CHÚA NHẬT THỨ VI THƯỜNG NIÊN NĂM B
PHONG HỦI: NỖI ĐAU TỘT CÙNG (Mc 1,40-45).
Phong cùi đã có từ lâu, có tài liệu cho là đã xuất hiện 600 năm trước Công nguyên. Trong cựu ước, nhiều chỗ cũng đề cập đến bệnh này: “ Khi mây bốc lên khỏi Lều, thì bà Miriam mắc bệnh phong, mốc thếch như tuyết…”(Ds 12,10) hay như ông Naaman mắc bệnh phong. (2V 5,1).
Bệnh từng được coi là một trong tứ chứng nan y, không thể điều trị được, mà lại dễ lây cho cộng đồng. Nên cách tốt nhất là cách ly người bệnh, đuổi họ lên núi, vào hang, xa hẳn gia đình, làng xóm. Hoăc thả trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ǎn thịt.
Thời Chúa Giêsu, người phung cùi cũng phải tách biệt khỏi cộng đoàn. Bệnh nhân không được quyền sống gần gũi cộng đồng. (Ds 5,2-4).
Cuối thế kỷ 19 chính quyền Hawaii trục xuất tất cả người cùi ra đảo Molokai, ngoài Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, nhất là tại miền các sắc dân thiểu số, người cùi cũng bị xua đuổi. Năm 1928 cha Cassaigne đang đi trong rừng ở Di Linh thì có 10 người phung chạy ra xin đồ ăn, thức uống và áo quần. Về sau người ta mới qui tụ người cùi thành làng, thành trại. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 150.000 người mắc bệnh phung,(con số thực tế chắc đông hơn) được qui tụ thành 13 trại chính từ Bắc chí Nam. Trong đó Văn Môn ( Thái Bình) có từ năm 1900. Những trại khác, được nhiều người biết đến, như Qui Hòa (1929 do bác sĩ LeMoine và cha Maheu- các xơ Phan Sinh cộng tác)-(nơi thi sĩ Hàn Mạc Tử được chăm sóc và từ trần). Di Linh (1927 do cha Cassaigne-Các xơ Nữ tử Bác Ái cộng tác), Bến Sắn (1959 do cha Garreau, xơ Rose và xơ Mathilde-Các xơ Nữ tử Bác Ái cộng tác). Dakia (Kontum 1920-Các cha Thừa sai Pari (MEP) thành lập, Các xơ Nữ Tử Bác Aí và các yă dòng Ảnh Phép Lạ, Kontrum cộng tác). Ngoài ra tỉnh nào cũng có những làng qui mô nhỏ hơn. Trên Tây Nguyên, tại Kontum, như Kon Thup (do chú yao phu Bơih lập năm 1979), Chư Prong, Đức Cơ…Rất nhiều làng xa xôi, hẻo lánh như Pleingol, làng Ngo, làng Ron, làng Tang, làng Chri, Dakrve, Ea Trang…và nhiều nơi lẻ tẻ khác do các linh mục và các xơ , các yă âm thầm hỗ trợ và chăm sóc.
Năm 1941, người Mỹ bắt đầu áp dụng đa hóa trị liệu vào điều trị, bệnh phong bắt đầu được kiểm soát. Năm 1982, WHO khuyến cáo áp dụng rộng rãi đa hóa trị liệu, giúp cắt đứt nhanh nguồn lây, mở ra hướng mới loại trừ bệnh phong trên toàn cầu. Ngày nay nhiều nơi bệnh phung đã bị khống chế.
Đau bệnh nào cũng khổ, nhưng có lẽ bệnh cùi là khổ đau tột cùng.
*Mặt mũi sần sùi, sung húp. Ăn uống khó khăn. Tứ chi lở loét, máu mủ hôi thối, các ngón rụng rơi từng ngày. Đau nhức liên miên. Chân tay không sử dụng được. Đi lại phải có xe lăn, ăn uống, vệ sinh, có người giúp. Điên dại. Sống như thừa, như chết.
*Các thương tật trên cơ thể người bệnh phung khiến nhiều người mặc cảm, thành kiến, kỳ thị, sợ hãi và xa lánh.
*Bị tách khỏi cộng đoàn. Bị coi là nhơ uế, sống như bóng ma. Gần như mất quyền làm người.
Khổ đau ngoài thân xác đã vậy, khổ đau trong tâm hồn còn ray rứt hơn.
*Người cùi mang nặng mặc cảm tội lỗi. Đạo đời đều tin rằng Trời gieo bệnh này để trừng phạt kẻ phạm tội… “và này vua đã bị phong ở trán…vì đã bị Thiên Chúa đánh phạt.”(2 Sbn 26,20).
*Ai sống cũng cần thông cảm, sẻ chia, hợp đoàn. Ít ai thích cô độc, cô đơn, tách biệt: Đứa bé đứng khóc một mình ngoài sân. Hỏi sao con khóc? Bé nói : các bạn “bo xì” con. Người ta kể các cụ sống tại Viện dưỡng lão, chiều nào cũng ngóng ra cửa, ra cổng, xem có ai đến thăm không. Hay như ĐHY Nguyễn Văn Thuận kể chuyện ông Jim. Ông có một chiếc ghế để xát đầu giường ông, khi ông ở viện dưởng lão. Trưa nào ông cũng vui, vì Chúa Giê su đến thăm ông.
Thế mà người bệnh phung phải cách ly cộng đồng. Nếu đi đâu, gặp ai thì phải la lên từ xa: “ô uế, ô uế”. Mọi người đều né tránh mình, người ta che mặt,bịt miệng, nhổ nước miếng. Chính mình cũng không được gặp ai. Khổ tâm biết chừng nào!
Người bệnh phung trong Tin Mừng Mác cô hôm nay bất chấp luật đạo, luật đời, anh chay ra gặp Chúa Giê su, quỳ xuống chân Ngài và xin Ngài chữa lành.(Mc 1,40). Được chữa lành, anh ta được hội nhập trở lại với cộng đoàn. Không còn là ô uế nữa. Từ nay anh là người thanh sạch như ai. Anh được trở lại làm người.
Nếu mọi người né tránh người cùi, thì Thiên Chúa nhân lành lại chạnh lòng thương.(Mc 1,41). Và có lẽ chỉ có môn đệ của thày Giê su mới dám mở rộng vòng tay ôm ấp người cùi: Một cha Damien suốt 16 năm, suốt đời linh mục của ngài sống với người cùi trên đảo Molokai. Một đức cha Cassaigne, một đời sống chết với người cùi K’Ho, Di Linh . Một Mẹ Tê rê xa Calcutta và bao nhiêu linh mục, tu sỉ nam nữ, các yă và bao nhiêu tâm hồn nhân hậu đang âm thầm hy sinh vì nhận ra Chúa trong những con người sần sùi, lở loét, hôi thối, ghê tởm kia.
Xin Chúa chữa lành bệnh cùi thể xác và bệnh cùi tâm hồn chúng con.
Nguyễn Đức Lân