Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 27 Tháng 10 2013 20:47

Hôn nhân không bao giờ là một cuộc sống nhàm chán (3)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Hôn nhân không bao giờ là một cuộc sống nhàm chán (3)

     Bản chất khác biệt của người phụ nữ

Theo bản chất và tâm lý tự nhiên giữa hai phái tính nam nữ, người ta thường cho rằng người đàn ông tựa như cái cột trụ, còn người nữ là dây leo, hay người đàn ông được coi là một bến nước còn người phụ nữ là chiếc thuyền nan giữa dòng sông. Điều đó muốn nói rằng dù với chức bậc hay địa vị nào trong xã hội, thì trong cuộc sống đời thường, ngoại trừ một thiểu số đặc biệt, còn đại đa số người phụ nữ luôn cần một bến nước, một chỗ nương tựa, hoặc về phương diện tinh thần hoặc về phương diện vật chất, hay cho cả hai phương diện.

Và một khi chỗ nương tựa ấy đã được bảo đảm chắc chắn, thì người phụ nữ sẽ phát huy được đầy đủ và một cách nhanh chóng con người mình cũng như các phẩm chất và các năng khiếu bẩm sinh của mình. Họ sẽ sống vui hơn, lạc quan hơn và cũng sáng tạo hơn. Đó cũng là kinh nghiệm cá nhân của William Bradley, tự là Pitt Brad, một minh tinh màn ảnh và một nhà sản xuất phim nổi danh của Mỹ, qua cuộc sống hôn nhân với Angelina Jolie, cũng là một minh tinh màn ảnh lẫy lừng của Mỹ, khi anh phát biểu: “Người phụ nữ là tấm gương phản chiếu hình ảnh của người đàn ông họ yêu.” Sự phát huy cuộc sống và tình yêu của nàng tùy thuộc vào cuộc sống và tình yêu của người đàn ông.(1)

Bởi vậy, khi một người đàn ông có cảm tình với một người phụ nữ và luôn tận tình săn đón giúp đỡ nàng, người phụ nữ sẽ cảm thấy hạnh phúc và biết ơn, vì biết mình được quan tâm, được yêu thương, che chở. Trong cuộc sống, người phụ nữ luôn mong muốn được lắng nghe và chia sẻ. Nhưng đáng tiếc là trên thực tế, nhiều người đàn ông thường lại không hiểu hay không mấy quan tâm đến điều đó. Họ chỉ muốn giúp đỡ người phụ nữ giải quyết những vấn đề hay công việc khó khăn nào đó, thế thôi. Đó là điều cần thiết, nhưng chưa phải là đều chính yếu mà người phụ nữ mong muốn. Vâng, người phụ nữ mong muốn được lắng nghe, vì thái độ biết lắng nghe của người đàn ông sẽ làm cho họ được an tâm và hạnh phúc, vì biết người đàn ông thực sự chia sẻ và tham dự vào cuộc sống của họ.

Điều đó cũng muốn nói rằng trong cuộc sống hôn nhân, người vợ luôn cần có được sự chắc chắn là biết chồng luôn quan tâm đến mình, luôn săn sóc lo lắng cho mình, và qua đó nàng biết mình làm hài lòng chồng, được chồng thương yêu và thích gần gũi. Trái lại, khi một người vợ chưa biết chắc chắn được tình yêu người chồng dành cho mình, thì nàng sẽ không thể sống hạnh phúc và phát huy được con người và các phẩm chất của mình, vì một khi tâm hồn chưa an bình và chắc chắn, thì cuộc sống không thể ổn định được. Người ta phải “an cư” đã, rồi mới có thể “lạc nghiệp” được. Một người vợ không có được sự chắc chắn về tình yêu của chồng, thì cũng giống như một con cá nằm phơi trên đất khô.

Đây là điều rất quan trọng và có tác dụng mạnh mẽ trong hạnh phúc hôn nhân và gia đình, đòi hỏi những người chồng cần phải hiểu rõ và xác tín. Những người chồng cần loại bỏ tính cách “gia trưởng” cố hữu của mình, để biết kiên nhẫn lắng nghe và quan tâm đến vợ mình cũng như những gì nàng sở hữu hay ước muốn, chẳng hạn biết góp ý và nhận xét tích cực về những bộ áo quần vợ mình ưa thích. Ý kiến nhiều nhà tâm lý học cho rằng khi một người đàn ông không biết hay không bao giờ muốn hàn huyên góp ý với vợ mình về áo quần cũng như các đồ trang sức của nàng, thì một ghi vấn nghiêm chỉnh sẽ được đặt ra là liệu anh ta có yêu vợ thực sự không. Trong trường hợp này, người chồng đừng ngạc nhiên và hỏi tại sao khi thấy người vợ có vẻ lạnh lùng và như muốn tránh mặt anh, và nhiều khi nàng còn tỏ thái độ dùng dằng như không muốn ngủ chung với anh nữa.

Người đàn ông mà thiếu quan tâm để ý tới những gì thuộc vợ mình, thì sẽ làm cho nàng có cảm giác anh không phải là một người chồng tốt, không phải là một người chồng luôn biết săn sóc lo lắng cho gia đình, và vì thế, không phải là một người chồng mà nàng có thể sẵn sàng hy sinh tất cả để yêu thương và tin tưởng nương tựa. Theo tâm lý bình thường thì đối với người phụ nữ việc chăn gối vợ chồng không luôn luôn là điều quan trọng hàng đầu, nhưng là sự tận tụy hy sinh chân thành và sự quan tâm săn sóc cụ thể của người chồng về những gì nàng ưa thích. Đối với người phụ nữ, sự quan tâm để ý của người chồng là bằng cứ cụ thể rõ ràng nhất của tình yêu mà anh dành cho vợ mình. Phải chăng khi có được bằng cứ tình yêu mong chờ này trong tay, người vợ sẽ sẵn sàng hiến dâng trọn vẹn mình cho chồng một cách hạnh phúc? Người ta có thể hiểu ý nghĩa này trong câu phát biểu của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi ngài nói: “Người đàn ông yêu để muốn được yêu, còn người phụ nữ lại muốn được yêu để yêu.”

Khi cảm nhận mình không được yêu thương thực sự, thì một người phụ nữ sẽ không bao giờ có thể yêu được, ít là yêu một cách thật lòng. Đây là một điều hoàn toàn vượt khỏi khả năng của người phụ nữ. Và điều đó không còn là vấn đề của ý chí, nhưng là vấn đề của chính cấu trúc các sinh hoạt tâm lý của người phụ nữ. Người ta cần lưu ý điều này là người phụ nữ sẽ ghi nhận rất chính xác sự tỏ tình của người đàn ông và trực giác bén nhạy của họ sẽ báo cho họ biết là lời tỏ tình ấy được xuất phát từ một tình yêu chân chính hay chỉ là những lời nói đầu môi chót lưỡi mà thôi. Vâng, người phụ nữ sẽ cảm nhận được người đàn ông có yêu thương họ hay không, dĩ nhiên theo cách thế riêng của họ.

Ở đây một câu hỏi được đặt ra là theo tâm lý tự nhiên thì cần phải có những yếu tố nào để có thể khiến người phụ nữ yêu được? Để trả lời cho câu hỏi được đặt ra, người ta có thể dẫn chứng một số các yếu tố căn bản mà người ta cũng có thể gọi là những nhân đức nhân bản, như: Sự thông cảm, sự tôn trọng, sự hy sinh tận tụy, sự chân thành, sự quảng đại và long vị tha, sự hùng dũng và tính can trường, sự khả tín trong lời nói cũng như việc làm. Trong khi cử hành Bí tích Hôn Phối cũng như suốt cuộc sống hôn nhân, người đàn ông cần có sự trợ lực của ơn Chúa, để có thể trau dồi và tích lũy cho mình những đức tính cần thiết ấy trong cuộc sống hôn nhân. Chính nhờ thế, người chồng sẽ hoàn toàn chiếm hữu được con tim của vợ mình và qua đó sẽ tạo nên được sự hạnh phúc cho cuộc sống hôn nhân và gia đình. Vì thế, ở đây tôi xin được nhắc lại một lần nữa: Hôn nhân thực sự là nơi làm phát triển các nhân đức nhân bản và các nhân đức Kitô giáo.

Và bản chất người đàn ông cũng khác biệt

Nếu muốn có được tình yêu của người phụ nữ, người đàn ông đòi hỏi phải có những đức tính như vừa trình bày ở trên, thì ngược lại, nếu muốn chiếm hữu được con tim người đàn ông, người phụ nữ phải hội đủ những đức tính cần thiết nào? Vì cũng là con người, nên người đàn ông cũng cần những yếu tố, hay nói đúng hơn: những điều kiện nhất định để có thể yêu thương một cách chân thành và hết lòng. Ví dụ: Sự tin tưởng, sự tiếp đón, sự nhìn nhận, sự ngưỡng mộ, sự nhất trí đồng tình, sự động viên và khuyến khích, sự dịu dàng khả ái, sự tinh tế.

Quả thật, để cùng sống chung với một người khác một cách thân mật và sâu kín như trong cuộc sống hôn nhân, hoàn toàn không hề đơn giản chút nào. Và từ lý do đó người ta mới cần đến sự hướng dẫn tinh thần và tâm linh, công việc tư vấn hôn nhân hay một tên gọi nào khác cùng có chung một mục đích là tìm cách giúp đỡ và hướng dẫn những đôi nam nữ đang tiến tới hôn nhân hay những người đang phải đối mặt với những thách đố trong cuộc hôn nhân của họ. Những nhà chuyên môn và giàu kinh nghiệm sẽ giúp cho những cặp vợ chồng biết “hạ cánh” từ những đám mây ảo tưởng và quay lại với “mặt đất” thực tại, quay lại với cuộc sống và con người cụ thể của họ, để họ không còn “bé xé ra to” hay “chuyện con nít xịt ra chuyện người lớn” giữa những bất đồng hay khác biệt tất nhiên giữa họ nữa.

Để có thể tránh được hay để có thể vượt lên trên những khủng hoảng và những thử thách trong cuộc sống hôn nhân, những đề nghị và góp ý đúng đắn của các nhà tâm lý học và phân tâm học là điều rất cần thiết. Đó chính là tìm cách giải thích và trình bày cho những người liên hệ hiểu rõ được bản chất và tâm lý tự nhiên của người đàn bà và của người đàn ông như thế nào: Đâu là sự tương đồng và đâu là sự tương phản, hay đâu là sự giống nhau và đâu là sự khác nhau, giữa họ.

Tuy nhiên, yếu tố quyết định trong việc can đảm biết vượt lên trên những thử thách khó khăn trong đời sống hôn nhân gia đình chính là đời sống nội tâm, tức đời sống tâm linh, đời sống trong tương quan tốt với Thiên Chúa. Đời sống nội tâm không hề làm giảm thiểu giá trị của những kiến thức về sinh học và tâm lý học hay những sự giúp đỡ và góp ý của các nhà tư vấn chuyên môn. Ngược lại, cuộc sống tâm linh vững vàng và sâu xa sẽ bổ túc và hoàn bị những kiến thức khoa học cũng như những trợ giúp nhân loại một cách trọn vẹn hơn.

Khi người ta ý thức và xác tín được một cách chắc chắn rằng trong cuộc sống và trong tâm hồn mỗi người luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa bằng các ơn thánh của Người, thì người ta sẽ càng thêm lòng kính trọng nhau hơn, vợ chồng sẽ càng yêu thương và kính trọng nhau hơn, vì họ yêu nhau là họ yêu chính Thiên Chúa và họ kính trọng nhau là họ kính trọng chính Thiên Chúa vậy.

Vâng, khi một người sống cuộc đời hôn nhân của mình dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo, dưới ánh sáng của Chúa Thánh Linh, người ấy sẽ nhận thức được một cách rõ ràng ngay, hay ít là một cách nhanh chóng, những điều người bạn đời của mình mong đợi. Khi một người Kitô hữu sùng đạo, anh sẽ luôn biết nỗ lực loại bỏ tính ích kỷ và sống vị tha hơn, và vì Chúa anh sẽ chỉ muốn một điều duy nhất là tìm cách thực hiện điều thiện hảo cho vợ mình và trao tặng nàng điều nàng cần cho cuộc sống. Và ngược lại, một người phụ nữ đạo đức cũng sẽ tư duy và hành động tương tự như thế. Nếu vậy, đời sống hôn nhân được coi như là con đường sống thuận tiện giúp ta thánh hóa bản thân và như là nơi hoàn thiện tình yêu nhân loại.

Điều đó cũng muốn nói rằng nếu người ta biết nhìn cuộc sống hôn nhân dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo, người ta sẽ giữ được sự chung thủy hôn nhân dễ dàng hơn. Người chồng đạo đức sẽ sống đứng đắn nghiêm chỉnh hơn, dễ dàng chiến thắng được các cám dỗ và mời mọc của xác thịt hơn, sẽ biết quan tâm săn sóc người bạn đời của mình hơn, sẽ thông cảm và tha thứ dễ dàng hơn và sẽ luôn can đảm bắt đầu lại. Nói tắt, anh sẽ luôn biết nỗ lực hoàn thiện bản thân và nhờ thế sẽ xây dựng được một cuộc sống hôn nhân đầm ấm hạnh phúc.

Sự cân bằng tính dục trong hôn nhân

Như đã đề cập tới ở trên, sự cân bằng tính dục giữa hai vợ chồng đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hôn nhân, đặc biệt nó đóng góp phần chủ yếu vào sự chung thủy của họ. Kinh nghiệm cụ thể của các đôi vợ chồng đã chứng minh cho thấy rằng trong những hôn nhân mà giữa hai vợ chồng không có sự cân bằng tính dục, hay nói cách khác, khi một người trong họ hay cả hai vợ chồng luôn thất vọng trong các sinh hoạt vợ chồng, thì sự đe dọa làm đổ vỡ hôn nhân là một điều khó tránh, hay ít là cuộc sống hôn nhân của họ sẽ đâm ra buồn chán, tẻ nhạt và thiếu hạnh phúc. Bởi vì tình vợ chồng hoàn toàn khác với các loại tình yêu nhân loại khác, như tình yêu máu mủ, tình yêu bạn bè, tình yêu linh tông, v.v… Tình yêu vợ chồng được đặt nền tảng trên sự “gần gũi” thể xác giữa hai vợ chồng. Và cũng từ lý do đó nên khi hai vợ chồng “cách mặt” thì rất dễ “xa lòng”, nếu như họ không có một lý trí mạnh mẽ, nhất là một đức tin Kitô giáo sâu xa.

Vì thế, điều quan trọng đối với đời sống hôn nhân là trong lãnh vực tính dục cả hai vợ chồng cần phải trao ban cho nhau điều chính đáng mà mỗi người trong họ ước muốn – trong một giới hạn rộng rãi mà luật luân lý của Giáo Hội cho phép. Và nếu cần thiết, người ta còn phải thăm dò ý muốn của người bạn đời của mình một cách kín đáo và tế nhị, nhưng tốt nhất là nếu tự mình có thể tìm hiểu lấy được. Ở đây, người chồng cần đóng vai trò chủ động và khôn khéo để có thể giúp cho người vợ vượt qua được sự e ngại khép nép cố hữu của một người phụ nữ, nhất là nếu người vợ lại là một người phụ nữ đoan trang và có luân lý đạo đức sâu xa.

Cả hai vợ chồng cần xác tín một cách rõ ràng rằng trong hôn nhân, cả hai đã trở nên một xương một thịt với nhau và nhất là vì sứ mệnh thiêng liêng cao cả, mà Tạo Hóa đã giao cho họ chu toàn khi Người tác thành họ nên vợ chồng qua Bí tích Hôn Phối, là cùng cộng tác với Người trong sứ mệnh truyền sinh giống nòi. Như vậy, sự tương quan tính dục trong hôn nhân hay sự sinh hoạt vợ chồng là một sứ mệnh cao cả, chứ không hề là một hành động thấp kém hay bất xứng. Họ không được phép coi nhau như đối tượng cốt làm thỏa mãn những đòi hỏi tính dục ích kỷ của mình, nhưng là tìm cách làm cho nhau được sung sướng hạnh phúc. Điều đó muốn khẳng định rằng tình yêu hôn nhân là một tình yêu nhân loại hoàn toàn mang tính chất đặc thù riêng biệt.

Một hiện tượng quan trọng khác trong cuộc sống hôn nhân, mà người ta không được phép bỏ qua, đó là không ít người vợ đã thường từ chối sự sinh hoạt vợ chồng mà không nêu rõ lý do, và đã khiến cho bao người chồng trở nên buồn chán và ngờ vực. Tại sao? Ở điểm này người ta phải khách quan nhận định rằng nhiều người phụ nữ thường tư duy rất đơn thuần và tỏ ra quá ngây thơ lệch lạc. Nhưng trong một tình huống như thế, người đàn ông cũng phải tự vấn là tại sao vợ mình từ chối, và có lẽ không hẳn anh là người hoàn toàn vô tội, ít là anh đã không thành công trong việc làm cho vợ mình xác tín và an tâm được rằng anh thực sự yêu thương nàng và nhất là anh không hề coi nàng là phương tiện cho anh cân bằng những đòi hỏi tính dục của mình.  Việc bị đánh giá là “phương tiện” cho người đàn ông cân bằng tính dục, thì không một người phụ nữ có tâm lý bình thường nào có thể chấp nhận và chịu đựng được.

Vậy, như đã nói trên, trong việc giúp cho các người sống bậc vợ chồng dễ giữ trọn được tình chung thủy hôn nhân, thì tính cách hợp lý trong sự cân bằng tính dục của cả hai vợ chồng thường đóng vai trò quyết định. Không ít người phụ nữ đã phàn nàn là các ông chồng của họ khi gần gũi họ là chỉ muốn nhằm “một điều duy nhất” và muốn thực hiện ngay lập tức. Và một điều đáng tiếc là thái độ nóng nảy muốn “đốt giai đoạn” một cách thiếu nhã nhặn này có thể xảy ra nơi bất cứ người đàn ông nào, nếu người ấy không biết dẹp bỏ được sự ích kỷ và làm chủ được bản năng nam giới tự nhiên của mình.

Khi một người đàn ông không ý thức được điều đó và nhất là không sống theo sự hướng dẫn của lý trí, thì sẽ dẫn tới những hậu quả tiêu cực khó lường, chẳng hạn sẽ làm cho người vợ mang mặc cảm là anh chỉ lợi dụng nàng để cân bằng tính dục của mình, chứ không thực sự yêu nàng, và từ đó rất có thể gây cho người vợ bệnh trầm cảm hay lạnh cảm trong cuộc sống hôn nhân, mà hậu quả sau cùng là hôn nhân của họ không tránh được sự khủng hoảng trầm trọng. Thái độ đầy tính chất bản năng này không thể biện minh và đổ lỗi cho tình yêu “nồng cháy” được, vì ngoài bản năng tự nhiên ra, con người còn có lý trí nữa. Chính lý trí cầm cân nảy mực cho tất cả mọi tư tưởng, lời nói và hành động của con người, kể cả trong các sinh hoạt vợ chồng. Điều quan trọng ở đây là người trong cuộc có biết nghe theo sự hướng dẫn của lý trí hay không mà thôi.

Chính vì thế, con người cần có sự hướng dẫn tâm linh. Người ta luôn cần phải học hỏi để tự chủ và tự kiềm chế các đòi hỏi của bản năng tự nhiên. Người ta luôn cần phải học hỏi, để biết quan tâm tới những nhu cầu hợp lý của vợ mình. Trong Thông điệp “Familiaris Consortio” về các bổn phận hôn nhân, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đề cập một cách cụ thể về các giá trị và sứ mệnh của cuộc sống hôn nhân gia đình. Người ta chỉ có được một cuộc sống hôn nhân và gia đình hạnh phúc đầm ấm, khi người ta biết tự trau dồi cho mình những đức tính nhân bản cần thiết, biết quan tâm và tôn trọng lẫn nhau, biết làm cho nhau được hạnh phúc.(2)

Trong cuộc sống hôn nhân hai vợ chồng cần hiểu biết nhau, biết thông cảm cho nhau và biết đáp lại những ước muốn chính đáng của nhau một cách hợp lý. Chẳng hạn: theo tâm lý và bản chất tự nhiên, người phụ nữ thường cần phải có thời gian, muốn được chồng lắng nghe, được vuốt ve mơn trớn và ôm ấp. Theo tiến sĩ Christa Meves, một nữ văn sĩ và một nhà tâm lý công giáo người Đức, chuyên môn về tư vấn gia đình và tâm lý trị liệu pháp của nhi đồng và thanh thiếu niên, thì: “Sự vuốt ve mơn trớn của người đàn ông sẽ làm cho người phụ nữ được sung sướng hạnh phúc.”

Trái lại, khi người chồng hễ mỗi khi rảnh rỗi chỉ biết chú tâm vào máy Vi-tính, báo chí, truyền hình hay bia rượu, thì sẽ làm cho người vợ buồn chán và dần dà sẽ biến cuộc sống hôn nhân và gia đình trở nên hoang tàn buồn tẻ, nếu không muốn nói là bất hạnh và đổ vỡ. Thái độ ít quan tâm và không biết lắng nghe của người đàn ông đối với vợ mình, còn khi gần gũi nàng thì chỉ muốn “một điều duy nhất”, sẽ làm cho người phụ nữ cảm thấy bị lạm dụng và bị xúc phạm. Đó là một thái độ làm tổn thương nặng nề đến nhân phẩm người phụ nữ.

Kết luận: Bài học từ thập giá

Theo các nhà tâm lý cũng như theo kinh nghiệm của các người sống bậc gia đình, thì sự chung thủy hôn nhân là một điều rất nhân bản và hoàn toàn có thể. Đời sống hôn nhân là nguồn mang lại cho con người sự sung sướng hạnh phúc, nhưng đồng thời trong sự hạnh phúc ấy luôn thấp thoáng bóng thập giá.

Thập giá xuất hiện trong cuộc sống hôn nhân được hiểu theo nghĩa là trong cuộc sống cụ thể hằng ngày đòi hỏi cả hai vợ chồng phải biết nỗ lực hy sinh để vượt lên chính mình và để làm chủ được hoàn toàn bản năng tự nhiên của mình, hầu cho cuộc sống chung vợ chồng luôn được xuôi chèo mát lái, luôn được đầm ấm hạnh phúc. Hơn nữa, người ta không thể hái được những hoa trái thơm ngon của hạnh phúc hôn nhân từ những cây rừng hoang dã, nhưng từ những cây được cả hai vợ chồng cùng vun trồng và chăm sóc phân bón bằng những hy sinh cá nhân, như: Luôn biết đặt tình yêu và hạnh phúc hôn nhân lên trên sở thích cá nhân, biết dẹp bỏ cái tôi, tính tự ái vụn vặt nhỏ nhoi, biết nhường nhịn và thông cảm cho nhau, luôn biết tôn trọng và an ủi lẫn nhau. Những ai biết sống và hành động đúng theo tinh thần Kitô giáo trong cuộc sống hằng ngày như thế, sẽ dễ dàng tìm gặp được nơi thập giá con đường dẫn tới gặp gỡ Đức Kitô.

Trong sự chung thủy hôn nhân của mình, hai vợ chồng có thể cảm nghiệm được sự trung thành của Thiên Chúa đối với nhân loại, mà Người đã thề hứa qua một Giao Ước – Giáo Ước với Tổ phụ Nô-ê, với Tổ phụ Áp-ra-ham, Giao Ước giữa Đức Kitô và Giáo Hội và cũng như giữa hai người nam nữ trong hôn nhân. Chính Đức Kitô đã khẳng định: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy sẽ không bao giờ qua đi.” (Mt 24,35). Cũng vậy, lời thề hứa long trọng của đôi tân hôn trước bàn thờ Thiên Chúa cũng sẽ không dễ dàng qua đi trước các sóng gió bão táp của cuộc đời, nếu người ta biết khám phá ra bài học cần thiết từ thập giá, bài học hy sinh! Vì không thể có bất cứ tình yêu nào cao cả, trọng đại và chân chính hơn tình yêu của người dám sẵn sàng

 hy sinh các sở thích và quyền lợi cá nhân của mình, để người khác được sung sướng hạnh phúc. (x. Ga 15,13).

 

_____________________

Chú thích:

1. https://www.facebook.com/nhatky/posts/10151644893096785

2. http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_exhortations/documents/hf_jp-ii_exh_19811122_familiaris-consortio_ge.html.

Lm. Nguyễn Hữu Thy

Read 1802 times Last modified on Thứ hai, 28 Tháng 10 2013 20:08