có những người cảm thấy bị cản trở khi có người anh em cùng làm việc bên mình và với mình. Bạn có thuộc thành phần đó không?


Chia sẻ: Một chuyên gia Nhật chia sẻ với các sinh viên Việt Nam: “Người Việt Nam các anh là những viên ngọc xinh đẹp, chỉ có thể đặt cạnh nhau thôi; người Nhật chúng tôi là những viên gạch, có thể xếp chồng lên nhau để làm nên một toà nhà.” Liệu người Việt Nam Công Giáo chúng ta có vượt qua được lời bình phẩm nhức nhối này không?


Sống Lời Chúa: “Ở đâu có hai ba người họp nhau mà cầu nguyện, Ta sẽ ở giữa họ”… Mời bạn thực hiện lời này trong hoạt động tông đồ của bạn.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người hiệp nhất nên một trong Chúa Ba Ngôi để nhờ đó thế gian tin rằng Chúa quả thật là Đấng Cứu Thế Chúa Cha sai đến.

Nguồn: http://giaophanvinh.net

Read 2687 times Last modified on Thứ bảy, 30 Tháng 6 2012 19:08