Ở đời, chả ai học được chữ ngờ ! Và, ngày hôm nay, cả thế giới cũng chả ai học được chữ ngờ ! Chữ ngờ ấy càng ngày càng lớn khi số người tử vong vì cơn dịch gia tăng đến mức chóng mặt.
Với tốc độ phát triển kinh tế chóng mặt, ta thấy con người dường như không còn ở trong nhà nhiều như thời trước. Cứ mỗi sáng mở mắt dậy, sau đôi phút làm vệ sinh cá nhân hay cùng lắm điểm tâm chút gì đó (đa phần là điểm tâm ngoài đường) thì mạnh cha cha phóng ra đường, mạnh mẹ mẹ phóng ra đường và con cái thì chạy đua đến lớp. Đến trưa thì cũng ngại về và cứ "cơm văn phòng" làm cho đủ bữa là xong. Chiều thì đủ thứ lý do để không hiện diện trong mái nhà thân yêu.
Cũng vì học, cũng vì làm, cũng vì việc cá nhân mà gia đình hiếm khi có những giây phút ở bên nhau. Dẫu biết rằng cơm gia đình rất quan trọng nhưng rồi vì hoàn cảnh, người ta không thể nào có chung với nhau bữa cơm dù lòng rất muốn. Thế nhưng rồi một ngày kia bỗng dưng cô ấy đến ...
Tiếng quốc tế gọi cô ấy là Coronavirus nhưng dễ hiểu hơn là Virus Vũ Hán vì nó xuất phát từ Vũ Hán. Người Việt kêu con virus quái ác Vũ Hán đó bằng cái tên rất thuần Việt : Cô Vy (dễ nhớ hơn, người ta gọi là cô Vy 19 tuổi vì có tên là Covid-19)
Thật vậy, thoạt đầu, khi chưa thấy tác hại của sự hiện diện của Cô Vy thì người ta vẫn còn vui vẻ và dung dăng dung dẻ đi đây đi đó dẫu rằng cũng lo sợ. Thế nhưng đến ngày nay, nhất là khi thấy con số tử vong tăng đến mức đáng sợ ở nước Ý thì không ai bảo ai tự mỗi người phải chọn cho mình một cung cách để đối phó và chống chọi với Cô Vy. Cách mà mọi người đều nhìn thấy là chẳng ai bảo ai, ai ai cũng trở về, trở về với mái nhà thân yêu dẫu rằng khó chịu hay không quen cho lắm vì ở ngoài đường nhiều hơn ở trong nhà. Có những gia đình bận rộn đến độ mái ấm của họ biến thành mái lạnh vì chả ai quan tâm đến ai và chả có ai giành giờ cho ai.
Nếu như trước đây vào những chiều cuối tuần hay mừng kỷ niệm thôi nôi, sinh nhật hay sau hội nghị thì mọi người đều ra quán để kéo ghế. Chén thù chén tạc vui vẻ với nhau để quên đi những lo lắng của cuộc đời. Không chỉ người ta đi 1 tăng mà có thể đến tăng 2 lại 3 tăng và rồi nào là quán bar, quán karaoke cho đến lúc không còn biết gì nữa mới chịu về nhà. Nhiều thành viên trong gia đình vịn cớ tiếp khách, bạn bè, xã giao thì nay lại phải trở về với gia đình thôi vì hàng quán không còn nhộn nhịp như trước.
Lâu nay, nhiều gia đình gọi là nhà nhưng xem chừng chỉ như là quán trọ thì nay đã trở về nhà của mình. Đơn giản là hàng quán đóng cửa cũng như không còn kiểu cách bán cho khách vào ngồi như trước mà chỉ bán để "to go". Cũng chả ai bảo ai, từ đồ ăn đến thức uống, phương án tiện lợi nhất ngày nay người ta áp dụng đó là "to go".
Xem chừng ra Cô Vy đến gây tác hại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến con người nhưng rồi ở một góc cạnh nào đó ta lại thấy gia đình nay được vun đắp hơn, gia đình được mọi người quan tâm đến nhau hơn. Nếu như ngày xưa mạnh ai nấy ăn thì nay gia đình lại quây quần bên nhau trong giờ cơm hơn.
Thật thế, mâm cơm gia đình chính là nơi mà gia đình có thể quy tụ với nhau để san sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn trong cuộc sống. Chính bữa cơm và giờ cơm chung là lúc mà mỗi thành viên trong gia đình kết nối với nhau hơn.
Và đây, khi Cô Vy đến cũng chính là lúc gia đình có cơ hội để trở về với nhau, để làm hòa với nhau, để chung chia buồn vui với nhau hơn. Hy vọng rằng đây cũng là dịp để hàn gắn những bất hòa hay vun thêm tình nghĩa vợ chồng gia đình con cái với nhau thêm nồng ấm hơn nữa.
Người Giồng Trôm