Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 01 Tháng 7 2023 06:37

Chạm đến ân sủng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  CHẠM ĐẾN ÂN SỦNG

“Thấy mẹ vợ Phêrô đang sốt liệt giường. Chúa Giêsu chạm đến tay bà và cơn sốt biến đi”.

“Tham dự tang lễ của Brezhnev, George Bush vô cùng xúc động trước sự ‘không đồng tình’ âm thầm của bà quả phụ. Bà cúi xuống, chậm rãi, trang trọng, làm một dấu thánh giá trên ngực chồng. Ở đó, trong toà nhà uy quyền, ‘biểu tượng’ của những người vô thần, vợ của người đàn ông quyền lực nhất hy vọng rằng, chồng mình đã sai. Bà cầu xin lòng thương xót Chúa cho ông được ‘chạm đến ân sủng’ Ngài, khi thánh giá Ngài chạm đến trái tim ông”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trên đây là ghi nhận của Gary Thomas trong cuốn “Christianity Today”, “Kitô Giáo Ngày Nay”. Lời Chúa hôm nay cũng nói đến việc ‘được Thiên Chúa chạm đến’ hay ‘được chạm đến Ngài’. Trong cái nhìn đức tin, chúng ta gọi đây là việc ‘chạm đến ân sủng’.

Nhạc mẫu của Phêrô sốt liệt giường. Không ai xin Chúa Giêsu chữa cho bà, kể cả bà; đúng hơn, Ngài “thấy” bà đang liệt, nên đến gần bà, “chạm đến tay bà”, và bà được lành. Ngay sau khi được chạm đến, “Bà chỗi dậy tiếp đãi các ngài!”. “Chỗi dậy” tượng trưng cho tất cả những gì phải làm ngay khi được ân sủng cảm hoá. Ân sủng có tác dụng làm cho chỗi dậy; nói cách khác, mỗi khi được ‘chạm đến ân sủng’, chúng ta chỗi dậy! Chỗi dậy khi thoát khỏi tội lỗi bởi đã chạm đến ơn tha thứ của Bí Tích Hoà Giải; chỗi dậy khi Chúa bước vào cuộc đời, ban cho chúng ta sự định hướng sáng suốt và niềm hy vọng sau một biến cố nào đó. Mỗi lần chỗi dậy là mỗi lần được củng cố trong đức tin, được xua tan gánh nặng tội lỗi và sự mê muội; đồng thời, vươn lên trong sức mạnh mới để tạo nên một sự khác biệt.

Bà đã “tiếp đãi các ngài”. Đây phải là hậu kết tất yếu của việc chỗi dậy nơi một người đã ‘chạm đến ân sủng’. Ân sủng không được ban để ai đó quay lại với tội lỗi, nhưng để đứng lên phục vụ Chúa và tha nhân. Theo một nghĩa nào đó, ân sủng đặt chúng ta trở lại sứ vụ của mình; đó có thể là một gánh nặng nhưng là một ‘gánh nặng thánh’; một gánh nặng sẽ hoá nên nhẹ nhàng, gánh ân sủng, gánh ân phúc, “Vì ách Tôi êm ái, gánh Tôi nhẹ nhàng”.

Thú vị thay! Abraham và Sara trong bài đọc Sáng Thế cũng đã ‘chạm đến ân sủng’. Dưới cụm sồi, ‘ba người khách lạ’ cũng tự tìm đến nhà Abraham; ông ‘chỗi dậy’ phục vụ các ngài. Như nhạc mẫu Phêrô yếu liệt, Sara cũng bất lực, héo hắt vì không thể sinh con; hình ảnh này nói lên một điều gì đó tàn úa, chết chóc. Vậy mà phụ nữ son sẻ này, rồi đây, sẽ được xót thương. Và như thế, việc ‘chạm đến ân sủng’ của hai người đã làm tươi mới tất cả. Kìa, dưới mái lều của họ, sẽ có tiếng cười trẻ thơ. Thâm thuý thay lời ngợi khen Magnificat của Maria, Đấng Đầy Ân Sủng, qua lời đáp ca, “Chúa đã nhớ lại lòng thương xót của Người!”.

Anh Chị em,

“Chúa Giêsu chạm đến tay bà”. Mỗi ngày, trên các bàn thờ, qua các Bí Tích, Chúa Giêsu chạm đến thân xác chúng ta. Không chỉ ‘chạm đến ân sủng’, chúng ta chạm đến Đấng là nguồn ân sủng; đúng hơn, Giêsu Ân Sủng chạm đến chúng ta. Và không chỉ chạm đến thân xác, Ngài còn đi vào linh hồn, trở nên của ăn, của uống nuôi sống chúng ta. Noi gương Abraham và nhạc mẫu Phêrô, bạn và tôi chỗi dậy, đi tới, với những bước chân hân hoan cho việc phụng sự Thiên Chúa và tha nhân trong mọi đấng bậc tuỳ theo ơn gọi của mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con bất lực, héo úa và tội lỗi. Xin chạm đến con, hầu con hồi sinh, trở nên tươi mới và cũng có thể đứng lên, đi tới, đem ân sủng Chúa chạm đến anh chị em con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Read 294 times