Trong việc bị cách ly, tôi tái khám phá việc cầu nguyện
Posted by Ban Biên Tập
Tại Israel, sau khi trở về từ cuộc họp các giám mục vùng Địa Trung Hải diễn ra tại Bari, miền nam nước Ý, Đức TGM Pierbattista Pizzaballa, Giám quản Tông toà Toà Thượng phụ Latin ở Giêrusalem, và một số giám mục đã trở về Israel và bị cách ly 14 ngày theo quy định để phòng ngừa lây lan virus corona. Vatican News đã có một cuộc phỏng vấn với ngài khi ngài đang ở trong giai đoạn cách ly.
Với tình hình phức tạp của việc lây lan virus corona, cộng với việc ngài bị cách ly, Hội nghị toàn thể của Các vị lãnh đạo Công giáo tại Thánh Địa dự kiến diễn ra ngày 10/3 với các đề tài quan trọng, nhưng phải bị huỷ bỏ.
Sau đây, chúng tôi xin gởi đến quý vị nội dung cuộc phỏng vấn:
Thưa Đức Cha, có lẽ việc hủy hội nghị là một quyết định đau đớn?
Nó bị hoãn vô thời hạn vì những lý do thực tế chứ không phải vì sự lựa chọn ý thức hệ, bởi vì hầu hết chúng tôi đều bị cách ly. Chủ đề lần này có một ý nghĩa sâu sắc: Các tín hữu Công giáo và Chính thống giáo trong hôn nhân hỗn hợp; hơn 90% các gia đình Kitô giáo là hỗn hợp. Việc lãnh nhận các bí tích là một vấn đề rất thực tế, không phải là lý thuyết. Trong các nhà thờ của chúng tôi, tất cả mọi người đều được rước lễ. Tuy nhiên, không phải là về vấn đề này mà là lãnh nhận các bí tích, như bí tích hôn phối chẳng hạn: biết thế nào là hôn nhân hỗn hợp hay cách hành xử trong việc giáo dục con cái. Đây là những khía cạnh đến nay đã được sống theo cách riêng, nhưng chúng tôi đang ở trong giai đoạn ngày càng nhiều gia đình hỗn hợp, nên cần có những đường hướng chung. Chúng tôi sẽ thảo luận về điều này khi có thể tổ chức hội nghị toàn thể.
Tại nơi của Đức Cha, các tín hữu sống Mùa Chay thế nào tại thời điểm virus corona?
Trong lãnh thổ của giáo phận có một hoàn cảnh hơi lạ. Tại Jordan thì mọi người vẫn đang sống bình thường: Mùa Chay bắt đầu muộn hơn một tuần vì họ theo lịch Giulianô, Chính thống. Việc đi Đàng Thánh Giá truyền thống thì vẫn diễn ra thường xuyên, các Thánh Lễ sám hối, các chặng đường Mùa Chay tại các giáo xứ khác nhau.
Còn tại Palestine thì bị chặn hoàn toàn do virus corona: nhà thờ chỉ mở cửa cho việc thờ phượng cá nhân, cộng đoàn thì chỉ được phép quy tụ các nhóm không quá hai mươi người hoặc nếu diễn ra ngoài trời.
Tại Israel thì có một cách thức chưa rõ ràng, chúng tôi đang chờ đợi các biện pháp. Ở Giêrusalem, chúng tôi bắt đầu với các nghi thức phụng vụ của nhà thờ Mộ Thánh, là trung tâm không chỉ của giáo phận Giêrusalem mà còn cả miền Galilê, ở Nazareth.
Trong thời khắc kịch tính mà chúng ta đang trải qua, Đức Cha có cảm thấy đây có thể là một cơ hội để khám phá lại sức mạnh của cầu nguyện và các chiều kích của việc chay tịnh?
Tại đây, việc ăn chay được cảm nhận một cách sâu sắc và đó cũng là một lý do người ta có những lời phê bình phương Tây: phương Tây chỉ ăn kiêng chứ không phải ăn chay. Với chúng tôi, do truyền thống phương Đông và tháng Ramadan của người Hồi giáo, việc ăn chay luôn được cảm nhận một cách sâu sắc, đó là một thời kỳ quyết liệt trong đời sống Kitô hữu. Và việc cầu nguyện phụng vụ cũng vậy. Trong thời gian đặc biệt này, chúng tôi đang thúc đẩy các linh mục cầu nguyện nhiều cùng với các gia đình. Chúng tôi tìm cách cố gắng lấy lại những khía cạnh này.
Mùa Chay, sống trong bối cảnh thảm kịch của đại dịch, có thể biến thành cơ hội để đến gần hơn với những người đau khổ, cả về xã hội lẫn chính trị, mà Thánh địa đã phải gánh chịu trong thời gian dài?
Với chúng tôi, chính trị luôn là cơ hội để cầu nguyện và hoán cải. Thật không may, chính trị từ lâu đã có nhiều thiếu sót và tạo ra nhiều hoàn cảnh đau khổ: tôi nghĩ đến tất cả người dân Palestine. Đây không phải là một điều mới lạ của Mùa Chay mà là một Mùa Chay kéo dài, đã tiếp diễn trong nhiều năm. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại là một cơ hội để chúng tôi thực sự tự vấn.
Về cá nhân Đức Cha, ngài đang trải qua những ngày cách ly như thế nào?
Việc cách ly sẽ kết thúc vào thứ Sáu tới. Tôi có thể nói rằng đối với tôi đây là một cơ hội tuyệt vời để cầu nguyện nhiều hơn, ở nhà và làm những việc mà trước đây hoãn lại vì quá nhiều hoạt động. Nhịp sống chậm lại là điều tốt. Tôi có thể suy nghĩ về những gì đang xảy ra với cộng đoàn của mình và đào sâu hơn cảm thức liên đới với các nạn nhân của virus khủng khiếp này.
Federico Piana - Vatican