Thứ Sáu Tuần XXX Thường Niên, Năm Lẻ
“Lòng tôi rất đỗi ưu phiền, và đau khổ mãi không ngơi!”.
Về hưu, cựu Tổng thống Thomas Jefferson lập Đại học Virginia; ông tin rằng, sinh viên sẽ học hành nghiêm túc. Nào ngờ, một cuộc bạo động dẫn đến đổ máu xảy ra; các giáo sư bị tấn công! Hôm sau, một cuộc họp được tổ chức, Jefferson có mặt; có cả các sinh viên nổi loạn. Jefferson nói, “Đây là một sự kiện đau đớn nhất trong đời tôi!”, và ông bật khóc! Giám thị yêu cầu những kẻ bạo động tiến lên; tất cả nhận lỗi. Sau đó, một trong các sinh viên ấy nói, “Không phải do lời của Jefferson, nhưng là nước mắt của ông ta!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Jefferson đau đớn! Lời Chúa hôm nay cho thấy một nỗi đau còn lớn hơn. Đó là nỗi đau của Phaolô, một ‘nỗi đau thánh!’. Trước sự cứng lòng của những người anh em Do Thái giáo đương thời, những người nhất mực từ chối sứ điệp Phaolô mang đến, Phaolô thở than, “Lòng tôi rất đỗi ưu phiền, và đau khổ mãi không ngơi!”.
Một lý do khiến Phaolô vô cùng đau đớn, là việc những người anh em này từ chối Chúa Giêsu; ở một số nơi, họ mạnh mẽ chống lại các Kitô hữu, những người mà họ gọi là ‘phản bội’ hoặc ‘dị giáo’. Phaolô nhấn mạnh, đây không phải là một lời than phiền bình thường, nhưng là một nỗi đau thực sự đến nỗi ngài sẵn sàng tách khỏi Chúa Kitô theo nghĩa đen, nếu điều này có lợi cho đồng bào mình. Phaolô tự nguyện là tù nhân, bị nguyền rủa, loại trừ để anh em ngài nhận biết Chúa Kitô. Đây quả là một ‘nỗi đau thánh!’.
Tin Mừng hôm nay cho thấy một trải nghiệm tương tự nơi Chúa Giêsu. Một thủ lãnh biệt phái mời Ngài dùng bữa, họ dò xét Ngài. Một người phù thũng xuất hiện; đây có thể là một sắp đặt! Và dẫu đó là sự thật, Chúa Giêsu vẫn quyết đoán làm những gì phải làm để tỏ bày lòng thương xót của Ngài, không chỉ với người bệnh nhưng với cả những ai đang rắp tâm hại Ngài. Ngài hỏi, “Có được phép chữa bệnh ngày Sabbat không?”. “Họ làm thinh!”. Chính sự làm thinh tố cáo ác tâm của họ. Và Ngài “đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về”. Họ tiếp tục làm thinh, để lại cho Ngài một ‘nỗi đau thánh!’.
Trong một thế giới từ chối Thiên Chúa, tâm hồn các môn đệ Chúa Giêsu phải là nơi chịu giày vò bởi những nỗi đau. Thế giới với lý do này, lý do khác, từ chối Ngài và sứ điệp của Ngài; Giáo Hội cũng đang đối mặt với bao thách đố. Vấn đề chuyển giới, trợ tử, phá thai, đồng tính, di dân và nạn buôn người… tất cả đang thực sự nhức nhối. Thế nhưng, lập trường của Giáo Hội thật dứt khoát, phẩm giá và sự sống con người có giá trị vô song; và việc nâng con người lên, chữa lành nó, phải là ưu tiên hàng đầu!
Anh Chị em,
“Lòng tôi rất đỗi ưu phiền, và đau khổ mãi không ngơi!”. Trước những sự kiện đau lòng của thế giới và của Giáo Hội, liệu bạn và tôi có một cảm thức xót xa nào không? Cụ thể, trước sự cứng cỏi của những con người chúng ta yêu thương, khi họ từ chối niềm tin hay đang đắm chìm trong một nghiện ngập, một tội lỗi nào đó; thiết thực hơn, những người bỏ nhà thờ, bỏ đạo, chúng ta có nhức nhối không? Và quan trọng hơn, bạn và tôi đã làm gì? Chúng ta có cầu nguyện, hy sinh, thăm viếng, khuyên nhủ và cụ thể, có ra sức nêu gương sáng để làm những gì có thể hầu đưa những anh chị em đó trở về?
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, trước những ‘thương tật’ của anh chị em con, giúp con cảm nhận một sự giày vò bên trong, hầu một ngày kia, con không phát hiện mình bị ‘thiểu năng!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Gp. Huế)