Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 08 Tháng 3 2024 21:07

Chúa Nhật Tuần 4 Mùa Chay Năm B

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
CHÚA NHẬT THỨ IV MÙA CHAY NĂM B

CON RẮN ĐỒNG (Ga 3, 14-21)

     Biểu tượng của ngành y là một con rắn quấn quanh một cây gậy.

     Biểu tượng của ngành dược lại là con rắn quấn quanh cái ly.

     Rắn xuất hiện trong vườn Địa Đàng là loài xảo quyệt (St 3,1), hay lừa dối (St 3,13) vậy mà sao lại được dùng làm biểu tượng cho 2 ngành khoa học thân thiện và hữu ích của nhân loại?

     *Có nhiều người giải thích bằng truyền thuyết Hy Lạp.

Theo truyền thuyết cổ Hy Lạp, Esculape - con trai của thần Appolon (thần Thái Dương) và Coronis, con gái vua xứ Thèbes Phlégyas - được xem là ông tổ của ngành Y dược.Thần Esculape (tiếng Latin) còn có tên gọi khác là Asclépios (tiếng Hy Lạp), có lẽ đã chào đời ở Thessalie thuộc miền Bắc Hy Lạp vào khoảng năm 1260 trước Công nguyên.

     Cũng theo truyền thuyết, một ngày nọ, Esculape trên đường đi thăm bạn gặp một con rắn, ông đã đưa cây gậy ra và con rắn liền bám lấy rồi bò lên quấn quanh cây gậy. Esculape thấy vậy đã cầm cây gậy đập xuống đất để giết chết con rắn. Ngay sau đó, ông lại thấy một con rắn khác bò tới cứu, miệng ngậm một loại thảo dược và sử dụng nó giúp con rắn đã chết sống lại.

Con rắn này có tên là Elaphe longissima, một loài rắn lành, có màu sắc đẹp, sống phổ biến ở châu Âu. Con rắn dùng thảo dược cứu sống đồng loại.

     *Nhiều người khác lại dựa vào sách Dân số mà giải thích: “Ông Mô sê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống” (Ds 21,9). Con rắn chữa lành, nếu nạn nhân tin tưởng và nhìn lên.

     Những giải thích này có thể hiểu được, vì ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Âu châu chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Hy-La cũng như của Kinh Thánh.

   *Trong Tân ước Chúa Giê su cũng nhắc đến con rắn khi Ngài nhắn nhủ các tông đồ: “ Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”. (Mt 10,16).Và trong cuộc đàm đạo với Nicôđêmô, Chúa đã nhắc đến con rắn đồng: “Như ông Mô sê đã giương cao con rắn trong sa mạc. Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3,14-15).

     *Sau những dấu lạ vĩ đại, qua Mô sê, Thiên Chúa đã giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai cập. Nhưng trong cuộc hành trình dài đằng đẵng qua sa mạc, dân đã mệt mỏi, đã nản chí, họ kêu trách Thiên Chúa và Mô sê. Chúa cho rắn độc cắn chết nhiều người. Họ ăn năn hối lỗi . Chúa tha thứ , Ngài sai Mô sê đúc một con rắn đồng treo lên cây cột. Người nào bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng đó thì được sống.(Ds 21,4-9).

     Sau khi kêu trách Thiên Chúa và bị đánh phạt, dân Do Thái mới nhìn lại mình, mới thấy tội lỗi của mình. Nhìn lại quá khứ, họ mới thấy tình thương bao la của Thiên Chúa. Và chỉ có Chúa mới có thể cứu họ khỏi chết.

   *Sứ mệnh Thiên Sai của Chúa Giê su là đến trong thế gian, phải chịu đau khổ và phải chết rồi phục sinh, để cứu chuộc thế gian. Thế nhưng, từ những bậc thông luật đến thứ dân không ai hiểu sứ mệnh này. Họ chỉ hiểu theo quan điểm của riêng họ. Ngay cả các tông đồ thân tín, mặc dầu được Chúa thông báo nhiều lần, cũng không hiểu hay không muốn hiểu, đôi khi còn can ngăn Chúa thực thi sứ mệnh này. Trong cuộc tọa đàm lúc đêm khuya với Nicôđêmô, Chúa Giê su cũng nhấn mạnh Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời (Ga 3,14-15).

     *Ngay từ khi nguyên tổ loài người phạm tội nghịch cùng Thiên Chúa, Người đã hứa ban ơn cứu độ. Thời gian đã mãn,Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian là vì Người yêu thế gian và muốn cứu thế gian, với điều kiện là thế gian phải tin vào Con của Người. Thực ra kẻ không tin, không yêu thì đã bị phạt rồi. Đứa con thứ đi hoang, không tin vào tình yêu của người cha nhân hậu, tự nó đã hành hạ nó, tự nó đã phạt nó, chưa cần người cha quở mắng hay ra hình phạt. Tội của nó là chuộng sự giả dối hơn tình thương của người cha. Chuộng bóng tối hơn ánh sáng. Nó đã phải trả giá cho sự lựa chọn này: đói khổ, rách rưới, hôi hám, thua cả bầy heo. Không tin ở tình yêu Thiên Chúa, không đón nhận ơn cứu độ từ Con của Người, là sự thiệt thòi, là hình phạt rồi.

     Chuộng bóng tối thì sẽ luôn tăm tối. Còn nhớ le mythe de la caverne- thần thoại cái hang, cha Maïs- giáo sư philosophie tại chủng viện Kontum, tại trường Adran, Đà Lạt và đại học Đà lạt- dạy: mọi người ở trong hang, nhìn những bóng mờ trên tường, phản ánh từ ánh sáng lờ mờ nơi cửa hang, nhưng ai cũng tưởng đó là hình thật. Chỉ khi có người ra khỏi hang, trở vào mới nói cho mọi người rằng đó chỉ là bóng mờ. Những người ở trong hang chịu thiệt thòi là không thấy hình ảnh thật, vì họ quen với bóng mờ và vì họ chấp nhận bóng mờ là thật.

     Từ rất lâu trước, từ khi dân còn lưu lạc trong sa mạc, Thiên Chúa đã dùng con rắn đồng làm dấu chỉ Con của Ngài sẽ phải chết treo trên Thập giá. Nhưng nào mấy ai hiểu được dấu chỉ ơn cứu độ này, nào mấy người đón nhận ơn cứu độ này, ngay cả trong thời Tân ước.

 Lạy Chúa , xin cho chúng con biết thân phận tội lỗi của chúng con.

 cho chúng con nhận ra tình thương bao la hải hà của Chúa

 và cho chúng con mạnh dạn đứng lên trở về để được ơn cứu rỗi.

 

                                                                Nguyễn Đức Lân

Read 162 times