Những người mang sẵn trong mình dòng máu thiện lương, là những người được Thượng đế tặng cho món trang sức quý báu nhất, lấp lánh nhất.
Năm 1963, một cô bé tên Mary Benny viết thư cho "Diễn đàn báo Chicago", bởi vì cô bé thật sự không hiểu, tại sao cô giúp mẹ đem bánh ngọt đã nướng chín dọn lên bàn ăn , luôn chăm chỉ dọn dẹp nhà cửa, học luôn được điểm cao thì chỉ nhận được một lời khen "con ngoan", mà David – em của cô cái gì cũng không làm, chỉ biết gây sự, học hành cũng không tiến bộ, lại nhận được một chiếc bánh ngọt.
Cô bé muốn hỏi rằng Thượng Đế có công bằng không? Tại sao khi ở nhà hoặc trên trường, cô luôn nhìn thấy những đứa trẻ ngoan như cô bị thượng đế bỏ quên? Tại sao những đứa trẻ rất ngoan, nhưng hễ làm sai một điều gì đó thì luôn nhận được sự "giáo huấn" khắt khe hơn, còn những đứa trẻ bướng bỉnh, khó bảo thì lại hay được nhân nhượng hơn?
Syracuse Custer là người chủ nhiệm chuyên mục nhi đồng của "Diễn đàn báo Chicago", mười mấy năm qua, ông đã nhận được không dưới 1.000 bức thư liên quan đến "Thượng Đế tại sao không khen thưởng người tốt, tại sao không trừng phạt người xấu?" .
Mỗi khi hủy đi một bức thư như vậy, trong tâm ông lại vô cùng nặng nề, bởi vì ông không biết trả lời vấn đề đó như thế nào. Ông không tìm được một câu trả lời thấu đáo nhất để giải thích cho tâm hồn còn non nớt của lũ trẻ về những vấn đề chúng thắc mắc. Ông e sợ nếu không nhận được một lời giải đáp thỏa đáng, bọn trẻ có thể sẽ có những suy nghĩ sai lệch về người tốt- kẻ xấu, dần dà, có thể sẽ hướng chúng theo những thái độ tiêu cực.
Đang lúc ông không biết trả lời thư của Mary thế nào cho tốt, thì một người bạn mời ông đi dự hôn lễ. Có lẽ cả đời ông sẽ luôn cảm ơn hôn lễ đó, bởi vì trong buổi hôn lễ, ông đã tìm được đáp án, hơn nữa đáp án này đã khiến ông nổi tiếng chỉ trong một đêm.
Syracuse Custer nhớ lại hôn lễ kia: Sau khi mục sư chủ trì nghi lễ xong, đến lúc cô dâu và chú rể tặng nhẫn cho nhau, nhưng không biết trời đưa đất đẩy làm sao mà đeo chiếc nhẫn vào tay phải của nhau.
Vị mục sư nhìn thấy việc này, kín đáo nhắc nhở: Tay phải đã hoàn mỹ rồi, ta nghĩ hai con tốt nhất hãy đeo nó bên tay trái.
Syracuse Custer nói rằng lời nói đầy ẩn ý của mục sư đã giúp ông hiểu ra. Tay phải trở thành tay phải, bản thân nó đã vô cùng hoàn mỹ, nên không cần đeo đồ trang sức bên tay phải nữa. Những người tốt kia, sở dĩ thường bị xem nhẹ, không phải bởi vì họ đã vô cùng hoàn mỹ sao?
Ngay sau đó, Syracuse Custer đã đưa ra kết luận:
Thượng Đế cho tay phải trở thành tay phải, chính là khen thưởng lớn nhất đối với nó, cũng vậy, Thượng Đế cho người lương thiện trở thành người lương thiện, chính là khen thưởng lớn nhất đối với bản thân họ. Bởi người có tấm lòng lương thiện luôn là người có tâm hồn lành lặn, an nhiên và tươi đẹp nhất.
Sau khi Syracuse Custer phát hiện ra chân lý này, ông rất đỗi vui mừng, ông lập tức viết một bức thư lấy tựa đề "Thượng Đế cho con trở thành cô bé ngoan, đã là khen thưởng lớn nhất cho con đấy!" gửi trả lời cho Mary Benny, sau khi bức thư được đăng lên "Diễn đàn báo Chicago", không lâu sau, đã được hơn 1.000 tờ báo ở Mỹ và Châu Âu đăng lại, hơn nữa, ngày quốc tế thiếu nhi hàng năm họ đều đăng lại bài báo này.
Gần đây, có một người đã đọc được bài báo đó, sau khi đọc ông đã viết lại trên blog cá nhân của mình rằng: "Dân gian có câu ngạn ngữ: "Thiện có thiện báo, ác có ác báo, không phải không báo, mà chỉ là thời điểm chưa tới". Nếu mỗi người đều trồng một đóa hoa sen trong lòng, thế thì cũng chính là trồng xuống cả từ bi. Chúng ta chỉ cần dùng ánh nắng và mưa móc tưới thẫm cho nó, dùng tấm lòng lương thiện và tình cảm nuôi dưỡng nó, thì sẽ bừng nở đóa hoa tinh khiết. Tôi đã từng vì nhìn thấy người ác quá lâu không bị báo ứng mà cảm thấy nghi ngờ. Bây giờ tôi đã hiểu ra, bởi vì "để cho người ác trở thành người ác, chính là sự trừng phạt của Thượng Đế dành cho họ".
Người làm điều thiện, phúc dù chưa đến, họa đã rời xa; người làm ác, họa dù chưa đến, phúc đã rời xa. Mỗi một con người khi sinh ra đều lương thiện, chỉ vì nhập thế quá lâu, trải qua quá nhiều chuyện, tiếp xúc với quá nhiều người, mới không còn giữ được sự từ bi trong tâm tính. Đây là một quá trình từ lạ lẫm đến quen thuộc, từ giản đơn đến phức tạp, cũng là con đường đời người buộc phải đi qua.
Có những người, vòng qua mấy ngã rẽ, lại gặp lại bản thân lúc ban đầu, nhặt về sự giản đơn, thuần khiết, trong sáng và nhân hậu trong quá khứ. Có những người, trăm chuyển nghìn hồi mới có thể giác ngộ tự nhận thức. Những người mang sẵn trong mình dòng máu thiện lương, là những người được Thượng đế tặng cho món trang sức quý báu nhất, lấp lánh nhất.
Sưu Tầm