CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN NĂM A
Mt 14,13-21
Đói. Chúng ta thường nói đói, nhưng chắc ít ai cám nghiệm được cái đói như những người chết đói năm 1945, tại Việt Nam, hay như những người tù lao động khổ sai sau năm 1975. Gặp cái gì có thể ăn được là đút ngay vào miệng. Cha Bùi Đức Vượng thuật lại khi còn ở trong trại, có lần, đi sau khu vực nấu bếp của trại, ngài thấy bên cạnh rãnh nước thải có một miếng xơ mít, ngài vội vã nắm lấy, lận vào cạp quần; một lúc sau, ngài xin phép cán bộ coi tù cho đi vệ sinh, thực ra là đi đến chỗ có nước để rửa sạch miếng xơ mít, rồi đi ra phía sau và nhai ngấu nghiến.
Đói, khát là bản năng tự nhiên của thân xác. Ăn, uống là nhu cầu thiết yếu của con người. Đoạn Tin Mừng chúa nhật hôm nay thuật lại đám đông đi theo Chúa suốt ngày; Chắc hẳn họ rất mệt mỏi, đói khát, phờ phạc, nên Chúa mới chạnh lòng thương.
Chiều đến, các môn đệ cũng nhận ra điều đó, nên thưa với Chúa: Xin Thầy giải tán đám đông để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn. (Mt 14,15).
Đáp lại, Chúa nói: Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn. (Mt 14,16). Lời của Chúa làm các ông ngỡ ngàng,Vì các ông chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá. (Mt 14,17).
Trước một đám đông hơn 5.000 người đàn ông, theo Thánh Matthêu, (Mt 14,21), ta có thể tính thêm 5.000 người phụ nữ và khoảng 2.000 trẻ em nữa. Như thế có đến hơn 10.000 miệng ăn giữa nơi hoang dã này. Dẫu có mua 200₫ bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút, theo ý kiến của ông Philipphê.(Ga 6,7). Mà giữa nơi hoang vắng, đâu có mà mua.Thời Chúa Giêsu tiền công nhật trung bình là 1₫, 200₫ là khoảng 7 tháng lương của một người làm công, cũng không đủ cho mỗi người một chút. Nên các môn đệ ngại ngùng. Giải pháp tốt nhất là giải tán dân chúng, vừa đỡ lo lắng, vừa đỡ tốn kém, vừa đỡ phức tạp.
Trước những éo le trên đường đời, nhiều khi chúng ta cũng chọn đào tẩu vi thượng sách; Mackeno (Mặc kệ nó) là chắc ăn; chẳng dại gì cái ách giữa đàng lại quàng vào cổ. Thế mới biết người Samari trong Tin Mừng Luca 10, 29- 37 thật là người nhân hậu và can đảm. Chúng ta cũng có thể nại ra nhiều lý do để thoái thác việc giúp đỡ nạn nhân như thầy tư tế và thầy Lêvi trong dụ ngôn trên. Trong tiếng Anh từ Samaritan còn được dùng để chỉ người bác ái, nhân hậu.
Chúa vốn chạnh lòng thương, Chúa yêu thương cách thực tế, cụ thể.
Ngài tìm cách cho dân chúng ăn.Ngài nói:Đem lại đây cho Thầy!(Mt 14,18).
Chúa Giêsu đã nhân năm chiếc bánh và hai con cá ấy thành lương thực cho hơn 10.000 dân ăn no. Chúa quyền năng, phán một lời liền có mọi sự , nhưng Người muốn chúng ta đóng góp với Người. Người muốn con người cùng cộng tác trong việc tạo dựng, sinh sản, cũng như trong công việc cai quản trái đất. Người ta hiểu lầm người Công giáo là cứ ngồi đó lải nhải cầu xin cho chúng con lương thực hàng ngày.Thực ra, chúng ta phải cầu nguyện, nhưng chúng ta cũng phải ra tay hành động. Người Pháp nói Aide-toi, Dieu t’aidera. Hãy tự giúp mình, Trời sẽ giúp bạn. Chúa không dạy chúng ta há miệng chờ sung, nhưng dậy chúng ta làm việc như Chúa đã làm việc. Phép lạ hóa bánh ra nhiều là sự kết hợp giữa quyền năng của Thiên Chúa với sự cộng tác của con người.
Chúa còn dạy chúng ta chia sẻ với người nghèo khổ. túng đói, bệnh tật. Không chỉ chia sẻ tiền bạc, vật chất, thời gian, mà còn cả tình thương, nụ cười, khích lệ, cảm thông. Mẹ Têrêsa Calcutta nói: người nghèo không phải chỉ là người không có cơm ăn, áo mặc, không nhà cửa, không việc làm, mà còn là những người không được yêu thương, kính trọng, quý mến. Chúng ta không chỉ sống bằng cơm bánh mà còn bằng lời Chúa, bằng tình thương của Chúa và tình thương của tha nhân.
Khi chạnh lòng thương đám đông, Chúa Giêsu còn dạy chúng ta biết chia sẻ, liên đới. Người biết chia sẻ thường có tâm hồn thư thái, như lời Thánh Vịnh:
Thư thái bình an, vừa nằm con đã ngủ,
Vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa,
ban cho con được sống yên hàn. (Tv 4,9 ).
Ngược lại, những quan chức có hàng triệu đô la Mỹ, mấy trăm lượng vàng trong két sắt, lại cứ lo ngay ngáy. Lo vì không biết lúc nào bị lộ. Lo vì không biết tiêu gì cho hết. Lo vì cuộc sống mãi luôn vần xoay. Lo vì cuộc sống mong manh từng ngày… Vì họ không biết chia sẻ.
Trong cơn đại dịch Covid ta mới thấy ai là người yêu thương đồng loại, đồng hương cách cụ thể; Ta mới biết ai người thân, ai người dưng. Người Anh nói A friend in need is a friend indeed. Từ miền Tây, miền Trung, Cao Nguyên rất nhiều xe tải chở gạo, rau củ quả về Sài Gòn cho những người đang bị cách ly.
Thánh Giacôbê dậy Đức Tin không có hành động thì quả là đức tin chết.(Gc 2,17).Có ai trong anh em lại nói với người khác: các anh hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì .(Gc 2,16).
Không giúp đỡ chia sẻ, nhiều người còn lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, làm giàu.[Đại án Kit test, đại án chuyến bay giải cứu…] Có khi họ còn mong dịch bệnh kéo dài.
Chúa hóa bánh và cá cho hơn 10.000 người ăn no, vẫn còn dư. Các tông đồ thu gom những miếng thừa, chất đầy được 12 giỏ. (Mt 14,20). Chúa dậy chúng ta biết tiết kiệm.
Ngày nay chúng ta sống rất phung phí: Phung phí thời giờ, tiền bạc, lương thực, thực phẩm, phung phí sức khỏe, phung phí nhiên liệu, phung phí nước, phung phí điện…
Tiết kiệm để chia sẻ. Đồ dư thừa của chúng ta chính là phần của người nghèo.
Chúa hóa bánh ra nhiều để nuôi dân. Nhưng chỗ khác Chúa lại nói: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra (Mt 4,4). Đúng thế, nếu chúng ta cần lương thực, thực phẩm để nuôi phần xác, thì chúng ta cũng cần lương thực thiêng liêng để nuôi phần linh hồn.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chăm lo lao động để có lương thực, thực phẩm và đồ tiêu dùng cho thể xác, cho chúng con và cho tha nhân, nhưng cũng biết tìm lương thực thiêng liêng cho linh hồn chúng con.
Nguyễn Đức Lân