Sống đời dâng hiến là bước theo Đức Giêsu Kitô. Trên cuộc hành trình này, người tu sĩ một cách tiệm tiến được mời gọi để nên giống Thầy Giêsu hơn. Để được như thế, người tu sĩ phải từ bỏ cuộc sống riêng tư để trọn đời khuôn mình theo chương trình của Thiên Chúa. Hy sinh nào cũng đòi phải trả giá; và cái giá lớn nhất khi theo Thầy Chí Thánh là “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Một khi yêu Giêsu, người tu sĩ sẽ vác lấy thập giá trong niềm vui và an bình. Đây là tình yêu biện chứng của người tu sĩ: yêu cho họ niềm vui, rồi vui lại giúp họ tiếp tục yêu hơn nữa.
Thử hỏi một tâm trạng buồn sầu làm sao sống triển nở và hạnh phúc trong đời tu? Nếu không vui vẻ tự nguyện để từ bỏ và dâng hiến thì ai dám chắc họ muốn theo Thầy Giêsu, ai dám nghĩ họ sống thánh thiện. Nói như Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Chẳng có sự thánh thiện trong sầu não, không hề có!” Hay như người ta thường nói: “một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn!” Rồi với cái tâm khổ sầu, họ sẽ ngại ngùng dấn bước cho đến cuối con đường thập giá! Bởi thế, một tu sĩ buồn cũng là một tu sĩ đáng buồn! Tự bên trong, buồn phiền không cho người tu sĩ sức mạnh để đương đầu với sức nặng thập giá. Ngược lại, với niềm vui thiêng liêng mà người tu sĩ nhận được từ Thiên Chúa sẽ mang đến cho họ một nguồn sức mạnh để đối diện với những thách đố khó khăn.
Tình yêu dành cho Chúa Giêsu làm cho người tu sĩ trở nên đáng yêu hơn. Nơi đâu có tu sĩ, nơi ấy phải có được niềm vui, niềm vui của phục vụ và yêu thương. Với con tim không san sẻ nhưng chỉ dành cho Thiên Chúa, người tu sĩ yêu mà không đòi chiếm giữ, cho mà không đòi đền đáp. Họ yêu một mình Thiên Chúa và họ diễn tả tình yêu ấy trong sứ mạng phục vụ con người. Càng yêu các linh hồn, họ càng dấn thân phục vụ. Không hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến mấy cũng như không ai có thể khiến họ hết yêu Giêsu và con người được. Bởi lẽ, tình yêu là căn tính của người tu sĩ. Một khi yêu mến Thiên Chúa và say mê con người như thế, người tu sĩ sống đời thánh hiến một cách hạnh phúc và thành toàn. Hạnh phúc vì cảm nếm được sự hiện diện của tình yêu của Đấng đã ngỏ lời mời gọi họ sống riêng tư với Ngài. Thành toàn vì chỉ khi yêu say mê Thiên Chúa và phục vụ con người, tu sĩ được đến gần với Đấng Hằng Sống hơn. Do vậy, trong hành trình theo Chúa Giêsu, họ có thể giang rộng đôi cánh của tình yêu vào đời tu, để tung bay hướng về Trời cao. Rồi khi nối kết được với Đấng là Tình Yêu, người tu sĩ cũng thật đáng yêu, dễ mến và dễ gần.
Bên cạnh đó, nhờ tình yêu Đức Kitô thúc bách, người tu sĩ vui tươi và yêu mến sống ba lời khuyên Phúc âm; với lời thề ước trọn một đời chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa. Vì yêu nên họ khấn sống khiết tịnh, thanh bần và vâng phục. Vả lại, những lời khuyên này đưa người tu sĩ đến được với đức ái, và nhờ đức ái họ được hiệp nhất với Thiên Chúa trong Hội Thánh của Người. Trong đời tu, họ chỉ còn yêu một mình Thiên Chúa – người tình duy nhất của họ. Nhờ đó, người tu sĩ vui tươi sống độc thân khiết tịnh vì Nước Trời. Ai bảo người tu sĩ không có người tình; ai đồn tu sĩ không biết yêu!? Họ yêu say đắm và sống trọn vẹn cho mối tình với Giêsu đấy chứ! Khi giữ mối tình chung thuỷ với Ngài, người tu sĩ được tự do trước hấp lực của tiền tài, quyền lực và vật chất, để can đảm chọn Chúa làm gia nghiệp cho mình. Họ chọn con đường thanh bần để yêu cuộc sống khó nghèo của Chúa. Sau cùng, vì yêu và được ở lại trong mối tình này, họ sẵn lòng vâng phục lệnh mệnh của Chúa trong sứ mạng được trao. Họ xác tín vâng phục không phải vì bề trên hay áp lực bên ngoài, nhưng chính vì người yêu Giêsu của họ mà họ vâng phục cho đến hơi thở cuối cùng. Do đó, tình yêu trong ba lời khấn đã kiến tạo cho họ một không gian thánh thiêng để tỏ bày tình yêu, để ngợi khen và phụng sự người tình Giêsu trong lòng Hội Thánh.
Hoá ra đời tu không sầu buồn như nhiều người nghĩ, không u ám như lắm người tưởng. Chỉ có ai yêu mến người tình Giêsu, họ mới nhận ra đời hiến dâng là con đường dệt bằng hoa hồng hạnh phúc, đan bằng chuỗi ngày dâng hiến say mê. Họ hết lòng phụng sự Thiên Chúa và con người. Họ là dấu chỉ sống động của Thiên Chúa để Ngài thể hiện tình thương của Ngài đến cho nhân loại. Dẫu cho đời tu còn nhiều thách đố, lắm gian nan và còn sức nặng của thập giá, nhưng chính ngọn lửa yêu mến đã thắp lên cho tu sĩ nguồn sáng của bình an và hạnh phúc trong đời sống hiến dâng.
Lạy Chúa Giêsu – người tình đặc biệt của các tu sĩ, xin tiếp tục thắp lên ngọn lửa tình của Ngài để nung nấu trái tim của những người sống đời hiến dâng. Nhờ đó, mỗi tu sĩ có thể luôn rạng ngời niềm vui, ngập tràn tình yêu vì được bén rễ sâu trong tình thương của Đấng họ đang bước theo. Nếu lúc nào đó tình yêu trong họ vơi đi, sức hấp dẫn của đời tu yếu dần, xin Chúa mau đến đến và ở lại trong trái tim họ. Ước mong từ đó các tu sĩ của Chúa được hồi sinh và tiếp tục yêu hết mình và tu hết tình.
Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J