Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 23 Tháng 8 2022 19:44

Đời sống đức tin, còn đó những nỗi lo

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN : CÒN ĐÓ NHỮNG NỖI LO

          Nếu không nhắc đến thì thôi, một khi nghĩ hay nhắc đến lại là nỗi lo. Nỗi lo chả phải của riêng ai mà hình như là của toàn thể Giáo Hội.

Khi nhìn thấy con số thống kêm, tất cả chúng ta đều thấy những con số thống kê quả thật là quá nghiệt ngã: chỉ một phần tư số người Công giáo tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật. Một nửa trong số đó không tin vào sự Hiện Diện Thật của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Ba phần tư những người không đi lễ là những người vẫn “có đạo”. Đơn giản và cơ bản thì ta thấy sự hiểu biết của họ về đức tin hầu hết được hình thành bởi những bức tranh biếm họa và các phương tiện truyền thông văn hóa đại chúng chứ chả được xây dựng trên nền tảng của giáo lý hay Kinh Thánh.

          Khi nhìn thấy tổng kết như hiện này cùng với các sự kiện này, khả năng con cháu của chúng ta và những người “có đạo” là một thách thức, nếu nói một cách nhẹ nhàng. Như chúng ta biết, trẻ em bị ảnh hưởng không cân đối bởi những gì bạn bè làm – và không làm. Kết hợp thực tế này với thực tế là gần như tất cả các hoạt động của chúng – từ hàng giờ trên màn hình đến hướng dẫn trong lớp, thể thao và ngoại khóa – đều diễn ra những gì không liên quan Thiên Chúa. Không khó để tự hỏi tại sao trẻ em không nghĩ rằng tôn giáo là “mốt mới” – không ai trong số bạn bè của chúng hoặc những người mà chúng “gặp” trên các phương tiện truyền thông dường như nghĩ về những gì liên quan đến đức tin Công Giáo cũng như tin vào Chúa.

          “Dài lời” sau lời cảm ơn của vị đại diện giáo xứ về sự hiện diện của Đức Tổng trong Thánh Lễ ban bí tích Thêm Sức, vị chủ chăn không ngần ngại nói về tâm tư của Ngài về việc giữ đạo và sống đạo trong tương lai của Việt Nam.

          Đức Tổng cho biết mới làm việc với một linh mục người Hàn Quốc cũng như một linh mục người  Việt Nam về từ Hàn Quốc thì được biết hiện nay Hàn Quốc chỉ có 23 % người tín hữu đến Nhà Thờ. Nếu như cách đây 20 năm thì Hàn Quốc là một quốc gia đáng để cho nhiều nước ngưỡng mộ và noi theo. Đức Tổng cảm thấy lo lắng cho Việt Nam trong 10 hay 20 năm tới. Đức Tổng nói về nước Pháp, nước mà cách đây 60 năm người Công Giáo giữ đạo và sống đạo tuyệt vời thì nay chỉ còn 8 đến 10% tham dự Thánh Lễ mà thôi. Bi đát nhất là trong vòng 8 năm tới, Pháp phải bán từ 3000 đến 5000 nhà thờ !

          Với tất cả tâm tình, Đức Tổng cảm thấy lo lắng và Đức Tổng mời gọi con em tiếp tục học giáo lý, đi Nhà Thờ. Một trong những ảnh hưởng lớn trong việc các em đi học giáo lý là do phụ huynh. Viện cớ bận học hành và nhiều việc để rồi phụ huynh không chăm lo đời sống đức tin cho con em mình.

          Thật thế, nỗi lo của Đức Tổng hoàn toàn có lý vì hiện trạng về đời sống đức tin đã và đang diễn ra trong cuộc sống. Nhìn những cuộc hành hương, những đại hội hay Thánh Lễ đại trào thật long trọng cũng như đông đúc như vậy đừng vội mừng.

          Thế hệ ông bà cha mẹ đã qua rồi, còn lại là thế hệ kế thừa mà rồi chúng ta nhìn vào thế hệ kế thừa ấy còn mặn mà về Chúa, về đức tin được là bao. Tỷ lệ giáo dân đến Nhà Thờ phải nói là con số làm đau đầu nhức óc cho những ai nghĩ đến tương lai của Giáo Hội.

          Không ít người nhờ tôi cầu nguyện cho vì tình trạng không đến Nhà Thờ nữa có khi là người cha, người mẹ trong gia đình. Chả hiểu làm sao mà lòng tin của họ chai cứng và họ không đến Nhà Thờ nữa. Cũng chả phải là người già, một người còn trẻ nhờ Cha cầu nguyện cho bởi vì 2 năm nay người chị của người này không đến Nhà Thờ nữa.

          Thật vậy, nếu tính ra thì quả là bi đát vì tỷ lệ đến Nhà Thờ ngay như hiện tại không như ta tưởng. Ta nhìn vào Thánh Lễ Chúa Nhật xem chừng đông đó nhưng tỷ lệ xem ra đáng lo ngại. Đó là chưa đến chuyện hỏi họ về giáo lý, về Tin Mừng mà vừa được công bố trong Thánh Lễ họ tham dự. Có nghĩa là họ chỉ đến Nhà Thờ cho có lệ chứ không quan tâm điều gì khác. Họ đến Nhà Thờ coi như xong bổn phận chứ chả có gì gắn bó với Chúa.

          Đời sống tôn giáo nó nhạt nhẽo cũng chả phải không có lý do. Người giàu có quá thì họ lo thụ hưởng để rồi chả có gì để bận tâm đến Chúa. Chúa của họ chính là đồng tiền, là vật chất, là hưởng thụ ... Có những gia đình giàu có cứ cuối tuần là đi du lịch và dường như không quan tân gì đến Thánh Lễ cả. Họ dường như gạt Chúa ra bên lề của đời sống họ bởi họ quá đầy đủ.

          Còn nơi tôi đang hiện diện thì lại khác. Có thể nói rằng họ quá nghèo để rồi cái ăn cái mặc phải chạy lo từng bữa thì làm gì có cái chuyện mà đến Nhà Thờ. Vì kế sinh nhai, họ kéo nhau lên núi để đắp đổi qua ngày. Chính vì vậy chuyện đạo nghĩa dường như quá xa vời với họ dù cho lòng họ có muốn. Để đến Nhà Thờ họ phải có phương tiện cùng với xăng cộ nhưng rồi những thứ đó vượt tầm tay.

          Có thể nói khi đời sống kinh tế quân bình thì người ta dễ tìm đến Chúa cũng như sống đạo. Đối diện với một xã hội phát triển quá nhanh và khoảng cách giàu nghèo quá lớn thì chuyện đến Nhà Thờ phải chăng là điều quá khó. Những khu công nghiệp hàng vạn công nhân chắc có lẽ có không ít người Công Giáo. Thế nhưng rồi họ làm gì có cơ may để đến Nhà Thờ khi phải đối diện với cuộc sống công nhân đêm ngày vất vả như vậy.

          Đứng ở góc nhìn cá nhân, có lẽ cũng có cùng cảm thức như Đức Tổng. Rồi đây tỷ lệ những người đến Nhà Thờ còn là mấy ? Và bi đát hơn là tỷ lệ tin vào Chúa cũng như sống đạo được là mấy ?

          Thôi thì ta tự an ủi ta theo như cách mà nhiều người vẫn nói đó là phó thác cho Chúa Thánh Thần.

Lm. Anmai, CSsR

Read 255 times