Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 15 Tháng 10 2013 15:26

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và ba cám dỗ của Giáo Hội

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Đức Giáo Hoàng Phanxicô và ba cám dỗ của Giáo Hội

 

Theo ĐGH Phanxicô, ba cám dỗ mà Giáo Hội phải đương đầu là: biến thông điệp Phúc Âm thành một ý thức hệ; điều hành Giáo Hội như một doanh nghiệp; và chủ nghĩa giáo quyền. Trong bài diễn văn ngày 28 tháng Bảy với Hội đồng Giám mục CELAM, Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh, ĐGH Phanxicô đã vạch ra những cám dỗ này và cách đối phó của Giáo Hội.

Biến thông điệp Phúc Âm trở thành một ý thức hệ

Đức giáo hoàng nói rõ sự cám dỗ này từng hiện diện trong Giáo Hội ngay từ lúc ban đầu. Nó toan tính giải thích Phúc Âm khác với Giáo Hội hay khác với chính Phúc Âm. Đức Phanxicô nói quý vị phải nhìn đến Phúc Âm với con mắt của một người môn đệ. Chẳng có điều gì là các khoa chú giải “sạch sẽ”.

Các hình thức khác của sự cám dỗ ý thức hệ gồm thuyết giản lược xã hội học và tâm lý hóa. Thuyết đầu giải thích thông điệp Phúc Âm qua lăng kính của khoa học xã hội, hoặc từ quan điểm Mác-xít hoặc tự do. Ở đây Phúc Âm bị thao túng vì các lý do chính trị. Nó là một loại cám dỗ mà cả phe hữu cũng như phe tả muốn sử dụng Phúc Âm để phục vụ các mục tiêu chính trị. Những lo sợ với cám dỗ này có lẽ đã khiến Đức Phanxicô trở nên thận trọng với thần học giải phóng trong khi đồng thời rất tiêu cực với chủ nghĩa tư bản tự do.

Sự cám dỗ tâm lý hóa đức tin, ngược lại, thì có tính cách cá nhân. “Ở đây chúng ta phải đối diện với những chú giải ưu tú mà sau cùng nó coi ‘sự gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô’ và sự triển nở trở thành một tiến trình dần dà tự ý thức.” Đây là một loại linh đạo đặt trọng tâm đến chính mình mà “không dính dáng gì đến sự siêu việt và hậu quả là loại bỏ tinh thần truyền giáo.”

Tuy ngài không nhắc đến, một nguy hiểm khác của cám dỗ này là nó ấp ủ một linh đạo tiêu cực, “cảm thấy sung sướng” thay vì một linh đạo tích cực mà nó hữu hiệu để làm cho thế giới này trở nên một nơi tốt hơn. Ngài tin rằng loại linh đạo nhắm đến chính mình có thể tìm thấy ngay cả trong các môn học về linh đạo và các buổi tĩnh tâm.

Liên quan đến loại linh đạo nhắm đến chính mình là cám dỗ tìm đến giải pháp của Gnostic (ngộ đạo thuyết). Ngài nói, “Nó thường được tìm thấy trong các nhóm ưu tú khi đưa ra một linh đạo cao hơn, thường là thoát xác.” Lúc đầu Ngộ Đạo Thuyết xuất hiện trong các Kitô Hữu tiên khởi, và nó tái xuất hiện trong lịch sử Giáo Hội trong những hình thức mới và được thay đổi. “Tổng quát các thành viên của nó thường được gọi là ‘Người Công Giáo được giác ngộ’ (vì thật vậy, nó có gốc rễ trong nền văn hóa Giác Ngộ)”.

Việc ám chỉ đến văn hóa Giác Ngộ cho thấy rõ ràng là ngài tin rằng đây là sự cám dỗ của người Công Giáo phóng khoáng. Họ “bận tâm với những câu hỏi có tính cách mục vụ được bàn cãi”, mà ngài không kể ra. Có phải những câu hỏi được bàn cãi gồm những điều tỉ như nữ linh mục và ngừa thai?

Cám dỗ ý thức hệ sau cùng là giải pháp của chủ nghĩa Pelagiô. Người theo thuyết này tin rằng sự thánh đức là kết quả của nỗ lực con người mà không cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Đây là sự cám dỗ của những người Công Giáo bảo thủ về “một hình thức vạn vật phục nguyên [restorationism]”. Họ tìm kiếm một “giải pháp thuần túy kỷ luật” đối với những vấn đề của Giáo Hội “qua việc phục hồi các thói quen và hình thức đã lỗi thời mà, ngay cả ở mức độ văn hóa, không còn ý nghĩa nữa.” Người ta có thể thấy tại sao Đức Phanxicô từ chối phẩm phục giáo hoàng lộng lẫy.

Ở Châu Mỹ Latinh, ngài nói thuyết vạn vật phục nguyên này được tìm thấy “trong các xu hướng đối với sự ‘an toàn’ về học thuyết hay sự rèn luyện” trong các nhóm nhỏ và ngay cả một số tu hội mới. Nhưng ngài thấy phương cách này là một tiến trình “tĩnh” và đi lùi mà nó “tìm cách ‘phục hồi’ một quá khứ đã mất.” Khi là một đức tổng giám mục của Buenos Aires, Á Căn Đình, Đức Jorge Bergoglio không thích Thánh Lễ Tridentinô (tiếng Latinh) và đã không cho phép cử hành cho đến khi ĐGH Bênêđích ra lệnh cho toàn thể Giáo Hội.

Chủ nghĩa thực dụng

Cám dỗ thứ hai của Giáo Hội là chủ nghĩa thực dụng, mà Đức Phanxicô tin rằng nó có hiệu lực làm tê liệt Giáo Hội. “Thay vì lưu ý đến chính con đường, nó lưu tâm đến việc lấp những ổ gà trong con đường.” Nó “không còn chỗ cho mầu nhiệm; nó nhắm đến hiệu quả.” Đây là một cám dỗ của các quan lại trong Giáo Hội. “Nó biến đổi thực tại Giáo Hội thành cơ cấu của một tổ chức phi chính phủ. Điều có giá trị là các kết quả theo số lượng và các số thống kê.” Đức Phanxicô không muốn cuối cùng Giáo Hội “được điều hành như bất cứ tổ chức thương mãi nào khác.”

Thuyết giáo quyền

Cám dỗ sau cùng của Giáo Hội là thuyết giáo quyền, mà như nghĩa chữ bao hàm, là một cám dỗ đặc biệt đối với các giám mục và linh mục, nhưng Đức Phanxicô thường nói giáo dân là đồng lõa. “Linh mục giáo sĩ hóa giáo dân và giáo dân ân cần xin được giáo sĩ hóa bởi vì sâu bên trong, điều đó dễ dàng hơn.” Ngài tin rằng “hiện tượng giáo quyền giải thích sự thiếu trưởng thành và sự tự do Kitô Giáo trong phần lớn giáo dân ở Châu Mỹ La Tinh.”

Ngài lý luận, sự tự do của giáo dân “tìm thấy sự tỏ lộ trong những kinh nghiệm chung: Công Giáo là một cộng đồng.” Sự tự trị lớn hơn, mà về tổng thể ngài tin rằng là một “điều lành mạnh”, được tỏ lộ qua lòng đạo đức phổ thông. “Sự lan tràn của các nhóm học hỏi Kinh Thánh, của cộng đồng đức tin và của hội đồng mục vụ,” ngài nói, thì cũng “giúp vượt qua thuyết giáo quyền và gia tăng trách nhiệm của giáo dân.” Thuyết giáo quyền phóng khoáng có thể khinh miệt lòng đạo đức phổ thông trong khi thuyết giáo quyền bảo thủ lại lo sợ khi để giáo dân nắm một vai trò rộng lớn trong Giáo Hội.

Tuy những điều này được trình bày như những cám dỗ của Giáo Hội Châu Mỹ Latinh, hiển nhiên nó có tính cách hoàn vũ. Các cám dỗ này sống động và mạnh mẽ ở Rôma và ở Hoa Kỳ.

Thomas Reese, S.J.
(Cha Thomas Reese, dòng Tên
là một nhà phân tích kỳ cựu cho NCR)

Pt Giuse Trần Văn Nhật
chuyển dịch từ bài Anh ngữ của NCR.
(Nguồn: nguoitinhuu.com)

Read 2030 times Last modified on Thứ tư, 16 Tháng 10 2013 20:28