Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 28 Tháng 1 2014 16:15

Ngày Xuân, nói chuyện tiền bạc

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Ngày Xuân, nói chuyện tiền bạc

Dù muốn hay không, thời gian như một giòng chảy vẫn mãi trôi đi, lặng lẽ miên man, và mùa xuân lại đến theo quy luật vận hành của đất trời bốn mùa muôn thuở. Và ngày Tết lại về theo khái niệm của con người muôn nơi khắp chốn chẳng giống nhau. Tết Tây Phương, Tết Đông Phương tùy phong tục, tập quán mỗi vùng miền một khác, trăm mầu muôn vẻ.

Tết Nguyên đán, có nơi gọi là Tết Cả, là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ bao đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên đán Việt Nam, từ buổi ban đầu, đã tiềm tàng những giá trị nhân văn, thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân-hạ-thu-đông và quan niệm "ơn trời mưa nắng phải thì" chân chất của người nông dân cày cấy ở Việt Nam... Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn quả nhờ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng.


Tết Nguyên Đán, theo nghĩa gốc Hán: "Nguyên" là "đứng đầu", còn "Đán" là "buổi sáng"; do đó, Tết Nguyên Đán là "Tết mừng buổi sáng đầu năm". Sáng mồng 1 tháng Giêng là thời điểm quan trọng nhất, đánh dấu năm mới chính thức bắt đầu, là dịp thực hiện các hoạt động nghi lễ và tập tục truyền thống như: lễ gia tiên, chúc mừng năm mới, mừng tuổi, mừng thọ, tiệc sum họp gia đình... Trong những ngày Tết Nguyên Đán, mọi người ngừng các công việc lao động, kiếm sống hàng ngày để thư giãn, vui chơi, gặp gỡ, thăm viếng họ hàng, bạn bè, với những lời chúc mừng đầu năm hay đi cúng chùa, với những cầu nguyện được ban phước lành. Ai cũng đều mặc đẹp, phong cách lịch sự, kiêng những lời nói xấu, với mong muốn mọi điều trong năm mới sẽ luôn tốt đẹp, suông sẻ.


Ngày nay, với cuộc sống ngày càng hiện đại, bên cạnh các tập tục, lễ hội truyền thống trong ngày Tết, mọi người còn đi thưởng ngoạn, chơi vui ở các tụ điểm, khu vui chơi giải trí, khu du lịch. Dù vậy, ngày Tết Nguyên Đán – ngày Tết cổ truyền – vẫn không mất đi bản sắc riêng có của dân tộc Việt Nam, mang một nét văn hóa đậm đà phương Đông: hiền hòa, chân chất, luôn hướng đến những điều tốt đẹp. Ngày Tết mọi người thường biếu quà Tết, tỏ ân nghĩa tình cảm, học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, con rể tết bố mẹ vợ...


Quyền lực của thần Mamon


Ngày Tết mang đầy tính nhân văn là thế, nhiều ý nghĩa là thế, nhưng tất cả sẽ chỉ là số không nếu thiếu… tiền. Trong một ca khúc nổi tiếng, có người nhạc sĩ đã viết rằng:


“…Tết với nhất không tiền cũng nhạt phèo,

Xuân ơi, xuân ơi là xuân buồn teo…

Đến gớm ghê là cái mã nghèo…

Túi rỗng tuếch thêm vợ ốm, con sài,

Thấm thía cho đời tôi…..”


Ôi ! ngày Tết mà “nhạt phèo”, mà “buồn teo” chỉ vì “không tiền”. Thật cám cảnh! Thực ra, đâu cần chờ người nhạc sĩ kia nói lên cái cám cảnh của mình người ta mới biết, mà từ lâu lắm rồi, con người đã biết sức mạnh ghê gớm của đồng tiền, đến nỗi, Thánh kinh đã gọi nó là Thần Mamon, thần Tiền Của.


Tiền Của và Thiên Chúa, cả hai khi viết tắt đều khởi đầu bằng 2 chữ T và C. Và cũng từ lâu lắm rồi, các tín hữu đã được khuyến cáo rằng: “Anh em không được làm tôi hai chủ, hoặc là Thiên Chúa, hoặc là Tiền Của”. Có một suy nghĩ vui vui rằng, vì T và C giống nhau như thế, nên người ta hay lẫn lộn, để tôn vinh tiền của lên ngôi Thượng đế. Một đồng dao thời đại quen thuộc đã trở thành lời cửa miệng của không ít người:


“Tiền là Tiên là Phật.

Tiền là sức bật của con người.

Tiền là nụ cười của tuổi trẻ.

Tiền là sức khoẻ của người già.

Tiền là cái đà đi lên.

Tiền là mũi tên danh vọng.

Tiền là cái lọng che thân.

Tiền là cán cân công lý.

Có tiền là hết ý…”


Có thật không ? khi chỉ có tiền là hoàn toàn đầy đủ, là hết ý ? Không hẳn thế ! Kho tàng khôn ngoan của con người đã chỉ rõ rằng : Đồng tiền là đầy tớ tốt, nhưng sẽ là ông chủ xấu, một cách nào đó, cũng giống như lời Thánh kinh.


Giới hạn của Mamon, thần Tiền của được đúc kết thú vị như sau:


Tiền bạc có thể mua được nhà cửa, nhưng không thể mua được gia đình êm ấm, hạnh phúc.


Tiền bạc có thể mua được vợ đẹp, nhưng không thể mua được sự chung thủy.


Tiền bạc có thể mua được giường nệm, nhưng không mua được giấc ngủ.


Tiền bạc có thể mua sách vở, nhưng không thể mua được trí khôn


Tiền bạc có thể mua được đồ ăn, nhưng không mua được sự ngon miệng.


Tiền bạc có thể mua được đồng hồ, nhưng không mua được thời gian.


Tiền bạc có thể mua được thuốc men, nhưng không thể mua được sức khỏe.


Tiền bạc có thể mua được máu, nhưng không thể mua được sinh mạng.


Tiền bạc có thể mua được bảo hiểm, nhưng không thể mua được sự an toàn.


Tiền bạc có thể mua được sự giải trí, nhưng không thể mua được niềm vui và lấp đầy sự trống rỗng trong TÂM LINH.


Tiền bạc có thể mua được tình dục, nhưng không thể mua được tình yêu.


Tiền bạc có thể mua được danh tiếng, nhưng không mua được sự tôn trọng.


Tiền bạc có thể mua được cây thập tự, nhưng không thể mua được Cứu Chúa và sự sống đời đời ở Thiên Đàng.


Tiền bạc có thể thay cho hình phạt tại tòa án, nhưng không thể lập lại sự bình an cho TÂM LINH.


Tiền bạc có thể mua được chức tước, nhưng không thể mua được phước hạnh.


Tiền bạc có thể làm công quả, nhưng không thể chuộc lại những tội lỗi trong quá khứ.


Tiền bạc chế tạo ra những hàng hóa, nhưng không thể thay thế được ân huệ của Đức Chúa Trời ban cho con người cách vô điều kiện như mặt trời, không khí…


Xem như thế mới biết rằng, kiếm tiền đã khó, cách tiêu tiền còn khó hơn bội phần. Xin ghi lại đây một câu chuyện cổ nổi tiếng về Mạnh Thường Quân:


“….Mạnh Thường Quân nhà giầu, cho vay mượn nhiều. Một hôm, ông sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Khi đi, Phùng Nguyên hỏi :


- Ngài có định mua gì về không?


- Xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua.


Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân tới bảo rằng:


- Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”


Rồi chẳng tính gì gốc lãi, đem đống văn tự ra đốt sạch. Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân rằng:


- Nhà ngài không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm phép mua ở đất Tiết cho Ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài.


Về sau, Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đây nhớ ơn xưa, ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên :


- Đó hẳn là cái ân nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước…


Chuyện đời cũng không xa chuyện đạo, xin kể thêm một chuyện “Đồng tiền trên trời’ :


Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giầu. Khi chết, ông còn mang túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi, ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán :


- Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu ?


- Chỉ một đồng thôi.


- Còn tô lớn kia ?


- Cũng chỉ một đồng thôi.


Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo :


- Ở đây chỉ xài loại tiền-cho-đi thôi. Ông có không ?


Người hà tiện chỉ vào túi tiền của mình, nhưng chủ quán nói :


- Đó chỉ là thứ tiền-lấy-vào. Ở đây không xài được.


- Thế tiền-cho-đi là tiền gì ?


- Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồngn thì ông được bán lại bấy nhiêu đồng loại tiền-cho-đi.


Ông nhà giầu lục lọi khắp nơi trong mình, nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền-cho-đi cả. Thế là ông phải nhịn đói. Bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiều đồng tiền để dành cho đời sau vậy….


Dù là Mùa Xuân, dù là Ngày Tết, nhưng không phải ai cũng vui. Và dù nghèo hay giầu, đây sẽ là một dịp tốt cho nhiều người kiếm tiền, và cũng là lúc thuận tiện để không ít người tiêu tiền. Và để tiêu tiền hoặc kiếm tiền thêm phần ý nghĩa trong những ngày này, xin đừng quên những lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô, về một phong cách sống vượt thoát, siêu nhiên, không dính bén, thấm đẫm chất Thiền:


“…Ai khóc lóc, hãy làm như không khóc! Ai mừng vui, như chẳng vui mừng; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả! Kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng! Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi…” (1Cor 7,30-31).


* * *


Ôi ! Lạy Chúa!


Trong những ngày đầu năm, có cần phải thêm gì nữa không ? để thay cho một đoạn kết qua những giòng thô thiển này, ngoài những lời như kim chỉ Nam của vị Đại thánh, và cũng là vị Đại Thiền sư được cung kính, tôn thờ của không ít người ngoài Công giáo.


Chỉ biết lặng thinh và xin cúi đầu Tạ ơn. Tạ ơn đất trời. Tạ ơn Mùa Xuân. Tạ ơn về tất cả.


Amen.

Xuân Thái

Read 1514 times Last modified on Thứ tư, 29 Tháng 1 2014 09:00