Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 28 Tháng 6 2014 21:42

Tâm tình Kitô Giáo của các thủ môn Giải Túc Cầu Thế Giới

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tâm tình Kitô Giáo của các thủ môn Giải Túc Cầu Thế Giới


“Điên mới làm thủ môn”, câu truyền tụng trong giới túc cầu thế giới này đủ nói lên thân phận người thủ môn của môn thể thao nổi tiếng nhất địa cầu.
Dù sao, giữ vai trò này không dễ chút nào vì phải đương đầu với phần lớn áp lực của trận đấu, hơn hẳn mọi cầu thủ khác: một sơ hở nhỏ hay một giây phút bất cẩn cũng đủ lật ngược hẳn số phận đội nhà.

Ấy thế nhưng, tại giải Túc Cầu Thế Giói năm nay tại Ba Tây, điều nổi bật nhất đối với các thủ môn xem ra không phải là chuyện điên hay không điên mà là chuyện tôn giáo. Thủ môn các đội như Croatia, Nigeria và Costa Rica nhiều lần thổ lộ rằng họ tìm thấy nơi đức tin Kitô Giáo một nguồn tài nguyên thiêng liêng tuyệt vời, không những có ích cho cuộc sống hàng ngày mà cả ở khung thành nữa.

Không phải là việc trùng hợp khi tôn giáo đóng một vai trò chủ yếu đối với nhiều thủ môn: có lẽ sức mạnh cầu nguyện vốn giúp họ bớt căng thẳng và giúp họ tập trung, một điều hết sức cần thiết.

Vincent Enyeama, thủ môn đội Nigeria, chẳng hạn, luôn sống đức tin của anh một cách nồng đậm đến nỗi đồng đội tặng anh biệt danh “ông mục sư”. Thực thế, Enyama thường khuyến khích toàn đội của anh cầu nguyện chung trước mỗi bữa ăn, mổi buổi tập dượt và mỗi trận đấu. Trong một cuộc phỏng vấn, huấn luyện viên của anh thú nhận rằng nếu Enyama “không trở thành một thủ môn, chắc chắn anh ta sẽ dễ dàng mở được một nhà thờ”.

Sau một trận tranh giải AFCON (giải các quốc gia Phi Châu), trong đó, Enyama đã giữ cho đội nhà khỏi thua bằng một cú cứu tuyệt vời, được các nhà báo hỏi nhờ đâu anh thực hiện được một tuyệt chiêu như thế, Enyama trả lời: “Các Thiên Thần của Chúa giúp tôi, các ngài hướng dẫn các bàn tay của tôi vươn ra đúng chỗ để chặn trái banh”. Nghiệp thủ môn của Enyama đáng lý ra đã kết thúc sớm vào năm 2004 khi anh bị tai nạn xe hơi rất nặng, nhưng anh cảm tạ Chúa vì biến cố này chỉ làm anh xây xát qua loa.

Một người sùng đạo khác là Stipe Pletikosa. Mỗi lần giữ khung thành, người thủ môn Croatia này đều mặc chiếc áo thung vẽ hình Đức Mẹ Mễ Du và trước khi trận đấu bắt đầu, anh đều tập chú vào việc cầu nguyện cho tới giây phút cuối cùng. Chính tại Mễ Du, tháng 5 năm ngoái, đội Croatia đã huấn luyện một tuần lễ trước khi chơi các trận xếp hạng để được dự Giải Thế Giới.

Trong một cuộc phỏng vấn, người thủ môn của đội Croatia này cho hay: đức tin đã giúp anh duy trì được tác phong bình thản và tránh được điều anh gọi là “hạnh phúc giả tạo”, tức những thái quá vốn là đặc điểm của nhiều cẩu thủ túc cầu nổi tiếng khác. Pletikosa nói thêm: thay vì tìm sức mạnh ở tiền bạc hoặc tiếng tăm, anh trở nên mạnh mẽ hơn nhờ mối liên hệ của anh với Thiên Chúa. Anh nói: “Cầu nguyện là tâm điểm khế ước của tôi với Thiên Chúa. Cầu nguyện đem lại bình an cho tôi”.

Về phần mình, Keylor Navas của đội Costa Rica, trong một cuộc phỏng vấn, thú thực rằng trước mỗi trận đấu, anh đều cầu nguyện với Chúa, xin Người đặt hai thiên thần để giữ hai khung thành của anh. Navas nói rằng sức mạnh của cầu nguyện giúp anh tập trung và bỏ ngoài tai những la ó và nhục mạ đến từ người ái mộ.

Thêm vào đó, thủ môn Costa Rica này hiện còn hợp tác với hiệp hội “Vida Nova” (Đời Sống Mới) tại Valencia, là hiệp hội chuyên trợ giúp những người kém may mắn. Hiệp hội này có một đội túc cầu riêng tên là “Câu Lạc Bộ Thể Thao Phúc Âm”, một hội, nhờ thể thao, đã có thể đóng góp nhiều cho các hoạt động bác ái.

Trong một cuộc phỏng vấn, Navas mô tả cách sống đức tin của anh như sau: “Đối với tôi, Thiên Chúa phải đến đầu tiên. Trước mỗi trận đấu, tôi đều qùy cầu nguyện, tôi dang rộng cánh tay và cầu nguyện… Đoạn Sách Thánh tôi ưa thích là Thư Galát 1:10 là đoạn nói rằng: “Nếu tôi vẫn cứ cố gắng làm vui lòng người ta, tôi không thể phục vụ Chúa Kitô được”. Nhờ thế, tôi không mất điềm tĩnh. Thiên Chúa ban cho tôi sức khỏe và một công việc tuyệt vời. Nên tôi không đứng im mà chờ cho sự việc xẩy tới. Tôi làm việc không ngừng và cố hết sức để tự cải thiện mình, giống như toàn đội quốc gia của tôi. Thái độ của chúng tôi được tạo nên nhờ đức tin và đức cậy: không có chúng, bạn chẳng đi tới đâu”.

Tuy nhiên, việc các thủ môn thi hành “sứ mệnh của Chúa” không hẳn là một điều mới mẻ. Thủ môn Á Căn Đình, Carlos Roa, một năm sau giải Pháp Quốc năm 1998 đã xin nghỉ một năm để phục vụ Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm. Điều chắc chắn là các thủ môn Kitô Giáo tham dự Giải Thế Giới năm nay tại Ba Tây tìm được chỗ thích hợp để cầu nguyện, vì Ba Tây là một nước, hơn hẳn bất cứ nước nào khác, luôn cố gắng tổng hợp thể thao với việc truyền bá phúc âm.

Thực vậy, chính tại Ba Tây người ta thấy phong trào “Các Vận Động Viên của Chúa Kitô”, một hiệp hội nhằm mục đích hội tụ mọi thể tháo gia có khuynh hướng phúc âm. Ngoài ra, chính ngành túc cầu Ba Tây cũng có gốc rễ Kitô Giáo. Theo tạp chí Ba Tây “Passos”, các cha Dòng Tên là những người đầu tiên đưa túc cầu vào các trường học vì họ nghĩ “nhiều bài học luân lý phát sinh từ tinh thần thể thao”.

Vũ Văn An

Read 1428 times Last modified on Chủ nhật, 29 Tháng 6 2014 15:41