CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN NĂM A
Mt 10,26-33
Sợ. Sợ là bản chất, là thân phận con người.
Thực thế, ngay khi ta chưa được sinh ra, thì ông bà, cha mẹ ta cũng đã lo lắng đủ thứ, sợ hãi đủ điều cho ta. Lớn lên, tuổi nào cũng có nỗi sợ của tuổi ấy. Trẻ cũng sợ, thanh thiếu niên cũng sợ, trung niên cũng sợ, người già lão cũng sợ. Tùy theo lứa tuổi, tùy theo thời kỳ, công việc, ai cũng sợ.
Người nghèo túng sợ đói, sợ khát, sợ không có áo mặc, không có nhà ở. Nhưng người giàu cũng sợ, người giàu cũng khóc. Người nhiều tiền, nhiều bạc cũng sợ: Tiền nhiều để làm gì?
Dân đen đau khổ, lo sợ đã đành, người quyền thế cũng cứ lo ngay ngáy, cứ sợ triền miên. Đi đâu cũng phải có hộ tống, cận vệ. Còi xe, chuông reo trước cổng, cũng sợ; điện thoại rung, cũng sợ.
Người ta mua bảo hiểm nhà, bảo hiểm xe, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm giáo dục. Các ca sĩ còn lo bảo hiểm giọng ca, các diễn viên, hoa hậu lo bảo hiểm khuôn mặt, bảo hiểm chân dài.Tất cả cũng vì Sợ.
Các môn đệ đi theo Chúa cũng sợ không biết có được gì không. Các ông sợ đói, sợ chìm thuyền… Chính Chúa Giêsu cũng sợ khi phải uống chén Cha trao.
Vậy mà trong Tin Mừng chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu lại nói: Đừng sợ. Các nhà chú giải kinh thánh thống kê được trong toàn bộ kinh thánh có 365 lần chữ Đừng sợ được nhắc đến.
Ngày 17 tháng 10 năm 1978, sau khi được bầu lên lãnh đạo toàn thể giáo hội công giáo Roma, Hồng y Karol Józef Wojtyła, tức Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong phép lành Urbi et Orbi đầu tiên, đã nhấn mạnh: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa đón Chúa Kitô”. Ngài luôn nhắc nhở Giáo hội và toàn thế giới: Đừng sợ!
Nhưng Đừng sợ là đừng sợ cái gì?
*Anh em đừng sợ người ta …(Mt 10,26).Đừng sợ người đời, trái lại, khi có cơ hội hãy mạnh dạn rao giảng những gì anh em đã nghe rỉ tai (c 27). Sống giữa những người chưa biết Chúa, giữa những người thù ghét đạo, giữa những gian nan, nghịch cảnh, thử thách cuộc đời, chính là cơ hội để chúng ta đừng sợ nhưng hãy rao giảng Tin Mừng Nước Chúa.
*Đừng sợ chết.
Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. (Mt 10,28)
Sự sống là quý giá. Còn người là còn của. Y học và khoa học tìm mọi cách để bảo vệ sự sống. Nhưng bên cạnh sự sống thân xác, còn có sự sống của linh hồn. Sự sống đời này trước sau sẽ kết thúc, sự sống đời sau mới vĩnh hằng. Sự sống thân xác sẽ tàn lụi, nhưng sự sống linh hồn sẽ bất diệt. Ta phải trân trọng cả hai sự sống, nhưng nếu vì lý do gì đó, phải chọn một trong hai, thì ta phải chọn sự sống của linh hồn. Kẻ thù chỉ có thể giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn chúng ta.Vì thế ta đừng sợ.
Lý do để chúng ta đừng sợ, đó là Thiên Chúa luôn yêu thương, quan phòng, che chở chúng ta; Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.(Mt 10,30-31).
Người tin tưởng vào Chúa, luôn lạc quan; Họ xác tín rằng Chúa luôn đồng hành với họ trên mọi nẻo đường, trong mọi tình huống cuộc đời. Khi khuyên chúng ta: Đừng sợ! Chúa cũng dạy chúng ta rao giảng Tin Mừng của Chúa, để chúng ta góp phần giảm thiểu những nỗi sợ hãi đang ám ảnh nhiều người trong cuộc đời. Khi sống ngay lành, thánh thiện, phó thác và cậy trông nơi Chúa quan phòng là chúng ta đã thực sự sống lời Chúa dạy: Đừng sợ.
Người khôn ngoan, can trường không phải là người không biết sợ nhưng là người biết vượt lên nỗi sợ. Vì họ biết phó thác cho Thiên Chúa: Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em. (1 Pr 5,7).
Ở mọi nơi, mọi thời các chứng nhân đức tin trong Giáo hội Công giáo luôn an bình. Các anh hùng tử đạo hân hoan vui mừng đi chịu tử hình. Các ngài coi đó như là hồng ân Thiên Chúa ban. Các ngài mong đợi phúc tử đạo. Các lý hình, đao phủ ngạc nhiên khi thấy các ngài không những không sợ, mà lại còn tươi cười, hớn hở, anh dũng bước ra pháp trường. Các ngài coi họ như những người bạn, những ân nhân. Các ngài noi gương Thầy chí thánh: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm. (Lc 23,34).
Ngày nay cũng vẫn thế, ở nhiều nơi, máu của nhiều Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân vẫn tiếp tục đổ ra, nhưng mọi người đều hạnh phúc, không hận thù, không oán than, Vì các ngài tin rằng người đời không thể giết được linh hồn mình.
Trưa ngày 22 tháng tư năm 2021 Linh mục Gioan Baotixita Trần Quang Truyền, giáo xứ An Khê, giáo phận Kontum, bị đâm lủng ruột. Năm giờ sau, cha mới được đưa đi Quy Nhơn phẫu thuật. Khi tỉnh dậy, trong phòng mổ, cha đã tha thứ cho kẻ đâm mình.
Lúc 23:30 ngày 29 tháng 01 năm 2022 Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, OP, bị sát hại tại giáo họ Saloong, giáo xứ Dak Mot, Giáo phận Kon Tum, khi đang giải tội. Đang lúc hấp hối ngài vẫn thì thào lời tha thứ cho kẻ đã sát hại mình.
Bản tính con người, ai không sợ đau, không sợ khổ, không sợ chết? Sau năm 1975, nhiều linh mục tuyên úy phải đi tù 12, 13 thậm chí 15 năm, không có án xử. Các ngài vẫn bình an, thư thái để trở nên chỗ dựa tinh thần cũng như thể chất cho nhiều người khác.
Trong đại dịch covid cách đây 2 năm, tại miền Nam Việt Nam, nhiều linh mục tu sĩ, chủng sinh và thiện nguyện viên đã vào tận ổ dịch, để chăm sóc an ủi các bệnh nhân cô đơn, hôn mê, đau đớn, hấp hối. Các vị đó không phải là những người điếc không sợ súng. Họ sống theo lời Chúa dạy, vì họ biết covid không giết được linh hồn họ. Nhiều người đã được phúc biết Chúa và trở về với Chúa qua chứng tá của họ.
Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận ở tù 13 năm, trong đó có 9 năm biệt giam. Ngài là con người của hoà bình, niềm vui và hy vọng qua gương sống đức tin. Cuộc đời ngài từ khi làm linh mục, giám mục đến khi ở tù cũng như khi làm hồng y tại Roma, ngài luôn bình dị, lạc quan, xác tín và hy vọng.
Thời gian ngài bị biệt giam, cai tù ngạc nhiên về sự bao dung của ngài, ngài trả lời: “Cho dù các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Kitô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Kitô hữu”.
Thời gian làm việc tại nước ngoài, nhiều lần ngài giảng tĩnh tâm hay nói chuyện với giáo dân và giới trẻ, ngài luôn đề cao tình yêu và hy vọng, dù các phóng viên hay nhiều phe nhóm, muốn gợi lên sự thù hận, ghen ghét, oán trách nơi ngài. Họ đã thất vọng.
Các nhân chứng tình yêu này đã ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người…(Tv 37,5), không còn biết sợ.
Không sợ khó nguy, các chiến sĩ can trường nhiều khi còn muốn gặp khó khăn gian khổ để tôi luyện mình. Các Kitô hữu nhiều khi không sợ mà còn muốn hy sinh để chứng tỏ tình yêu tín thác nơi Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết sống can trường, không lo sợ, trái lại, luôn biết tín thác nơi tình yêu quan phòng của Chúa.
Nguyễn Đức Lân