Nói về Trung Thu là nói về thiếu nhi, nói về thiếu nhi là nói về Chúa Giêsu. Vì có lần Chúa nói: “ Hãy để trẻ nhỏ đến với ta, ... vì Nước Trời thuộc về những ai nên giống như trẻ nhỏ” ( Mt 19,14).
Một năm có 12 ngày rằm, nhưng ngày 15 tháng 8 âm lịch được gọi là tết Trung Thu. Còn ngày rằm tháng giêng thì được gọi là tết Nguyên Tiêu, có nghĩa là ngày đó là ngày bắt đầu cho một năm mới, chứ không phải là ngày mồng một. Bởi vì người ta tính từ ngày trăng rằm đầu tiên. Theo đó, một năm có 12 tháng là có 12 lần trắng rằm. Trăng tượng trưng cho “Đêm “, cho âm lịch, được gọi là “Nguyệt”. Nguyệt tượng trưng cho tháng, Nhật tượng trưng cho ngày. Như vậy, tháng dài hơn ngày. Nên chi tháng lớn hơn ngày, vì ba mươi ngày mới đầy một tháng. Mở đầu cho ngày đầu tháng chính là ngày rằm. Nhưng ngày rằm là ngày ở giữa, chứ không phải là ngày đứng đầu. Như vậy, giữa mùa thu, vào ngày rằm gọi là Tết Trung Thu. Tết Nguyên Tiêu thì dành cho người lớn nhưng tết Trung Thu thì dành cho trẻ em, người lớn chỉ “ ăn theo”.
Trẻ em thấy Trung Thu đến thì rất vui mừng, bởi vì là ngày tết của chúng. Không ai đã là người lớn mà không trải qua “tuổi Trung Thu”. Có hai món quà Trung Thu đó là : Lồng đèn và bánh. Nên chi, cứ thấy người ta bày bán lồng đèn và bánh thì biết là sắp đến tết Trung Thu. Trong năm, mùa đẹp nhất chính là mùa Thu, vì mùa Xuân như người thiếu nữ dậy thì, còn ngái ngủ, còn trăng rằm mùa Thu mới chính là người thục nữ. Với ý nghĩa đó , người ta đón mừng Trung Thu như một lễ hội, gọi là tết.
Giữa đêm gió mát trăng thanh, nói lên sự thanh bình của trời đất, một chiếc lồng đèn lớn của vũ trụ đang treo lơ lững giữa bầu trời, đó là ánh trăng vàng đang tỏa sáng, kéo theo dưới vòm trời là những chiếc lồng đèn con con của các em bé, tạo thành một cảnh vật thật đẹp và có ý nghĩa biết bao !
Nhưng những chiếc lồng đèn be bé ấy được lung linh, được rực rỡ tạo nên vẻ đẹp ấy là gì? Nếu như không phải là ánh sáng trong những chiếc lồng đèn ấy. Trong đêm càng tối, thì ánh sáng càng đẹp. Tâm hồn của người Kitô hữu, nhất là trẻ em, nếu thiếu ánh sáng Chúa Kitô, thì giống như những chiếc lồng đèn không có ánh sáng, như vậy nó sẽ không còn đẹp nữa.
Ánh sáng Chúa Kitô được thắp lên trong tâm hồn của các em, giống như những ngọn nến được thắp lên trong những chiếc lồng đèn, đủ loại, đủ hình dáng màu sắc của tết Trung Thu thật là đẹp mắt. Với tâm tình đó, mỗi tâm hồn trẻ thơ nói chung và tâm hồn trẻ thơ công giáo nói riêng cần được thắp sáng ngọn lửa niềm tin và tình yêu nơi Đức Kitô, như vậy, những “tâm hồn lồng đèn” của các em sẽ rực sáng như ngày hội trăng rằm Trung Thu hằng năm. Lúc bấy giờ, tết Trung Thu thật là có ý nghĩa đích thự vậy./.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa đến thắp sáng ngọn lửa tin yêu trong tâm hồn mọi trẻ thơ, nhất là những trẻ thơ đang cần thắp sáng ánh sáng của Chúa trong tâm hồn các em. Amen
Xin cầu nguyện và chia sẻ với tất cả các trẻ em đang thiếu “ánh sáng” vật chất cũng như tinh thần ở khắp mọi nơi trên thế giới, để được Chúa Giêsu cùng đồng hành với các em.
16/09/2013
P.Trần Đình Phan Tiến