Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 20 Tháng 9 2013 19:39

Muối đất

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Muối đất

Dẫn Nhập:
Cuộc đời con người là một hành trình tìm đến tương lai, tìm đến chân trời mới. Tiềm ẩn trong lộ trình ấy con người không khỏi mang trong tâm hồn mình một niềm khao khát vô biên, ước mơ hạnh phúc, khát khao biết đến sự thật, tìm ra những câu rả lời cho những vấn nạn căn bản của cuộc sống, xác định ý nghĩa của chân lý (điều lý trí khám phá) một cách chắc chắn. Nhờ chân lý ấy con người biết được mình ở đâu, sẽ đi về đâu. Chính chân lý sự thật làm cho con người tự do, như Đức Giêsu đã nói: “Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga8,32). Hành trình khởi điểm đó hướng dẫn con người khám phá ra những chân trời ngày càng mới mẽ của kiến thức. Một việc xây dựng có hệ thống sự mạch lạc hữu lý của những phán đoán, và tính cách hữu cơ thiết lập một hệ thống tư tưởng đích thực.

I. Con người là tạo vật duy nhất ở trần gian được thiên Chúa dựng nên cho chính họ.

1. Tôi như là TÔI

Tôi được sinh ra bởi tình yêu, và lớn lên trong tình yêu, mọi người quanh tôi, bên tôi, liên hệ với tôi, họ đón nhận tôi như tôi là. Điều đó làm cho tôi hạnh phúc, chính cuộc sống này tôi ý thức mình là duy nhất, là TÔI trong chính tôi là. Do đó, tôi không những yêu thương trân trọng bản thân mình, nhưng tôn trọng yêu thương mọi vật Đấng Tạo Hóa ban cho tôi, đặc biệt là tha nhân những người đã dạy tôi, giúp tôi chân nhận TÔI và họ còn giúp tôi trở thành chính tôi.

Ý thức thân phận con người bất toàn, tôi không còn dừng chân lại với những định kiến bản thân: không chịu tha thứ cho bản thân về những sự bất toàn của mình, tự làm nhục bản thân mình để làm hài lòng người khác. Thậm chí hành hạ thân xác mình với hy vọng sẽ được người khác đón nhận, đôi khi con “nhờ” người khác bạc đãi, lợi dụng bản thân, không những thế, không ít khi tôi biến mình thành nạn nhân khi tôi đồng ý với những phán xét của người khác. Tôi tự trách mình: “thật khốn nạn cho tôi, tôi không đủ tốt, tôi không thông minh, tôi không đẹp, tôi không đáng yêu, khấn nạn thân tôi”, không ngần ngại tô vẽ trên bức tranh định kiến về bản thân cho rằng tôi không có khả năng... Tôi là thế?!? Có thể lắm, nhưng điều đó không có gì đảm bảo. Tôi nhất định phải khá hơn, và tôi nỗ lực cố gắng hết sức có thể để thay đổi tôi, thay đổi suy nghĩ, thay đổi chọn lựa với những sợ hãi vụn vặt.

Với “muối đất” tôi thật sự không ảo tưởng xa vời, cũng không sống đời chân không. Và như thế, cuộc sống tội sẽ đổi thay! Socrate đã nói: “Hãy tự biết lấy mình”, “hãy tự chọn lấy bản thân” (Kier Kegaard). Tôi cho đó như là khởi điểm, khởi điểm đích thực khơi dậy nguồn sống mới nơi tôi, nguồn sống với những thay đổi tự nơi tôi, nhất là hy vọng, Vâng hy vọng có “trở mình” giúp tôi ý thức hơn để nuôi dưỡng tâm hồn, sống đời mình với những nguồn mạch đích thực, có thể kín múc những sinh lực cần thiết để tiến bước trên con đường thực hiện vận mạng đời mình.

2. Mình thế nào mà không dám tỏ ra như thế là mình khinh mình (Mat – xi – lông)

Đã chấp nhận chính mình thì tôi không thể so sánh hay đòi hỏi mình giống như bất cứ ai. Bởi vì so sánh làm tôi xa rời chính mình, còn đòi hỏi sẽ làm xa lạc bản thân. Mỗi người được dựng nên cho chính mình nên tôi không thể hòa lẫn tính cách và cào bằng mọi khả năng với người khác. Chính vì thế mà cuộc sống trở nên đa dạng, phong phú hơn.

Theo lẽ thường, khi sự việc không diễn tiến như lòng mình mong ước, con người thường đổ lỗi cho số phận, hoàn cảnh, tha nhân... hoặc cho rằng mình kém may mắn. Thực ra, nhiều khi chính mình đã gây ra bất hạnh cho mình bởi phản ứng tiêu cực hay thái độ thụ động của mình. Vì vậy, đảm nhận chính mình làm cho tôi phải có trách nhiệm toàn thể về cuộc đời mình, về tất cả những gì xảy đến cho mình, mà không gán ghép, chụp mũ lên người khác hay những gì bên ngoài mình. Thái độ ngồi gặm nhấm nỗi buồn đau, hoặc nói ra những giọng điệu cay đắng, hằn thù lên người khác là những điều không thể. Muốn được như vậy, tôi cần phải nhìn lại quá khứ cuộc đời mình cách chân thành, và liên kết rộng rãi với mọi người xung quanh.

Đảm nhận chính mình vượt xa hơn việc chấp nhận mình và làm cho tôi thực sự bước vào giai đoạn trưởng thành, để làm nên một nhân vị và nhân cách đúng nghĩa. Chỉ khi thực sự đảm nhiệm chính mình, tôi mới thấy được chương trình quan phòng kỳ diệu của Đấng Tạo Hóa trong cuộc đời tôi, “một đầu óc không được sử dụng sẽ ngày càng yếu ớt đi” (Ngạn ngữ Nhật)

Sáng tạo đời mình không có nghĩa là tạo ra một hoàn cảnh sống hoàn toàn khác biệt với hoàn cảnh hiện tại, cũng không nhất thiết phải dẹp bỏ tất cả để làm nên tất cả. Do đó, tôi chỉ cần tìm kiếm những gì thích hợp với mình, giúp mình sống thích đáng hơn với Đấng Tạo Hóa, với chính mình và với tha nhân.

3. Phẩm Giá của Tôi:

Phẩm giá tôi là một lời mời gọi, một ơn gọi, một khả năng diệu kỳ, một yêu sách bao la, vượt thời gian nhưng không phải là một dữ kiện có sẵn mặc dù tôi không chọn sinh ra, không chọn thể kỷ, không chọn cha mẹ, không chọn dòng họ, không chọn tôn giáo…Không chọn gì cả, rồi dột nhiên ý thức tôi hiện hữu, ý thức kho báu tôi mang trong mình , và trong cõi thẳm sâu vô biên mà tôi có nhiệm vụ phát triển làm cho rạng rỡ, và kích thích người khác ý thức về nó.

Rất có thể, trong trường hợp nào đó tôi lặp lại lời của Pascal “ngươi không tìm Ta, nếu ngươi không gặp Ta trước” vì tôi biết tôi không tự mình mà có, cũng không tự mình phát triển, không tự mình làm được gì. Nhưng có Đấng ở bên tôi, ở trong tôi, Ngài cho tôi tình yêu, sức mạnh, nghị lực, can đảm cùng tất cả những gì Ngài biết tôi cần để đời tôi thực sự có ý nghĩa.

Tự Do, Hạnh Phúc, Bình An… vẫn cứ là những thực tại mà con người trong mọi thời đại luôn khắc khoải kiếm tìm. Phải, con người cứ loanh quanh trong phận mình, tôi cũng không ở ngoài vòng lưu chuyển đó. Tôi tự hỏi có hạnh phúc thật không? Hạnh phúc hật là gì? Làm thế nào để hạnh phúc bền vững? Phải chăng Tình Yêu là tất cả?!? Hơn tất cả tôi là tác nhân của sự tuyệt đối, đó là tặng phẩm thâm sâu nhất mà Đấng Tạo Hóa đã không ngần ngại trao cho tôi để tôi được hạnh phúc, được tự do yêu thương, được làm chính mình, được sống cuộc đời mình, bởi Ngài tin tôi và có thể nói Ngài quá liều khi dám tin tưởng tôi, chuyển trao sự sống cho tôi không hề hối tiếc, Ngài chờ tôi dùng khả năng và tự do của mình để tìm hiểu và yêu mến Ngài. Như ta đã đọc thấy ngay từ trang đầu của Kinh Thánh: “Thiên Chúa đã thấy tất cả những gì Ngài đã làm ra đều tốt đẹp” đó sao! Tôi thật cao quý, bởi tôi là thụ tạo vĩ đại của Đấng Tạo Hóa “Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài”, Ngài còn thổi sinh khí vào mũi tôi. Hơn ai hết tôi biết sự thật dơn giản, hạnh phúc là khi tôi hiểu, dám nhìn vào mình, sống thân phậm làm người tôi một lần nhìn lại triết lý sống của mình: Ý nghĩa cuộc đời tôi là gì? Điều tôi tha thiết nhất có thực sự đáng cho tôi hy sinh cả cuộc đời để theo đuổi không? Thái độ của tôi như thế nào với những vấn nạn xung quanh? Lời mời gọi sâu kín thúc bách tôi tìm lại căn tính của mình. Như Flaubert đã nói: “Cớ sao muốn là cái gì, khi có thể là một con người”

Con người có thể trở thành chính mình qua cuộc sống thực của mình, sống thật từng tương quan với những tương quan mà con người có thể xác định mình, thể hiện những gì mình được kêu gọi trong cõi thâm sâu nhất của hữu thể. Khi tôi thực sự là tôi, bởi tôi tôn trọng chính tôi, tôn trọng cuộc sống tôi, tôn trọng những gì liên quan đến tôi…chính lúc đó không phải tôi ích kỷ nhưng tôi đang thực sự sống, sống với những gì mình vốn có, phải có, và đáng được như thế.

Tuy nhiên, trong cuộc sống cũng có những xáo trộn đau đớn mang tính chủ quan hay khách quan như: chia tay, tang thương, ly biệt, vỡ mộng, suy sụp sự nghiệp,... Tất cả những xáo trộn đó sẽ là những cơ hội để tôi thay đổi tầm nhìn và vươn cao hơn trong cuộc sống, thay đổi chương trình, giờ giấc, cách thức, hướng sống, mục tiêu cũng là cách khám phá và sáng tạo một cách sống mới phù hợp với phẩm tính và tư chất của mình.

Do đó, tôi cần biết tương đối hóa mọi sự, giảm thiểu những toan tính nặng nề để cho tâm hồn được thanh thoát, làm mới lại nét đẹp của một con người biết sáng tạo đời mình.

4. Tôi, chủ thể hiện hữu

Bước vào đời với những kiến thức nền tảng phát sinh do sự ngạc nhiên, với những vật thụ tạo, ngạc nhiên khi thấy mình được hội nhập vào thế giới, có liên hệ với nhiều vật giống như mình, và đồng thời với mình. Đức Giêsu đã nói: “Sự thật sẽ giải thoát anh em”(Ga8,32). Việc nhận thức trong sự “biết mình” gây được ảnh hưởng và tuyết phục rất lớn đối với mọi người, thậm chí đối với bản thân mình. Thánh Don Bossco có nhắn nhủ các học trò của ngài “hãy sống tốt đi rồi muốn làm gì cũng được”. Phải, nếu tôi té ngã, thì tôi sẽ mạnh mẽ hơn. Tôi chưa đủ thông minh ư? Nhưng tôi sẽ làm được. “Một lần sai là một lần mở ra hút chân lý!”, (GS Nguyễn Trọng Viễn), để rồi tôi chân nhận sự việc và không gắn bó mãi với nó, cũng không để mình bị lệ thuộc hay bị điều khiển như Platon quả quyết “một đời sống không nhược điểm suy xét là một đời sống không đáng sống” chứng minh cho một chân lý nền tảng, được lấy như một quy luật tối thiểu cho mọi người muốn xác định đúng thực là người khi tự biết mình, dẫn đưa con người vào cuộc sống hiện tại, biết thiên chức rất cao cả của mình sẽ đưa tôi đến niềm vui trọn vẹn, và bền bỉ, khi tôi biết khám phá và tìm ra ý nghĩa. Một người có thể nói rằng: “Tôi hiện hữu”, nhưng cũng phải nói thêm ngay “nhưng tôi không dự phần gì vào đó cả.”

Một con người xét về thể xác là chủ thể duy nhất với xác hồn, là những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Vì thế nhờ con người và tự do, không khinh miệt thể xác, tôi sống và liên lạc với vũ trụ để cải thiện và hoàn thiện nó, để cảm thông với tha nhân, và để tôi sống yêu thương phục vụ hết mình

5. Tự Do, quyền của Tôi

Một con người xét về thể xác, là một chủ thể duy nhất với xác hồn, là tổng hợp tất cả những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Vì thế, nhờ con người và tự do không khinh miệt thể xác, nơi con người liên lạc với vũ trụ để cải thiện, và hoàn thiện nó, để cảm thông với tha nhân, và để con người phục vụ mở lòng ra chia sẻ cho đi hết lòng. Nhưng việc thực thi tự do không bao hàm quyền tiên quyết được làm mọi sự hoặc nói mọi sự.

Tự do tôi có, để tôi định đoạt về vận mệnh riêng mình, tự do để tôi đi tìm Đấng Tạo Dựng, tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc. Tự do của lý trí thúc đẩy tôi tự mình sử dụng tự do một cách trung thành và hợp nhân vị hơn, bởi tôi vượt trên mọi thụ tạo, nhất là trong việc khám phá và chế ngự thế giới vật chất. Thật vậy, trí khôn con người không chỉ giới hạn tôi trong những hiện tựong mà thôi, nhưng còn thấu triệt hiện tại siêu hình một cách thực sự chắc chắn, cho dù trí tuệ không đảm bảo sự hoàn hảo.
Tự do lương tâm để khám phá ra tận đáy bản chất thực sự của tôi có một lề luật mà tôi phải tuân theo, phải yêu mến, phải thi hành điều thiện cũng như tránh điếu ác. Thật vậy chính tôi sẽ bị xét xử theo luật ấy nữa, luật giúp tôi hành động theo quy tắc khách quan chứ không tự ý mù quáng.

Và vì những quyền lợi và bổn phận của con người là bất khả xâm phạm. Tôi làm người và tôi có quyền như Công Đồng Vaticano II của Hội Thánh Công Giáo đã nói: “quyền tự do chọn lựa bậc sống và quyền lập gia đình, quyền được giáo dục, quyền làm việc, quyền bảo tồn danh thơm tiếng tốt, quyền được kính trọng, quyền thông tin xứng hợp, quyền hành động theo tiêu chuẩn đích thực của lương tâm mình, quyền bảo vệ đời sống tư và quyền tự do chính đáng trong phạm vi tôn giáo nữa”. Đúng như thế! chỉ có con người mới có thể có quyền lợi, ngay cả những kẻ lầm lạc, quyền của một con người. “Làm người chúng ta hãy ghét tội và tránh xa tội, nhưng đừng tránh người phạm tội, cũng đừng ghét người đang ở trong lỗi lầm” (GS Nguyễn Trọng Viễn), cho dẫu vẫn biết “con sâu làm rồi nồi canh”, quan trọng không phải chỉ nhìn theo công trang, tội danh để đánh giá một con người, nhưng là chân nhân nét đẹp trong hữu thể sống như là “hạt giống” và làm cho nó phát triển, thì đó mới là điều cần. Theo Đức Ông Charles Pope Tổng Giáo Phận Washington D.C cùng tâm tình của thư Galat 6,1 đã chia sẻ: “lời lẽ có tác dụng là lời lẽ hiền hòa, thiên hướng tác động là thiên hướng khiêm nhu. Minh bạch và bác ái”. Khi tôi sống tự do trong suy nghĩ, trong cách nhìn nhận (Gc4,11-12) lúc đó chính lương tâm cũng bình an và thanh thản, tự do.

Quyền tự do là quyền đáng sợ, nhưng đồng thời là nguyên nhân khiến con người nên cao quý thực sự, quyền tự do ảnh hưởng trực tiếp không những sinh lực bên ngoài mà còn cả sức lực bên trong để rồi chính tôi dám nói thật với mình, nỗ lực suy tư theo chuyên nhất riêng biệt của mình, tự mình tìm cách giải quyết riêng mình, tự mình làm chủ và có trách nhiệm trên cuộc đời tôi, có lập trường để sống trọn vẹn cuộc đòi mình, có thể sống như một người trưởng thành trong xã hội. Bởi tôi hiểu cuộc đời mình như một nghệ thuật cần: hứng khởi sáng tạo, thể hiện được những nét độc đáo, độc nhất của chính tôi, và chính tôi làm cho cuộc đời mình trở thành một tác phẩm nghệ thuật có giá trị tuyệt đối. Thật vậy, triết học và tôn giáo không thay đổi hoàn cảnh nhưng có khả năng thay đổi thái độ sống của tôi. Trong sự khiêm tốn với nguồn hy vọng, tôi dùng tự do mà chính Đấng Tạo Hóa đã tin tưởng và trao tặng nhưng không cho tôi. Từ đó tôi không ngừng nỗ lực muốn thể hiện con người mình, vì biết rằng Ngài chờ sự đáp trả đầy nhiệt huyết của tôi như Thánh Augustino cũng đã nói lên: “Lạy Chúa, để dựng nên con Ngài không cần hỏi ý kiến con, nhưng để cứu chuộc con Ngài cần sự ưng thuận của con”.

Thực tế, thảm kịch con người là: con người có thể sống hoàn toàn như một người máy. Bản năng, thế giới bên ngoài đạt chương trình cho nó, định đoạt cho nó. Ngay cả “cái tôi” cũng bị xô đẩy bởi các ảnh hưởng và dục vọng. Thế nhưng con người có thể và có bổn phận phải trồi lên bằng cách trở thành người tự do, bằng cách biến toàn thân thành một sự dâng hiến cho Đấng hiện diện vô biên và có ngôi vị đang hoàn thiện nó.

II. Gặp lại chính mình khi thành thật hiến dâng.

Bản chất con người không cho người ta an nhiên tự tại sống như con vật, với những nhu cầu trước mắt, nhu cầu hiện tại, nhu cầu hiếu tri, nhưng là phải biện minh được lý do sống của tôi qua nhu cầu gặp gỡ, nhu cầu hướng đến một thực tại thiêng liêng. Thật vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính, nếu không iên lạc với những người khác con người không thể sống cũng như phát triển tài năng của mình. Ý thức được tầm quan trọng của xã hội tính, nên con người muốn sớm được dự phần vào đời sống xã hội hơn. Con người mãi chạy đua nhưng có những ai đang biết rõ hơn, chân nhận một phần rất lớn nhân loại hôm nay đang quằn quại vì đói ăn và thiếu thốn, nạn mù chữ, hình thức mới mẽ về mặt xã hội cũng như tâm lý (những nguyên lý sâu xa trong đời sống ngày nay), do dự không dám định đoạt hướng đi cho mình, cũng chính vì trong chính con người đã có sự chia rẽ, một cuộc chiến luôn diễn ra mỗi khi ta phải chọn lựa tốt xấu.

1. Nhận thức mình dốt là một bước tiến đến sự hiểu biết (B. Disracli)

Mọi người đều mơ ước trở thành con người hoàn mỹ. Nhưng thực tế cho thấy không có ai hoàn mỹ vì mỗi người đều có những khiếm khuyết. Do vậy, cách ứng xử duy nhất là phải tự chấp nhận con người mình với tất cả những gì vốn có, không bôi đen, tô hồng và cũng không tự huyễn hoặc. Điều này vô cùng quan trọng vì khi con người cảm thấy không an toàn, họ thường tự gồng mình lên, tự lừa dối bản thân.

Khi dám đối mặt với con người trần trụi, không còn ảo tưởng về sự hoàn mỹ thì tôi mới có thể sống thanh thản. Nếu tôi dũng cảm đối mặt với những khiếm khuyết của mình thì họ có thể tạo ra kỳ tích: có lúc tỏ ra nhỏ nhen ích kỷ nhưng cũng có lúc rất hào phóng, vô tư; có khi nhát gan rụt rè nhưng cũng có lúc dũng cảm kiên cường.

Tuy nhiên, con người chấp nhận chính mình không có nghĩa là cam phận, mà đòi hỏi họ phải đón nhận những gì mình đã được trao ban, đồng thời cố gắng tạo sự chuyển biến cho bản thân mình. Sự chuyển biến này đòi hỏi sự lột bỏ bên ngoài và cả những tính chất bên trong. Điều đó nhiều khi làm bản thân nhức nhối và cay đắng, muốn phản kháng lại dưới nhiều hình thức. Một khi đích điểm càng gần thì sự lột bỏ sẽ càng gay cấn.

Trong ý nghĩa đó, việc chấp nhận chính mình không cho phép bản thân giới hạn các khả năng, khép kín bản thân hay có những định kiến về mình. Tất nhiên mỗi người đều có một tính khí không thể biến đổi hoàn toàn, nhưng họ có thể làm vơi đi cá tính của mình. Do đó, tôi không thể lý sự rằng: “Tôi là vậy đó, không thể khác hơn”. Cho dù những thúc đẩy của bản năng vẫn còn đó, nhưng nếu biết xoay trở về hướng tích cực thì mọi sự sẽ ra khác. Có nhiều người đã nên thánh, trở thành những bậc anh hùng vĩ nhân do sự chuyển hướng đời mình, không chỉ trong hướng toàn thể, mà còn trong hướng của cái nhìn, của suy tư, hiểu biết và cảm nhận.

2. Tôi Yêu!

Thánh Augustino quãng diễn sức mạnh của tình yêu: “…cứ yêu đi rồi làm”, làm những gì tôi muốn?! Tôi sống đã là một quà tặng nhưng cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi tôi biết YÊU. Để yêu trọn vẹn con người phải tin, để có được niềm tin ta phải tin không điều kiện. Một thánh đố rất lớn! Đúng thế, nhưng trong sự tin tưởng tôi dám đặt mình trong những vòng tay mang manh yếu đuối bất toàn, giới hạn của những người anh chị em xunh quanh, không biết họ sắp làm gì hay đòi hỏi gì, tôi thấy mình thật can đảm và đơn sơ sống sự sống chắc chắn ấy trong niềm vui. Khi tôi tin tưởng người khác thì rất tự nhiên họ cũng dễ tin tưởng tôi phần còn lại là của tôi.

Bởi thế, tôi không đi tìm sự hiểu biết để tin nhưng tôi tin nhờ đó mà hiểu với một thái độ sống đơn sơ, chân thực với chính mình, sống được sự thống nhất giữa con người thật bên trong không giả định ỡm ờ, mà thắng thắng rõ rang, và những biểu lộ bên ngoài hài hòa là tôi để cho nó xảy đến như phải đến, nghĩa là trong thực tại khách quan tư tưởng của cảm tình, không tìm cách kìm chế, can thiệp, không xét đoán, chất vấn, cũng không đồng hóa với bất cứ sự kiện nào để tôi luôn trong suốt mong muốn tự do trong sáng tạo bản ngã của mình trước thách đố của cuộc sống. Cuộc sống con người chính là cuộc chiến giữa tình yêu và ích kỷ.

Tôi yêu, khi tôi dám bong ra khỏi chính bản thân mình, để thực sự sống cảm thông, chấp nhận người khác theo như cách họ là, không cố gắng thay đổi họ. Là muối đất tôi yêu thương với tình yêu không hoàn hảo nhưng nghiêm túc, tình yêu của tôi được thể hiện qua những quan tâm đến sự sống của họ và quan tâm đến những phương tiện cần thiết giúp họ sống một đời sống xứng đáng. . Vì vậy, khi dám chấp nhận người khác với những khuyết điểm, lỗi lầm chính là khởi điểm của một tình bạn. Chấp nhận người khác không có nghĩa là mặc kệ, đồng lõa, nhu nhược nhưng là thái độ đón nhận, cảm thông, không kết án, sẵn sàng tha thứ và cho họ có cơ hội để khắc phục. Chấp nhận còn nhìn thấy những thiện chí của nhau, khơi gợi những gì tốt đẹp và giúp nhau cùng thăng tiến. Tin nơi người khác đòi hỏi một chọn lựa. Đấng Tạo Hóa tin tôi, và tôi cũng phải tin người khác như thế. Khi tin, tôi mới được giải thoát khỏi những việc làm thành nó, chỉ lúc ấy tôi gặp được chính mình.

Tha nhân đâu phải ai xa lạ, họ chính là “cái tôi thứ hai” của tôi. Tôi yêu, mà thật ra tôi đang đi tìm nửa kia của chính mình. Xét cho cùng khi tôi yêu tôi dễ dàng tha thứ, tha thứ cho những người đã làm lỗi đối với tôi. Tha thứ! Vâng, tha thứ không phải vì họ xứng đáng được tha, nhưng là vì tôi nếu như tôi muốn bản thân tôi trở nên nhẹ nhõm chứ không phải những mệt mỏi kiệt sức khi theo đuổi trả thù.

3. Dâng Hiến, Phục vụ

Chuyện kể rằng: Một chủ nông trại luôn chia sẻ cho những nông trại hàng xóm giống bắp tốt nhất mà ông đã khó nhọc tìm kiếm, học hỏi kinh nghiệm gieo trồng từ nhiều nơi. Khi được hỏi tại sao, ông ta không ngần ngại trả lời: Để được mùa bắp bội thu, thì quan trọng nhất là thời gian thụ phấn, và bạn cũng không cần ngạc nhiên, vì phấn của giống bắp tốt nhất nơi ruộng của hang xóm sẽ bay qua ruộng bắp của tôi theo chiều gió, cũng như phấn nơi vườn bắp tôi bay qua vườn bắp họ. Có thể như bạn biết, không thể có mùa bắp tốt nhất nếu chỉ có một ruộng bắp có giống tốt được gieo hạt. Tôi đã chia sẻ cho người khác những gì họ cần, tôi không mất gì cả, nhưng ngược lại tôi nhận được tất cả. “….tất nhiên chỉ có súc vật mới quay lưng lại lo cho bộ lông của mình” (Chuyện tử tế). Là tu sĩ hay không, tự xưng vô thần hay có tín ngưỡng điều đó không quan trọng, quan trọng là sống ý thức sống cái vô biên trong mình và trong kẻ khác chưa nhận ra được điều đó, là còn ở bên kia tính nhân loại của mình.

Hình thức mục vụ có giá trị là biết cảm xúc trước giá trị con người “đừng gây tổn hại, đừng bao giờ xúc phạm, đừng khiến trách và hận thù” là kim chỉ nam cho tôi khi tôi hiến thân. Vâng, xét cho cùng chỉ khi biết tôn trọng con người ta mới sống làm chứng. Bởi vì ngay từ trong trái tim ta không ai có thể cho điều gì nếu mình không có, với tinh thần rộng mở, một cách tự chủ, sáng suốt. Mọi hành vicon người mình luôn được công nhận như một chọn lựa cho nền tảng, cam kết toàn thể nhân vị, biểu lộ hoàn hảo nhất sự tự do của mình. Thật vậy, lúc tin nhận đúng là lúc tôi đưa ra hành vi ý nghĩa nhất cuộc đời, sự tự do gặp gỡ chắc chắn quyết định sống theo chân lý.

Con người cần được gặp gỡ, không phải chỉ bằng lý trí với lý trí hay tinh thần với tinh thần nhưng là hiện sinh với hiện sinh. Sự cảm thông giúp tôi sống thực và sống sung mãn, đồng thời rất tự do, biết cho và biết nhận, biết bày tỏ, biết lắng nghe và khám phá với tâm hồn rộng mở cho tình yêu thương. Có cảm thông tôi đánh tan ảo giác cô độc, nổi loạn một cách bình tĩnh, hữu hiệu tìm thấy niềm vui cả trong nhiều gian nan, hạnh phúc trong khi thấy mình thua lỗ thiệt thòi vì người mình yêu. Thánh Phaolô đã nói về Đức Giêsu như thế (x.Rm5,8).

Sáng tạo đời mình không có nghĩa là tạo ra một hoàn cảnh sống hoàn toàn khác biệt với hoàn cảnh hiện tại, cũng không nhất thiết phải dẹp bỏ tất cả để làm nên tất cả. Do đó, con người chỉ cần tìm kiếm những gì thích hợp với mình, giúp mình sống thích đáng hơn với Chúa, với chính mình và với tha nhân.

4. Tôi Sống khi Tôi Chết

“Cuộc sống không bao giờ là bế tắc thực sự nếu con người dám rời bỏ những lối mòn, và dũng cảm tìm ra những giá trị mới” (Khuyết danh). Cuộc sống đòi hỏi con người thường phải thay đổi mình cho phù hợp với hoàn cảnh đòi hỏi sẵn sàng hy sinh, hòa tan tiêu hao cho điều mình muốn đạt tới. Có những thay đổi diễn ra một cách tự nhiên, lại có những thay đổi đòi buộc con người phải mất rất nhiều thời gian mới làm được.

Tuy nhiên, thiết nghĩ tôi không cần phải thay đổi tất cả. Cái cần thay đổi là những gì người khác và bản thân nghĩ rằng mình cần phải thay đổi. Nếu như tôi chỉ chú trọng đến việc người khác nhận xét mình ra sao để rồi cố gắng để thay đổi theo cách đó thì chỉ là tìm cách làm hài lòng người khác. Do đó, tôi có thể đánh mất chính mình vì thay đổi một cách không có định hướng. Xu hướng bắt chước, chạy theo những cái mới, những trào lưu mới du nhập mà không chú ý đến việc thay đổi con người bên trong của mình, nghĩ rằng mặc một chiếc áo đẹp, hợp mốt và đắt tiền thì tôi sẽ trở thành một con người danh giá!? đối với tôi đó là điều khó tránh khỏi?.
Thay đổi để tôi biết mình là ai, biết nâng giá trị của mình bằng những hành động, tôi nóng tính? Biết kiềm chế! ít nhất là đừng cố nói những gì khi không bình tĩnh, nhưng sẽ đối thoại với nhau khi cả hai cùng biết nói và muốn nghe, tôi nhút nhát ư? Phải tập cho mình can đảm hơn, bởi nhút nhát thì không xấu nhưng khó thành thật! Những việc tốt một khi đã có những cố gắng làm hết sức, dù biết rất có thể người đã thụ ơn họ quay lưng lại, và trả ơn cho tôi là những cái nhìn ái ngại, thiếu tế nhị. Vì việc làm tốt đẹp, tôi ý thức sống đức mến hoàn hảo, tự nguyện đến cùng, sống với như Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”, lúc đó tôi mới trở thành một con người “danh giá”, một con người thực sự là người.

Thế nên, con người cần phải thay đổi suy nghĩ của mình trước khi thay đổi dáng vẻ bên ngoài của họ. Từ đó tôi nhìn lại mình, và ý thức: tôi đang sống phát sinh từ những cái chết vụn vặt của đòi hỏi. Một thực tại nhức nhối, nhưng xem ra quá đổi hẳn nhiên, bình thường như vẫn gặp thấy trong cuộc sống chạy đua hiện nay là, lớp trẻ ở thành thị đang dần dần mất đi cái quý giá của nhân cách, đó là tình cảm làng xóm, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Ngoài thời gian ở trường học, đứa trẻ thường được nhốt kín trong nhà, không giao tiếp với người ngoài. Sự vô cảm hay thờ ơ của trẻ sẽ dẫn đến sự phát triển nhân cách khi trưởng thành. Trẻ nhìn thấy sự không quan tâm của cha mẹ với láng giềng, dần dần hình thành thói quen này ở trẻ. Thói quen này sẽ in đậm trong nếp sống, nếp nghĩ, hành vi. Trẻ sẽ quen với suy nghĩ “đèn nhà ai nấy tỏ” “mac ke no” ngôn ngữ riêng người trẻ vẫn thường dùng là thế, không muốn giúp đỡ người khác, tương trợ những người xung quanh khi họ cần. Từ đó, hình thành cái tôi cá nhân, sống hưởng thụtheo vòng xoay tốc độ của tham, sân, si, càng ngày càng vô tâm, vô cảm và sống quay lưng với hàng xóm, láng giềng. Và, người khác có thể làm gì để giúp họ những con ngườiluôn cho rằng mình đúng, luôn ở lại trong vị kỷ bản thân mà đôi khi chính họ cũng không hề hay biết đó là sai, chưa đúng và chưa đẹp!?

Mặc dù thay đổi, chết đi những điều thuộc về vị kỷ là tốt nhưng tôi cũng không vì thế mà đánh mất bản sắc cá nhân của mình, khi chạy theo những giá trị ảo, những trào lưu không lành mạnh, hòa tan mình vào thế giới của người khác. Hoặc có thể tốt nổi hứng, vị thánh trái mùa…Để làm được, tôi phải sống trung tín với thiên nhiên vạn vật, với tha nhân, với bản thân tôi nữa. Nhất là trung tín với những điều mình chọn lựa đến cùng.

Đó phải chăng là những điều người khác thực sự vẫn chờ đợi và cần nơi tôi? Nếu không, một lúc nào đó nhìn lại, những ngỡ ngàng khi nhận ra mình không còn là mình nữa, mà mình đã trở thành hình ảnh của người khác. Hẳn nhiên, xét theo khía cạnh việc làm, hay chọn lựa có bên ngoài có thể cho thấy tôi cũng chết đó. Nhưng cái chết có mục đích hay không, điều đó mới thật cần có để nói tiếp! Thật vậy, con người sẽ luôn luôn là chính mình khi họ thay đổi theo cách mà họ muốn, chứ không phải thay đổi theo cách mà người khác muốn, vì cuộc sống luôn giao tặng những thách đố, công bằng cũng là một thách đố.

Tạm kết:

Đấng Tạo Hóa đã yêu thương tôi, Ngài mời gọi tôi bước vào cuộc sống, nhạy bén với các dấu chỉ để cùng cộng tác trong công trình chưa toàn thiện của Ngài. Hơn nữa “biết mình”, nỗ lực và hiểu để sống trọn vẹn ý nghĩa cuộc đời. Xét cho cùng, Ngài gởi đến cho tôi muôn thụ tạo để tôi được toàn quyền làm chủ, bên tôi có những bạn hữu để tôi sống với. “Một sinh vật xã hội” tôi cần nương tựa vào nhau để sống. Muối đất vừa phải mặn cũng phải thật bao dung hiền từ, yêu thương, biết lãnh nhận và cũng không giữ lại cho mình, như những hòn đảo cũng có bên mình những triền cát cùng với sóng biển vỗ về. Bởi đó, tôi chỉ có thể trở thành chính mình trong tương quan với người khác, là chính tôi, để khi tôi gặp tôi chính trong thiện cảm thì mọi chân lý khác mới được thể hiện, chết đi thái độ sống hời hợt, giả định thay vào đó tôi sống trọn ý nghĩa cuộc đời, với khá phá ngạc nhiên sống “nương tựa” chứ không là sống “dựa”, nói lên sự gặp gỡ đích thực, cho thấy một khởi điểm, như chị Thánh Têrêsa đã nói: “Tôi cố gắng mãi, cho dù luôn luôn là bước khởi đầu” khơi dậy nguồn sống mới nơi tôi, để tôi có thể chuyển trao sang cho người khác, cùng nhau nuôi dưỡng tâm hồn, kín múc những nguồn sinh lực cần thiết để tiến bước trên con đường thực hiện vận mạng đời mình.


Tài Liệu Tham Khảo:

1. Công Đồng Vaticano II, Gaudium et Spes, số 12-27.
2. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, SECTIO PRIMA VOCATIO HOMINIS: VITA IN SPIRITU, APUT PRIUM PERSONAE HUMANAE DIGNITAS, nxb Tôn Giáo, 2010.
3. Lm Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP. Trăm Năm Trong Cõi Người Ta, 1995.
4. Tự Thuật của Thánh Agustinô, Dịch giả: Vân Thúy, nxb Tôn Giáo, 2010
5. Nguyễn Luật Khoa, Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết, nxb Phương Đông, 2008.
6. Marc Donze, Sự Hiện Diện Khiêm Hạ, Tủ sách đại kết, 1995.
7. Don Miguel Ruiz, Thỏa Thuận Với Chính Mình, nhà xuất bản Phương Đông, 2008. Chuyển ngữ In. ChirsTruc. Nguyên Tác: THE FOUR AGEEMENTS.


Hủ Tíu ( Người con giáo xứ)

Read 1515 times Last modified on Thứ bảy, 21 Tháng 9 2013 16:17