Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 29 Tháng 1 2015 16:12

Người Công Giáo ăn Tết như thế nào?

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Người Công Giáo ăn Tết như thế nào?


Không cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp, không vàng mã, không cúng ngày mùng 1 và 15 rằm hằng tháng… tưởng như người Công giáo rất kiệm những hình thức thể hiện chữ Hiếu với ông bà tổ tiên...

Người Công Giáo ăn Tết như thế nào?

Từ xưa đến nay, người Việt vẫn có quan niệm "mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 tết thầy". Vẫn giữ được phong tục đẹp đó, tuy nhiên, với người Công giáo thì còn thêm cả việc kính nhớ và cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên trong những ngày đầu năm.

Không có tục xông đất, những người Giáo dân đón năm mới theo một cách rất riêng. 4h sáng ngày mùng 1 Tết, mặc cho cái lạnh buốt giá rét khắc nghiệt của miền Bắc, tất cả giáo dân Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình) đều dậy rất sớm và có mặt tại nhà thờ để tham dự buổi lễ đầu tiên trong năm mới. Dư âm vui vẻ đón thời khắc giao thừa vẫn còn cộng thêm sự hứng khởi của buổi sớm đầu năm khiến ai ai cũng tới nhà thờ trong tâm trạng ngập tràn niềm vui.

Thời khắc tham dự buổi lễ sớm này đối với người Công giáo vô cùng đặc biệt vì đây chính là giây phút họ muốn dành cho những điều cao trọng nhất. Ngoài ý nghĩa muốn dâng lên cho Thiên Chúa những giây phút đầu tiên trong năm mới thì buổi lễ sớm mùng 1 Tết còn là dịp để tất cả con cháu dâng lời cầu nguyện xin cho linh hồn ông bà tổ tiên sớm được về nơi Thiên Đàng. Đây cũng chính là thời điểm để mọi người gặp gỡ, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp, may mắn và an lành. Bởi vậy, có thể nói rằng, đây chính là một trong những buổi lễ mang nhiều ý nghĩa nhất trong đời sống Kitô giáo.

Nếu như những người không theo đạo Công giáo coi tục hái lộc, xông đất đầu năm rất quan trọng thì với những giáo dân, việc tham dự buổi lễ này là một hành động mang ý nghĩa rất quan trọng. Khi tham dự buổi lễ này, các giáo dân cũng được rút lộc tại nhà thờ. "Lộc" ở đây chính là những lời Chúa mang ý nghĩa tốt lành, các giáo dân sẽ mang "Lộc" này về để tại vị trí trang trọng trong nhà, coi đó như là lời dạy của Chúa về cách sống trong năm mới.

tet-cong-giao-1
Một trong những "lộc xuân" mà mỗi người Giáo dân sẽ "hái"
và lấy đó làm câu thực hành cho mình trong suốt năm mới.

Không tới thăm mộ của tổ tiên vào Tiết Thanh Minh, người Công Giáo có riêng một ngày lễ để nhớ tới những người đã khuất, đó chính là ngày "Nhận Tiên Nhân" thường diễn ra vào ngày mùng 3, 4 Tết. Vào ngày này, các con cháu trong gia tộc bao gồm dâu rể nội ngoại tụ họp tại đất Thánh (nghĩa địa) để sửa sang mộ phần cho ông bà cha mẹ. Không có quan niệm "trần sao, âm vậy" nên thay vì gửi xuống ông bà tổ tiên những vật dụng tiện nghi như quần áo, vàng mã, nhà cửa... thì các giáo dân gửi tới tổ tiên mình những lời cầu nguyện để cầu mong các linh hồn sớm được tha thứ những tội lỗi đã phạm trên trần gian để được về nơi Thiên Đàng.

tet-cong-giao-2
Cả dòng họ tập trung về nghĩa địa, sửa sang mộ phần cho tổ tiên
và cùng đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn ông bà sớm về Thiên Đàng.

Theo niềm tin Công giáo, 2 người đi tới hôn nhân là do ý định của Thiên Chúa và được Người chúc phúc. Chính vì được Thiên Chúa kết hợp nên hai người này sẽ mãi mãi là vợ chồng và cuộc hôn nhân của họ mang tính bền vững. Cũng vì mang ý nghĩa tốt đẹp này nên đôi vợ chồng mới cưới bao giờ cũng nhận được nhiều lời chúc phúc nhất. Cái Tết của họ sẽ được gọi là "Tết mới". Trong "Tết mới", cả hai vợ chồng sẽ cùng nhau mang "lễ vật" đi chúc Tết những bậc cao tuổi và người thân trong dòng họ.

Lễ vật ở đây chỉ đơn giản là chiếc bánh chưng xanh và chai rượu, những đồ vật thể hiện thành quả của sự lao động. Người được chúc Tết cũng sẽ nhận lễ vật của đôi vợ chồng mới cưới nhưng sau đó họ sẽ trao lại cho cặp tân lang tân nương. Đồng thời, đôi vợ chồng mới sẽ được mừng tuổi, đồng tiền ở đây không quan trọng nhiều hay ít mà nó mang ý nghĩa đặc biệt: mong hai vợ chồng có vốn làm ăn để xây dựng một tổ ấm mới.

Thuý - một nàng dâu mới theo đạo, lần đầu tiên dự cái Tết Công giáo tại nhà chồng tâm sự rằng "Tôi đã rất lo lắng và bỡ ngỡ vì những gì tôi nghĩ về cái Tết ở nhà chồng thật khác biệt. Tuy nhiên, mấy ngày Tết ở đây rất đặc biệt và cũng là một trải nghiệm thú vị. Đây là lần đầu tiên tôi biết đến "Tết mới", cũng là lần đầu tiên được mừng tuổi dù đã lớn đến thế này"...

Có thể nói rằng, dù đón Tết theo những cách rất riêng và đặc biệt, cái Tết của người Công giáo mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng. Tết không chỉ là thời gian để mọi người cùng nghỉ ngơi, gặp gỡ, chúc tụng nhau những điều an lành trong năm mới. Tết còn là thời điểm để người Công giáo thể hiện chữ Hiếu của mình với ông bà tổ tiên, là lúc những đôi vợ chồng mới cưới nhận thấy rằng cuộc hôn nhân của mình quan trọng và ý nghĩa thế nào. Thiết nghĩ, đây cũng chính là những nét đẹp ý nghĩa đóng góp vào sự đặc sắc của văn hoá dân tộc...

(Mai Tân, Khampha.vn)

Read 1158 times Last modified on Thứ năm, 05 Tháng 2 2015 16:34