Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 25 Tháng 10 2024 06:42

Chúa Nhật 30 Thường Niên, Năm B Featured

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
   Chúa Nhật 30 Thường Niên, Năm B

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B 

Mc 10,46-52

 

       Một người phát triển bình thường đều có năm giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác(ăn và nói) và xúc giác. Đó là năm cánh cửa để con người mở ra thế giới vạn vật và tiếp xúc [L1] với người khác. Thiếu một giác quan là mất đi rất nhiều, nhất là thị giác và thính giác. 

Hôm nay Chúa Nhật thứ 30 Mùa Thường Niên Năm B, thánh Mác cô thuật lại việc Chúa Giêsu chữa người mù ở Giê ri khô.(Mc 10, 46-53).

Mù không phải là một tội. Chúng ta, cũng như người Do Thái, thường cho rằng bệnh tật hay tai họa là do tội lỗi của mình, của gia đình mình, là bị Thiên Chúa phạt. Các môn đệ hỏi Chúa: Thưa thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta ?(Ga 9,2).

Ta nhìn thấy được là nhờ có đôi mắt lành mạnh và nhờ có ánh sáng. Đôi mắt là ánh sáng của thân thể. Đôi mắt là cửa sổ linh hồn. Nếu mắt bị mù hay thương tật, thì dù có ánh sáng, ta vẫn không thấy gì hết. 

Thế giới của người mù là một thế giới đen đặc hoàn toàn, không cảnh trí muôn màu, xinh tươi, không vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng. Ngày xưa, họ sống gần như mất nửa cuộc đời, khó có thể hoạt động hiệu quả. Không thể kiếm sống. Hầu như mọi việc phải nhờ sự giúp đỡ của người khác. Thường chỉ còn biết đi ăn xin. Đó cũng là trường hợp của người hành khất mù, tên là Bac-ti-mê, con ông Ti mê, đang ngồi ở vệ đường.(Mc 10,46). Mặc dù các tiến bộ khoa học đã cố gắng giúp họ hội nhập vào sinh hoạt xã hội, ngày nay vẫn còn nhiều bất cập. 

Helen Keller, người Mỹ, có lẽ là trường hợp đặc biệt, duy nhất, có một không hai trên thế giới. Vừa khiếm thị, vừa khiếm thính, nhưng bà đã là tác giả 12 cuốn sách và 470 bài nói, bài viết khác nhau. Bà dạy đại học và đi diễn thuyết nhiều nơi trên thế giới, được nhiều trường đại học danh tiếng trao tặng bằng tiến sĩ danh dự.

Bình thường Chúa Giêsu yêu cầu các bệnh nhân biểu lộ niềm tin của họ trước khi Người chữa lành: con có tin không? Trường hợp Bác ti mê, vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Nazareth, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavit, xin dủ lòng thương tôi!”(Mc10,47). Sau khi anh xin với Chúa: Thưa thầy, xin cho tôi nhìn thấy được. (Mc 10,51). Chúa Giêsu cũng đã nói:  Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!(Mc 10,52). 

Được sáng đôi mắt là niềm hạnh phúc lớn.

Nhưng niềm hạnh phúc to lớn hơn nữa chính là Chúa Giêsu đã mở đôi mắt Đức tin cho anh.

Anh liền vứt áo choàng lại (có lẽ là gia tài duy nhất của anh lúc đó), đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu.(Mc 10,50)...Và đi theo Người trên con đường Người đi. (Mc 10,52). 

Chúa Giêsu ban ánh sáng thể xác và ánh sáng đức tin. Ngài là ánh sáng bởi ánh sáng. Chúa  khẳng định: Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian. (Ga 9,5);Là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.(Ga 1,9).

Chúa chữa lành đôi mắt thể lý, để khai mở con mắt đức tin.

Nhiều khi mắt thể lý chúng ta sáng, nhưng mắt Đức tin chúng ta lại mù. Chúa Giêsu nói với người Pharisêu: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù” (Ga 9,39). 

Có khi mắt ta sáng, mà tinh thần ta mù.

* Mù về chính mình.

Triết gia Socrate dạy: Connais-toi, toi-même.Hãy tự biết mình.

Rất nhiều khi ta không biết về sức lực, khả năng Chúa ban cho mình và không biết làm cho sinh lãi. Không thấy rõ những giới hạn, những khuyết điểm, những lỗi lầm, những sai trái của mình, để nhiều khi kiêu căng, tự phụ. Nhiều khi việc người thì sáng, việc mình thì quáng… Ta dễ chủ quan, mất ý thức đối với tội.

* Mù  về tha nhân

Ta không nhận ra những khả năng, những ưu điểm của người khác, hoặc đánh giá thấp những thành công của họ. Ngược lại, chúng ta thường thấy rõ những nhược điểm, những khiếm khuyết, những sai trái của tha nhân. Phóng đại, bôi đen những khuyết điểm của họ. Có khi ta chỉ nhìn vấn đề ở một phía. Phớt lờ những ưu điểm, những tiến bộ, những thành công của tha nhân. Làm ngơ trước những khổ đau của người khác. 

 * Mù về Thiên Chúa

Ta không nhận ra Thiên Chúa trong những kỳ công của Ngài, trong những tiến bộ Chúa ban cho loài người. Không thấy Thiên Chúa trong Giáo Hội, trong Thánh Thể, trong Lời Chúa. Ta cũng không nhận ra Thiên Chúa nơi anh em, trong cuộc sống ta, trong những biến cố vui buồn đời ta. 

Có khi ta mù, nhưng cũng có khi ta cố ý mù.Tội cố tình này càng nặng nề hơn.

Mắt thể lý sáng, nhưng mắt đức tin mù, thì chúng ta cũng sẽ bị Chúa khiển trách như Chúa đã khiển trách người Pharisêu: Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’ nên tội các ông vẫn còn! (Ga 9,41) 

Ngay cả khi được soi sáng, sự soi sáng của chúng ta vẫn còn giới hạn. Cái nhìn của con người cũng thường khác với cái nhìn của Thiên Chúa. Việc ông Samuen được sai đi chọn người làm vua kế vị Saun đã cho thấy điều đó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.( 1 Sm 16,7).

Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái sự sáng... là lương thiện, công chính và chân thật(Eph. 5, 8-9).

Lạy Chúa Giêsu, là ánh sáng thế gian, xin Chúa mở đôi mắt tinh thần của con, để con thấy được những bất toàn, những giới hạn, những khuyết điểm của con. 

Xin Chúa mở đôi mắt tâm hồn của con, để con thấy được những ưu điểm, những thành công nơi người khác. 

Xin Chúa mở đôi mắt đức tin của con để con nhận ra Chúa đang đồng hành với Giáo Hội và với con trong mọi biến cố vui buồn đời con, và cho con cảm nhận được tình yêu bao la của Chúa dành cho con.

 

                                                 Nguyễn Đức Lân 

 

 







Read 6 times
More in this category: « Chậm chạp tâm linh