CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM A
Mt 18,15-20
Đã sinh ra làm người, ai cũng có lầm lỗi. Ngạn ngữ La Tinh: Errare humanum est -Lầm lỗi là bản chất con người- Người Việt chúng ta cũng nói:Nhân vô thập toàn- Chẳng ai mười phân vẹn mười.
Thánh Gioan tông đồ còn khẳng định: Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta.(1Ga 1,8)
Ta phạm lỗi với chính mình và với người khác: với gia đình, với cộng đoàn, với xã hội…Và chúng ta phạm lỗi ở bất cứ tuổi nào. Nhưng rất ít người dám nhận lỗi mình, rất ít người dám thú nhận những lỗi lầm đã phạm. Trái lại, người ta còn tìm cách giấu diếm,che đậy, tự biện hộ hoặc đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh.
Ông Dale Carnegie, một học giả Mỹ nói:Tôi đã mất gần 70 năm trời để khám phá ra rằng dù người ta có lỗi nặng đến đâu, thì trong 100 lần phạm lỗi, có tới 99 lần người ta tự cho mình là vô tội.
Vua David ngoại tình, mưu mô, gian dối, giết người, vẫn an nhiên tự tại, chỉ khi ngôn sứ Natal nhắc bảo, vua mới nhận ra tội lỗi của mình.(2 Sm 11,2-12,15).
Trong gia đình và cộng đoàn người ta còn lỗi phạm với nhau nhiều hơn. Người đời nói: bát đĩa còn va chạm, nữa là ….
Sống chung là có va chạm. Sống chung là có lỗi lầm
Trong tin mừng chúa nhật 23 thường niên, Mt 18, 15-20 hôm nay, Chúa dạy chúng ta cách sửa lỗi anh em: Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó…(Mt 18,12).
Thực ra, sửa lỗi người khác là một điều khó khăn và tế nhị. Người sửa lỗi thường có hai cách thức, hoặc nóng nảy,nghiêm khắc hoặc yêu thương, xây dựng.
Nóng nảy, nghiêm khắc nhiều khi làm người có lỗi tức giận, bất mãn, phản kháng, đưa đến hiệu quả trái ngược.
Chuyện kể rằng, có một cậu giúp lễ, tên thánh là Joseph, thường chăm chỉ đi sớm, rồi mở tủ buồng áo ra dọn đồ lễ. Lần nọ, sơ ý, cậu lỡ tay làm rớt chiếc bình đựng rượu lễ bằng thủy tinh. Chiếc bình vỡ nát. Rượu bắn tung toé. Mảnh vỡ bắn vào chân cậu, làm chân cậu chảy máu. Từ xa, cha xứ đứng dậy, tiến nhanh về phía cậu. Cha bực tức, mắng cậu là vụng về, vô tích sự, bất cẩn, hấp tấp, làm không nên hồn... Cậu liền đứng dậy, bỏ đi, vừa đi vừa khóc, uất hận, căm phẫn về những lời thậm tệ của cha xứ. Từ hôm đó, cậu bỏ luôn giúp lễ, bỏ cha xứ, bỏ bạn bè. Cậu còn bỏ lễ, bỏ nhà thờ, và cuối cùng là bỏ đạo. Cậu đã nghiên cứu, gia nhập đảng Cộng sản và chống lại Đạo Công giáo.
Cậu bé đó chính là Josip Broz Tito người Nam Tư. Đó chính là Tổng bí thư Tito, Đảng cộng sản Nam Tư.
Lại có một câu chuyện khác, với kết cục trái ngược.
Chuyện kể rằng, có một cậu giúp lễ, cũng có tên thánh là Joseph, chăm chỉ đi sớm, rồi mở tủ buồng áo ra để dọn đồ lễ. Một hôm, cậu lỡ tay làm rớt chiếc bình đựng rượu lễ bằng thủy tinh. Chiếc bình vỡ tan.Cha xứ đứng dậy tiến nhanh về phía cậu.
Nhưng thật bất ngờ. Thay vì la mắng, cha nhẹ nhàng vỗ vai, bảo cậu là không sao, vỡ rồi thì thôi. Cha còn lo lắng hỏi cậu có bị sao không, nhắc cậu cẩn thận, không mảnh vỡ đâm vào chân. Cha bảo cậu mau dọn đi, rồi nói ông trùm chuẩn bị bình rượu lễ khác cho Thánh Lễ.
Cậu xin lỗi cha.Cậu ghi nhớ và nể phục cách cư xử tế nhị, ấn tượng của cha.
Từ hôm đó trở đi, cậu ngày càng chăm chỉ, ngoan ngoãn, khéo léo, nhanh nhẹn, sốt sắng, thành tâm với việc nhà Chúa.
Rồi cậu đã noi gương cha xứ, đi tu, làm thầy, làm linh mục, làm giám mục, làm tổng giám mục, làm hồng y, làm giáo hoàng và cuối cùng làm thánh.
Cậu ấy có tên là Karol Józef Wojtyła, người Balan. Cậu ấy chính là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Cậu đã có động lực làm người, làm giáo hoàng và làm thánh, nhờ sự cảm thông của cha xứ.
Trong học đường, ngoài xã hội, trên chính trường, nhiều khi người ta thường đối xử với người có lỗi cách khắt khe, thiếu nhân bản. Các hình phạt, cấm đoán, tra tấn, tù tội, và tử hình, không dành cho người có lỗi một cơ hội sửa sai, làm lại cuộc đời. Tội nhân bị dồn vào bước đường cùng. Các thể chế xã hội thường hành xử như ngạn ngữ La-tinh: Dura lex, sed lex (luật pháp cứng rắn, nhưng là luật pháp). Còn quan điểm của Chúa Giêsu rất nhân bản, nhân tử: Luật đặt ra vì con người, chứ không phải con người vì luật.(Mc 2,27-28).
Đường lối giáo dục của Chúa hoàn toàn ngược lại. Chúa biểu lộ lòng thương yêu, giúp đỡ tội nhân sửa lỗi. Bắt gặp người phụ nữ ngoại tình, các kinh sư và Pharisêu, lăm le những cục đá sắc nhọn, họ muốn theo luật Môsê, ném đá người phụ nữ. Nhưng Chúa Giêsu lại nói: Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! (Ga 8,11).
Chúa quý từng con người, dù đó là một người bé mọn (Mt 18,14).
Trong cộng đoàn tín hữu, các Kitô hữu là anh chị em của nhau (Mt 23,8) và là anh chị em với Đức Kitô, nhờ biết thi hành ý Cha trên trời (Mt 12, 50).
Người đời gọi người có lỗi là tên ấy, thằng ấy, con ấy, con mụ ấy, thằng cha ấy… Chúa lại nói nếu người anh em của anh…
Một thái độ khác là thờ ơ, lãnh đạm với người phạm lỗi.
Nhiều khi chúng ta không đủ can đảm góp ý. Với cấp trên: kính nhi viễn chi, vì sợ mất quyền lợi. Vì sợ người khác giận mình, vì sợ mất lòng: thuốc đắng chữa tật, sự thật hay mất lòng. Hay thậm chí, có khi lại bị anh em dùng chính Lời Chúa sửa lại mình: Hãy lấy cái xà khỏi mắt anh đã.(Lc 6,42).
Nhiều khi người ta chỉ dám nói sau lưng. Phải mạnh dạn góp ý. Chỉ khi yêu thực sự, mới dám góp ý thẳng thắn. Góp ý xây dựng là một dấu chỉ yêu thương.
Có người khôi hài: làm linh mục rồi, các cha thường “mất dạy”, không ai dám dạy, kể cả ông bà cố. Làm lớn dễ bị xa lánh, cô lập. Chỉ những người bạn rất thân với ta, mới dám góp ý, nói thật, hoặc sửa sai.
Có khi chúng ta quen sống “vui lòng chịu lụy”, dĩ hoà vi quý, “lâu rồi đời mình cũng qua.”(Vũ Thành An), nên chẳng muốn thay đổi, chẳng muốn sửa lỗi .
Vì thiếu quan tâm, chúng ta bỏ mặc người khác phạm lỗi.
Sửa lỗi người khác không chỉ là điều cần thiết mà còn là trách nhiệm, bổn phận của bề trên, của cha mẹ, anh chị, hay của những người có trách nhiệm giáo dục và hướng dẫn người khác. Chưa sống tròn bổn phận của mình, đôi khi chúng ta còn bị người mà mình đã không dậy dỗ, oán trách, đổ lỗi, còn bị Chúa phán xét.
Chúa đã phán với ngôn sứ Êdêkien: “Nếu ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, …Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 33,8).
Vì vậy, trong gia đình, chúng ta sống liên đới giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái. Chuyện sửa lỗi phải giúp cho mọi thành viên trong gia đình, trong cộng đoàn trưởng thành và đạo đức hơn, cho gia đình hạnh phúc và hiệp nhất, yêu thương hơn. Những liên đới khác như giữa cha xứ với con chiên, giữa bề trên với bề dưới, giữa thầy cô với học trò, giữa cấp trên với nhân viên… đều là những liên đới trong cuộc sống chung. Và vì thế mọi tội lỗi, mọi lầm lỡ đều liên quan tới cộng đoàn, đều xúc phạm đến Chúa và anh em.
Những người muốn sửa lỗi người khác,phải làm gương sáng trước khi sửa dậy.
Lời Chúa dạy chúng ta hôm nay, khi sửa lỗi người khác: Hãy cảm thông, yêu thương, hãy dịu dàng, tế nhị, trân trọng và kiên trì.
Lạy Chúa, bình thường chúng con chỉ thích những lời khen ngợi, ca tụng và
xu nịnh, tâng bốc. Chúng con không thích những ai sửa lỗi chúng con.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn dám nói sự thật, luôn đón nhận sự thật, biết khuyên nhủ nhau để cùng trở nên hiền lành và khiêm nhường trong lòng, theo gương Chúa.
Nguyễn Đức Lân