Ngụ ngôn là loại truyện được nhiều người ưa chuộng vì mang tính giáo dục cao. Người nổi tiếng về thể loại này là văn thi sĩ Jean de La Fontain (1621-1695, Pháp quốc), theo âm Việt ngữ gọi là Lã Phụng Tiên hoặc La Phụng Tiên.
Ông có những truyện ngụ ngôn rất hay như Ve Sầu và Kiến, Quạ và Cáo, Cáo và Cò, Sói và Cừu, Ếch Muốn Lớn Bằng Bò, Rùa và Thỏ, Chuột Tỉnh và Chuột Đồng, Sư Tử và Muỗi, Sáo Mượn Lông Công, Cây Sồi và Cây Sậy, Lão Hà Tiện Mất Kho Báu,... Nhiều truyện phổ biến đến nỗi người ta quên tác giả, thậm chí còn tưởng là truyện của Việt Nam.
Tháng 4-2007, người ta đã làm một bộ phim nói về cuộc sống của ông và được phát hành tại Pháp, với tựa đề là “Jean de La Fontaine – Le Défi” (Jean de La Fontaine – Sự Thử thách). Ông có câu nói được coi là danh ngôn: “Không gì nguy hiểm hơn bạn bè ngu dốt. Tôi thà có kẻ thù khôn”. Ý tưởng “quái chiêu” thật, nhưng đúng đấy!
Năm Ất Mùi, năm con Dê, chúng ta xem lại mấy ngụ ngôn liên quan con vật này – không chỉ để vui Xuân, ăn tết, mà còn là dịp để ngẫm sự đời và xem lại cách sống của chính mình cho đúng Tôn Ý Thiên Chúa.
1. DÊ, CỪU và SÓI
Cừu là loài ăn cỏ, thường sống theo đàn lớn. Khi có Sói xuất hiện, Cừu luôn quen chạy tán loạn, mỗi con một nơi, thế nên Sói dễ bắt Cừu. Còn Dê là loài ăn cả cỏ và lá cây, thường sống theo bầy nhỏ, phàm ăn nhưng khéo leo trèo. Ở đâu có đàn Dê xuất hiện, chỉ một thời gian sau là cây cối bị trụi sạch lá. Khác với Cừu, khi Sói xuất hiện, Dê luôn đứng sát lại với nhau và chĩa sừng ra phía ngoài khiến Sói khó bắt được Dê.
Người chăn cừu có kinh nghiệm thường thả bầy Dê vào đàn Cừu. Khi sống cùng với Dê, Cừu cũng thay đổi thói quen. Nếu Sói xuất hiện, Cừu không chạy tứ tung nữa, chúng tập trung lại quanh bầy Dê, do vậy mà Sói khó bắt được Cừu.
Một lần nọ, có một con Cừu lạc đàn lang thang trên đồng cỏ bị Sói bắt gặp. Sói liền phỉnh lừa Cừu rằng loài Sói vốn rất kính trọng loài Cừu vì Cừu không làm tổn hại tới cây cối, nhưng đối với loài Dê thì khác, tham lam và chuyên phá hoại cây cối. Sói đề nghị Cừu tránh xa Dê để chúng có thể tấn công Dê nhằm bảo vệ cây cối cũng như đồng cỏ cho Cừu. Cừu trở về nói với cả đàn Cừu biết, chúng thấy có lý nên quyết định tránh xa bầy Dê.
Khi Sói xuất hiện, đàn Cừu không còn ở gần bầy Dê nữa nên mạnh con nào con nấy lại bỏ chạy tán loạn theo bản năng, thế là Sói thoải mái vồ lấy Cừu mà ăn thịt.
SUY TƯ: Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết. Một sự thật hiển nhiên. Tục ngữ cũng nói: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Vì ích kỷ, người ta thường chỉ trích và hiềm khích lẫn nhau, lúc đó chẳng ai có lợi, chỉ lợi cho kẻ xấu. Đục nước thì béo cò. Ngụ ngôn này khuyên chúng ta phải biết đoàn kết với nhau, muốn đoàn kết thì phải yêu thương nhau, không yêu thương nhau thì không thể đoàn kết.
Khi các kinh sư nói rằng Chúa Giêsu bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ và bị thần ô uế ám. Chúa Giêsu liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Satan làm sao trừ Satan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Satan mà chống Satan, Satan mà tự chia rẽ thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó” (Mc 3:24-27).
Đáng “quan tâm” nhất là câu kết của Chúa Giêsu: “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời” (Mc 3:28-29).
2. DÊ ĐEN và DÊ TRẮNG
Một gia đình nông dân nọ có nuôi một đàn dê, trong đó có một chú Dê đen. Các con Dê trắng rất kiêu ngạo vì bộ lông trắng phau như tuyết, thường tỏ ra coi thường Dê đen, mô tả dê đen “giống như một kẻ nghèo hèn với chiếc áo bẩn thỉu”.
Ngay cả ông chủ cũng coi thường Dê đen, ông ta chỉ cho Dê đen ăn những loại cỏ kém chất lượng, thỉnh thoảng còn đánh đập Dê đen vì “tội” tranh ăn với Dê trắng. Dê đen rất đau lòng khi phải sống những ngày tháng cô đơn vì bị mọi người phân biệt đối xử, ghét bỏ và xa lánh.
Một ngày đầu Xuân, cả đàn dê cùng ra ngoài ăn cỏ, chúng đi rất xa. Đột nhiên trời đổ một trận mưa tuyết lớn, cả đàn đành nấp vào một bụi cây. Một lúc sau, xung quanh bụi cây đã phủ đầy tuyết trắng. Do tuyết dày nên cả đàn dê không sao ra được, chỉ còn cách ngồi chờ chủ đến cứu.
Ông chủ lên núi tìm đàn dê của mình, nhưng vì xung quanh toàn tuyết trắng, nên ông không sao phát hiện ra đàn dê ở đâu. May mắn thay, từ xa ông nhìn thấy có một đốm đen. Khi chạy tới, quả nhiên cả đàn dê đang bị kẹt ở đó, và đốm đen kia chính là Dê đen.
Ông chủ ôm lấy Dê đen và thốt lên: “May mà nhờ có mày, nếu không cả đàn đã chết cóng vì tuyết rồi”. Các con Dê trắng cũng ôm lấy Dê đen và cảm ơn rối rít.
SUY TƯ: Người ta thường nói: “Nhân sao, vật vậy”. Cuộc đời con người cũng tương tự. Mười ngón tay còn có ngón dài, ngón ngắn, huống chi “động vật cao cấp” là con người. Hằng tỷ tỷ chiếc lá mà không hề có hai chiếc lá giống nhau. Trong một nhóm, một hội đoàn, một tổ chức,... chắc chắn có người thế này, người thế nọ. Đừng đánh giá người khác về một phương diện nào đó, phải có tầm nhìn rộng và toàn diện, biết dùng người đúng với sở trường của họ, tìm cách để họ phát huy hết khả năng của họ. Ai cũng có sở trường và sở đoản. Không ai bất tài, vô dụng, cũng chẳng ai tài giỏi về mọi lĩnh vực. Ai cũng có biệt tài về một lĩnh vực nào đó. Nhân vô thập toàn. Đừng thiển cận, thành kiến hoặc cố chấp, có lúc hối không kịp. Tục ngữ nói: “Cười người hôm trước, hôm sau người cười”. Biết mình không biết mới là người biết!
Cuộc sống luôn cần tình yêu thương. Hãy yêu thương nhau khi còn sống. Hãy đối xử tốt với nhau khi còn khỏe mạnh. Đợi đến lúc người ta đau yếu hoặc chết rồi mới bày tỏ lòng yêu thương thì ích gì? Có rơi vài giọt nước mắt thì cũng vô ích, chỉ là “nước mắt cá sấu” mà thôi!
Dê trắng và Dê đen gợi nhớ chuyện hai người lên Đền Thờ cầu nguyện (Lc 18:10-14). Người Pha-ri-sêu tự cho mình là thánh thiện, khoe với Chúa và đề cao mình: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Chỉ biết nói vậy, không biết nói gì hơn. Thật nguy hiểm nếu chúng ta như người Pha-ri-sêu, vì chúng ta phạm tội ngay trong lời cầu nguyện. Cuối cùng, chỉ có người thu thuế được Thiên Chúa xót thương và tha thứ, dù tội lỗi ngập đầu. Chúa Giêsu nói rõ: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.
3. DÊ và SÓI
Một buổi sáng, Dê mẹ đi ra chợ mua thức ăn về cho gia đình chỉ có hai mẹ con. Dê mẹ bảo Dê con: “Trông nhà cẩn thận nhé, con trai!”. Vừa cẩn thận chốt kỹ cửa vừa dặn thêm: “Không cho bất kỳ ai vào, nếu họ không biết mật khẩu ‘Đả đảo Sói cùng tất cả các giống Sói!’, con nhé!”.
Một con Sói nấp gần đó nghe được “mật khẩu”. Ngay khi Dê mẹ vừa đi khuất, Sói phóng lại gõ cửa và nói nhẹ nhàng: “Đả đảo Sói cùng tất cả các giống Sói!”. Đúng là “mật khẩu” rồi, nhưng khi lén nhìn qua khe cửa, Dê con chỉ nhìn thấy một cái bóng lờ mờ đứng bên ngoài nên cảm thấy không an tâm. Dê Con bảo: “Cho tôi xem cái chân có trắng không, nếu không thì tôi không mở cửa cho vào đâu”.
Sói nào lại có chân trắng chứ? Thế là Sói già phải bỏ đi với cái bụng đói. Nhìn thấy Sói chạy vào rừng, Dê con tự nhủ: “Đừng bao giờ nghĩ là đã quá chắc chắn, cẩn thận thêm tí nữa cũng không thừa”.
SUY TƯ: Tục ngữ nói: “Cẩn tắc vô ưu”. Cẩn thận không bao giờ thừa. Chúng ta không nên đa nghi như Tào Tháo, nhìn ai cũng thấy khó tin, nhưng cũng đừng nhẹ dạ cả tin. Chúng ta cảnh giác, nhưng đừng thấy người khác hiền mà lợi dụng họ, cũng đừng xảo quyệt mà lừa đảo người khác.
Chúa Giêsu đã cảnh báo khá chi tiết: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai” (Mt 7:15-20).
Thánh Gioan cũng nhắn nhủ chúng ta đừng nhẹ dạ cả tin: “Anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1 Ga 4:1). Còn Thánh Phêrô cảnh báo mạnh hơn: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 pr 5:8).
Lạy Thiên Chúa Cha, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Tết Ất Mùi – 2015
Â
Ngụ ngôn DÊ
Published inSuy Niệm - Suy Tư