Cơm chung với mấy người quen, đặc biệt với vị Hòa Thượng quý mến, Cha Quản Hạt "kê" tôi vì tôi gốc Huế với câu vè mà ai cũng biết :
Huế mộng Huế mơ
Lơ mơ mất dép !
Thôi thì tôi nói luôn cho Hòa Thượng nghe :
Cho con xin cải chính tí rằng thì là Cha Quản Hạt nói đúng nhưng chưa chuẩn, phả nói thế này :
Huế mộng Huế mơ
Lơ mơ mất dép !
Hòa Thượng coi chừng con đó nha ! Lơ mơ là Hòa Thượng mất bóp chứ không mất dép đâu !
Huế ! Tình yêu của tôi ! Đúng vậy ! Tôi hãnh diện tôi là người Huế.
Huế đẹp thật ! Huế mộng Huế mơ và êm đềm thật với sông Hương núi Ngự thật "dẹ dàng".
Mơ ! Cuộc đời ta ai ai cũng mơ ước vì cơ bản mơ ước không mất tiền.
Linh mục mơ sẽ có những giáo dân tốt lành, đạo đức, năng đọc kinh dự Lễ ... vân vân và vân vân. Và, điều mà linh mục nào cũng ao ước đó là làm sao mình giảng thật hay, mình giảng hùng biện, mình giảng đi vào lòng người. Chính vì lẽ đó, nhiều vị đã cố gắng hết sức để đưa bài giảng đến cho dân mình.
Thế nhưng rồi, trước thực tại của cuộc sống ngày hôm nay, nhất là khi đối diện với bài giảng, với Lời Chúa là vấn đề mà ta cần suy nghĩ.
Cha con nhiều khi vui vẻ tâng bốc nhau nào là Cha đó giảng hay lắm ! Đức Cha kia giảng dí dỏm lắm ! Cha kia giảng tuyệt vời ! Cha kia giảng không buồn ngủ ... ! Nghe mà phát thèm vì lẽ mình còn đầy giới hạn để rồi giảng là điều mà phải nói mình rất sợ trước khi lên tòa giảng. Sợ lắm vì ngôn từ của mình hạn hẹp, sợ lắm vì trí thông minh của mình giới hạn và nhất là khả năng không có.
Với ý thức như vậy nên khi giảng, tôi chỉ nhắm đến Lời Chúa và phân tích ý nghĩa cùng với lời Chúa muốn nói, tâm tình Chúa trao ban chứ không dám nói đến chuyện nào khác. Dường như Thánh Lễ nào cũng chỉ xoáy vào Tin Mừng, vào các bài đọc.
Sáng hôm nay, như thường lệ, sau khi ngồi xuống, tôi hỏi giáo dân thân yêu của tôi về ý của đoạn Tin Mừng vừa nghe thì nhận được phản hồi im lặng ! Một sự im lặng đáng sợ và đáng ngờ !
Sợ và ngờ vì có thể nói đây là những giáo dân "ruột". Giáo dân này dường như ngoan đạo vì ở nội trú nên ngày nào có khi không muốn cũng phải dự Lễ. Ấy vậy mà ...
Một ngày đẹp trời, tôi làm bảng khảo sát về chuyện nghe Lời Chúa trong Thánh Lễ, đọc Thánh Kinh trong đời sống thường ngày. Một Giáo Lý Viên khai thật với tôi về đời sống đạo, đời sống đức tin. Có lẽ dài dòng không tiện nói. Điều tôi băn khoăn và suy nghĩ về chuyện Lời Chúa. Ai ai cũng tha thiết mang Lời Chúa, đưa Lời Chúa vào cuộc sống. Thế nhưng rồi thực tế Lời Chúa ấy được gieo như thế nào và nhận như thế nào.
Thằng bé mới ra trường, chân ướt chân ráo với lòng nhiệt huyết tông đồ và mục vụ. Thánh Lễ không dài, không hoa mỹ, không chau chuốt, chỉ Lời Chúa và Lời Chúa. Mới vừa công bố cũng như nghe các bài đọc xong nhưng khi hỏi lại thì ... không ai nhớ !
Đến bây giờ cũng vậy ! Có khi đi giảng tĩnh tâm mùa Chay, mùa Vọng hay dịp này dịp kia, khi soạn bài thì điều đầu tiên tôi làm đó là chọn chủ đề và kế đến là chọn Lời Chúa cho phù hợp để đưa Lời Chúa đến cho mọi người. Hay là trong các Lễ an táng và Lễ Hôn Phối, tôi cũng đã cố gắng kết nối các bài đọc và có khi kết cả Thánh Vịnh đáp ca vào bài giảng. Tiếc thay rằng khi ra giảng, hỏi ngay cái người đọc đáp ca hay hát Thánh Vịnh họ cũng không nhớ họ vừa hát cái gì và đọc cái chi ?
Không phải viết những dòng này để chỉ trích, để lên án hay gọi là bất mãn. Đừng nghĩ thế tội nghiệp cho tôi. Tôi không có ý phê phán hay bình phẩm nhưng muốn mọi người cùng nhìn lại cung cách tham dự Thánh Lễ và nhất là thái độ cũng như tâm tình trước Lời Chúa, trước Thánh Vịnh.
Có nhiều người thật dễ thương, đơn sơ đến để hỏi tôi giải thích những câu Lộc Lời Chúa là Thánh Vịnh mà họ bắt được. Đó là những người còn có cảm tình với Lời Chúa và muốn nghe Chúa nói gì với mình trong năm mới. Thế nhưng rồi có mấy ai nhớ cái Lộc Lời Chúa mà mình bắt được để suy nghĩ và chọn cho mình lối đi theo Lời Chúa. Dường như, không dám nói quá là tranh nhau lên lấy và khi mở ra câu nào không ưng ý đổi ... câu khác theo ý mình hơn.
Đổi Lộc Lời Chúa theo ý mình hơn là chuyện thường thấy và dễ hiểu. Và chuyện nghe Lời Chúa, suy gẫm và sống cũng thế ! Những câu nào dễ nghe thì thích còn những câu chói tai thì dường như không để ý.
Thế đó ! Một thực tại rất thực tại về Lời Chúa mà từ linh mục đến giáo dân phải nhìn lại.
Dịch Kinh Thánh, in Kinh Thánh, rao truyền Kinh Thánh ... là nổ lực của rất nhiều người nhưng đón nhận Kinh Thánh, nghe và sống Lời Chúa lại là nổ lực cũng như cố gắng của mỗi chúng ta. Nhà nào dường như cũng có quyển Thánh Kinh nhưng thật lòng với nhau mỗi năm ta cầm đến quyển sách quý nhất đời ta được mấy lần !
Thôi thì bớt mộng mị lại về chuyện Lời Chúa.
Cứ ngỡ mình nói hay, cứ ngỡ mình nói hay nhưng Lời Chúa mình công bố có ai nhớ đâu ? Có chăng họ nhớ những gì khác chứ không phải là Lời Chúa. Mơ mơ mộng mộng làm gì khi hỏi đến Lời Chúa vừa công bố tìm người nhớ dường như không có.
Hãy nhìn lại thực tại để trở về với Lời Chúa là nguồn mạch sự sống của đời ta. Chỉ có Lời Chúa mới là lương thực nuôi linh hồn Kitô hữu. Khi và chỉ khi người Kitô hữu để cho Lời Chúa chiếu soi dẫn lối đời mình thì đời người đó sẽ bình an và bước đi vững vàng với Chúa trong cuộc sống đầy cam go thử thách chốn trần gian này.
Lm. Anmai, CSsR