Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 11 Tháng 7 2024 08:56

Chúa Nhật 15 Mùa Thường Niên Năm B

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM B

Mc 6,7-13- HÀNH TRANG CỦA NGƯỜI ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG

 

Giữa tháng 3 năm 1975, di tản trên Liên Tỉnh Lộ 7(QL 25 ngày nay) xuống Tuy Hòa, nhiều người dân Kon Tum, Pleiku và Phú Bổn đã mang theo rất nhiều đồ đạc. Những nhà có xe tải, xe be còn chở theo cả tivi, tủ lạnh, salon, giường, tủ…Nhưng rồi, đường đèo ngoằn ngoèo, hiểm trở, xa xôi và cuộc hành trình 200 cây số, kéo dài hơn 2 tuần buộc nhiều người phải bỏ dần đồ đạc, thậm chí, còn bỏ cả xe, để chạy thoát thân. 

 

Cha Phạm Minh Công, trên đường “khổ nạn” 13 năm cũng kể lại :

Phải mất 8 ngày đêm đi bộ trên quãng đường mòn giữa rừng núi hiểm trở, tiến (từ Kontum)về Quảng Ngãi. Tôi lúc đó đúng 40 tuổi, sau 10 năm làm linh mục, sức còn tương đối khoẻ mạnh mà cuối cùng cũng phải trút bỏ dọc đường tất cả những gì không cần thiết lắm. Vài ngày đầu tôi còn ráng đeo cổ ít lon gạo tiêu chuẩn họ phát để ăn đường và để nộp cho trại giam để ăn trong ngày đầu mới tới,… nhưng rồi, gạo thì nhường lại cho anh em, còn bao nhiêu tôi trút hết cho rừng núi, và tôi cảm thấy nhẹ đôi chút để tiếp tục lê bước. (Trích “Chúa vẫn như thế đó”-hồi ký của cha Giuse Phạm Minh Công , Lm Kontum)

Nói hành trình là nói đến hành trang. Hành trình càng dài, càng xa, thì hành trang càng cần phải thiết yếu và gọn nhẹ. Cần phải xác định mục tiêu của hành trình để suy xét và chọn lựa hành trang mang theo.

 

Chúa Giêsu sai các môn đệ trong một hành trình mới. Người gọi nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. (Mc 6,7)Để các ông đi rao giảng…(Mc 6,12). 

 

Thời chúa Giêsu, các kinh sư cũng có từng nhóm môn đệ riêng, nhưng các ông không sai môn đệ đi rao giảng. Còn Chúa Giêsu, đích thân Ngài đi rao giảng, dạy dỗ dân chúng và các môn đệ, rồi sai các ông đi rao giảng. Trước khi từ giã các môn đệ, Ngài còn nói rõ: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em đi”.(Ga 20,21).

Chúa sai đi từng hai người một, để các môn đệ làm việc theo nhóm, giúp đỡ nhau và bổ sung cho nhau. Ngoài ra, số 2 còn là số của lề luật. Lời chứng của hai người trở lên mới có giá trị. (Đnl 19,15).

Sau này, theo sách Công Vụ Tông Đồ, các Tông đồ cũng thường đi rao giảng hai người một. (Cv 3,1; 4,13; 13,2 ; 15,22).

Hành trình đã rõ: các ông đi rao giảng kêu gọi người ta ăn năn sám hối (Mc 6,12).

Nhưng chúng ta ngạc nhiên sao hành trang lại không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy. (Mc 6,8).

Cây gậy gợi ta nhớ lại Thánh Vịnh 23:

Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u

 con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng 

côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. (Tv 23,4).

Cây gậy có 2 công dụng: vạch lối chỉ đường giữa cây cối um tùm, cũng để bảo vệ mình và bảo vệ người khác. Phải chăng trong ý hướng đó mà các hướng đạo sinh thường luôn mang theo gậy khi đi cắm trại, hay đi thám hiểm. 

Không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng (Mc 6,8).

Ai trong chúng ta dám ra khỏi nhà, đi công tác mà không có túi xách, balô, lương thực hoặc tiền túi.

Chúa Giêsu chỉ thị cho các môn đệ như thế, vì khi đi đây đó giảng dạy, chính Ngài đã khẳng định: Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu (Lc 9,58). Không thấy chỗ nào trong Tin Mừng thuật lại Chúa Giêsu có lương thực dự trữ, ngoại trừ lúc Ngài hóa bánh ra nhiều để phân phát cho dân. (Ga 6,5-15). Ngài cũng chẳng có tiền. Khi người ta gọi nộp thuế đền thờ, Chúa đã nói Phê rô ra biển, câu cá và lấy tiền trong miệng cá, nộp thuế đền thờ.(Mt 17,27). 

 ...Được đi dép Nhưng không được mặc hai áo. (Mc 6,9).

Thoáng nhìn qua, chúng ta tưởng hành trang của các môn đệ quá sơ sài, nếu không muốn nói là không có gì hết. Nhưng các môn đệ có đi làm ăn, kinh doanh hay đi định cư, đoàn tụ đâu. Thực ra, hành trang của các ông là khá nặng. 

*Hành trang của người đi rao giảng là chính Chúa, là tình yêu Chúa, là cả giáo huấn và lề luật của Chúa.

Thật thế các ông phải gắn bó mật thiết với Thầy mình, đấng đã nhận lãnh sứ mệnh từ nơi Cha. ( Ga 20,21). 

*Hành trang của các ông là quyền rao giảng, quyền chữa bệnh, quyền trừ quỷ.(Mc 6,13).Cả một lòng thương yêu, nhân ái bao la.

*Hành trang là Tình Huynh Đệ, Tương thân, Tương ái,Tính cộng đoàn, Hợp tác.(Hai người một).

 

*Hành trang còn là phải sống đơn sơ phó thác, hầu như không có gì để bám víu, ngoài Chúa.

Chúa còn dặn dò cách đối xử:

*Bất cứ ở đâu khi anh em đã vào nhà nào thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi (Mc 6,10). Chỗ khác, Chúa Giêsu còn nói: Hãy ở lại nhà ấy và người ta cho ăn uống thức gì thì anh em dùng thức đó …( Lc 10,7)

Các linh mục thừa sai ngày nay cũng vậy.

Một buổi chiều mùa hè năm 1955 Đức cha Paul Seitz, giám mục giáo phận Kontum, chở cha Jacques Dournes đến Bon Ma Jơng, Phú Bổn, (Ayun pa ngày nay. Thuộc giáo phận Kontum). Không hành trang kềnh càng, không quen biết ai, cũng chẳng biết tiếng, cha không bước chân lên nhà ai, mà chỉ xin bà HAreng cho ở dưới sàn nhà…Người ta mang cơm đến cho cha ăn, rồi cho cha lên nhà. Ai cho gì cha cũng ăn… Nếu được mời cơm, cha cũng ăn bốc như họ… Ngắm con người dáng cao gầy, tóc cắt kiểu carê, cởi trần, đóng khố; chiếc tẩu lệch một bên miệng, không mấy khi ngớt khói, chẳng ai phân biệt nổi cha với một già làng Jrai chính hiệu.  Sự thân tình của cha với dân làng nhờ đó tăng dần. Trích “ Người truyền giáo đắm "đạo" Jrai” của Ngọc Tấn.

*Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em thì khi ra khỏi đó hãy  giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.(Mc 6,11).

Giũ bụi là cử chỉ đoạn tuyệt với nơi không xứng đáng đón nhận Tin Mừng. Người ta không muốn mang ra một thứ gì hết. 

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết lựa chọn hành trang thích hợp, gọn nhẹ trên hành trình tiến về Nước Chúa.

                                             Nguyễn Đức Lân

 

 

 

 

 

 

Read 112 times Last modified on Thứ sáu, 12 Tháng 7 2024 08:17