Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 10 Tháng 6 2015 15:12

Tình yêu và tình bạn trong Tin Mừng thứ tư

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
   Tình yêu và tình bạn trong Tin Mừng thứ tư, một bài luận văn của Hủ Tíu., Ban biên tập gxthohoang.net trân trong giới thiệu

I.Dẫn nhập

Đề tài tình yêu và tình bạn giữ một vị trí quan trọng trong Tin Mừng Thứ Tư. Chúng ta có thể thấy đề tài này xuất hiện trong nhiều đoạn văn: trong Ga 3,16 hoặc Ga 16,27 diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu giữa Đức Giêsu và Chúa Cha, trong Ga 10, 17; 14, 31, hay tình yêu giữa Đức Giêsu và các môn đệ ở Ga 21, 15 – 17. Đề tài tình yêu và tình bạn đặc biệt được nói đến ở Ga 15, 9 – 17 diễn tả tương quan tình yêu giữa Chúa Cha, Đức Giê su và các môn đệ. Bài viết sẽ lần lượt phân tích ba điểm sau:

  • Tương quan tình yêu của Chúa Cha, Chúa Giêsu và các môn đệ.
  • Điều răn yêu thương.
  • Trở nên “bạn hữu” của Đức Giêsu

II.Quan sát bản văn

1.Giới hạn bản văn

Bản văn Ga15, 9-17 là một phần của đoạn lớn từ Ga15,1-17.  Đầu chương 15, Đức Giêsu khởi đầu bằng bài giảng về người trồng nho, cây nho và cành nho (1-8). Từ 15,9 trở đi, đề tài “cây nho, cành nho” không còn xuất hiện nữa. Đề tài mới được đưa vào đó là đề tài “tình yêu” và “tình bạn”. Giữa hai đoạn Ga 15, 1 – 8 và Ga 15, 9 – 17 được tiếp nối với nhau bằng động từ “ở lại”, và kết quả của việc “ở lại” là “niềm vui” trọn vẹn. Từ Ga 15,18 trở đi Đức Giêsu chuyển qua một đề tài mới: những khó khăn mà cộng đoàn môn đệ phải đương đầu, đó là sự thù ghét, bách hại và giết chết. Như vậy, bản văn Ga15,9-17 có thể được tách riêng để tìm hiểu và phân tích.

2.Bối cảnh vấn đề

Không gian: Bản văn Ga 15,9 -17 nằm trong diễn từ từ biệt của Đức Giêsu. Việc Đức Giêsu chọn các môn đệ được nhắc đến ở Ga 15,16 đồng thời cũng được đề cập ở Ga 15, 19 nhưng  trong bối cảnh khác. Vì Ga 15,19 các môn đệ được Đức Giêsu chọn nên các ông bị thế gian thù ghét. Còn ở Ga 15,16 các môn đệ được Đức Giêsu chọn, để trở thành bạn hữu của Người và được Người yêu thương.

Thời gian: Bản văn Ga 15,9-17 được nói đến trước biến cố tử nạn của Đức Giêsu, Chúa đang nói đến cuộc thương khó trong tương lai, nhưng tại sao lại nói “đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu”? (Ga 15,13), chúng ta thấy ở đây thiếu sự thống nhất khi sử dụng trạng từ này trong bản văn. Trong bối cảnh Ga 15,9-11, kiểu nói “ở lại trong tình thương của Thầy”, “hy sinh tính mạng vì bạn hữu”, là lời mời gọi sống trong mối tương quan tình yêu với Chúa và với nhau.

Qua bối cảnh không gian và thời gian, bản văn được hiểu như thể Chúa Giêsu đang nói trực tiếp với các môn đệ, và cũng là những gì Chúa nói với những Kitô hữu thời bấy giờ, và cho chính mỗi người chúng ta ngày nay.

Nhân vật: Bản văn Ga 15,9-17 gồm có ba nhân vật Chúa Cha, Đức Giêsu và các môn đệ làm thành một dòng chảy tình yêu; các môn đệ “ở lại” trong tình yêu của Đức Giêsu và Đức Giêsu “ở lại” trong tình yêu của Chúa Cha ( Ga 15,10).

 

3.Cấu trúc

Cấu trúc Ga 15, 9-17

 

I.Ga 15, 9-11: Tương quan tình yêu của Chúa Cha, Chúa Giêsu và các môn đệ

A.15,9: Tình yêu Cha – Đức Giêsu – Các môn đệ

  1. A.15,10: Ở lại trong tình yêu và giữ các điều răn
  2. B.15,11: Niềm vui của Đức Giêsu – niềm vui của các môn đệ

II.Ga 15, 12-17: Điều răn yêu thương và tình bạn của Đức Giêsu

A.15,12-13: Điều răn của Đức Giêsu: yêu thương lẫn nhau và tình yêu của Đức Giêsu

B.15, 14: Trở thành bạn hữu của Đức Giêsu bằng cách làm những gì Người truyền dạy

C.15,15: Bạn hữu Đức Giêsu trong tương quan với toàn bộ mặc khải của Đức Giêsu

B.  15,16: Trở thành môn đệ của Đức Giêsu qua việc được người tuyển chọn

A.  15,17: Lệnh truyền của Đức Giêsu là yêu thương lẫn nhau.

Lý giải cấu trúc: Bản văn 15, 9-17 chia thành hai tiểu đoạn nhỏ: Ga15,9-11 và Ga15,12-17.

Tiểu đoạn Ga 15,9-11 tập trung nói đến tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Đức Giêsu, giữa Đức Giêsu và các môn đệ.  Động từ “ở lại” được lặp lại 3 lần nối kết các câu với nhau và “ở lại”  nối kết với “tình yêu” làm thành lời mời gọi ở lại trong tình yêu (Ga15,9). Đức Giêsu bắt đầu bằng việc nhắc đến tình yêu của Chúa Cha như một mệnh đề phụ “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào” để diễn tả tình yêu mà Đức Giêsu dành cho các môn đệ trong mệnh đề chính “Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. Hai thành ngữ “ở lại trong tình yêu” và “giữ điều răn” vừa liên quan đến Đức Giêsu vừa liên quan đến các môn đệ. Các môn đệ giữ các điều răn của Đức Giêsu thì ở lại trong tình yêu của Người. Cũng như Người giữ các điều răn của Chúa Cha và ở lại trong tình thương của Chúa Cha (Ga15,10).

Sang tiểu đoạn thứ hai Ga15,12 -17 việc sử dụng từ ngữ có sự thay đổi, trong tiểu đoạn Ga15,9-11 từ “điều răn” được nói đến ở số nhiều “các điều răn” còn ở tiểu đoạn Ga15,12 -17  từ điều răn được nói đến ở số ít: “đây là điều răn ”. Nội dung của điều răn ấy là tình yêu giữa các môn đệ với nhau dựa trên tình yêu và tình bạn của Đức Giêsu dành cho các môn đệ. Tiểu đoạn này có cấu trúc đồng tâm. Đoạn văn khởi đầu và kết thúc bằng: điều răn yêu thương A //A’ nhưng sự song song giữa A và A’ không chỉ đơn thuần là việc lặp lại mà nó còn có sự nhấn mạnh ở 15,12c như thầy đã yêu thương em. Tình yêu giữa các môn đệ với nhau không nằm ngoài tình yêu của Đức Giêsu dành cho các môn đệ. Đó là tình yêu cao cả của người đã hy sinh tính mạng Ga15,13. Yếu tố B // B’ nói đến việc trở thành bạn hữu của Đức Giêsu với điều kiện làm những điều Đức Giêsu truyền dạy và trở thành môn đệ qua việc được người tuyển chọn. Yếu tố C nói đến tình bạn trong tương quan toàn bộ mặc khải của Đức Giêsu Ga15,15 là trung tâm. Hình ảnh bạn hữu không liên quan đến việc giữ “điều Thầy truyền dạy” ở Ga15,14 nhưng nằm trong tương quan tôi tớ và bạn hữu. Tôi tớ không biết việc chủ làm còn bạn hữu của Đức Giêsu vì được Ngài cho biết những gì Ngài nghe được nơi Cha.

III.Phân tích

1.Tương quan tình yêu của  Chúa Cha, Chúa Giêsu và các môn đệ

Tương quan tình yêu Chúa Cha, Chúa Giêsu và các môn đệ trong Ga15, 9-11 là lời chứng mạnh mẽ về niềm tin vào Đức Giêsu và tình yêu sẽ giúp các môn đệ chiến thắng sự dữ và sự thù ghét của thế gian. Điều này rất quan trọng đối với các môn đệ. Chính trong sự khủng hoảng mà mặc khải về “tình yêu” trong Ga 15, 9-11 như suối nguồn tình yêu giúp các ông giữ vững niềm tin, sống chân thành yêu thương nhau, can đảm vượt qua thử thách và sinh hoa trái.

Động từ “yêu mến” được tác giả Tin mừng thứ tư nhắc đến trong nhiều bối cảnh khác biệt với những ý nghĩa cũng khác nhau, ở đây Ga 15, 9 -11 động từ  “yêu mến” được chia ở thì quá khứ là “đã yêu mến” tình yêu  này đã được thực hiện vào một thời điểm rõ ràng trong quá khứ của lịch sử. Trong Tin Mừng thứ tư, thì quá khứ của động từ yêu mến diễn tả tình yêu hỗ tương giữa Cha và Con (Ga 15,9; 17, 23.24.26), tình yêu giữa Đức Giêsu và các môn đệ (Ga 13,1.34.35...). Các môn đệ luôn được mời gọi tham dự vào tình yêu của Đức Giêsu và của Chúa Cha đã được thể hiện qua Đức Giêsu. Như thế, tình yêu đã trao ban trong quá khứ lại hướng về tương lai trong cuộc sống của người môn đệ. Trong Ga 15,10a “Nếu anh em giữa các điều răn của Thầy anh em sẽ lại trong tình yêu của Thầy” đã hướng các môn đệ về tương lai trong hành trình hiệp thông với Đức Giêsu. Như vậy đề tài tình yêu trong Tin Mừng thứ tư vừa hướng về quá khứ (tình yêu của Chúa Cha và của Chúa Giêsu đã dành cho các môn đệ), vừa hướng về tương lai (các môn đệ được mời gọi ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu). Đồng thời, tình yêu của Chúa Cha, của Chúa Giêsu và của các môn đệ làm nên một mối tương quan không thể tách rời giữa Cha-Con-các môn đệ. Tuy nhiên, việc "yêu mến" không mang một ý nghĩa trừu tượng nhưng được thể hiện cách cụ thể đó là "ở lại trong tình yêu".

Thật vậy, trong Ga 15,9-10 cụm từ “ở lại trong tình yêu” xuất hiện đến 3 lần, điều này nhấn mạnh đến tương quan tình yêu giữa Chúa Cha, Chúa Giêsu và các môn đệ. Mối tương quan này được diễn tả qua động từ “ở lại”: các môn đệ ở lại trong tình yêu của Chúa Giê su (Ga15,10a); Đức Giê su ở lại trong tình yêu của Chúa Cha (Ga15,10b). Động từ “yêu mến” và danh từ “tình yêu” nối kết tình yêu giữa ba đối tương: Chúa Cha - Đức Giê su - các môn đệ.

Đoạn Ga 15,9 -10 thể hiện mối tương quan tình yêu được diễn tả theo hai chiều. Ga 15,9 diễn tả tình yêu từ Chúa Cha đi xuống: “tình yêu của Chúa Cha”           “tình yêu của Chúa Giêsu”           “tình yêu của các môn đệ”. Ga 15,10 lại trình bày theo chiều hướng đi lên: “tình yêu của các môn đệ dành cho Đức Giê su”         “tình yêu của Đức Giê su đối với Cha của Người”.  Qua hai câu Ga 15,9-10 cho ta thấy Chúa Cha là cội nguồn của tình yêu, tình yêu phát xuất từ Cha và cùng đích của tình yêu cũng là Cha. Đồng thời cũng cho thấy vai trò trung gian của Đức Giêsu “giữa các môn đệ và Chúa Cha’. Các môn đệ đón nhận tình yêu của Chúa Cha qua Đức Giêsu. “Ở lại trong tình yêu” (15,9c.10a) là một lời mời gọi đáp trả tình yêu, trước hết là tình yêu của các môn đệ dành cho Đức Giêsu qua việc “giữ các điều răn của Đức Giêsu”. Tiếp đó là tình yêu của Đức Giêsu dành cho Cha của Người (15,10b).

Đối với các môn đệ để có thể “ở lại trong tình yêu” của Đức Giêsu thì điều kiện là phải “giữ các điều răn của Người”. Giữ các điều răn nhất là điều răn yêu thương là một dấu chỉ chứng tỏ tình yêu của người ấy đối với Đức Giêsu và người ấy cũng sẽ được Chúa Cha yêu mến.

2.Điều răn yêu thương

Ở lại trong Đức Giêsu chính là giữ những lời của Đức Giêsu tức là điều răn của Đức Giêsu đặc biệt là điều răn yêu thương (Ga15,9 -12). Vậy phải chăng “tình yêu” mang một sự bắt buộc? Vậy điều răn yêu thương trong tương quan với tình yêu thế nào?

Điều răn yêu thương đã được Đức Giêsu nói đến trước đó ở Ga 13,34. Đó là điều răn mới và đã trở thành điều răn của chính Đức Giêsu. Ga 15, 12 đã nhấn mạnh điều đó “Đây là điều răn của Thầy” chứ không phải là điều răn của Thiên Chúa. Nhưng thực ra theo tiến trình của trình thuật Đức Giêsu đã  nhận “điều răn” từ Chúa Cha (Ga 12, 49-50) và bây giờ Người truyền lại cho các môn đệ (Ga 15,12; 13,34). Nội dung của điều răn này là “yêu thương nhau” được nói đến trong hai lần Đức Giêsu trao ban điều răn yêu thương cho các môn đệ (Ga 13,34a; 15,12a). “Yêu thương nhau” là tình yêu giữa các môn đệ với nhau. Tình yêu đó không phải là tình yêu khép kín nhưng là một tình yêu mở rộng ra để trở thành dấu chỉ cho tất cả mọi người biết họ là môn đệ của Đức Giêsu (Ga 13,35). Trong tương quan tình yêu giữa Đức Giêsu và Chúa Cha, Đức Giêsu và các môn đệ thì điều răn yêu thương là một phần trong dòng chảy tình yêu đó. Các môn đệ chỉ có thể “yêu thương nhau” khi ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu (Ga 15,10). Tình yêu giữa các môn đệ với nhau cho phép các ông được tham dự vào tương quan tình yêu giữa Chúa Cha và Đức Giêsu; giữa Đức Giêsu và các môn đệ (Ga 15,9-10). Điều đó giúp cho các môn đệ vững tin vào Đức Giêsu trước những khủng hoảng đang diễn ra trong bối cảnh Ga 13-17.

Tình yêu của Đức Giêsu dành cho các môn đệ được đặt nền tảng trên tình yêu của Chúa Cha dành cho Người (Ga 15,9a). Theo tiến trình đó thì tình yêu của Đức Giêsu dành cho các môn đệ vừa là nền tảng, vừa là nguồn gốc, vừa là nguồn mạch cho tình yêu thương giữa các môn đệ với nhau. Đức Giêsu nói các môn đệ phải yêu thương nhau “như thầy đã yêu mến anh em” (Ga 15,12). Tình yêu thương lẫn nhau của các môn đệ chỉ có thể tồn tại trong, nhờ và với tình yêu của Đức Giêsu. Tình yêu của Đức Giêsu được Người diễn tả ở một mức độ cao nhất, tột cùng “Không ai có tình yêu cao cả hơn người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). “Không ai có” lời khẳng định này hàm ẩn ý tưởng: Trước Đức Giêsu “chưa ai có” và sau Đức Giêsu “sẽ không ai có” tình yêu mà Đức Giêsu đã trao ban. Vì thế, tình yêu cao cả của Đức Giêsu ở 15,13 vừa cao cả về thời gian: Đức Giêsu tiếp tục yêu thương các môn đệ cho đến cùng; vừa cao cả về mức độ: Đức Giêsu yêu các môn đệ cho đến chết. Như thế, hành động “hy sinh mạng sống” là cách để Người bày tỏ tình yêu cao cả nhất của Người cho các môn đệ. Điều này được Đức Giêsu diễn tả trong cuộc thương khó mà Ngài sắp thực hiện.

Như thế “điều răn yêu thương” gắn liền với tình yêu của Đức Giêsu và đã được Người diễn tả ở mức độ cao nhất. Điều răn này được trao cho các môn đệ trong bối cảnh Ga 13-17 là phương cách duy nhất và hữu hiệu để giúp các ông vượt qua được khủng hoảng và giữ vững niềm tin vào Đức Giêsu. Tác giả Robert Kysar đã viết về Ga 15, 13-15 như sau: “ Trước tiên, đó là tình yêu bày tỏ qua sự hi sinh mạng sống của mình vì người mình yêu, thứ hai là tình yêu biến đổi từ tương quan ‘chủ - tớ’ thành tương quan bạn hữu.” Như vậy, tình yêu của Đức Giêsu dành cho các môn đệ không dừng lại ở tương quan chủ tớ, mà còn được Đức Giêsu diễn tả tiếp trong tương quan tình bạn hữu mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong phần tiếp theo.

3.Trở nên “bạn hữu” của Đức Giêsu

Trong Tin Mừng thứ tư, danh từ “bạn hữu” xuất hiện tất cả 6 lần, riêng trong Ga 15, 9-17 xuất hiện 3 lần ở 15,13.14.15. Và lần đầu tiên danh từ “bạn hữu” xuất hiện ở 15,13 khi nói đến tình yêu cao cả của Đức Giêsu dành cho các bạn hữu của Người và để dẫn vào đề tài “tình bạn”. Cụ thể tình bạn của Đức Giêsu và của các môn đệ được đề cập trong tiểu đoạn Ga 15,14-15.

Trong bản văn, đề tài “tình bạn” (Ga 15, 14-15) tiếp nối đề tài “tình yêu” (Ga 15, 9-13), gợi lên mối liên hệ giữa “tình yêu” và “tình bạn”. Song song giữa “tình yêu” và “tình bạn” như trên cho phép hiểu đề tài tình yêu trong Tin Mừng thứ tư theo nghĩa “tình bằng hữu”. Cách hiểu này phù hợp với thần học của Tin Mừng hơn những “tình yêu” khác. Chẳng hạn, trong “tình yêu hôn nhân”, “tình yêu gia đình”, luôn có sự ràng buộc lẫn nhau giữa vợ chồng, con cái. Còn “Tình yêu” trong “tình bạn” phù hợp hơn với người môn đệ Đức Giêsu. Trong tình bạn người ta có quyền quyết định làm bạn hay thôi không làm bạn nữa. Các môn đệ Đức Giêsu cũng vậy, Đức Giêsu tôn trọng sự tự do của những ai đi theo Người. Người không ép buộc ai đi theo và cũng không thể ép buộc các môn đệ ở lại với Người. Ở Ga 15,14, Đức Giêsu nói: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy”. Nhưng thực hiện những điều mà người khác truyền dạy chưa phải là lý do duy nhất chứng tỏ kẻ thực hiện và người truyền dạy là bạn hữu của nhau, bởi vì tôi tớ cũng phải thực hiện những gì chủ dạy; nhưng không vì thế mà họ trở nên bạn hữu của Đức Giêsu. Qua câu nói này Đức Giêsu muốn xác định lại mối tình bằng hữu và đưa ra lý do khác xác đáng hơn. Tôi tớ thực hiện những điều của chủ, nhưng không hiểu ý nghĩa và hiệu lực của mệnh lệnh; còn bạn hữu thực hiện vì hiểu biết ý định và yêu mến người truyền lệnh. Đức Giêsu gọi các môn đệ là bạn hữu vì Người đã mặc khải cho các ông biết ý định và kế hoạch yêu thương của Chúa Cha; các ông đã yêu mến và vâng phục Chúa Cha qua việc thực hiện điều Đức Giêsu dạy, nhưng không vì thế mà làm cho các môn đệ trở thành ngang hàng với Đức Giêsu.

Kết luận

Sống tình yêu và tình bạn mà Đức Giêsu mạc khải theo Ga 15, 9-17, các môn đệ sẽ vượt qua sự xao xuyến, sợ hãi, không bị vấp ngã và giữ vững niềm tin. Sống “tình yêu, tình bạn” còn là lời chứng mạnh mẽ về niềm tin vào Đức Giêsu và tình yêu sẽ giúp các môn đệ chiến thắng sự dữ và sự thù ghét của thế gian, điều này rất quan trọng đối với các môn đệ. Một khi “ở lại trong Đức Giêu” thì các môn đệ “ở lại trong Cha” và “ở lại trong tình yêu”. Chính tương quan tình yêu và tình bạn sẽ giúp các ông giữ vững niềm tin, sống chân thành yêu thương nhau, can đảm vượt qua thử thách và sinh hoa trái. Và quan trọng là tình yêu và tình bạn mà Đức Giêsu chuyển trao cho các môn đệ không phải là một thứ tình yêu khép kín, nhưng là tình yêu vị tha tức là hướng đến sứ vụ là chính Tin Mừng mà Đức Giêsu đã sống và rao giảng.

Hủ Tíu

Read 1236 times Last modified on Thứ năm, 11 Tháng 6 2015 16:59