Tại một số giáo phận lớn ở Việt Nam, tháng Sáu dương lịch hằng năm được gọi là “Mùa truyền chức”. Bởi lẽ đó là thời điểm các đại chủng viện kết thúc khoá học và các chủng sinh ra trường được thụ phong phó tế hay linh mục. Tạ ơn Chúa cho Giáo hội Việt Nam của chúng ta dồi dào ơn gọi làm linh mục và tu sĩ, trong một xã hội càng ngày càng bị ảnh hưởng của phong trào tục hoá và hưởng thụ.
Chức linh mục được thiết lập như chiếc cầu nối giữa Thiên Chúa và con người, như dòng suối tuôn chảy muôn ơn từ trời, mang lại cho nhân loại hạnh phúc và niềm vui. Là người tín hữu, ai cũng hiểu linh mục quan trọng như thế nào đối với các cộng đoàn đức tin. Linh mục là người đồng hành với người giáo dân, từ khi chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Trong những biến cố vui buồn của đời người, linh mục luôn hiện diện để đem đến cho họ ân sủng, phúc lành và sự an ủi của Thiên Chúa. Vì lẽ đó, linh mục luôn được mọi người yêu mến và quý trọng. Tại mỗi giáo xứ, linh mục được coi như người đứng đầu một đại gia đình, vị chủ sự của một cộng đoàn và người nghĩa thiết với mọi tầng lớp giáo dân.
Trong thư gửi cho các chủng sinh năm 2010, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã khẳng định, mọi xã hội, dù giàu có và đầy đủ về vật chất đến đâu đi nữa, thì vẫn cần đến các linh mục. Ngài nhắn nhủ: “Con người sẽ luôn cần Thiên Chúa, cả trong thời đại kỹ thuật thống trị thế giới và toàn cầu hóa: người ta vẫn cần vị Thiên Chúa tự biểu lộ trong Đức Giêsu Kitô và là Đấng đã tụ họp chúng ta trong Giáo hội hoàn vũ, để học với Người và nhờ Người về cuộc sống chân thực và để giữ cho các tiêu chuẩn của nhân loại đích thực được hiện diện và hữu hiệu. Nơi nào con người không nhận thấy Thiên Chúa nữa, thì cuộc sống trở nên trống rỗng; tất cả trở nên thiếu thốn, rồi con người tìm nơi nương náu trong sự mê mẩn hoặc trong bạo lực, là những điều ngày càng đe dọa tuổi trẻ”. Nếu thế giới luôn luôn cần đến Thiên Chúa, thì linh mục là người mang Thiên Chúa vào lòng cuộc đời. Nếu con người luôn khát vọng và tìm kiếm những giá trị siêu nhiên, thì linh mục là người mang Chúa đến làm cho tâm hồn con người được no thoả. Trong một xã hội còn nhiều bóng tối, rất cần có linh mục để thắp lên ngọn lửa hy vọng. Trong cuộc sống còn nhiều dối gian, rất cần đến linh mục để làm chứng cho Sự Thật. Khi lòng người dửng dưng vô cảm, rất cần có linh mục quảng đại dấn thân phục vụ. Qua đời sống và sứ vụ, linh mục là hiện thân của Chúa Giêsu, Linh mục Thượng Phẩm Tối Cao. Đức Thánh Cha viết tiếp: “Thiên Chúa sống động, và Ngài cần những người sống cho Ngài và đưa Ngài đến với tha nhân. Đúng vậy, trở thành linh mục thật là điều có ý nghĩa: thế giới đang cần linh mục, cần các vị mục tử, ngày nay, ngày mai và mãi mãi, cho đến khi nào thế giới còn hiện hữu”.
Chức linh mục là một quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại. Món quà quý giá ấy, Ngài ban qua trung gian một số tín hữu được tuyển lựa là các linh mục. Qua bí tích Truyền chức, những người thụ phong trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Linh Mục (x. Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, số 2). Bí tích truyền chức không phải là một phép lạ biến người thụ phong từ người trần thế trở thành thánh nhân. Vì vẫn mang trong mình sự yếu đuối và bất toàn, linh mục phải cố gắng mỗi ngày để hoàn thiện bản thân, trở nên xứng đáng với hồng ân cao quý đã lãnh nhận. Cuộc đời linh mục, vừa là một hành trình phục vụ tha nhân, vừa là hành trình thánh hoá chính con người của mình, để xứng đáng là bóng hình của Đấng Chí Thánh giữa gian trần.
Trong tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giáo hội mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho các linh mục. Từ năm 1995, Thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng đã thiết lập ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa là ngày xin ơn thánh hoá các linh mục. Giáo hội rất cần đến các linh mục tốt lành, để phán ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa trong cuộc đời. Một linh mục thánh thiện có ảnh hưởng rất lớn trong Giáo hội cũng như xã hội. Những gương mặt tiêu biểu như Thánh Gioan Maria Vianey (1786-1859), Thánh Vinhsơn Phaolô (1581-1660, sáng lập dòng Bác ái và dòng Truyền giáo), Cha Pierre (1912-1927, linh mục người Pháp, có công sáng lập tổ chức bác ái mang tên Emmaus), Thánh Maksymilian Kolbe (linh mục người Balan, tử đạo năm 1941 để cứu một tù nhân trong lò thiêu của Phát xít Đức) đã đem lại cho Giáo hội những chứng từ sống động của Tin Mừng, tạo những hình ảnh đẹp về đời linh mục.
Tạ ơn Chúa vì thời nào và nơi nào cũng có những linh mục đang âm thầm hy sinh làm việc tại các vùng sâu vùng xa, quên mình phục vụ người dân tộc thiểu số và người nghèo. Có những linh mục say mê truyền giáo, chấp nhận những thiệt thòi và gian khổ, sống nghèo khó để đem Chúa đến với những ai chưa nhận biết Ngài.
Mỗi khi có dịp đề cập tới các linh mục, Đức Thánh Cha Phanxicô đều kêu gọi các ngài dấn thân phục vụ người nghèo, sẵn sàng “đi ra” để đến với mọi người đang sống bên vùng ngoại vi, bên lề xã hội, đem cho họ tình thương của Thiên Chúa và niềm vui của Tin Mừng. Vị Chủ chăn của Giáo hội cũng cảnh báo tình trạng linh mục bị “giải dầu”, tức là những linh mục đánh mất lòng từ tâm, hoặc sao lãng sứ vụ, khô khan trong đời sống thiêng liêng, xa rời dân chúng. Ngài gọi những linh mục ấy là những người đã đánh mất sự xức dầu và không có trái tim mục tử” (x.Bài giảng ngày lễ Dầu 2013).
Ông Mahatma Gandhi, vị lãnh tụ của Ấn độ, đã nói với các nhà truyền giáo: “Hãy để cho đời sống của các ngài nói với chúng tôi như đóa hoa hồng không cần ngôn ngữ, mà chỉ cần đơn sơ để cho hương thơm lan tỏa. Cả người mù không xem thấy hoa hồng, vẫn nhận ra được mùi thơm của nó. Hãy để chúng tôi nghĩ tới sự cao cả của người Kitô hữu khi họ tỏa hương thơm đời sống”.
Hồng ân linh mục thật cao quý, nhưng chức linh mục được ban cho những con người còn nhiều bất toàn và yếu đuối. Chính vì vậy, các linh mục rất cần đến lời cầu nguyện của các tín hữu. Cùng với lời cầu nguyện, sự cảm thông, chia sẻ của mọi người cũng rất cần thiết để nâng đỡ các ngài trong đời tận hiến và trong sứ mạng đem Chúa đến trần gian. Xin Chúa thánh hoá các linh mục, làm cho các ngài trở nên hiện thân của Chúa Kitô giữa cuộc đời, để đem cho con người tình yêu và lòng thương xót. Amen.
Hải Phòng, tháng kính Thánh Tâm Chúa, 2016
Gm Giuse Vũ Văn Thiên