Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 07 Tháng 7 2016 15:14

Bệnh vô cảm

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Bệnh vô cảm



Thản nhiên nhìn tài xế cán xe lên người bé gái nhiều lần. Đó là tựa đề của một vụ việc xảy ra tại chợ Lao Bảo, thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc từ năm 2011. Nhưng trong năm 2015 được nhiều tờ báo mạng Trung Quốc đăng lại, trong đó có tờ báo lớn như Chinadaily, nhằm cảnh báo về vấn nạn "vô cảm."

Theo camera giám sát tại khu chợ, một bé gái đang đi lang thang trong chợ, không may đã bị một chiếc xe tải đâm trúng. Khi biết bánh trước vừa đâm phải người, tài xế đã phanh lại nhưng chỉ vài giây sau, anh ta đã lại quyết định lái xe đi tiếp khiến em bé bị bánh xe sau cán tiếp lần thứ hai. Sau đó, chiếc ô tô khác đi tới lại tiếp tục chèn vào em mà không dừng lại. Rất nhiều xe đi qua đó, thậm chí có cả người đi bộ chứng kiến cảnh em bé đau đớn nhưng vẫn không mảy may để ý, không gọi xe cứu thương hoặc đến hỏi han em.

Rất lâu sau, một công nhân quét rác đi qua mới phát hiện em bé đang nằm trên đường. Bà đã kêu gọi người giúp đỡ nhưng không ai ra giúp. Vài phút sau, mẹ của cô bé xuất hiện và đưa cô bé đi cấp cứu.

Theo điều tra, cô bé tên là Nguyệt Nguyệt, 2 tuổi, sống cùng bố mẹ gần khu chợ. Trong lúc bố mẹ đi lấy hàng, em chạy đi chơi và xảy ra chuyện.

Do bị cán qua cán lại nhiều lần và không được cấp cứu kịp thời, bé Nguyệt Nguyệt bị chết não và khả năng sống rất thấp. Nếu có sống cũng sẽ là người thực vật suốt đời.

Ngay khi vụ viêc xảy ra, gia đình đã báo cho cảnh sát và nhờ họ điều tra tên tài xế “dã man kia”. Khi bắt được hung thủ, tên tài xế này cho hay: lúc đó anh ta đang nói chuyện với người yêu và cô ấy đòi chia tay. Do tâm lý không ổn định và đã không nhìn thấy bé ở trước đầu xe nên đã đâm vào cô bé. Sau đó, anh ta nghĩ rằng nếu bé chết anh ta chỉ phải bồi thường 20.000 tệ (khoảng 70 triệu đồng), nhưng nếu em bé chỉ bị thương thì anh ta có thể sẽ tốn hàng trăm nghìn tệ. Chính vì vậy anh ta đã không cứu đứa bé mà lại cán thêm.

Vụ việc này đã gây lên một làn sóng phẫn nộ của người dân. Họ không chỉ lên án, chỉ trích sự dã man của hai tên tài xế đã đâm phải bé mà họ còn cảm thấy bức xúc với sự thờ ơ, vô tâm và thiếu tình người của những người xung quanh đó. (Nguồn: baogiaothong.vn)

Thật vậy, vô cảm là căn bệnh trầm kha của con người qua mọi thời đại. Trong xã hội chúng ta đang sống, dường như căn bệnh vô cảm lại trở nên trầm trọng hơn. Người ta thờ ơ, vô tâm trước những vấn đề của người khác. Người ta im lặng, làm ngơ trước những bất công của xã hội. Đáng sợ nhất khi căn bệnh vô cảm đang lây lan tới hết mọi người và mọi môi trường sống.

Vô cảm trong gia đình: khi vợ chồng không quan tâm đến nhau. Cha mẹ nhẫn tâm không cho con cái chào đời. Con cái cháu chắt bỏ rơi không chăm sóc ông bà cha mẹ. Người ta quên đi tình anh em ruột thịt, tình làng nghĩa xóm, để rồi “Đèn nhà ai rạng nhà nấy.”

Vô cảm tại trường học, khi các tiêu cực xảy ra hằng ngày trong chính môi trường giáo dục: nạn chạy trường, chạy lớp, chạy điểm; thầy cô giáo chỉ lo dạy chữ, không quan tâm đến việc dạy đạo đức nhân bản cho học sinh; nhiều thầy cô dùng bạo lực để sửa lỗi học sinh; nhiều học sinh không còn giữ truyền thống “tôn sư trọng đạo”; nhiều trường hợp học sinh bị đánh hội đồng ngay chính nơi trường học mà thủ phạm chính là những bạn bè cùng trang lứa mà không một ai dám can ngăn.

Vô cảm có mặt trong các bệnh viện: khi các y, bác sĩ để mặc các bệnh nhân kêu gào đau đớn mà không quan tâm chăm sóc. Thậm chí, nhiều bệnh nhân bị chết oan vì chưa có phong bì lót tay cho bác sĩ. Nhiều bác sĩ làm việc thiếu trách nhiệm, thiếu cả chuyên môn nên gây ra hậu quả khôn lường cho các bệnh nhân. Câu chuyện “Bé trai bị bác sĩ mổ nhầm tay trái để rút đinh ở tay phải” xảy ra tại bệnh viện 115 Nghệ An vừa qua là một bằng chứng. Việc các bác sĩ móc nối với các nhà thuốc khi kê đơn cho bệnh nhân để kiếm hoa hồng chứ không nghĩ đến những loại thuốc đó có hiệu quá tốt nhất cho các bệnh nhân của mình, đó cũng là một vấn đề đáng báo động.

Những tháng gần đây chúng ta chứng kiến sự vô cảm của chính phủ Việt Nam đối với vấn đề cá chết hàng loạt ở Miền Trung. Đặc biệt, khi biết thủ phạm chính gây nên thảm hoạ môi trường là công ty gang thép Formosa Hà Tĩnh, nhưng chính phủ vẫn tiếp tục cho nó hoạt động và chỉ nhận một số tiền rẻ mạt so với hậu quả vô cùng to lớn trước mắt và lâu dài. Họ vô cảm không nghĩ đến tình cảnh của người dân bị hại trong hiện tại và cả trong tương lai. Sự vô cảm của họ có thể giết chết không những ngư dân Miền Trung mà cả dân tộc Việt Nam chúng ta.

Sự vô cảm còn lan tràn trong các lĩnh vực khác của xã hội chúng ta đang sống: nhiệm vụ của công an, quân đội là bảo vệ bình an cho người dân nhưng họ lại đàn áp dân một cách vô tội vạ; khi những người đứng ra bênh vực cho công lý và lẽ phải lại bị bắt bớ đánh đập, tù tội; nhiều người vì muốn an thân nên khi thấy kẻ cắp móc túi người khác mà không dám lên tiếng; người ta im lặng trước sự ác, không mủi lòng trước những đau khổ của anh chị em mình; khi người ta thấy tai nạn xảy ra trên đường đi mà không sẵn sàng giúp đỡ…

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy sự thờ ơ, vô cảm của một tư tế và trợ tế đối với một người bị nạn. Tư tế và trợ tế là những người có thế giá trong dân, là những người có vai trò trong đạo Do Thái lúc bấy giờ. Họ thuộc lòng những khoản luật của đạo Do Thái, nhất là luật mến Chúa yêu người, nhưng họ không thực hành những điều luật đó. Nói cách khác, họ thờ ơ, vô cảm trước nhu cầu của anh chị em đồng loại.

Vô cảm có thể là một tội. Tội dửng dưng trước nhu cầu của anh em. Chúa Giêsu đã đề cập tới tội vô cảm này trong dụ ngôn nhà phú hộ và ông Lazarô (x. Lc 16, 19-21). Nhà phú hộ mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Ông Lazarô thì nghèo khó, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Điều đáng nói là số phận đời sau của nhà phú hộ : ông phải sa hoả ngục. Ông sa hoả ngục không phải vì ông giàu có, nhưng vì ông vô cảm trước sự đói khổ của người nghèo đói Lazarô.

Để tránh khỏi bệnh vô cảm, tội dửng dưng, chúng ta bắt chước gương của người Samaria nhân hậu. Mặc dầu ông không phải là người Do Thái, người bị nạn không liên hệ gì đến ông, nhưng ông nhạy cảm trước nhu cầu của người khác. Sự nhảy cảm đó được thể hiện không chỉ qua cách : “Trông thấy và động lòng thương,” mà còn thể hiện qua việc ông: “Xắn tay áo để thoa dịu những đau khổ của người bị hại.” Tin mừng kể lại rằng: “Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc”(x. Lc 10,35).

Ông không dừng lại ở đó, sự quan tâm của ông còn đi xa hơn khi ông trả tiền bạc cho chủ quán thay cho người bị hại và hứa sẽ quay lại thanh toán những gì còn lại. Sự quan tâm chăm sóc của người Samaria đối với người bị hại là mẫu gương cho con người qua mọi thời đại, nhất là đối với mỗi người kitô hữu chúng ta. Chính Chúa Giêsu cũng nói với người thông luật rằng : “Ông hãy đi và cũng hay làm như vậy” (Lc 10,37).

Trong cuộc sống, chúng ta cần phải nhạy cảm trước những nhu cầu của anh chị em mình, không phải chỉ bằng lý thuyết mà cần phải ra tay hành động. Bởi vì : “Lòng thương xót nếu không có việc làm thì tự nó sẽ chết” (ĐGH Phanxicô). Những lời huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô sau đây đáng chúng ta suy nghĩ, Ngài nói : “Ai đã cảm nghiệm trong cuộc sống của mình lòng thương xót của Chúa Cha thì không thể không nhạy cảm trước những nhu cầu của anh chị em mình...Những công việc từ bi thương xót không phải là những đề tài lý thuyết, nhưng là những chứng tá cụ thể, đòi chúng ta phải xắn tay áo lên để thoa dịu những đau khổ của nhân loại”(Bài huấn dụ 30/06/2016).

Lạy Chúa Giêsu, xin chữa chúng con khỏi căn bệnh vô cảm, để chúng con luôn biết nhạy cảm trước những nhu cầu của anh chị em mình. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành

Read 1018 times Last modified on Thứ bảy, 09 Tháng 7 2016 14:44