Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 12 Tháng 1 2024 21:06

Chúa Nhật 2 Mùa Thường Niên Năm B

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Chúa Nhật 2 Mùa Thường Niên Năm B  

CHÚA NHẬT THỨ II THƯỜNG NIÊN NĂM B

 

Ga 1,35-42

Sang mùa Thường Niên, Phụng vụ Lời Chúa dẫn chúng ta theo bước Chúa Giêsu truyền giáo và giảng dạy. Chúa nhật thứ hai Thường Niên giới thiệu cho chúng ta việc Chúa Giêsu tuyển chọn các môn đệ đầu tiên. 

Nếu các Tin Mừng nhất lãm thuật lại các tông đồ đầu tiên được Chúa chọn, khi các ông đang thả lưới, thì Tin Mừng thứ tư lại kể rằng các ông đang đi với thầy mình là Gioan Tẩy Giả và được giới thiệu: Đây là Chiên Thiên Chúa.(Ga 1,36).

Ơn gọi nào cũng bắt đầu từ lời kêu gọi của Thiên Chúa. Có những trường hợp Chúa trực tiếp gọi, như Chúa gọi Samuel (1Sm 3) hay các tiên tri. Trong nhiều trường hợp, Chúa thường gọi một người qua một người khác hay qua một sự kiện nào đó.Trong đoạn tin mừng hôm nay chúng ta thấy hai môn đệ đầu tiên được gặp Chúa qua trung gian Gioan Tẩy Giả. Đoạn tin mừng không nói việc hai ông có bỏ gia đình và công việc như trong Tin Mừng nhất lãm không, nhưng hai ông đã phải bỏ thầy mình là Gioan Tẩy Giả, để đi theo Chúa Giêsu.

Nhiều linh mục kể lại mình được ơn kêu gọi, được đi tu là vì thích được đá banh, được ăn trái chuối to, được ăn thịt gà. Cha Nguyễn Vân Đông, nguyên tổng đại diện giáo phận Kon Tum, kể lại. Lúc 14 tuổi, đang mải chăn bò, thì có người hỏi có thích đi tu không; vì đi tu được đi xe từ Bình Định lên Kon Tum, nên cậu Đông đã sẵn sàng xin đi tu. 

Ngày nay, Chúa ít khi hiện ra trực tiếp kêu gọi chúng ta, nhưng thường là qua một trung gian nào đó. Qua trung gian của các nhà truyền giáo, các vị rao giảng mà Tin Mừng Nước Chúa được loan truyền khắp nơi trên thế giới, đến những nơi xa xôi hẻo lánh. Fides ex auditu; Rm 10,17; Gl 3,5); Đức tin có được là nhờ nghe. Thánh Phaolô khẳng định như thế, nghĩa là phải có người làm trung gian ta mới biết Chúa. Cũng như Anrê làm trung gian dẫn Simon Phêrô đến với Chúa Giêsu. (Ga 1,42). 

Được kêu gọi rồi, đương sự còn phải đáp trả ưng thuận.

Sau khi nghe biết tiếng Chúa kêu gọi, Samuel đã mạnh dạn thưa: Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe. (1 Sm 3,10). Các tổ phụ và các tiên tri, khi được kêu gọi cũng sẵn sàng vâng theo Lời Chúa. Nhưng cũng có những trường hợp trốn chạy, như tiên tri Giôna: Ông Giôna đứng dậy nhưng là để trốn đi Tac xít, tránh nhan Đức Chúa.(Gn 1,3). Hay như người thanh niên giàu có trong tin mừng Matthêu: Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mt 19, 22). 

Đáp trả lại lời Chúa kêu gọi rồi, người được gọi còn phải sống thân mật với Chúa. Chúa nói với hai môn đệ: “Đến mà xem”. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.(Ga 1,39).Trong bữa tiệc ly, trước khi từ biệt các môn đệ, Chúa Giêsu còn nhắc đi nhắc lại việc Hãy ở lại trong Thầy.(Ga 15,4). Hãy ở lại trong tình thương của thầy. (Ga 15,9). Trong đoạn tin mừng Gioan 15, 3 -17 Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại 10 lần Hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Điều đó cho thấy đỉnh điểm của ơn gọi, chưa hẳn là để làm gì, mà trước hết là để ở lại trong tình thương của Chúa. Đức tổng giám mục Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, trong khi bị biệt giam, ngài cũng phàn nàn với Chúa: con là một giám mục trẻ, đang hăng say hoạt động tông đồ, mở mang Nước Chúa, thế mà Chúa lại nhốt con ở đây, cô đơn một mình, bó chân bó tay. Cuối cùng, ngài đã được soi sáng: Hãy tìm Chúa hơn là tìm việc Chúa.

Nếu thực sự gặp được Chúa, cuộc sống ta chắc chắn đã đổi khác. Có thể được rửa tội từ bé, là dân đạo gốc, đi lễ mỗi sáng, đọc kinh mỗi ngày, giữ đạo cả đời, mà có khi ta vẫn chưa gặp được Chúa. Nhìn một số linh mục cử hành phụng vụ, nghe một vài tu sĩ đọc kinh, nhiều người có thể tự hỏi không biết Chúa có thực sự hiện diện trong những hoạt động của các ngài không. 

Các thánh, một khi đã gặp Chúa, thì hoàn toàn thay đổi cuộc đời. Lịch sử Giáo hội còn đó: một Phêrô, một Phaolô, một Madalena, một Augustino và còn biết bao ơn trở lại khác nữa. 

Một khi đã cảm nhận được tình yêu của Chúa, thì người được gọi không thể ngồi yên. Người ấy như cầm lửa trong tay. Chúa Giêsu cũng đã từng nói: Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên. (Lc 12, 49). 

Tâm lý chung của con người, khi ta biết được điều gì hay, điều gì thú vị, khó lòng mà giữ yên trong bụng, trái lại thường tìm cách để thổ lộ, chia sẻ với người khác. Cứ hỏi các bà, các cô thì biết. Có người còn khôi hài rằng Chúa Giêsu cũng rất tâm lý, khi Ngài sống lại, Ngài đã tỏ ra ngay cho các phụ nữ, thế nên Tin mừng đó đã sớm được loan báo rộng rãi.

Anrê và Gioan vội vàng đi loan báo với những người quen, bởi Đấng Mêsia là Đấng toàn dân đang mong đợi. Bởi đó là tin vui vĩ đại.

Ta chưa mạnh dạn, hăng hái loan báo Tin Mừng Đấng Cứu Thế, là vì ta chưa thực sự gặp Chúa, chưa thực sự coi đó là tin mừng trọng thể. 

Việc loan báo Tình Yêu Thiên Chúa, dễ dàng và hiệu quả mà người Kitô Hữu nào cũng có thể làm được, đó là cầu nguyện và làm gương sáng bằng đời sống bác ái yêu thương trong môi trường sống và làm việc của mình. 

Không ai có thể giới thiệu và làm chứng về Chúa Giêsu cho người khác, nếu không đích thực gặp gỡ và tin yêu Ngài. Và một khi đã gặp gỡ và tin yêu Ngài, ta cũng không thể không giới thiệu Ngài cho người khác. 

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết lắng nghe Lời Chúa kêu gọi. Xin cho chúng con thực sự sống thân mật với Chúa, tin yêu Chúa, và mạnh dạn hăng say loan báo tin mừng của Chúa cho mọi người.

                                               Nguyễn Đức Lân

Read 204 times Last modified on Chủ nhật, 14 Tháng 1 2024 07:22