Â
Làm xiếc cho Mẹ
Trong chuyện : “ Làm cách nào để nên Thánh ?” Harry W.Paige đã kể lại câu chuyện như sau:
Người làm xiếc tại Đền Thờ Đức Bà, mà bà nội tôi thường kể cho tôi, đó là một anh làm xiếc tại Balê. Anh ta có một đức tin rất đơn sơ, anh thường làm ảo thuật hay theo đoàn xiếc mua vui cho khán giả tại góc phố để kiến dăm ba đồng đủ ăn hàng ngày.
Vào một ngày đặc biệt kính Đức Mẹ, cha xứ tình cờ bắt gặp anh ta múa may quay cuồng trước tượng Đức Mẹ trong Đền Thờ. Cha xứ quở mắng anh và bảo rằng những trò anh làm đó chỉ mua vui cho khan giả ngoài phố chứ không được làm trong nhà thờ vì là nơi tôn nghiêm. Anh làm xiếc trả lời: “ Con xin lỗi Cha, vì con chẳng có gì khác để dâng kính Đức Mẹ trong ngày lễ của Ngài ngoài năng khiếu làm xiếc mà Chúa đã ban cho con, nhờ đó con cũng đủ sống”. Cha xứ ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “ Tôi cũng xin lỗi anh vì đã cư xử không phải với anh. Anh nói đúng. Mẹ của chúng ta sẵn sàng chấp nhận bất cứ năng khiếu nào, bất cứ việc gì chúng ta làm với tâm hồn đơn sơ để dâng kính Mẹ. Anh cứ tiếp tục làm xiếc trước nhan thánh Mẹ nhé”.
Và nội tôi thường kết luận như sau: “ Không phải những gì chúng ta làm là nên Thánh, nhưng chúng ta nên Thánh với những gì chúng ta làm”.
Dân gian ta có câu : “ Con hát mẹ khen hay” như muốn diễn tả tính “ thiếu khách quan” trong lời khen tặng của người mẹ dành cho con cái của mình. Bởi qua lăng kính yêu thương của mẹ thì những khả năng, những cố gắng của con mình đều được phóng đại, đều được nhân đôi. Chúng ta từng nhìn thấy các bà mẹ với gương mặt rạng rỡ, ánh mắt ngời lên hạnh phúc khi nhìn đứa con bé bỏng của mình đứng múa hát với những động tác ngô nghê , vụng về. Khi kết thúc “ bài biểu diễn” , người mẹ ôm chầm con vào lòng và thưởng cho con nhiều cái hôn đầy yêu thương. Với người mẹ, không một diễn viên múa nào trên thế gian này khiến bà cảm thấy thích thú và xúc động hơn những điệu múa của đứa con thân yêu dành cho mình.
Vì thế, chắc chắn rằng Đức Mẹ sẽ rất cảm động, rất hạnh phúc khi nhìn thấy những “ trò mua vui” của anh diễn viên xiếc, vì anh đã dâng cho Mẹ khả năng duy nhất của mình với một lòng yêu kính Đức Mẹ một cách đơn sơ, với mong ước làm vui lòng Mẹ.
Trong đời sống đạo của một Kito hữu, chúng ta thể hiện lòng kính mến và tôn thờ Thiên Chúa qua các cử hành Phụng Vụ như Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể và Giờ Kinh Thần Vụ và các việc đạo đức bình dân như viếng Chúa, rước kiệu, đàng Thánh giá và lần hạt Mân Côi. Về việc lần chuỗi Mân côi, vào ngày 03 tháng 5 năm 2008, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI đã suy niệm như sau : “Khi lần chuỗi Mân côi, đó là lúc những thời khắc quan trọng và mang đầy ý nghĩa của lịch sử cứu độ một lần nữa tiếp tục được sống. Những bước thăng trầm trong sứ vụ của Chúa Kitô được vẽ lại. Cùng với Mẹ Maria, trái tim được qui hướng về Mầu nhiệm Chúa Giêsu. Chúa Kitô được đem đặt vào giữa trung tâm đời sống của chúng ta, giữa thời gian của chúng ta, giữa thành phố của chúng ta, qua việc chiêm ngắm và suy niệm những mầu nhiệm thánh “vui, sáng, thương, mừng” của Người “. Chính vì thế mà trong những lần hiện ra ở Fatima, ở Lộ Đức hay ở LaVang, Đức Mẹ đều cầm tràng chuỗi Mân Côi trên tay, và ân cần nhắc nhở con cái “ Hãy luôn ăn năn đền tội, hãy tôn sùng Mẫu Tâm và hãy năn lần hạt Mân Côi”.
Thế nhưng có một thực trạng đáng buồn là trong thời đại kỹ thuật số hôm nay, việc lần hạt Mân Côi đang bị giới trẻ quên lãng, giới trung niên thì lơ là. Bởi lẽ đó chỉ là việc đạo đức bình dân, trong suy nghĩ của những người này, họ cho đó là việc của các người già. Họ không có cơ hội thể hiện mình trong những việc sinh hoạt đạo đức tầm thường như thế.
Tháng Mân Côi được bắt đầu bằng những cuộc rước linh đình, trọng thể, điều ấy cũng góp phần khơi dậy tâm tình yêu kính Mẹ trong một cộng đoàn, một giáo xứ. Và dĩ nhiên những hình thức tôn vinh dù trang trọng đến bao nhiêu cũng không xứng hợp với ngôi vị cao cả của Mẹ. Tuy nhiên, điều làm cho Mẹ thực sự cảm động và hạnh phúc chính là việc chúng ta lặp đi lặp lại những lời kinh cao trọng nhất trong đạo. Đó là kinh Lạy Cha do chính Chúa Giêsu, con rất yêu dấu của Mẹ dạy, là chiêm ngắm và suy gẫm 20 mầu nhiệm thánh Thương, Sáng, Vui, Mừng mà Đức Mẹ là người được thông phần trong từng mầu nhiệm, và đặc biệt là kinh Kính Mừng, lời kinh chúc khen Mẹ đầy ân sủng phát xuất từ miệng sứ thần Gabriel khi chào kính Đức Maria lúc truyền tin (Lc1,28). Và sau này khi Đức Maria viếng thăm người chị họ của mình, bà Elisabeth cũng xác nhận: " Em thật có phúc hơn mọi người nữ, vì Đấng em cưu mang thật diễm phúc". Do vậy,chúng ta có thể khẳng định rằng, không điều gì làm Mẹ vui lòng bằng lời kinh Mân Côi mà chúng ta đã thực hiện với hết tâm tình yêu mến thiết tha dành cho Mẹ.
Lời của vị cha xứ nói với anh Hề làm xiếc trong câu chuyện trên cũng là nói với chính mỗi người trong chúng ta rằng: “ Mẹ của chúng ta sẵn sàng chấp nhận bất cứ năng khiếu nào, bất cứ việc gì chúng ta làm với tâm hồn đơn sơ để dâng kính Mẹ” . Ước gì đừng ai trong chúng ta xao nhãng, lơ là việc đạo đức bình dân đó là lần chuỗi Mân Côi , vì rằng khi chúng ta làm công việc mà chúng ta nghĩ rằng “tầm thường” này với hết lòng sốt mến, thì Mẹ nhân từ không chỉ cầu nguyện cho chúng ta trong giây phút hiện tại mà còn trong giờ lâm tử được ơn cứu rỗi của Thiên Chúa nữa. “ Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa trời. Cầu cho chúng con, là kẻ có tội, khi nầy và trong giờ lâm tử. Amen.”
Điền Phương Thảo
Published inSuy Niệm - Suy Tư
Tagged under