Cuộc chiến ở Ukraina đã diễn ra được một tuần, và đi cùng với những đau thương tàn khốc của nó là một cuộc chiến khác: cuộc tranh cãi gay gắt của nhiều người về tính đúng sai của cuộc chiến. Cuộc tranh cãi này bùng nổ cách đặc biệt ở Việt Nam, với sự tham gia của cả thế hệ lớn đến thế hệ trẻ, mà nguyên nhân chính yếu có thể vì tính đặc thù lịch sử và bối cảnh địa chính trị hiện tại. Cuộc tranh luận chia ra ba phe khá rõ ràng: một nhóm ủng hộ cuộc tấn công của tổng thống Nga Putin và chính phủ ông ấy; một nhóm ủng hộ cuộc vệ quốc của tổng thống Zelenskyy và nhân dân Ukraine; và nhóm còn lại chỉ khẳng định muốn chống đối cuộc chiến.
Tất nhiên, khi tranh cãi thì người ta sẽ dùng đến các thông tin, từ thông tin về mặt lịch sử cho đến thông tin về địa chính trị và kinh tế, để phân tích, lập luận và đưa ra ý kiến; và thường thì mỗi bên đều đi theo luận cứ riêng của mình. Ở đây tôi không bàn đến những lý lẽ này và những kết luận của chúng; và tất nhiên, tôi không phản đối việc dùng những thông tin về lịch sử và địa chính trị trong tranh luận, vì chúng là một điều cần thiết. Tuy nhiên, quan sát những tranh cãi trên, nhất là từ những người ủng hộ cuộc chiến của ông Putin, tôi để ý đến hiện tượng này: rất nhiều người hầu như chỉ dùng các thông tin (mang tính lý thuyết) để lập luận, rồi thản nhiên đưa ra kết luận của mình. Sở dĩ tôi nói ‘thản nhiên’ vì dường như họ chỉ đặt các lý luận lý thuyết làm trọng tâm cho suy nghĩ của họ, thay vì chú trọng đến những đau khổ và mất mát mà người Ukraine đang phải đối diện trước mắt. Họ dường như không nhìn vào những xác người đổ gục, những vết thương loang máu, những em bé hoảng loạn, hay những ông bố bà mẹ với ánh mắt thất thần. Thậm chí, có người còn chế nhạo những nỗ lực bảo vệ sự sống của người dân Ukraine.
Hiện tượng đó là một vấn đề hết sức nghiêm trọng và đáng suy xét. Lý do là vì đối tượng của cuộc tranh luận này không phải là một bài toán hay một ván cờ, mà là một cuộc khủng hoảng nhân đạo, nơi những con người liên quan đang đối diện với lằn ranh sống chết, tuỳ thuộc vào những quyết định của người khác, trong đó có sự góp phần của chính mỗi người chúng ta. Có những lý lẽ cần phải có thêm nhiều thông tin, nhiều điều kiện và biến số thời gian để xác định tính hợp lý của nó, nhưng việc chọn lựa chống lại các hành động gây đau khổ, nếu hành động đó không phải là điều bất khả kháng, là một lý lẽ chắc chắn đúng đối với lương tâm đạo đức con người. Chúng ta không cần phải dùng các lý thuyết triết học để khẳng định điều này, vì lương tâm chung của nhân loại đã xác định như thế. Thực vậy, nếu chúng ta tạm bỏ qua tất cả các thông tin và lý lẽ lý thuyết, khi nhìn thẳng vào các nạn nhân của một cuộc khủng hoảng nhân đạo và để cho nỗi đau của họ đụng chạm trái tim mình, thì chắc chắn mệnh lệnh trực khởi mà lương tri chúng ta thốt ra là: hãy tìm mọi cách để tránh bớt đau khổ cho họ.
Việc lắng nghe tiếng lương tâm là nền tảng căn cốt mà con người có thể dựa vào để xây dựng cộng đồng của mình, nếu muốn cộng đồng đó còn xứng với danh xưng ‘nhân loại’. Các lập luận lý thuyết khác có thể hợp lý hoặc không, khi xét theo một hệ quy chiếu nào đó; nhưng nếu hệ quy chiếu đó không có nền tảng của tiếng nói lương tâm, nó chẳng thể là hệ quy chiếu của đạo đức nhân loại. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nói rất hay khi suy nghĩ về vấn đề chiến tranh trong thông điệp Fratelli Tutti, số 261, rằng “chúng ta đừng miệt mài trong những tranh luận thuần lý thuyết, nhưng hãy chạm đến thân thể đầy thương tích của các nạn nhân. Chúng ta hãy nhìn vào tất cả những người dân mà việc họ bị giết chết được coi như ‘thiệt hại thứ cấp’. Chúng ta hãy hỏi chính các nạn nhân ấy. Chúng ta hãy nghĩ về những người tị nạn và những người bị xua đuổi, những người đã hứng chịu các hậu quả của phóng xạ nguyên tử hay của những cuộc tấn công hóa học, những người mẹ mất con mình, và những đứa trẻ bị thương tật hay bị tước mất tuổi thơ của chúng. Chúng ta hãy nghe những câu chuyện thực của các nạn nhân này của bạo lực, hãy nhìn thực tại bằng con mắt của họ, và mở lòng ra lắng nghe các câu chuyện họ kể. Nhờ đó, chúng ta có thể hiểu rõ được sự dữ của chiến tranh khủng khiếp dường nào. Và chúng ta cũng sẽ không bối rối khi bị coi là ngây thơ vì chọn lựa hòa bình.”
Trở lại với hiện tượng trong các tranh cãi nói trên, vấn đề đặt ra là dường như nhiều người trong chúng ta đang để cho tiếng lương tâm đó không có chỗ đứng, hay đúng hơn là bị lấn át, bởi những suy luận thuần lý khác. Trong khi đáng ra, như đã nói trên, khi đối diện với một cuộc khủng hoảng đạo đức như cuộc chiến này, lý lẽ của lương tri phải đóng vai trò tiên quyết.
Vậy, nguyên nhân phía sau vấn đề này là gì? Có lẽ có nhiều nguyên nhân, nhất là trong những hoàn cảnh như hệ thống giáo dục ở Việt Nam; tuy nhiên, tôi thiết nghĩ có một nguyên nhân đặc biệt cần nhắc tới: vấn nạn của thời đại “số hoá”. Trong thời đại này, tâm trí chúng ta đang bị “nhồi nhét” quá nhiều thông tin, chưa kể đến việc ta có thể bị nhồi nhét theo một ý thức hệ nào đó; và vấn đề không chỉ là nguy cơ bị rối loạn hay lệch lạc trong biển thông tin đó, mà quan trọng hơn là tâm trí ta bị chúng choán chỗ và chi phối, không còn không gian và thời gian tách mình ra để nối kết với thực tại của cuộc sống. Chúng ta đọc, chúng ta nghe và lập luận, nhưng ta lại không ‘dìm mình’ vào trong cuộc sống thực tế, không nối kết trực tiếp với thực tại, không nhìn thẳng vào anh chị em mình, không đụng chạm đến những thương tích, những vui buồn và hy vọng, những đau khổ và ưu tư của họ. Hay nói cách khác, chúng ta bị cắt đứt khỏi đời sống đầy tính hiện sinh của con người.
Nếu để các thông tin và lý lẽ thuần lý thuyết làm điểm tiên quyết khi đối diện với thực tại đau khổ của tha nhân, thì đó là một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang có nguy cơ trở thành những cỗ máy, những con robot. Một cỗ máy có thể tính toán giỏi, có thể thực hiện dự án tốt, nhưng nó không bao giờ biết giận dữ. Nếu nó có ‘giận dữ’ thì cũng chỉ là thứ giận dữ giả tạo được lập trình mà thôi! Chỉ có con người mới biết giận dữ trước cái ác khi nó gây ra đau khổ cho tha nhân, vì chỉ từ thế giới bao la và sâu thẳm của nội tâm con người – nơi lương tâm ngự trị – tiếng lòng xót xa của ta trước thân phận đau khổ của anh chị em mình mới được vang lên.
Với Ki-tô hữu, Mùa Chay là cơ hội tốt để sửa chữa phần nào vấn đề trên. Trong mùa này, chúng ta đặc biệt được mời gọi hoán cải; và sự hoán cải thật cần thiết trong hoàn cảnh hiện tại chính là hãy để cho mình được kết nối với tha nhân, nhất là những người đang mang thương tích của cuộc chiến tranh này. Chúng ta không chỉ cần cầu nguyện cho họ, nhưng cần mở đôi mắt để nhìn thẳng vào họ, cần để cho trái tim được đụng chạm bởi nỗi đau của họ, và để cho tâm trí thấu cảm cùng những hoảng sợ, những ưu sầu và hy vọng của họ. Đó là cách chúng ta được thực sự nối kết với cuộc sống và với gia đình nhân loại. Nhờ đó, chúng ta có thể cảm nghiệm rõ hơn rằng mình được chia sẻ chung nền tảng nhân tính với mọi người; và nhờ đó, chúng ta hy vọng cùng nhau hàn gắn những vết thương và cùng nhau xây dựng gia đình nhân loại hướng về sự tốt lành như Chúa muốn.
Đó cũng là cách để sống kinh nghiệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su. Ngài không chọn lựa đứng ngoài cuộc hay đứng bên lề để quan sát những thương tích và nỗi đau của nhân loại. Ngược lại, Ngài chọn cách đi vào, đụng chạm, ôm ấp và mang lấy chính những thương tích đó. Ngài đã kết nối với con người qua sự chung chia và mang vác những nỗi đau đó cách tận cùng trong thân phận mỏng dòn của nhân tính, để cuối cùng đưa thân phận đó vào trong vinh quang của Phục Sinh.
Khắc Bá, sj.
https://dongten.net/2022/03/03/chien-tranh-ly-le-va-tieng-luong-tam/