Trên trang nhất của báo Tuổi Trẻ, ngày 27-09-2013, tác giả Nguyễn Quang Thân có bài viết hay: “Ai dạy trẻ nói dối?” Khởi đi từ kết quả thống kê của một Trung tâm xã hội học cho biết: “Tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp I là 22%, cấp II là 50%, cấp III là 64% và sinh viên là 80%”, tác giả phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng đạo đức suy đồi này: “Lớp người kế cận luôn là sản phẩm trực tiếp của gia đình, trường học, và tất nhiên là của môi trường xã hội mà con em được sinh ra, nuôi dạy và trưởng thành”. Rồi tác giả đưa ra những minh họa cụ thể.
Trong gia đình, về nguyên tắc, chúng ta không dạy con nói dối, nhưng trên thực tế, con cái lại thấy những tấm gương gian dối sờ sờ trước mắt: “Bằng khen, huân chương ta khuân về treo chật tường. Nhưng con cái biết ta xài bằng giả vì chúng chưa bao giờ thấy ta đi học. Ta nói với con ta là người lương thiện với lương tháng mười triệu đồng. Vậy mà ta có ba bốn ngôi nhà, sắm ô tô siêu hạng, mỗi năm bỏ hằng trăm triệu chơi gôn…”
Ở trường học thì sao? “Nhà trường không dạy học sinh nói dối nhưng dùng mọi cách để có tỉ lệ tốt nghiệp cao ngất đến nỗi chính học sinh của trường cũng biết là chuyện khôi hài”. Ngoài xã hội thì “cảnh báo thói nói dối bị coi là cấm kỵ vì trên nguyên tắc, xã hội chúng ta không thể có chuyện nói dối. Nhưng bàn tay không che nổi mặt trời, dù muốn hay không sự thật phũ phàng đang được công nhận một cách chính thức trên các diễn đàn quan trọng nhất”.
Như thế, tác giả đã trình bày thực trạng xã hội và phân tích nguyên nhân cách thẳng thắn và trung thực. Tôi chỉ không hoàn toàn đồng ý khi tác giả viết: “Nói dối luôn bị lên án trên nguyên tắc, văn bản, giấy tờ, giáo lý và đương nhiên cả trong sách giáo khoa các cấp”. Có thật như thế chăng?
Còn nhớ một lần đọc được định nghĩa về sự thật trên một tờ báo lớn ở Sài Gòn: “Sự Thật là điều có lợi cho đất nước”. Câu này được in to trên trang nhất như châm ngôn hướng dẫn mọi người.
Thoạt nghe qua, định nghĩa này thật đáng trân trọng vì đề cao lòng yêu nước; tuy nhiên nghĩ kỹ lại thì thấy nhiều điều không ổn.
Theo định nghĩa trên, tiêu chuẩn để nhận diện và đánh giá sự thật vẫn là cái lợi, dù là lợi cho đất nước. Phải chăng vì nhân danh “cái lợi cho đất nước” mà cả một dân tộc phải sống trong dối trá? Điều này lại đã chẳng xảy ra nhiều lần trong lịch sử nhân loại? Xa hơn một chút, người ta có thể hỏi: Thế nào là cái lợi cho đất nước? Có thật sự là cái lợi cho tất cả và từng người dân, hay có khi ngụy trang dưới từ ngữ “cái lợi cho đất nước” chỉ là cái lợi của giai cấp cầm quyền, phe nhóm, hoặc cá nhân nào đó? Cũng từ đó, cái được gọi là “lợi cho đất nước” có thể dẫn lối cho cuộc sống đặt cái lợi riêng của mình lên trên hết, và làm mọi sự chỉ vì cái lợi đó, bất chấp những giá trị luân lý, đạo đức.
Lại chẳng phải là thực tế đó sao? Lợi cho gia đình tôi vì lợi nhuận cao nên sẵn sàng nói dối. Lợi cho trường học của tôi vì được bằng khen nên sẵn sàng nói dối. Lợi cho sự cai trị của nhà cầm quyền nên sẵn sàng vu khống và nói dối để đạt mục đích.
Nếu định nghĩa trên trở thành tư tưởng nền tảng để điều hành xã hội thì điều nguy hiểm nhất là người ta đánh mất cảm thức về sự thật, được hiểu như sự tương hợp giữa lý trí và sự vật (adequatio intellectus et rei). Và khi chính cảm thức về sự thật bị đánh mất thì những chuyện dối trá lan tràn là chuyện hết sức bình thường, đồng thời không thể thiết lập sự tín nhiệm trong tương quan giữa người với người, vốn là một tiền đề cho sự phát triển toàn diện và vững bền của xã hội.
Hãy gọi tên sự vật như nó là. Không phải chúng ta có quyền tạo nên sự thật, dù nhân danh bất cứ cái gì, nhưng chính Sự Thật soi sáng, xét xử và uốn nắn chúng ta.
30-09-2013
Thiên Triệu
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org