Lòng tốt là những việc làm cao đẹp nhằm giúp đỡ người khác. Lòng tốt đã tồn tại nơi con người từ khi họ xuất hiện trên trái đất, như một thuộc tính được Thượng đế phú bẩm. Nhờ lòng tốt, con người quan tâm và sống tình liên đới với tha nhân. Trong một xã hội hiện đại, lòng tốt càng ngày càng hiếm và trở thành một thứ “xa xỉ phẩm”. Những hành động tự nó là đơn giản, nhằm giúp đỡ người khác trong mối tương quan người với người đã trở thành “hành động lạ” và hiếm hoi. Gần đây, một số báo điện tử đưa tin và hình ảnh anh lái xe taxi đã dừng xe để đưa một cụ già sang đường ở Hà Nội. Hành động này lập tức được coi là một “hành động lạ”, được nhiều người tán dương và bình luận với những ý kiến rất tích cực. Giúp đỡ người cao tuổi là lời khuyên của ông bà cha mẹ đối với trẻ em khi chập chững vào đời và là bài học thời “vỡ lòng” mà nay được coi như một nghĩa cử anh hùng! Bởi lẽ những hành động này rất ít thấy trong cuộc sống, do nhiều nguyên nhân khác nhau: hoặc người ta quá bận rộn, không có thời gian, hoặc con người đã trở nên vô cảm dửng dưng đối với người khác. Cũng có khi lòng tốt bị nghi ngờ, dẫn đến hậu quả là “làm phúc phải tội”, từ đó nảy sinh tình trạng “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”.
Từ bao đời nay, cuộc sống ở nông thôn vẫn được coi là thân thiết, nặng tình nặng nghĩa. Hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau, vui buồn cùng chia sẻ. Tuy nhiên, cuộc sống an bình này cũng đang thay đổi. Do phong trào thành thị hoá nông thôn, tình làng nghĩa xóm đang dần trở nên khô khan, cách biệt. Cùng với những bức tường ngăn cách mỗi gia đình để bảo đảm an ninh và thiết lập một không gian riêng, những người láng giềng vốn gắn bó bỗng trở nên xa cách, theo kiểu “đèn nhà ai nấy rạng”. Lòng tốt trở nên càng ngày càng hiếm.
Trong bối cảnh xã hội còn tồn tại nhiều tiêu cực, niềm tin đã bị đánh cắp. Đã có nhiều cá nhân và tổ chức nhân danh “từ thiện” để trục lợi bất chính. Đây là những hành động vô luân trái với đạo đức, vì họ lợi dụng người nghèo hoặc nỗi đau của những bệnh nhân để kiếm tiền. Thời gian qua, nở rộ những công ty, những văn phòng huy động vốn với danh nghĩa “giúp người nghèo vượt khó”, nhưng thực chất là lừa đảo, làm cho người nông dân đã nghèo nay thêm khốn đốn vì nợ nần chồng chất chưa biết đến bao giờ mới có khả năng trả nợ. Đơn cử trường hợp Trung tâm hỗ trợ người nghèo ở huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá (x. bài viết trên Báo điện tử Lao Động, ngày 21-6-2016). Nạn nhân là những người nông dân ít học, dễ tin và ôm ấp giấc mơ nhanh chóng đổi đời, nhưng niềm tin của họ đã bị trao nhầm chỗ.
Vào thời bùng nổ thông tin như hiện nay, một số phương tiện truyền thông có khuynh hướng chú trọng đến những tin tức giật gân, thu hút sự tò mò của độc giả, thính giả. Mỗi khi vào các báo điện tử, những tin tức được đọc nhiều nhất thường là những vụ giết người cướp của, những cuộc tình tay ba tay tư, những vụ đánh ghen hoặc những bê bối liên quan đến giới nghệ sĩ, người mẫu, trong khi những người tốt việc tốt ít được đề cập. Thực ra, giữa một xã hội có nhiều bóng tối, vẫn có nhiều lắm những người hy sinh âm thầm phục vụ tha nhân, trong số đó, phải kể đến những bác sĩ tâm huyết cứu người; những thày cô giáo âm thầm mang cái chữ lên vùng cao cho trẻ em thiểu số; những tu sĩ phục vụ trong các trại phong, hoặc trung tâm chăm sóc bệnh nhân SIDA hay khuyết tật; những bạn trẻ thiện nguyện miệt mài tham gia những phong trào làm cho cuộc sống xanh sạch đẹp, những lái xe taxi tuy nghèo nhưng tìm trả lại tiền của khách để quên; những em sinh viên nhặt được của rơi tìm trao lại cho người đánh mất… Họ là những đốm lửa bừng sáng trong đêm đen, đem niềm vui cho cuộc đời và góp phần làm lan toả hương thơm của lòng nhân ái.
Thực thi những nghĩa cử tốt đẹp để giúp người khác là nét đẹp truyền thống của người Việt Nam chúng ta. Trong kho tàng văn hoá của dân tộc, tình tương thân tương ái được thể hiện qua những câu ca dao tục ngữ, những làn điệu dân ca, những lời ru ầu ơ của mẹ và những lời dạy của các bậc thánh hiền. Những lời dạy đơn sơ mà phong phú ấy đã góp phần làm nên tâm thức “thương người như thể thương thân” của con Lạc cháu Hồng. “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Đối với những người Việt sống xa quê, tình tương thân tương ái vẫn ghi sâu nơi tiềm thức của họ và được cụ thể hoá qua những nghĩa cử nhân ái, quảng đại giúp đỡ người nghèo.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến lòng tốt trong mối tương quan huynh đệ giữa con người với nhau. Người dạy: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12). Người cũng dạy, hãy cho đi một cách vui vẻ mà không cần tính toán. Một tấm lòng quảng đại, quan tâm đến người khác sẽ được chính Thiên Chúa đền bù và trọng thưởng: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38). Qua dụ ngôn người Samari nhân hậu, Chúa Giêsu đã ca ngợi lòng tốt của một “người ngoại”. Người này đã cảm thương và cứu giúp người bị nạn không hề quen biết, đồng thời chăm sóc chu đáo tận tình. Bài học rút ra từ câu chuyện dụ ngôn này là lời khuyên: “Hãy đi và làm như vậy!” (x. Lc 10, 29-37).
Lòng tốt của Thiên Chúa là một điểm nhấn quan trọng trong giáo huấn của Thánh Kinh. Thiên Chúa là Đấng Tốt Lành. Lòng Tốt của Ngài được diễn tả bằng nhiều danh xưng khác nhau: sự thánh thiện, lòng nhân hậu, lòng thương xót, lòng kiên nhẫn, lòng bao dung tha thứ. Lòng tốt của Ngài là mẫu mực cho con người, như đích điểm mà con người phải phấn đấu để đạt tới: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5,48). Nên hoàn thiện, trước hết là những cố gắng loại bỏ khiếm khuyết nơi bản thân, và sau đó là thể hiện lòng tốt qua những nghĩa cử cao đẹp đối với những người xung quanh. Đức ái là điều răn quan trọng nhất của những ai tin Chúa, đến nỗi khi thi hành đức ái là họ đã chu toàn Lề Luật (x. Rm 13,10). Khi thực thi lòng tốt với tha nhân, người tín hữu tin rằng họ đang phản ánh lòng nhân hậu của Thiên Chúa, bởi lẽ, Thiên Chúa là Đấng “chậm giận và giàu tình thương” (Tv 102, 8).
“Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy” (Mark Twain, nhà văn người Mỹ 1835-1019). Lòng tốt đích thực không dựa trên những “lời có cánh”, nhưng xuất phát từ trái tim và làm cho người khác dễ dàng cảm nhận. Lòng tốt toả hương thơm như đoá hoa, không ồn ào gây chú ý, không giả tạo lấy tiếng khen, nhưng chân thành và hướng tới tha nhân với tâm tình yêu thương trìu mến.
Ai trao tặng lòng tốt thì chính mình sẽ được nhận lại. Rainer Maria Rilke, nhà thơ người Áo (1875–1926), đã viết: “Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều”. Thánh Phanxicô thành Axidi khẳng định với chúng ta: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh; chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần cảm nghiệm được điều kỳ diệu này trong cuộc sống: khi cho đi là chúng ta nhận lại. Người châu Phi có câu ngạn ngữ: “Lòng tốt như ngọn lửa, càng cho đi, càng lan rộng và lớn mãi”. Bạn và tôi, ngày hôm nay, chúng ta hãy cố gắng để thực hiện một nghĩa cử tốt đẹp, dù rất nhỏ bé và đơn sơ, đối với những người chúng ta gặp gỡ. Những lời nói tốt đẹp thân thiện nhằm động viên khích lệ người đang buồn bã bi quan, hay sự giúp đỡ người cô thế cô thân về tinh thần hoặc vật chất, rất cần thiết trong mối tương quan với đồng loại. Có thể sự giúp đỡ ấy chẳng làm được gì lớn lao hay không mang tham vọng thay đổi thế giới, nhưng chắc chắn một điều, Bạn và tôi, chúng ta cảm nhận được niềm vui vì được góp phần diễn tả lòng tốt của Thiên Chúa trong cuộc đời.
Gm Giuse Vũ Văn Thiên