Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 20 Tháng 12 2024 07:26

Chúa Nhật 4 Mùa Vọng, Năm C

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Chúa Nhật 4 Mùa Vọng, Năm C

 

CHÚA NHẬT THỨ IV MÙA VỌNG NĂM C

Lc 1,39-45:   SỐNG VỚI 

 

 

Tượng đồng trong sân nhà thờ Thăm Viếng( Israel): Mẹ Maria gặp bà Elisabeth.

 Các triết gia hiện sinh nhận định rằng : Sống là sống với. Vivre, c’est vivre avec. Thomas Merton nói rõ hơn: No man is an island- Không ai là một hòn đảo. Trịnh Công Sơn cũng hát: Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.(Huống hồ là con người!). [Chỗ khác ông còn viết: Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng]. 

     Người không sống với là người có trái tim ngục tù, là người mù lòa, đôi mắt mang hình viên đạn, lỗ tai điếc đặc, chân tay mềm yếu. Người phú hộ trong Tin Mừng Luca 16,19-31 là mẫu người không sống với này. Ông yến tiệc linh đình mỗi ngày, nhưng không hề nhìn thấy Lazarô đói rách, ghẻ lở, lê lết trước nhà ông sớm chiều. Các thày tư tế và Lê vi trong dụ ngôn người Samari nhân hậu (Lc 10,29-37) cũng vậy, không chút cảm thương nạn nhân nửa sống nửa chết bên đường. Có lẽ phải kể thêm người con cả trong dụ ngôn Người cha nhân hậu.(Lc 15,11-32). Anh ta sống chung mà không hề sống với. Anh ta làm tôi chứ không làm con của cha anh: ..bao nhiêu năm trời, tôi làm tôi ông…(Lc 15,29.Bản dịch Nguyễn Thế Thuấn).

     Ngược lại, những người biết sống với là những người có trái tim vĩ đại, đôi mắt sáng quắc, hai tai rộng mở và chân tay vững chắc. 

     Các thánh nhân, các Kitô hữu sống với, là người trước tiên sống với Chúa, lắng nghe tiếng Chúa. Luôn liên kết với Chúa, dẫu khổ đau, ngục tù, tăm tối, vẫn không đơn côi. Dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. (Tv 23,4).

     Trong một buổi sinh hoạt giáo lý, giáo lý viên cho các em vẽ hình các nhân vật trong Kinh Thánh. Có em vẽ hình tổ phụ Abraham với hai tai thật to; em minh họa vì chính tổ phụ đã biết lắng nghe Thiên Chúa. 

     Đức Maria đích thực là một người biết sống với. Mẹ có đôi tai thật to, trái tim vĩ đại và đôi chân mạnh mẽ. Mẹ lắng nghe và xin vâng ý Chúa. 

     Sau khi được sứ thần Gabriel truyền tin và được biết chị Elisabeth đã có thai được 6 tháng, trái tim rộng mở, Mẹ đã vội vã lên đường.(Lc 1,39). Không phải để xác minh lời sứ thần, mà là để thăm hỏi và giúp đỡ bà chị già đang thai nghén. Tin Mừng Luca chỉ nói là Mẹ đến miền núi, nhưng ngày nay người ta cho rằng đó là Ain Carim, cách Giêrusalem 6 km về phía tây. Thử hình dung Maria, một thiếu nữ trẻ, cũng đang bụng mang dạ chửa, một thân một mình, (Phúc âm không nói đi với ai) vượt hơn 160 km đường đèo sỏi đá, hoang vắng. Từ Na gia rét đến  Giuđê, nói theo địa lý, là xuống miền Nam, nhưng nói theo địa hình thì lại là lên miền Nam, vì miền Nam cao hơn miền Bắc.( Nazareth cao 300-400 m, Giêrusalem cao 754 m). Người ta ước tính có dùng lừa cũng phải đi mất 5 ngày. Ngày nay, xa lộ thẳng tắp cũng phải mất 2 giờ xe hơi. Từ chân núi, còn phải leo 2 hơi nữa mới lên tới nhà của bà Elisabeth, tức nhà thờ Thăm Viếng hiện nay. Nghĩ mà thương Đức Mẹ. Lại còn đoạn đường về, sau 3 tháng ở lại giúp đỡ bà chị nữa chứ. Ôi thật nhiêu khê. Ta hiểu thêm được lời người đời vẫn nói: Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông. 

Đường lên nhà thờ Thăm Viếng.

Sống với là mở rộng con tim, ngước mắt nhìn đời, trìu mến lắng nghe và mạnh dạn ra đi giúp đỡ tha nhân. 

     Chúa nhật trước chúng ta nghe Gioan Tẩy Giả khuyên dân chúng: ai có hai áo, hãy cho người không có. Ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy.  Ông khuyên dân chúng sống bác ái, công bình. Nói cách khác là hãy sống với nhau chân tình.

Trong giao tiếp đời thường, thăm viếng và giúp đỡ là sống với  trọn vẹn nhất.

     Đức Maria đã thăm viếng và sống với bà Elizabeth tròn 3 tháng. Mẹ đã đem đến cho gia đình Giacaria niềm vui vĩ đại. Cùng với Mẹ, Con Thiên Chúa cũng đến thăm gia đình này và Elizabeth được tràn đầy thánh thần đã kêu lên: Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?  Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui mừng. (Lc 1,44). Đây cũng là điều ngạc nhiên của vua Đavít trước Hòm Bia Thiên Chúa.(2 Sm 6,9). Tương tự như Hòm Bia trong Cựu Ước, Mẹ cũng đang mang con Thiên Chúa trong cung lòng của Mẹ, nên Giáo Hội  đã tuyên xưng Mẹ như Hòm Bia Giao Ước, Hòm Bia Thiên Chúa. (Đức bà như Hòm Bia Thiên Chúa vậy. Kinh cầu Đức Bà). 

     Chúa Giêsu xuống trần. Ngài thực hiện lời hứa của Thiên Chúa: Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người.  Trong suốt những năm đi rao giảng, Chúa Giêsu đã thăm rất nhiều nơi, an ủi chữa lành rất nhiều người, nhất là những người tội lỗi, đau yếu.

Chúa đã sống với dân Israel. 

Emmanuel: Thiên chúa ở cùng chúng ta .(Mt 1,23).

Tin mừng Gioan thuật lại các môn đệ đầu tiên, sau khi được giới thiệu: đây là chiên Thiên Chúa, các ông đã hỏi Chúa: Rabbi, Thày ở đâu?. Người bảo đến mà xem.  Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. (Ga 1,39).

Người đời thường nói trăm nghe không bằng mắt thấy. 

Nối bước Đức Mẹ và Chúa Giêsu, Giáo Hội cũng luôn sống với toàn thể nhân loại. Qua bao thế hệ, có biết bao môn đệ Chúa Ki tô đã ra đi rao giảng Tin Mừng, đem an bình, hạnh phúc đến cho các dân tộc, an ủi, chia sẻ, sống với mọi người trên thế giới.

 Trong cơn đại dịch Covid tại miền Nam, đăc biệt tại Sài gòn, từ giữa năm 2021, người ta bóc tách FO, đem đi cách ly, né tránh F1, F2…thì các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, các giáo lý viên, các thiện nguyện viên lại mạnh dạn, nhiệt tình tìm đến và sống với các bệnh nhân đang quằn quại, đau đớn, cô đơn, vô vọng và hấp hối kia.

     Đặc biệt sau công đồng chung Vaticanô II, Giáo Hội còn nhấn mạnh hơn đường hướng này, qua Hiến Chế mục vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, Gaudium et Spes.

Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. (GS 1).

 Từ cuối thế kỷ trước tới nay, các Đức Giáo Hoàng( từ ĐGH Phao Lô VI) đã ra khỏi Rô ma, thường công du các nước trên thế giới, nếu được mời. Nhìn Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ở tuổi 85, khấp khiểng đi thăm  các nước, hoặc lần ngài đã vấp té ở cửa máy bay, khi tông du Hy Lạp, mới thấy được sự nhiệt tình cao độ của Giáo hội, đặc biệt là của các Đức Giáo Hoàng, muốn chan hòa sống với các dân tộc.  

Trong Phụng Vụ Mùa Vọng, cùng với Gioan Tẩy Giả, Mẹ Maria thật là khuôn mẫu nổi bật để chúng ta noi gương, chuẩn bị đón tiếp Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần. 

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con chân tình và chan hòa sống với tha nhân, đặc biệt trong Mùa Vọng và mùa Giáng Sinh này.

 

                                           Nguyễn Đức Lân

 

Read 54 times Last modified on Thứ bảy, 21 Tháng 12 2024 07:01