Cầu nguyện điều tiên quyết là đặt trọn niềm tin vào Chúa, tín thác nơi tình yêu vô biên của Người như đức tin của viên đại đội trưởng đặt nơi Đức Giêsu, “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đớn đau lắm.” (Mt 8,6). Và Đức Giêsu nói “Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!”. (Mt 8,13). Thiên Chúa luôn mong chờ chúng ta đồng hành với Ngài như một người bạn, một người tri âm tri kỷ đến để chia sẻ cùng Ngài bằng những giây phút thinh lặng nội tâm. Chính Chúa đã nói “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời”. (Mt 6,7).
Cầu nguyện thật ra là một phương cách ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa với biết bao hồng ân Ngài đã ban cho chúng ta trải dài qua cuộc sống nơi trần thế. Chính Đức Giêsu đã dạy chúng ta điều này khi Ngài cầu nguyện bằng một tâm tình mật thiết với Cha của Ngài, “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, …...”. (Mt 11, 25).
Cầu nguyện là trao tất cả mọi đau thương, gian nan, sầu khổ của cuộc đời vào bàn tay quan phòng của Chúa, vì “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. (Mt 11,28).
Cầu nguyện cũng là dịp trải lòng mình ra đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa và dĩ nhiên chúng ta cũng nhận được lời mời gọi hãy tha thứ và làm hoà với người đang bất bình với mình, “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em”. (Mc 11,25).
Cầu nguyện tỏ rõ thân phận, tự nhận mình là kẻ có tội trước mặt Thiên Chúa và tha nhân luôn được Thiên Chúa đoái thương. Người thu thuế xin được ơn tha thứ là nghĩa cử sống trong sự thật, nhận mình là kẻ thấp hèn tội lỗi, “Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’.”. (Mt 18,13).
Cầu nguyện không chỉ nhắm đến những lợi ích của riêng bản thân, mà còn phải lưu tâm đến nhu cầu và hạnh phúc của người khác nữa, không phân biệt người đó là ai, kẻ thù hay bạn hữu. Vì rằng, “...hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”.(Lc 6, 27-28).
Cầu nguyện là con đường thực thi đặc ân làm ngôn sứ rao giảng Tin mừng của Thiên Chúa khắp mọi nơi, bằng chính hành động biểu lộ lòng bác ái nơi tha nhân và lòng trung tín với Thiên Chúa chứ không bằng lời nói suông. “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt7,21).
Cầu nguyện đa phần người ta thường rơi vào trạng thái xin cho và áp đặt cho Chúa những gì mình cần hơn là trao phó tất cả cuộc đời mình cho Chúa quan phòng. Đừng quên rằng chính Đức Giêsu nói “…………... vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin”. (Mt 6, 8).
Cầu nguyện đôi khi có kèm theo những lời thề hứa nếu được Thiên Chúa chấp nhận. Như vậy là chưa cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa và thiếu sự khiêm nhường trước mặt Ngài. Chính Đức Giêsu nói “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả”.(Mt 5, 34).
Cầu nguyện cần có một thái độ kiên trì, bền bỉ trước mặt Thiên Chúa như những “tiếng rên siết” của Chúa Thánh Thần trong chúng ta mà Thánh Phaolô diễn tả, “...; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.”(Rô-ma 8, 26-27). Sự kiên trì và nhẫn nại sẽ được Chúa đáp lời vì Ngài đã hứa, “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”.(Mt 7,7).
Thật vậy, những lời cầu nguyện đơn sơ, chân thành và đầy lòng tín thác vào Chúa quan phòng sẽ được Ngài đoái thương. “Lạy Chúa, con không xin Người làm cho cuộc sống của con trở nên dễ dàng hơn... nhưng xin Người ban cho con sức mạnh để đối diện với tất cả những điều phiền muộn của con. Amen.”.
Trần Đình Khẩn