Đại dịch: Dịp trở về với điều thiết yếu để nắm bắt toàn bộ giá trị của cuộc sống
Posted by Ban Biên Tập
Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống tổng kết các biến động do đại dịch gây ra.
Trong một ghi chú được công bố vào ngày thứ tư 22 tháng 7 có tựa đề “Cộng đoàn nhân loại trong kỷ nguyên đại dịch: Suy tư ngược dòng về tái sinh cuộc sống”, Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống đưa ra một bài đọc tâm linh về các biến động do đại dịch Covid gây ra cho hầu hết các cộng đồng xã hội loài người.
“Covid-19 đã làm cho nhân loại đau buồn”, chủ đề của một hiện tượng đã giết hơn 600.000 sinh mạng, các phát triển trong tương lai vẫn còn vô định và lo lắng. “Phải làm gì với tất cả những chuyện này? Làm thế nào để ngăn chúng ta không rơi vào sự trơ ì của tự mãn, hay tệ hơn còn thông đồng với mặc kệ?”, các biên tập viên chất vấn và mời chúng ta “dừng lại để suy nghĩ”, dừng lại nhưng không đồng nghĩa với “không hành động”, là “có một suy nghĩ có thể biến thành lời cảm ơn cho cuộc sống đã được ban cho, và từ đó là lối đi để tới sự tái sinh cho cuộc sống”.
Trước hết là ghi nhận sự đau đớn liên quan đến ảnh hưởng của việc cách ly. Bài viết nhắc lại, hệ quả trực tiếp của toàn cầu hóa, “đại dịch cho chúng ta thấy đường xá trống vắng, thành phố ma, sự gần gũi của con người cũng như cách ly thể lý. Nó lấy đi khỏi chúng ta các vòng ôm chặt, các bắt tay dễ thương, các tình cảm của những nụ hôn và biến mối quan hệ thành tương tác đáng sợ giữa những người xa lạ, sự trao đổi trơ trơ của các cá nhân vô danh bị che dưới lớp y thiết bị bảo vệ. Các hạn chế tiếp xúc xã hội là đáng sợ; nó dẫn đến tình trạng cô lập, vô vọng, tức giận và lạm dụng. Với người lớn tuổi, người ở giai đoạn cuối cuộc đời, sự đau khổ còn rõ rệt hơn, vì đau khổ về thể xác đi đôi với chất lượng đời sống bị giảm, gia đình bạn bè không được đến thăm họ.
Biến ngôn ngữ chiến tranh thành tinh thần nhân ái
Trong một phần có tên “Cuộc sống bị lấy đi, cuộc sống được ban cho: Bài học về sự mong manh”, Hàn lâm viện cũng đặt câu hỏi về tính chất gây lo của ngôn ngữ chiến tranh được dùng để xử lý với các tin tức thời sự. “Các ẩn dụ nổi bật, lan tràn trong ngôn ngữ thông thường nhấn mạnh trên sự thù nghịch và trên cảm nhận có một xâm lấn đang đe dọa: các lời khuyến khích lặp đi lặp lại phải “chiến đấu” chống virus, các bản tin báo chí nghe như “bản tin chiến tranh”, các cập nhật hàng ngày về số lượng người nhiễm bệnh cho ấn tượng của một chiến trường.
Trong các bệnh viện cũng như trong các nhà tù, trại tị nạn và nhà hưu dưỡng, rất nhiều người chết đã làm cho nhân viên và thân nhân bất ngờ. “Chúng tôi đã chứng kiến khuôn mặt bi thảm nhất của cái chết: một số người đã phải cô đơn cả về mặt thể lý lẫn tâm linh, gia đình bất lực, không thể nói lời tạm biệt với họ, cũng không thể có một biểu lộ tôn giáo, một tang lễ phù hợp”.
Nhưng ngoài các tình huống bi thảm này, đại dịch là dịp đi trở về với điều thiết yếu để nắm bắt toàn bộ giá trị cuộc sống. “Bằng chứng đau đớn hiển nhiên về sự mong manh của cuộc sống cũng có thể làm mới nhận thức của chúng ta về bản chất của nó. Trở về với cuộc sống, sau khi đã nếm tác động ngẫu nhiên của nó có phải là khôn ngoan hơn không? Chúng ta sẽ biết ơn nhiều hơn và ít kiêu ngạo hơn chăng?”
Quả đất bất ổn và tâm linh bất ổn
Trong đường hướng Thông điệp Chúc tụng Chúa của Đức Phanxicô, Viện hàn lâm về Sự sống thấy đại dịch Covid liên quan nhiều đến sự hủy hoại trái đất và sự cướp bóc giá trị nội tại của nó. Đó là triệu chứng của một quả đất bất ổn và chúng ta thì không có khả năng quan tâm đến nó; thậm chí còn nặng hơn, đó là dấu hiệu cho sự bất ổn tâm linh của chính chúng ta”. Các suy tư được đưa ra rất cụ thể. “Chúng ta hãy xem các chuỗi liên kết trong các hiện tượng: nạn phá rừng gia tăng làm động vật hoang dã sống gần con người. Từ đó virus động vật truyền sang người, làm trầm trọng thêm thực tế của bệnh động vật truyền qua người (zoonose), một hiện tượng được các nhà khoa học xem là véc tơ của nhiều bệnh. Nhu cầu quá mức về thịt ở các nước phát triển nhất thế giới tạo ra các khu công nghiệp lớn về chăn nuôi và khai thác. Thật dễ dàng để thấy, cuối cùng các tương tác này làm virus tràn lan bằng vận chuyển quốc tế, bằng sự di chuyển hàng loạt của con người, đi du lịch, đi làm ăn.v.v.
Do đó, một nhận thức là rất cần thiết, và nó cần phải có hậu quả thực tế cũng như hậu quả tinh thần. Chúng ta “phải nhận ra rằng chúng ta sống trên trái đất này với tư cách là người bảo vệ chứ không phải là chủ nhân và lãnh chúa. Tất cả đã được trao cho chúng ta, nhưng chủ quyền chúng ta chỉ được cấp, chúng ta không có chủ quyền tuyệt đối. Ý thức về nguồn gốc của mình vừa mang gánh nặng của sự hữu hạn vừa mang dấu ấn của sự mong manh”.
Nhận ra sự mong manh nội tại của thân phận con người
Sự mong manh này cũng có thể làm đảo lộn mối quan hệ của chúng ta với những người khác theo nghĩa tích cực và nhân ái hơn. “Thân phận của chúng ta là một thân phận tự do bị tổn thương. Chúng ta có thể loại bỏ nó như một lời nguyền xấu, một tình huống tạm thời có thể sớm được khắc phục. Hoặc, chúng ta có thể học với một lòng kiên nhẫn khác hơn, có thể đồng thuận với tính hữu hạn, với một độ mềm được làm mới lại, với sự gần gũi kề cạnh và với tính khác biệt xa xôi” Viện hàn lâm nhấn mạnh và mời gọi chúng ta có tâm tình nhạy cảm bén nhạy hơn với đau khổ của các nước nghèo, nơi bệnh dịch cọng thêm vào các đau khổ khác mà các nước giàu thường quá thờ ơ.
Viện hàm lâm lên tiếng: “Đó là về việc mở rộng tầm nhìn về thực tế của con người sống trong các giới hạn bằng chính da thịt mình, có thể nói: trong thử thách hàng ngày để sống còn, để có được các điều kiện tối thiểu nhất để sống, nuôi con ăn, nuôi gia đình, để vượt lên bệnh tật dù các bệnh tật này đã có thuốc chữa hiệu nghiệm nhưng họ không thể có được. Chúng ta hãy nhìn về sự mất mạng sống vô cùng to lớn ở các nước miền Nam: sốt rét, ho lao, thiếu nước sạch, thiếu tài nguyên cơ bản làm cho hàng triệu người chết mỗi năm, một tình trạng chúng ta đã biết từ nhiều thập kỷ qua. Tất cả các khó khăn này có thể được khắc phục bằng các nỗ lực quốc tế và các chính sách dấn thân. Không biết bao nhiêu người sẽ có thể được cứu, bao nhiêu bệnh tật sẽ có thể được xóa bỏ và bao nhiêu đau khổ có thể tránh được!”
Y học phải là không gian hợp tác, chứ không phải là lãnh vực cạnh tranh
Trở lại với bối cảnh đại dịch, các biên tập viên nhấn mạnh các nỗ lực to lớn của các nhân viên y tế, lòng can đảm của họ đã cứu sống nhiều người, đó là bài học được lưu lại trong thời buổi được đánh dấu bởi sức mạnh ảo tưởng của kỹ thuật. Bản ghi nhận nhấn mạnh: “Đáng chú ý, các dịch vụ chăm sóc được tồn tại nhờ sự hy sinh vô bờ của các bác sĩ, y tá và các chuyên gia y tế khác, hơn cả các khoản đầu tư công nghệ”, các khoản đầu tư là trọng tâm các chính sách, không chỉ liên quan đến hệ thống bệnh viện, mà còn liên quan đến y học thành phố, đến các cơ sở y tế xã hội đủ loại và nhất là các nhà hưu dưỡng.
Hơn nữa, hợp tác quốc tế là điều cần thiết để tìm các biện pháp hiệu quả, vì nếu chỉ có các biện pháp địa phương thì không đủ. “Các cộng đồng đã chiến đấu một cách đáng vinh danh, bất chấp tất cả mọi thứ, đôi khi chống lại sự bất lực của giới lãnh đạo chính trị để đưa ra các mô thức đạo đức, tạo các hệ thống quy phạm, để tái tạo cuộc sống dựa trên tinh thần đoàn kết và quan tâm lẫn nhau”, nhưng các Quốc gia cũng phải đảm nhận phần trách nhiệm của họ. Viện hàm lâm lo ngại vì: “Đôi khi một số quốc gia chơi trò hoài nghi lẫn nhau. Sự thiếu liên kết tương tác này được thấy trong các cố gắng tìm thuốc chữa và tìm vắc-xin“, Viện không trực tiếp nêu tên nước Mỹ, nhưng tố cáo các quốc gia rời bỏ chủ nghĩa đa phương và lãnh vực cộng tác không thể thiếu của Tổ chức Y tế Thế giới.
Đối diện rủi ro với trách nhiệm và chủ nghĩa hiện thực
Nhân loại phải hiểu có một một loại “đạo đức rủi ro”. “Trước tiên chúng ta phải đánh giá cho được, có một thực tế rủi ro hiện hữu: chúng ta tất cả đều có thể bị bệnh tật, bị chiến tranh, tai ương giết chết. Trước vấn đề này, phải thấy các trách nhiệm chính trị và đạo đức có thể có đối với các tổn thương của các cá nhân có nguy cơ cao với sức khỏe, với tính mạng và nhân phẩm của họ”.
Đại dịch phải thúc đẩy chúng ta “tiếp cận và định hình lại các chiều kích cấu trúc của cộng đồng thế giới, áp bức và bất công, những người xem hiểu biết về đức tin là “cơ cấu của tội lỗi”. Một trong các phát triển cấp bách nhất là đưa nghiên cứu y tế phục vụ tất cả mọi người, đi ra khỏi lô-gích buôn bán và cạnh tranh. Viện hàm lâm khẳng định: “Lợi ích của xã hội và đòi hỏi cho lợi ích chung trong lĩnh vực sức khỏe phải đi trước các lo âu lợi nhuận. Và điều này là do các khía cạnh công cộng của việc nghiên cứu không thể bị hy sinh vì lợi ích cá nhân. Khi cuộc sống và hạnh phúc của tập thể bị đe dọa, lợi nhuận phải xuống hàng thứ nhì.”
Tất cả không nên dựa trên các Quốc gia
Mỗi người phải nhận phần trách nhiệm của mình trong nỗ lực đoàn kết, không mong chờ Quốc gia. Viện nhấn mạnh: “Để làm nhẹ bớt hệ quả của cuộc khủng hoảng, chúng ta phải bỏ quan niệm ‘giúp đỡ đến từ chính quyền’ như thử giúp đỡ này đến từ một ‘chúa máy móc’ để mọi công dân có trách nhiệm, ra khỏi phương trình, tránh việc theo đuổi lợi ích cá nhân của họ. Sự minh bạch của các quy tắc và chiến lược chính trị, cũng như sự liêm chính trong các quy trình dân chủ đòi hỏi một cách tiếp cận khác”.
Ngưỡng rủi ro được chấp nhận và sự đoàn kết trong rủi ro là những câu hỏi cần được làm rõ trong tổ chức xã hội, vì chúng ta biết zero rủi ro là chuyện không thể. Do đó, kết luận của tài liệu là lời kêu gọi trí thông minh và trách nhiệm của mỗi người, chống lại nguy cơ của một chế độ độc đoán làm ấu trĩ người dân: “Các giải pháp pháp lý cho các cuộc xung đột trong việc quy lỗi và lên án cho hành vi cố ý sai trái hoặc coi thường, đôi khi cần thiết phải xem đây như một công cụ của công lý. Tuy nhiên các giải pháp này không thể thay thế niềm tin là chất tương tác của con người. Chỉ có niềm tin mới đưa chúng ta vượt qua khủng hoảng, vì cuối cùng chỉ dựa trên niềm tin cộng đoàn nhân loại mới phát triển”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch