Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 25 Tháng 12 2020 14:57

‘I LOVE YOU’, ‘JE T’AIME’, ‘TA YÊU CON!’

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  ‘I LOVE YOU’, ‘JE T’AIME’, ‘TA YÊU CON!’

 

“Khắp nơi trên cõi đất này, đã từng là từng xem thấy, xem thấy ơn cứu độ của Chúa chúng ta”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Lời đáp ca đại lễ Giáng Sinh nhắc chúng ta rằng, ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho con người cách tỏ tường, khắp nơi nơi trên cõi đất này đã hơn 2,000 năm, để hôm nay, thế giới hân hoan mừng sinh nhật lần thứ 2020 của Con Một Người, “Khắp nơi trên cõi đất này, đã từng là từng xem thấy, xem thấy ơn cứu độ của Chúa chúng ta”.

 

Thế nhưng, chúng ta tự hỏi, đến với con người, Thiên Chúa đã dùng ngôn ngữ nào? Người không dùng một ngoại ngữ nào khác ngoài ngôn ngữ của chính con người để đối thoại với nó, và tựu trung, Thiên Chúa ấy chỉ muốn nói với con người rằng, ‘I love you’, như tiếng Anh; ‘Je t’aime’, tiếng Pháp; ‘Ti amo’, tiếng Ý; và ‘Ta yêu con!’, tiếng Việt”.

 

Bài đọc thứ nhất, Isaia nói, “Đẹp thay trên núi trên đồi, bước chân người loan báo Tin Mừng, người công bố lời bình an, người loan tin hạnh phúc, người công bố lời cứu độ”, nghĩa là, đẹp thay người loan báo rằng, “Thiên Chúa yêu thương con người”. Cho đến hôm nay, Thiên Chúa đó vẫn đang nói với con người, không còn qua các tổ phụ, các ngôn sứ, nhưng qua Lời Chúa, qua các bí tích, qua những con người đang được sai đi, để nói với con người cũng một lời yêu thương muôn thuở ,‘Ta yêu con!’. “Thiên Chúa yêu thương con người” là nội dung sứ điệp thiên thần báo cho các mục đồng đêm Giáng Sinh đầu tiên, “Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em”. Tác giả thư Do Thái hôm nay xác tín, “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Người phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”. Và đây, Thánh Gioan đã nói đến Người Con ấy trong Lời Tựa Tin Mừng mình mỗi năm được đọc một lần vào lễ sáng Giáng Sinh, “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời là Thiên Chúa”.

 

Anh Chị em,

 

Một lần nữa, Tin Mừng ngày đại lễ mặc khải cho chúng ta các mầu nhiệm lớn lao của Kitô giáo: mầu nhiệm Thiên Chúa Tình Yêu thể hiện cụ thể qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Lời tựa Tin Mừng Gioan được coi như tinh hoa của Tân Ước, danh xưng “Ngôi Lời” vốn chỉ có trong Phúc Âm Gioan, một thánh sử, được ví von như chim phượng hoàng của sách Khải Huyền, chấp cánh bay vút lên, vượt ba tác giả Phúc Âm nhất lãm. Bằng một cái vỗ thật mạnh, phượng hoàng Gioan cất cánh bay cao, cao thật cao, cao đến nỗi không còn thấy mây trời và mất hút trong đó. Để rồi, với một đôi mắt tinh tường, một lòng mến sắt son, phượng hoàng Gioan có một cái nhìn xuyên suốt không gian để lên tận mút thời gian; ở đó, nhà thần nghiệm kiệt xuất tiên khởi cung chiêm Ngôi Lời vốn đã có từ nguyên thủy nơi cung lòng Cha nay làm người cư ngụ giữa chúng ta, gò bó trong không gian, chật vật với thời gian để có thể thì thầm bên tai mỗi người, ‘Ta yêu con!’.

 

Có thể nói đây là một mặc khải rộng lượng chưa từng có mà Thánh Thần đã linh hứng cho Gioan để Gioan viết xuống với ngòi bút của vị tông đồ được Thầy yêu cách riêng; một mặc khải không dè giữ về mầu nhiệm Ba Ngôi, mầu nhiệm Nhập Thể, những mầu nhiệm cốt lõi của Kitô giáo. Và thật tài tình, tác giả Tin Mừng thứ tư đem so sánh Gioan Tiền Hô, tiếng kêu trong sa mạc với Chúa Giêsu Ngôi Lời, Đấng đến từ trời; một phàm nhân giới hạn đem so với Đấng vô hạn, một cái gì trong thời gian đem sánh với cái vô cùng vượt thời gian. Phải, Gioan chỉ là tiếng, Chúa Giêsu mới thật là Lời. Vị tông đồ viết, “Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan; ông đến để làm chứng về ánh sáng. Ông không phải là ánh sáng nhưng Ngôi Lời mới là ánh sáng thật. Ngôi Lời đến từ Thiên Chúa, có từ nguyên thủy, và Ngôi Lời cũng là Thiên Chúa”. Gioan Tiền Hô chỉ là tiếng, Chúa Giêsu mới thật là Lời. Chỉ là tiếng, nghĩa là một cái gì vô nghĩa và chóng qua; đang khi Lời, một cái gì lấn lướt thời gian, vượt quá không gian để muôn đời còn mãi.

 

Anh Chị em thân mến,

 

Với chúng ta, có lẽ hơi khó hiểu; thế nhưng, khi đọc Kinh Cầu Hài Đồng và dừng lại ở câu “Hài Đồng là Lời mà thẳm lặng” và lời nguyện “Xin cho chúng con đặng biết sự khôn khéo Chúa Con nơi Hài Đồng, phép tắc nơi thơ yếu, oai nghi nơi thấp hèn” thì những suy tư này xem ra không còn tối tăm. Bỏ lời đi, tiếng không còn gì và ở đâu chỉ có tiếng, ở đó chẳng có gì để hiểu; cũng như ở đâu không có lời, ở đó chỉ là tiếng vang, những âm thanh trống rỗng, ồn ào. Không có lời, tiếng chỉ vọng vào tai; không có lời, tiếng sẽ vô hồn chứ không cảm hoá hồn. Gioan Tẩy Giả chỉ là tiếng, làm chứng cho Lời; chỉ là đèn, làm chứng cho ánh sáng. Ngôi Lời mới là ánh sáng thật; không có mặt trời, ngôi sao chỉ loé sáng với ánh sáng ảo.

 

Vậy mà Lời đó đã đến cư ngụ giữa chúng ta, làm người như chúng ta, đau đáu với những buồn vui nhân sinh. Lời đó chính là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đến ngỏ với chúng ta những lời yêu thương với ngôn ngữ của trái tim, ngôn ngữ của thương xót, rằng, Thiên Chúa là tình yêu; rằng, Người yêu con người đến mê mệt; rằng, Người muốn cứu độ con người bất cứ giá nào. Và đó chính là ý nghĩa tròn đầy gãy gọn nhất của lễ Giáng Sinh.

 

Ngày xửa ngày xưa, có một chú bé Phi Châu đen thủi đen thui tên là Emmanuel. Chú ta luôn thắc mắc, “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào?”. Chú hỏi thầy giáo, thầy giáo gãi đầu; chú hỏi các bậc thức giả, họ ngẩn ngơ. Thế là chú càng thắc mắc, chú rảo khắp vùng dò hỏi các bô lão ở những làng kế cận cũng một câu hỏi, nhưng họ cũng mù tịt. Thế nhưng, Emmanuel vẫn tin, có người biết điều ấy. Vì thế, chú lên đường đến những quốc gia và cả những đại lục khác để tìm hỏi, nhưng đâu đâu chú cũng không nhận được câu trả lời. Cho đến một đêm nọ, kiệt sức, Emmanuel đến một ngôi làng có tên là Bêlem. Chú cố tìm chỗ nghỉ trong hàng quán, nhưng tất cả đều đã đầy người; chú quyết định tìm một chỗ ngoài thành để nương thân. Quá nửa đêm, chú tìm được một hốc núi, nhưng khi bước vào, chú nhận ra đã có một đôi vợ chồng và một hài nhi ở đó. Nhìn thấy chú, bà mẹ trẻ liền nói, “Hân hạnh đón chào Emmanuel, chúng ta đang chờ con”. Chú bé sửng sốt vì làm sao người mẹ trẻ này biết tên chú? Và càng ngạc nhiên hơn khi nghe cô ấy nói, “Đã từ lâu, con tìm kiếm khắp nơi để hỏi xem Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Giờ đây hành trình của con kể như đến đích, đêm nay chính mắt con sẽ thấy, tai con sẽ nghe, Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Này con, Ngài nói bằng ngôn ngữ tình yêu, “Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người”. Trái tim Emmanuel như ngừng đập, chú nghẹn ngào quỳ gối trước hài nhi và bật khóc vì vui mừng. Giờ đây chú đã biết, Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng của tình yêu, tiếng mà mọi người thuộc bất kỳ dân tộc nào, thời đại nào cũng đều có thể hiểu. Sau một vài ngày giúp đỡ thánh gia, Emmanuel chia tay, không phải để về nhà nhưng để đi loan báo cho mọi người ngôn ngữ Thiên Chúa dùng, Người nói bằng thứ tiếng của tình yêu.

 

Lủi thủi một mình, Emmanuel vừa rảo bước vừa suy nghĩ, “Nếu tôi muốn kể cho mọi người biết Thiên Chúa dùng thứ tiếng nào để nói, thì chính tôi cũng phải thông thạo tiếng Chúa nói, đó là ngôn ngữ tình yêu. Kể từ ngày đó, trên đường về, Emmanuel tỏ ra thân ái với mọi người, giúp đỡ họ hết sức có thể; đó chính là thứ tiếng duy nhất mọi người trên thế gian đều hiểu được. Emmanuel đã nói qua việc làm bằng ngôn ngữ của tình yêu. Có một điều Emmanuel khám phá ra, là khi chúng ta nói với ai đó bằng thứ tiếng của tình yêu, thì họ cũng sẽ nói lại với chúng ta bằng thứ tiếng ấy.

 

Kính chúc Anh Chị em một Mùa Giáng Sinh và Một Năm Mới tràn đầy tình yêu, hồng ân và niềm vui của Chúa, một Thiên Chúa đã thắp sáng, đã nói lời yêu thương với thế giới, với mỗi người rằng, ‘Ta yêu con!’. Đến lượt chúng ta, đừng sợ phải ra đi loan báo và trở nên lời yêu thương, ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa cho một thế giới giàu nhiều sự, nhưng quá nghèo tình thương.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, xin dạy con biết dùng ngôn ngữ của tình yêu để nói với mọi người, cả với những người hiềm khích với chúng con, con sẽ nói với họ, ‘I love you!’”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

 

Read 301 times Last modified on Thứ bảy, 26 Tháng 12 2020 07:51