Giàu và nghèo là 2 thái cực trong xã hội. Nước Trời lại là nơi dành cho người nghèo và cũng là nơi là chỗ cho người nghèo. Nước Trời khác xã hội, khác thế gian là thế.
Thật tâm mà nói không ai muốn mình rơi vào cảnh nghèo cả. Thế nhưng có những người rơi vào cảnh nghèo để rồi họ bị mất đi rất nhiều trong cuộc sống. Trong đời thường, người nghèo thường bị coi thường và có khi loại trừ ra bên lề xã hội và khi đó người ta sẽ tự hỏi : Nghèo phải chăng là một cái tội.
Thời nào cũng thếm trọng giàu khinh nghèo là chuyện hết sức bình thường để rồi ai ai cũng muốn mình giàu để được người khác tôn trọng. Tiền bạc có khi là thước đo vị thế và phẩm giá của con người ở cái thời buổi mà tiền bạc vật chất lên ngôi. Người nào càng có tiền thì tiếng nói của người đó càng nặng cân và ngược lại.
Ở đời, cũng vui ! Ai ai cũng mong giàu như đã nói. Thế nhưng rồi lại có một đất nước mà nơi đó được khuyến khích hay được mời gọi sống nghèo. Nước đó là nước nào ? Xin thưa nước đó là Nước Thiên Chúa.
Người nào đó là đạo Công Giáo hay ai nào đó hơn một lần đọc Kinh Thánh sẽ bắt gặp được cái gọi là Hiến Chương Nước Trời.
Hiến Chương Nước Trời này lạ lắm !
Điều đầu tiên mở ra Hiến Chương Nước Trời làm cho mọi người sốc. Kho6g sốc mới lạ khi bắt gặp : “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ !”. Không sốc mới lạ ! Trong khi người đời tìm đủ mọi cách để thu vén cho mình thì Nước Trời ấy lại là nước của những người có tinh thần nghèo khó.
Chúng ta còn nhớ thánh Phao-lô đã khẳng định với tín hữu Corintô: “Đức Giê-su vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (x.2 Cr 8, 9b).
Thánh vịnh 104 đã cho ta thấy vị trí siêu việt của Thiên Chúa, Đấng là Vua trên các vua, Chúa trên các Chúa: “Áo Ngài mặc: toàn oai phong lẫm liệt, cẩm bào Ngài khoác: muôn vạn ánh hào quang”. Và sự oai phong của Ngài được mô tả: “Tầng trời thẳm, Chúa căng như màn trướng, điện cao vời dựng trên khối nước cõi thanh không. Chúa ngự giá xe mây, Ngài lướt bay cánh gió. Sứ giả Ngài: làn gió bốn phương; nô bộc Chúa: lửa hồng muôn ngọn” (c.1-4).
Quả thế, Ngài rất “giàu sang phú quý”, chứa chan quyền uy, thế nhưng tại sao Ngài “tự ý trở nên nghèo khó vì chúng ta”? Và lấy “cái nghèo của mình mà làm cho chúng ta trở nên giàu có”?
Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, Người biết rõ điều phải làm cho chúng ta, mục tiêu Người định sẵn – là hướng chúng ta tới sự trọn hảo tối hậu, tới hạnh phúc mà chính Người đã định. Cho nên, trong Tám Mối Phúc, Người đã đặt Mối Phúc thứ nhất là “tinh thần Nghèo Khó” – “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Đức Chúa Trời là của họ” (Mt 5, 1).
Theo Kinh Thánh thì thuật ngữ “Tinh thần” là hơi thở của sự sống mà Thiên Chúa đã trao ban cho Ađam, là chiều kích sâu kín nhất của con người, là chiều kích thiêng liêng, chiều kích làm cho chúng ta trở nên người, nó là hạt nhân sâu thẳm của căn tính chúng ta, nó đưa chúng ta nhận ra căn tính của mình – là “hư không”. Chúa Giêsu công bố các mối phúc cho ta, để ta thuộc về Nước Thiên Chúa. Chúa muốn chúng ta luôn quy hướng về những giá trị cao cả Nước Trời .
“Tinh thần khó nghèo” của Chúa Giêsu đã thể hiện sâu sắc qua đoạn Kinh Thánh mà chính Thánh Phao-lô khẳng định lối sống của Thầy mình: “Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 1-8).
Chúa Giêsu đã muốn sống sự nghèo khó triệt để, Người thể hiện sự “hủy mình ra không” và đã chọn lựa như thế nhằm đưa chúng ta đi vào cùng đích siêu nhiên, chiều kích thiêng liêng, chiều kích sâu kín, là chiều kích làm cho chúng ta trở nên người, là hạt nhân sâu thẳm của căn tính chúng ta – một thụ tạo giới hạn, mỏng manh, bấp bênh, phải cậy dựa vào các nhu cầu, và cuối cùng là cái chết, điểm chót không thể tránh thoát được. Giá trị tinh thần ấy giúp chúng ta sống thực căn tính của mình – “không có gì”, để hoàn toàn phải cậy dựavào Thiên Chúa, vì “không có Đấng Sáng Tạo” thì thân phận thụ tạo sẽ biến tan” .
Người có tinh thần nghèo khó ý thức về sự nghèo khó của mình và dựa vào Thiên Chúa. Họ ý thức về sự mỏng dòn yếu đuối của mình, chấp nhận những sai lỗi và xin tha thứ. Chúng ta được mời gọi chấp nhận sự nghèo khó trong bản thể của mình để có sự tự do đích thực và dâng hiến cuộc sống để phục vụ tha nhân với tình yêu thương.
Những ngày này chúng ta thấy người ta đang loan truyền với nhau một chàng thanh niên không phải là chỉ có tinh thần nghèo khó mà là sống nghèo khó thật sự.
Hơn bao giờ hết, dẫu người ta vẫn trọng giàu khinh nghèo trong xã hội nhưng ở chiều kích siêu nhiên và nhất là trong Nước Thiên Chúa thì Nước Thiên Chúa sẽ là nơi, là chốn của những ai có tinh thần nghèo khó. Chính vì thế, chúng được mời gọi sống tinh thần từ bỏ với của cải vật chất cũng như sống tinh thần nghèo khó để chúng ta có một chỗ trong Nước Trời.
Lm. Anmai, CSsR