“Đấng quý vị thờ mà không biết, thì tôi xin loan báo Người cho quý vị”.
Socrates, người đặt nền móng cho nền triết học phương Tây, 400 năm trước Chúa Giáng Sinh. Suốt đời, Socrates không viết ra bất cứ điều gì; triết học của ông được biết qua Plato, môn sinh nổi tiếng. Ông không nhận mình là một thầy dạy, chỉ tự cho mình là một bà đỡ ‘giúp đứa trẻ tự chào đời’, “Tôi không thể dạy ai một thứ gì; tôi chỉ có thể khiến họ suy nghĩ!”; “Mẹ tôi đỡ đẻ cho sản phụ, tôi đỡ đẻ cho những bộ óc!”. Cuối đời, ông bị cáo buộc đã làm hư hỏng giới trẻ, bất kính với Athêna; bị giam, buộc uống thuốc độc. Câu nói bất hủ của ông, “Tôi chỉ biết một điều, tôi không biết gì cả!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật trùng hợp khi các bài đọc Lời Chúa hôm nay cũng nói đến việc ‘biết và không biết’. Đặc biệt, một trùng hợp thú vị hơn, khi những người của chính thành phố xưa đã giết chết Socrates biết rằng, có thần minh, nhưng họ lại không biết rõ vị thần đó là ai; cũng như chúng ta biết Thiên Chúa, biết Chúa Giêsu, nhưng không bao giờ có thể biết được Ngài trọn vẹn.
Công Vụ Tông Đồ tường thuật chuyến dừng chân của Phaolô ở Athêna, thành phố của các triết gia cổ đại. Phaolô tinh ý nhìn thấy một bàn thờ của họ ghi, “Kính Thần vô danh”; lập tức, ông lên tiếng, “Đấng quý vị thờ mà không biết, thì tôi xin loan báo Người cho quý vị”. Sau đó, Phaolô tiếp tục nói với họ về những gì họ ‘biết và không biết’ rằng, vị “Thần vô danh” mà họ chưa biết đó chính là Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải chính mình trong cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu; Ngài là “Thiên Chúa, Đấng đã tác tạo vũ trụ và vạn vật trong vũ trụ, Ngài là Chúa trời đất”. Một cách trùng hợp, Thánh Vịnh đáp ca lại gợi lên ‘sự hiểu biết’ này, “Trời đất đầy vinh quang của Chúa”.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ về những điều họ ‘biết và không biết’, “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được”. Là Kitô hữu, chúng ta nhìn nhận Chúa Giêsu, Đấng đã làm cho Thiên Chúa được nhận biết; Ngài là lẽ thật, là sự mặc khải của Thiên Chúa, cũng như mặc khải mục đích hiện hữu của cuộc đời mỗi người. Như thế, một khi biết Chúa Giêsu, chúng ta biết Thiên Chúa. Tuy nhiên, sẽ không bao giờ chúng ta biết Chúa Giêsu một cách trọn vẹn trong cuộc đời này; bao lâu còn trên dương thế, chúng ta chỉ luôn ở trong hành trình hướng tới việc hiểu biết Ngài mà thôi! Ấy thế, việc hiểu biết Chúa Giêsu không phải là một hiểu biết trí tuệ nhưng là một hiểu biết của con tim, một sự hiểu biết vốn chỉ có thể là hoa trái của tình yêu. Và đó chính là lý do tại sao Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay, “Khi Thần Chân lý đến, Ngài sẽ dạy các con biết tất cả sự thật”; ý Ngài muốn nói, để có thể hiểu biết Ngài trọn vẹn, chúng ta nhất định phải có sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.
Thật bất ngờ! Nếu Chúa Giêsu làm cho Thiên Chúa được nhận biết, thì chính Ngôi Ba Thiên Chúa sẽ làm công việc này để chúng ta có thể nhận biết Chúa Giêsu! Chính Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn. Thú vị thay! ‘Sự Thật toàn vẹn’ đó chính là Chúa Giêsu, Đấng đã nói, “Thầy là Đường, là Sự Thật”. Vì thế, mỗi ngày, nếu khao khát muốn biết tất cả Sự Thật Giêsu, chúng ta phải để cho chính Thánh Thần đưa chúng ta vào hành trình này, hành trình hướng tới Giêsu, Chân Lý vẹn toàn. Chính Thánh Thần là Đấng làm cho tình yêu của Chúa Giêsu trở nên hữu hình đối với chúng ta, và chính Ngài lại hướng chúng ta về phía tình yêu của Chúa Giêsu; Ngài là Đấng đưa chúng ta đến sự hiểu biết về Chúa Giêsu một cách trọn vẹn hơn ai hết.
Anh Chị em,
Chúa Giêsu là Đấng mà chúng ta vừa ‘biết và không biết’, vì nếu biết Ngài trọn vẹn, chúng ta đã nên thánh từ lâu. Biết Ngài, nhưng chúng ta không biết Ngài yêu chúng ta đến mức nào, đến mức chết trên thập giá để chuộc lại chúng ta. Biết Ngài, nhưng chúng ta không biết Ngài khao khát chúng ta như thế nào; Ngài ẩn mình trong Bí tích Thánh Thể, chờ đợi chúng ta hầu nuôi chúng ta bằng sự sống thần linh của Ngài. Biết Ngài, nhưng chúng ta không nhận ra Ngài trong anh chị em mình để sống giới răn yêu thương... Như thế, sự hiểu biết Thiên Chúa, hiểu biết Chúa Giêsu của chúng ta sẽ tuỳ thuộc tuyệt đối vào việc mỗi người chúng ta có biết ngoan nguỳ dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần hay không. Chính sự hiểu biết ấy mới có thể biến đổi con người chúng ta. Biết Thiên Chúa là Cha, chúng ta sẽ coi mọi người là anh em. Chỉ có cách này, chúng ta mới có thể nói với người khác như Phaolô, “Đấng quý vị thờ mà không biết, thì tôi xin loan báo Người cho quý vị”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng khoả lấp trong con ranh giới giữa ‘biết và không biết’ Thiên Chúa; xin ngự đến, soi sáng tâm trí con và đốt nóng trái tim con. Xin cho con biết mở lòng ra với Ngài; để mỗi ngày, con một hiểu biết Chúa Giêsu hơn; nhờ đó, con sẽ sớm nên thánh hơn”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)