Ngày sinh của Washington, còn gọi là Ngày Tổng Thống, là ngày nghỉ toàn liên bang tại Hoa Kỳ. Từ năm 1971, ngày này được định vào thứ hai, tuần thứ ba, của tháng Hai. Năm nay, nó rơi vào ngày 17 tháng Hai hôm nay.
Thực ra, Washington, vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, sinh vào ngày 22 tháng Hai, 1732. Ngày này trong Giáo Hội Công Giáo vốn được dành mừng Ngai Tòa Phêrô, nghĩa là mừng Ngày Giáo Hoàng, vì quả tình tập chú của lễ này là thừa tác vụ của Giám Mục Rôma. Chính vì thế, ngày này thường là ngày để trao mũ cho các vị tân Hồng Y, như Đức Phanxicô sẽ làm vào thứ Bẩy này, đúng 13 năm sau ngày chính ngài nhận chiếc mũ ấy từ tay Đức Gioan Phaolô II.
Rocco Palmo, nhân dịp Ngày Tổng Thống năm nay đã nhắc lại Lời Kinh cho Quốc Gia được viết và đọc lần đầu năm 1791 bởi vị giám mục tiên khởi của cả nước Mỹ, đó là Đức Cha John Carroll, giám mục Baltimore, đồng minh của Washington, anh em họ của người Công Giáo duy nhất ký vào Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ là Charles Carroll, và là em của người Công Giáo duy nhất ký vào cả hai văn kiện Các Điều Khoản Liên Bang (Articles of Federation) và Hiến Pháp Hiệp Chúng Quốc, là Daniel Carroll.
Lạy Thiên Chúa Toàn Năng và Hằng Hữu, nhờ Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã mạc khải vinh quang Chúa cho mọi quốc gia, chúng con cầu xin Chúa gìn giữ các công trình của lòng thương xót Chúa, để Giáo Hội Chúa, vốn lan tràn khắp thế gian, tiếp tục giữ vững đức tin bất biến trong việc tuyên xưng Danh Chúa.
Chúng con cầu xin Chúa, Đấng duy nhất tốt lành và thánh thiện, ban sự hiểu biết từ trời, lòng nhiệt thành chân thực, và sự thánh thiện trong cuộc sống cho vị giám mục hàng đầu của chúng con là Đức Giáo Hoàng…, Đấng Đại Diện của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để ngài cai trị Giáo Hội của Chúa Kitô; cho vị giám mục của chúng con… cho mọi giám mục, giám chức, và mọi mục tử của Giáo Hội; nhất là cho những vị được chỉ định thi hành giữa chúng con thừa tác vụ thánh, và chăn giắt Dân Chúa vào đường cứu rỗi.
Chúng con cầu xin Chúa, lạy Thiên Chúa uy quyền, khôn ngoan và công lý! Nhờ Chúa, uy quyền đã được phân phối đúng đắn, luật pháp đã được ban bố, và phán quyết đã được qui định, xin Chúa dùng Thần Trí bảo ban và sức mạnh của Chúa trợ giúp Tổng Thống Hiệp Chúng Quốc, để chính phủ của ông được điều hành một cách chính trực, và trở nên hữu ích một cách tuyệt vời cho dân Chúa, những người được ông chỉ huy; qua việc khuyến khích mọi người tôn trọng nhân đức và tôn giáo cách thích đáng; qua việc trung thành thi hành luật pháp cách hợp công lý và xót thương; và qua việc kiềm chế thói hư và sự vô luân. Xin cho ánh sáng đức khôn ngoan thần thánh của Chúa điều hướng mọi bàn luận tại Quốc Hội, và rạng chiếu mọi thủ tục và luật lệ được đưa ra cho việc cai trị và quản trị chúng con, để hết thẩy hướng về việc duy trì hòa bình, thăng tiến hạnh phúc quốc gia, gia tăng tính cần cù, sự nghiêm túc và hiểu biết hữu dụng; và xin Chúa duy trì mãi mãi ơn phúc tự do bình đẳng cho chúng con.
Chúng con cầu xin cho vị thống đốc của tiểu bang này, các các thành viên của quốc hội, mọi chánh án, quan tòa, và các viên chức khác được cử nhiệm để duy trì phúc lợi chính trị của chúng con, xin cho họ, nhờ sự che chở của Chúa, có khả năng chu toàn các bổn phận trong các chức vụ liên hệ của họ một cách trung thực và đầy năng lực.
Chúng con cũng xin phó thác vào lòng nhân từ vô biên của Chúa mọi anh chị em và đồng công dân của chúng con trên khắp Hiệp Chúng Quốc, xin cho họ được phúc hiểu biết và được thánh hóa để tuân giữ lề luật thánh thiện nhất của Chúa; xin gìn giữ họ trong hợp nhất và bình an mà thế gian vốn không thể ban; và sau khi vui hưởng các ơn phúc ở đời này, họ được nhận vào số những người được sự sống đời đời.
Sau cùng, lạy Chúa từ nhân, chúng con xin Chúa nhớ tới linh hồn các tôi tớ Chúa đã ra đi trước chúng con trong dấu đức tin và đang an nghỉ bình yên; linh hồn cha mẹ, thân nhân, và bạn hữu; linh hồn những ai, lúc còn sống, vốn là thành viên của cộng đoàn này, nhất là những người vừa qua đời; linh hồn mọi ân nhân, với các tặng dữ và di sản, từng chứng tỏ lòng nhiệt thành đối với sự tao nhã trong phụng vụ thánh và xứng đáng được chúng con tưởng nhớ trong biết ơn và tình bác ái.
Lạy Chúa, chúng con khẩn khoản nài xin Chúa ban cho những người trên và mọi người an nghỉ trong Chúa Kitô một chỗ mát mẻ, đầy ánh sáng và bình an, nhờ cùng một Chúa Giêsu Kitô, Chúa và là Đấng cứu vớt chúng con. Amen.
Sức mạnh thống nhất hóa quốc gia
Phần Washington, năm 1790, đã gửi một lá thư cho người Công Giáo Hoa Kỳ, bày tỏ niềm hy vọng “rằng các đồng công dân của qúy vị không quên phần đóng góp đầy yêu nước của qúy vị vào việc hoàn thành cuộc Cách Mạng của họ, và việc thành lập chính phủ của qúy vị, hay sự trợ giúp quan yếu họ nhận được từ một quốc gia [tức Pháp] trong đó đức tin Công Giáo Rôma vốn được tuyên xưng”.
Được khuyến khích bởi sự đóng góp của Giáo Hội tiên khởi trên mảnh đất này, một cộng đoàn chỉ gồm 25,000 người, do 22 linh mục coi sóc, khắp trên 13 tiểu bang, vị Tổng Tư Lệnh đầu hết nói như sau: “Dưới nụ cười tươi của Đấng Quan Phòng, sự che chở của một chính phủ tốt, và việc vun sới phong thái, luân lý và lòng đạo đức, Hoa Kỳ không thể nào không đạt được mức độ trổi vượt phi thường về văn chương, thương mại, nông nghiệp, thăng tiến trong nước và được kính nể tại ngoại quốc”.
Vị cha già khai sáng dân tộc này thêm lời cầu nguyện sau: xin cho “mọi thành viên trong thánh hội của quý vị tại Hoa Kỳ này, được tinh thần khôi nguyên Kitô Giáo duy nhất sinh động hóa, và luôn hành xử như những công dân trung tín của chính phủ tự do của chúng ta, được hưởng mọi hạnh phước trần thế và thiêng liêng”.
Mặc dù, từ năm 1971, Ngày Tổng Thống là ngày để tưởng niệm mọi tổng thống của Hiệp Chúng Quốc, nhưng người bình dân Hoa Kỳ vẫn coi đây là Ngày Sinh Nhật của vị tổng thống đầu tiên của họ. Washington được tôn kính vì những thành quả tuyệt vời của ông. Ông được coi là “cha già dân tộc” nhờ tài lãnh đạo trổi vượt của ông trong thời khai sáng đất nước Hoa Kỳ. Nhờ thế ông được toàn thể cử tri đoàn nhất trí bầu làm tổng thống đầu tiên năm 1788. Ông được coi là sức mạnh thống nhất hóa của nền tân cộng hòa và là người nêu gương cho các vị tổng thống kế tiếp.
Sức mạnh thống nhất hóa trên quả đã phản ảnh đầy đủ giấc mơ của Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu vì từ năm 1776, khi chọn con dấu cho Hiệp Chúng Quốc này, người ta đã chấp nhận khẩu hiệu sau đây E pluribus unum (từ nhiều trở nên một) do Pierre Eugene du Simitiere đề nghị. Khẩu hiệu này vốn được khắc trên con dấu chính thức của Hoa Kỳ, cho tới năm 1952, khi Quốc Hội quyết định chọn khẩu hiệu In God We Trust (Chúng ta tin tưởng Thiên Chúa) thay thế.
Các sử gia sau này hết lời ca ngợi Washington hồi ông còn chỉ huy lực lượng cách mạng Hoa Kỳ, qua tài tuyển lựa và giám sát các tướng lãnh, tài khuyến khích tinh thần binh sĩ và tài giữ cho quân đội gắn bó với nhau, tài phối hợp với các thống đốc và các đơn vị dân quân tiểu bang, tài giao dịch với Quốc Hội và lưu tâm tới các vấn đề tiếp liệu, hậu cần, và huấn luyện. Đáng phục nơi ông hơn cả còn là điều này: năm 1783, khi đã toàn thắng trong chiến dịch dành độc lập, ông đã từ chức Tổng Tư Lệnh thay vì lợi dụng dịp đó để nắm quyền!
Sau đó, năm 1787, chỉ vì sự bất lực của Quốc Hội Địa Lục, ông phải đứng ra chủ tọa Hội Nghị Lập Hiến để thành lập tân chính phủ liên bang của Hiệp Chúng Quốc. Được nhất trí bầu làm tổng thống đầu tiên, ông cố gắng đem mọi phe phái chống đối nhau ngồi lại với nhau để thống nhất hóa đất nước. Sau hai nhiệm kỳ, ông nhất định từ chức. Bài diễn văn từ chức của ông là sách vỡ lòng đầy ảnh hưởng nói về đức hạnh cộng hòa và là lời cảnh cáo chống lại óc phe phái, bè đảng.
Củng cố hợp nhất
Xem ra Washington không xa lắm đối với triết lý bao quanh Ngôi Tòa Phêrô mà ngày lễ kính trùng với ngày sinh của ông.
Rocco Palmo nhận định rằng: dù đã kinh qua nhiều biến cố, nhiều thay đổi, người ngồi trên tòa kia, về bản chất, vẫn như ngày nào, vẫn có “thẩm quyền thông thường tối cao, đầy đủ, tức khắc và phổ quát” để giảng dạy, để quản trị và để thánh hóa Dân Thiên Chúa, một vai trò “ngài luôn có khả năng thừa hành một cách tự do”. Dù mỗi người chiếm giữ nó đều mang tới một câu định nghĩa riêng về việc sử dụng xâu chìa khóa ra sao.
Đức Phanxicô, với rất nhiều lời nói và cử chỉ đang gây chú ý khắp thế giới và nâng cao nhiều hoài mong đối với việc cải tổ, vẫn nhìn Ngôi Tòa Phêrô bằng cái nhìn của Vị Tiền Nhiệm Tiên Khởi. Ngài nói: “tôi muốn đưa ra ba tư tưởng về thừa tác vụ Phêrô, được hướng dẫn bởi chữ củng cố (confirm). Giám mục Rôma được kêu gọi củng cố điều gì?
1. Thứ nhất, củng cố đức tin. Tin Mừng nói tới lời tuyên xưng của Phêrô: ‘Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống' (Mt 16:16), một lời tuyên xưng không phát xuất từ ngài mà là từ Chúa Cha trên thiên đàng. Vì lời tuyên xưng này, Chúa Giêsu đáp lại: ‘Con là Phêrô, và trên đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy' (Mt 16:18). Vai trò phục vụ Giáo Hội của Phêrô xây dựng trên lời tuyên xưng đức tin của ngài vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, một lời tuyên xưng có được là nhờ ơn thánh từ trời ban xuống. Trong phần thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay [ngày lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô], ta thấy cái nguy hiểm của việc suy nghĩ theo thế gian. Khi Chúa Giêsu nói tới cái chết và việc sống lại của Người, tới việc đường lối Thiên Chúa không song hành với đường lối quyền lực nhân bản, xác thịt và máu huyết lại nổi lên nơi Phêrô: ‘ông đem Chúa Chúa Giêsu ra một nơi và bắt đầu quở mắng Người… điều này không bao giờ xẩy tới với Thầy' (Mt 16:22). Câu trả lời của Chúa Giêsu thật chát chúa: ‘Hãy lui khỏi Ta, hỡi Satan! Ngươi là trở ngại của Ta' (câu 23). Bất cứ khi nào ta để cho các suy nghĩ, các cảm nghĩ của ta hoặc luận lý quyền lực con người thắng thế, và không để đức tin, không để Thiên Chúa dạy dỗ và hướng dẫn ta, ta trở thành chướng ngại vật. Đức tin vào Chúa Kitô là ánh sáng đời ta, trong tư cách Kitô hữu và thừa tác viên của Giáo Hội.
2. Củng cố tình yêu. Trong bài đọc hai, ta nghe được những lời cảm động của Thánh Phaolô: ‘tôi đã đánh trận đánh tốt, tôi đã hoàn tất cuộc chạy đua, tôi đã giữ vững đức tin’ (2Tm 4:7). Trận đánh này là trận đánh nào? Nó không phải là một trong các trận đánh bằng vũ khí con người là các trận đánh, buồn thay, đang tiếp tục gây đổ máu khắp trên thế giới; đúng hơn, nó là trận đánh của tử đạo. Thánh Phaolô chỉ có một vũ khí: sứ điệp Chúa Kitô và việc hiến thân hoàn toàn của ngài cho Chúa Kitô và cho người khác. Chính sự sẵn sàng đích thân hiến mình này, để được hao mòn vì chính nghĩa Tin Mừng, để biến mình thành mọi sự cho mọi người, một cách theo bản năng, đã đem lại sự khả tín cho ngài và xây dựng được Giáo Hội. Giám mục Rôma được kêu gọi sống và củng cố anh chị em mình trong tình yêu này đối với Chúa Kitô và đối với mọi người, không phân biệt, không giới hạn hay rào cản.
3. Củng cố hợp nhất. Ở đây, tôi muốn suy niệm một lát về nghi thức tôi vừa cử hành. Dây pallium là biểu tượng hiệp thông với người kế vị Phêrô, vốn là ‘nguồn và nền tảng bền vững và hữu hình của hợp nhất cả trong đức tin lẫn hiệp thông’ (Lumen Gentium, số 18). Và thưa các hiền huynh, sự hiện diện của các hiền huynh hôm nay là dấu hiệu cho thấy: việc hiệp thông của Giáo Hội không có nghĩa là độc dạng. Khi nói tới cấu trúc phẩm trật của Giáo Hội, Vatican II tuyên bố rằng Chúa ‘đã thiết lập các tông đồ như một hợp đoàn hay một hội đồng thường trực, mà để đứng đầu, Người đã đặt Phêrô, chọn trong số họ’ (Lumen Gentium, số 19). Và Công Đồng nói tiếp: ‘hợp đoàn này, bao lâu còn gồm nhiều thành viên, là biểu thức nói lên tính đa dạng và tính phổ quát của Dân Chúa’ (Lumen Gentium, số 22). Trong Giáo Hội, tính đa dạng, tự nó vốn là một kho báu, luôn đặt cơ sở trên sự hài hòa của hợp nhất, giống bức tranh ghép vĩ đại trong đó mỗi mảnh ghép nhỏ với mảnh khác đều là một phần trong kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa. Điều này nên gợi hứng để ta luôn cố gắng thắng vượt mọi tranh chấp từng gây thương tích cho nhiệm thể Giáo Hội. Hợp nhất trong đa dạng của ta: đó là phương thức của Chúa Giêsu! Dây pallium, vốn là dấu hiệu hiệp thông với Giám Mục Rôma và với Giáo Hội hoàn vũ, cũng cam kết mỗi hiền huynh trở thành người đầy tớ của hiệp thông.
Tuyên xưng Chúa bằng cách để Thiên Chúa dạy dỗ ta; để mình hao mòn vì tình yêu đối với Chúa Kitô và đối với Tin Mừng; làm đầy tớ cho hợp nhất. Thưa qúy hiền huynh giám mục, đó là các trách vụ mà các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô ủy thác cho mỗi người trong chúng ta, ngõ hầu mỗi Kitô hữu đều sống chúng. Xin Mẹ Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta và đồng hành với chúng ta luôn mãi bằng lời cầu bầu của ngài. Nữ vương các thánh tông đồ, cầu cho chúng con. Amen.
Vũ Văn An (Theo vietcatholic)