“Như mưa tuyết từ trời rơi xuống, không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất!”.
Trong cuốn “Thoughts in Solitude”, được người viết dịch ra tiếng Việt, “Hoa Trái Thinh Lặng”[1], Thomas Merton viết, “Cuộc sống của con là lắng nghe, Cuộc Sống của Chúa là dạy bảo! Lắng nghe và đáp trả là việc của con; nhờ đó, con được cứu độ. Vì thế, đời con phải lặng thinh!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Cuộc sống của con là lắng nghe, Cuộc Sống của Chúa là dạy bảo!”. Cùng với cảm nhận của Thomas Merton, Lời Chúa hôm nay nói đến sự tĩnh lặng và hoa trái của nó từ một chuyển động kép! Một từ trời xuống, Lời Thiên Chúa; một từ đất lên, lời con người! Lời ân sủng của Thiên Chúa lặng lẽ thấm xuống đất, mạnh mẽ và hiệu năng; “Kinh Lạy Cha” con người thì thầm dâng lên, hiệu năng và mạnh mẽ. Đó chính là ‘hoa trái của thinh lặng!’.
Qua bài đọc thứ nhất, chỉ vỏn vẹn hai câu, Isaia mô tả tuyệt vời Lời kỳ vĩ của trời, “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống, không trở lên trời nữa…; cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả”. Lời Thiên Chúa là Lời biến đổi, Lời nuôi sống, Lời củng cố hy vọng! Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Chúa cứu người hiền đức khỏi mọi nỗi âu lo”.
Với “Kinh Lạy Cha”, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện, không ồn ào, lải nhải. Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Kinh Lạy Cha là ‘ma trận’ của mọi lời cầu nguyện Kitô giáo, tất cả lời cầu của con người đều được thể hiện trong Kinh Lạy Cha. Một mặt, nó như chiêm ngưỡng Thiên Chúa, chiêm ngưỡng sự huyền bí, chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự tốt lành của Ngài; mặt khác, nó như một lời khẩn xin chân thành, can đảm, về những gì chúng ta cần cho cuộc sống, để sống đúng đắn. Chúng ta có một sự chắc chắn rằng, Thiên Chúa yêu tôi; Chúa Giêsu hiến mạng sống cho tôi; Chúa Thánh Thần ở trong tôi. Đó là một bảo đảm tuyệt vời!”.
Cầu nguyện là ‘hoa trái của thinh lặng’; vậy mà, xem ra không ít người coi thường những hoa trái đó! Họ thích nói chuyện, muốn được lắng nghe, nhưng không có cùng sở thích lắng nghe. Chúng ta thường không thể lắng nghe, vì không quen im lặng! Mẹ Têrêxa từng viết, “Cầu nguyện là ‘hoa trái của thinh lặng’”. Đúng thế, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng, cầu nguyện là để lắng nghe hơn là để nói. Khi ở cùng một người hiểu biết về một chủ đề mà bạn quan tâm, bạn hạn chế đặt câu hỏi và dành bản thân để lắng nghe. Chúa Giêsu, Đấng mặc khải Chúa Cha, điều đó có nghĩa là, mối quan tâm chính của chúng ta trong cầu nguyện là nên hỏi Ngài về Chúa Cha; và sau đó, chuyên tâm lắng nghe!
Chúa Giêsu nói với chúng ta, Thiên Chúa là Cha yêu thương, Ngài biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta cầu xin; tuy nhiên, chúng ta cần hỏi, bởi khi hỏi, chúng ta ý thức rằng, có những nhu cầu mà chỉ một mình Thiên Chúa, Cha của chúng ta, mới có thể ban mỗi người. Hãy học cách thức hỏi Chúa Giêsu về điều gì chúng ta cần nhất cho sự cứu rỗi của mình! Đó là lý do tại sao Ngài dạy “Kinh Lạy Cha”. Cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha” nhắc chúng ta rằng, Thiên Chúa là Cha của mọi người; và do đó, mọi người thực sự là anh em của nhau.
Anh Chị em,
“Cuộc sống của con là lắng nghe, Cuộc Sống của Chúa là dạy bảo!”. Thiên Chúa không ngừng nói với chúng ta qua Lời của Ngài, qua những con người, cũng như qua các biến cố. Ngài ước mong mỗi sứ điệp của Ngài như mưa tuyết từ trời thấm vào lòng chúng ta và trổ sinh hoa trái. Hoa trái đầu tiên Thiên Chúa chờ mong có lẽ là con người biết lặng thinh để lắng nghe Ngài; lắng nghe từ đôi tai của trái tim trong giây phút hiện tại, để sau đó, vượt lên chính mình, và làm theo tiếng nói ấy! Đây là một hành trình không bao giờ ngưng nghỉ; làm theo tiếng nói ấy chính là biến đổi! Cầu nguyện là lắng nghe và cầu nguyện còn là biến đổi!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, nhiều lúc kinh nguyện của con rộn ràng nhưng hời hợt, ồn ào nhưng vô hồn; xin dạy con yêu quý ‘hoa trái của thinh lặng’, khi con là một người con, trước Chúa là Cha!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)