Ngày nay, tấm bảng "Khu phố văn hóa", "gia đình văn hóa" không còn lạ nữa bởi lẽ ai ai cũng mong cho gia đình mình, cho khu mình ở là một gia đình, một khu phố có văn hóa. Thế nhưng, bên cạnh những nổ lực tìm kiếm văn hóa của nhiều người ta chợt thấy chạnh lòng khi văn hóa vẫn còn thiếu ở nhiều nơi, đặc biệt là những thành phố lớn.
Thật đáng buồn khi những nơi lẽ ra có văn hóa nhưng lại thiếu văn hóa vì những tệ nạn trộm cướp, móc túi cứ diễn ra hàng ngày.
Vừa qua, Trip Advisor xếp hạng Hà Nội đứng thứ 9 thế giới về nạn trộm cắp móc túi. Trip Advisor là trang web tư vấn du lịch nổi tiếng thế giới, mới đây họ đưa Hà Nội vào top 10 điểm đen về nạn móc túi trên thế giới. Họ miêu tả Hà Nội xinh đẹp và độc đáo với phố cổ, kiến trúc rất xưa với hơn 600 đền, chùa... nhưng “hãy coi chừng những trò móc túi tinh vi ở đây”.
Cách đây ít ngày, khi trên website The Guide to Sleeping in Airports, họ xếp hạng Cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất (Việt Nam) vào danh sách 10 cảng hàng không tệ nhất năm 2014 tại châu Á. Website The Guide to Sleeping in Airpors (tên đầy đủ là Budget Traveller’s Guide to Sleeping in Airports) được ra đời từ 1994 với mục tiêu hướng dẫn những du khách trẻ tuổi du lịch tiết kiệm nhất.
Và, cũng đáng suy nghĩ khi nhìn thấy kết quả một cuộc khảo sát do Liên hiệp Châu Âu tài trợ để thực hiện từ tháng 4 đến tháng 8-2014, tại Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Huế (Thừa Thiên – Huế), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam) cho thấy, chỉ có 6% du khách ngoại quốc muốn quay trở lại Việt Nam. Kết quả cuộc khảo sát vừa kể chắc chắn làm viên chức nhiều ngành và doanh giới Việt Nam – những nơi, những người đang tìm cách thu hút du khách ngoại quốc choáng váng.
Trong khi Việt Nam tìm nhiều cách để lôi kéo du khách ngoại quốc, kể cả đơn phương miễn visa thì chỉ có 6% du khách ngoại quốc muốn quay trở lại Việt Nam thêm một lần nữa. Có tới 90% những người tham gia cuộc khảo sát là những du khách từ ngoại quốc đến thăm Việt Nam lần đầu. Lý do khiến du khách ngoại quốc không muốn trở lại Việt Nam lần nào nữa vì dịch vụ yếu kém nhưng phí lại cao, ô nhiễm, phương tiện vận chuyển thiếu tiện nghi, cách thức đầu tư - khai thác du lịch không thích hợp.
Điều đáng lo ngại nhất chính là tình trạng an ninh – trật tự tồi tệ cũng là một trong những lý do khiến du khách ngoại quốc không muốn quay trở lại Việt Nam. Gần đây, TP.HCM có phát tờ rơi cảnh báo tình trạng cướp giật có thể xảy ra cho du khách khi tới du lịch ở Việt Nam. Nhìn những tờ rơi như thế ắt hẳn ai ai cũng chạnh buồn cho một thành phố lớn mệnh danh là hòn ngọc của Viễn Đông. Vì làm như thế nên Công an quận 1, Sài Gòn bị chỉ trích mạnh mẽ đã làm tổn hại uy tín quốc gia khi phát truyền đơn cảnh báo du khách đề phòng cướp giật dẫu cho thực tế đúng là như vậy.
Không thể không chạnh lòng được khi ta bước vào Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn ta cũng đọc thấy dòng chữ cảnh báo về tệ nạn cướp giật. Thấy thế, một số người lên tiếng oán trách các vị linh mục đang phục vụ ở Vương Cung Thánh Đường này. Có một số cũng e ngại rằng nếu như các ngài làm như thế sẽ bị những băng nhóm ở khu vực ấy trả thù, thế nhưng không còn cách nào khác buộc lòng phải làm như thế để lên tiếng cảnh báo cho du khách hay lui tới Vương Cung Thánh Đường. Đau lòng lắm các linh mục hữu trách mới ghi những hàng chữ cảnh báo nạn cướp giật như thế.
Dĩ nhiên, ở đâu cũng có tình trạng xấu này xảy ra nhưng để góp phần xây dựng một xã hội văn minh, nên chăng các cơ quan hữu trách cần nhìn lại mình và chấn chỉnh. Vấn đề là có nhìn lại và chấn chỉnh hay không? Hay chỉ là xem nạn trộm cướp là không đáng quan tâm, không đáng để bài trừ?
Cổ nhân dạy rằng: “Người chê ta mà chê đúng chính là thầy ta. Người khen ta mà khen đúng chính là bạn ta. Những kẻ khen để nịnh bợ ta, chính là kẻ thù của ta!” Hẳn nhiên, những lời nhận định, những kết quả khảo sát về tình hình an ninh trật tự, văn hóa đó làm cho ta buồn nhưng không phải ngồi đó để buồn mà phải chung tay góp sức làm sao cho những tệ nạn đó giảm thiểu để giúp du khách vui vẻ khi đến với đất nước này, cũng như sẽ có ý tưởng quay lại sau khi tham quan du lịch.
Ước mơ xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa không còn là chuyện của riêng ai. Mỗi người, mỗi gia đình phải là chiếc nôi để sinh dưỡng con cái của mình. Chính khi những chiếc nôi đào luyện ra những con người tốt thì khi ấy xã hội mới có những con người tốt, những con người có văn hóa thật sự.
Micae Bùi Thành Châu
(Vietcatholic)