Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 13 Tháng 11 2014 20:06

Sứ vụ học

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
 Sứ vụ học- Bài viết của Hủ Tíu một người con của giáo xứ, ban biên tập gxthohoang.net trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả .........

 

 

 

 

SỨ VỤ HỌC

I. DẪN NHẬP:

Bàn về sứ mệnh của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận định rằng: “Chúa Thánh Thần tỏ mình một cách đặc biệt trong Giáo Hội và trong các phần tử của Giáo Hội. Người hiện diện và hoạt động ở khắp mọi nơi, không bị giới hạn bởi không gian cũng như thời gian” (1). Vì thế, để tìm hiểu về đề tài này, chúng ta đề cập đến hai khía cạnh chủ chốt về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội và ngoài biên cương của Giáo Hội.

II. NỘI DUNG:

1.Vai Trò Của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ truyền giáo

 Sứ mạng của Chúa Thánh Thần là chuẩn bị và phát triển những hạt giống của Lời ở giữa các dân tộc, hướng dẫn Hội Thánh nhận ra chúng, đẩy mạnh và nhận ra chúng trong đối thoại. Do đó ta có thể nói rằng: Công Đồng Vaticano II gọi công việc của Chúa Thánh Thần trong những tâm hồn của các dân tộc : “ những hạt giống của Lời”, ngay cả trong các hoạt động tôn giáo, trong cố gắng của nhân loại hướng về chân lý, hướng về điều thiện và hướng về Thiên Chúa“Chúa Thánh Thần ban cho con người khả năng tham dự vào Mầu Nhiệm Vượt Qua, theo cách thức chỉ có Thiên Chúa biết[1]. Vì vậy, Chúa Thánh Thần là nhân tố chính yếu trong toàn bộ sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội.

Ngoài ra, Chúa Thánh Thần đóng vai trò rất quan trọng trong sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu. Và, nếu không có sự hoạt động của Chúa Thánh Thần thì việc rao giảng của Chúa Giêsu không thể không thực hiện được. “Thần khí Chúa ngự trên Tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong Tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”[2]. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong công cuộc loan báo Tin Mừng: “Sẽ không bao giờ Phúc Âm hóa được, nếu không có tác động của Chúa Thánh Thần”.(LBTM, số 75). Thực ra, ngày nay Chúa Thánh Thần vẫn luôn hoạt động trong Giáo Hội, nhờ đó mà Giáo Hội luôn đứng vững, dù có phải trải qua những khó khăn thử thách.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả các tín hữu phải liên tục quan tâm tới sứ mạng truyền giáo. “Tin Mừng không phải là một thiện ích dành riêng cho người lãnh nhận, nhưng là một hồng ân cần phải được chia sẻ, một tin vui cần phải thông truyền. Hồng ân, nghĩa vụ này phải được uỷ thác không phải chỉ cho vài người, nhưng cho tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa, họ là dòng dõi được tuyển chọn, người thánh thiện, là dân mà Thiên Chúa đã thủ đắc cho mình”[3], để công bố những kỳ công của Chúa.

Vì thế, tất cả các dân tộc là đích điểm của việc loan báo Tin Mừng. Giáo Hội, “tự bản chất là truyền giáo”, bởi vì “Giáo Hội rút nguồn gốc sứ mạng truyền giáo của mình từ Chúa Con và từ sứ mạng của Chúa Thánh Thần, theo kế hoạch của Chúa Cha”[4]. Đó là “ân sủng và ơn gọi của Giáo Hội, căn tính sâu xa nhất của nó. Giáo Hội tồn tại để loan báo Tin Mừng”[5]. Bởi đó, Giáo Hội không bao giờ có thể kép kín nơi chính mình. Nó được thiết lập trong những nơi chốn xác định để đi sang bên kia. Hành động của Giáo Hội, tuân theo lời của Chúa Kitô và dưới ảnh hưởng của ân sủng và đức ái của Ngài, trở nên hiện diện cách trọn vẹn và hiện thực cho mọi người và cho mọi dân tộc để dẫn đưa họ đến niềm vui vào Chúa Kitô (x, Ad gentes, 5).

 2. Hoạt động của Chúa Thánh Thần Trong Giáo Hội

Trong suốt dòng lịch sử của Hội Thánh, Chúa Thánh Thần vẫn hằng xây dựng Hội Thánh mỗi ngày thêm đông, thêm nhiều hoa trái thánh thiện. Khởi điểm từ Đức Kitô Phục sinh. “Ban cho con người ánh sáng và sức mạnh để họ có thể đáp lại thiên chúc cao cả của mình, khơi dậy nơi con người họ ước muốn trở nên một niềm tin hay niềm vui thích tôn giáo. Rồi đến mở lòng những người Kitô để chính họ trở lại với Đức Giêsu Đấng là đường, sự thật và sự sống”[6]. Vì vậy, hoạt động truyền giáo hiện đang được thực hiện trong sự chăm sóc của Chúa Thánh Thần, để làm “cho những hạt giống của lời mọc lên”[7], và chuẩn bị để những hạt giống đó đạt đến tầm mức trưởng thành trong Đức Kitô. Thần khí của Đức Kitô Phục sinh không chỉ hoạt động trong các tông đồ, là những người được Đức Kitô tuyển chọn và sai đi (x.Mt 28, Mc 16), mà chính các Ngài làm cho những người nghe lời giảng của các tông đồ được thấu hiểu và được biến đổi để trở nên người môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Nói khác đi Chúa Thánh Thần vừa hoạt động trong những người rao giảng Tin Mừng, vừa tác động một cách mạnh mẽ trong tâm hồn của những người nghe lời rao giảng. Chúa Thánh Thần hiện diện và hoạt động trong nhà truyền giáo (Ga 20,21), cũng như người nghe (Cv 10,45).

Chúa Thánh Thần hoạt động suốt dọc dài lịch sử: từ ngày hiện xuống khai mạc sứ vụ Hội thánh (Cv 2,1) sai Phaolô và Barnaba đến với dân ngoại (Cv 13s), tại công đồng Giêrusalem (Cv 15), hướng dẫn và thúc đẩy các nhà truyền giáo ra đi đến tận cùng trái đất đem Tin Mừng thấm nhập vào các nền văn hóa các dân tộc.

 Chúa Thánh thần làm cho mọi Kitô hữu thành thừa sai. Sứ vụ truyền giáo không dành riêng cho một ai hay một lớp người ưu tuyển, nhưng là bổn phận của từng Kitô hữu, như là hệ luận của đức tin và đức ái. Thông điệp viết: “Truyền giáo là vấn đề của niềm tin, đó là thước đo đức tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô và vào tình yêu Người dành cho ta”

3. Thánh Thần làm gì trong sứ vụ?

Chúa thánh thần làm trong âm thầm và khiêm nhường, tình yêu của Chúa Thánh thần thì bao la như khung trời rộng, và đẹp như ánh nắng ban mai. Ngài nhẹ nhàng đi vào hồn ta như ngọn gió thoảng và dậy ta biết yêu mến những gì thật sự thuộc về ta. Ai cũng biết linh hồn và con người của chúng ta là thuộc về mình. Lắm lúc chúng ta lo lắng cho người này người kia để rồi lại quên đi chính bản thân và tâm linh của mình. Chúng ta cần phải chăm sóc tâm linh của chúng ta, Ngài sẽ nuôi dưỡng chúng ta vì chúng ta là con cái của ngài. Bởi thế, ơn gọi cao cả nhất thực sự là được làm con Thiên Chúa, và công việc cao cả nhất của chúng ta là biết Thiên Chúa là ai, Ngài yêu thương ta đến dường nào, và chúng ta sống để làm chứng nhân cho tình yêu đó.

III. KẾT LUẬN

Dưới ánh sáng và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, sứ mệnh truyền giáo mở ra trước mắt Giáo Hội một chân trời chứa chan niềm hy vọng vì đàng sau những áng mây đen che phủ bầu trời, có những vì sao lấp lánh và mặt trời luôn tuôn ánh sáng và sức nóng. Đàng sau những hiện tượng mập mờ của lịch sử và những chướng ngại vật con người giăng ra, đang chập chờn những dấu hiệu của bàn tay Chúa Thánh Thần đang từ từ thanh luyện và soi sáng tâm hồn con người và uốn nắn để hướng dẫn những hướng đi của lịch sử. Bổn phận của các tín hữu, môn đệ Chúa Giêsu là biết nhận ra những dấu hiệu đó là bắt tay để Chúa Thánh Thần có thể thi thố sức mạnh thần linh của ơn thánh cứu độ nhân loại.

Hủ Tíu


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. THÁNH CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICANÔ II

2. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, nxb tôn giáo, 1997.3. KINH THÁNH CỰU ƯỚC VÀ TÂN ƯỚC

4.TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỂ TRUYỀN BÁ ĐỨC TIN KITÔ GIÁO, Thượng Hội Đồng Giám Mục       Việt Nam Đại Hội Thường Kỳ Lần Thứ XIII.

5.THÔNG ĐIỆP SỨ VỤ ĐẤNG CỨU THẾ, Redemptoris Misio của ĐGH. Gioan Phaolô II, 07-12  - 1990.

6. TRUYỀN GIÁO HỌC, Lm Đinh Ngọc lâm, DCCT. TP.HCM, năm 2009

7. CHÚA THÁNH THẦN TRONG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI.

 


[1]. TRUYỀN GIÁO HỌC, Lm Phêrô Đinh Ngọc Lâm, DCCT (in lần 3 có chính sửa). TP.HCM – 2011, tr, 111.

[2] x. Lc 14, 18

[3] x. 1Pr 2, 9

[4]. SẮC LỆNH VỀ HOẠT ĐỘNG  TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HÔI, Ad Gen ter, số 2.

[5] .TÔNG HUẤN LOAN BÁO TIN MỪNG, Evangelii Nuntiandi, số 14.

[6] .TRUYỀN GIÁO HỌC. Lm Phêrô Đinh Ngọc Lâm, DCCT (in lần thứ 3 có chỉnh sửa) .TP.HCM -  2011, tr.112

[7] .TRUYỀN GIÁO HỌC. Lm Phêrô Đinh Ngọc Lâm, DCCT (in lần thứ 3có chính sửa).  TP.HCM  – 2011, tr.112

Read 1822 times Last modified on Thứ năm, 13 Tháng 11 2014 20:43