Tiếng gọi tạo mối tương quan giữa người gọi và người được gọi. Khi cất tiếng gọi một người, là ta muốn người ấy đang ở xa nay trở lại gần. Lời gọi thường nêu đích danh một người cụ thể, tức là nhằm tới chính bản thân của người đó. Tiếng gọi nào cũng mong một lời đáp. Có những tiếng gọi đem lại cho ta niềm vui và hạnh phúc, nhưng cũng có những tiếng gọi đưa ta vào mê hồn trận để rồi ta lạc bước và chìm đắm trong vũng lầy. Con người sống trong xã hội như đứng trước ngã ba đường, cần biết phân định tiếng gọi nào là chân thực, rồi chọn cho mình một hướng đi có tính quyết định cho cuộc đời.
Thiên Chúa Quan Phòng đặt để trong mỗi con người tiếng nói của lương tâm. Đây là mực thước và tiêu chuẩn đạo đức cho mọi nền văn hoá, mọi thời đại. Lương tâm luôn kêu gọi con người làm việc thiện. Khi lỡ làm điều xấu, lương tâm lên tiếng phê phán trách móc và canh chừng để người phạm lỗi biết dừng lại và sám hối. Người có lương tâm ngay chính luôn tôn trọng sự thật, cảm thấy áy náy khi trót làm điều khuất tất. Lương tâm là tiếng gọi tự bên trong mỗi người. Lương tâm cũng là một vị thẩm phán công minh, giúp con người hồi tỉnh và sửa chữa lỗi lầm. Công đồng Vaticanô II đã định nghĩa về lương tâm như sau: “Lương tâm là nơi thẳm sâu thầm kín, là cung thánh của lòng người, nơi đây chỉ còn một mình con người với Thiên Chúa, Đấng đang lên tiếng trong thâm tâm con người. Bằng một cách thế diệu kỳ, lương tâm giúp con người nhận biết lề luật ấy, lề luật được kiện toàn bởi tình mến Chúa yêu người” (Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 16). Do bị tác động bởi những nguyên nhân khách quan hay chủ quan, nên có khi người ta phán đoán sai lầm. Vì vậy, lương tâm cũng cần được huấn luyện để trở nên ngay chính và chân thật.
Thánh Kinh, Cựu ước cũng như Tân ước, ghi lại nhiều tiếng gọi. Đó là lời mời gọi của Chúa. Qua tiếng gọi này, Chúa muốn cho con người cộng tác với Ngài để san sẻ hạnh phúc của Ngài cho đồng loại. Từ cậu bé Samuel trong đền thờ Silô đến các vị thủ lãnh và ngôn sứ như Môisen, Isaia, Giêrêmia, Amos... Lời mời gọi nào cũng là những lời thân thương trìu mến. Thiên Chúa tôn trọng con người. Ngài muốn họ đáp lại lời mời gọi của Ngài với sự tự do, không bị ép buộc. Ngài ngỏ lời với họ như với những người bạn, để tỏ cho họ biết ý định của Ngài là muốn cứu độ con người. Ngài cũng gọi đích danh mỗi người với tên của họ “Ta đã gọi con bằng chính tên con. Con là của riêng Ta” (Is 43,1). Các ngôn sứ trong Cựu ước đã đáp lại tiếng Chúa gọi, mặc dù trong số đó, có những vị nhận mình là “thân phận tội lỗi bất xứng” (trường hợp Isaia), hoặc “không biết ăn nói làm sao” (trường hợp Giêrêmia), hay thú nhận mình chỉ là một người chăn chiên, không thuộc về dòng dõi ngôn sứ (trường hợp Amos). Một khi chấp nhận tiếng gọi của Chúa, chính Ngài sẽ soi sáng hướng dẫn cho các ông, để các ông có đủ can đảm loan báo những gì Chúa truyền cho các ông nói, kể cả khi đối diện với bạo lực cường quyền.
Trong Tân ước, Chúa Giêsu tiếp tục mời gọi con người cộng tác để thực hiện chương trình cứu rỗi nhân loại. Hầu hết những người được gọi đều sẵn sàng tuân theo ý Chúa. Đó là trường họp Đức Trinh nữ Maria thành Nagiarét. Đó cũng là trường hợp những người dân chài bên biển hồ Galilêa. Nhờ lời thưa “Xin vâng”, Trinh nữ Maria đã trở thành thân mẫu của Đấng Cứu thế. Nhờ sự sẵn sàng từ bỏ, những người dân chài đã trở thành môn đệ của Chúa, và sau này họ đã làm thay đổi bộ mặt thế giới. Tiếng gọi của Chúa đã làm thay đổi cuộc đời của những người đã một thời lầm lỗi (trường hợp thánh nữ Mađalêna) hay một nghề nghiệp bị nhiều người người kỳ thị (trường hợp thánh Matthêu). Tiếng gọi ấy còn hoán cải và thay đổi lòng người, biến một kẻ tàn sát các tín hữu thành vị Tông đồ dân ngoại (trường hợp thánh Phaolô).
Tiếng gọi của Chúa có sức thuyết phục diệu kỳ. Trong suốt bề dày của lịch sử Giáo Hội, biết bao người đã can đảm lên đường theo tiếng gọi của Chúa, bỏ lại sau lưng nhà cửa, quê hương và người thân thuộc. Họ là những thừa sai can đảm và dứt khoát lên đường đến những vùng xa xôi để loan báo tình thương của Thiên Chúa. Khi đón nhận tiếng gọi của Chúa, họ cảm nhận rõ Đấng Vô Hình đang hiện diện trong cuộc đời. Tiếng gọi của Chúa còn ban sức mạnh cho các chứng nhân tử đạo, ban niềm vui cho người sống bậc đan tu, ban nghị lực cho người quảng đại dấn thân phục vụ người bất hạnh… Tất cả đều được tiếng gọi yêu thương của Chúa nâng đỡ.
Ngày hôm nay, Chúa vẫn đang cất tiếng gọi mỗi người chúng ta “Hãy theo Thày” (Mc 1,17). Theo Chúa là ơn gọi của người Kitô hữu. Hành trình theo Chúa là một hành trình liên lỉ, lâu dài và chấp nhận nhiều gian khó. “Ai theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34). Từ bỏ và vác thập giá là cách diễn tả những hy sinh mà những người theo Chúa phải chấp nhận nếu muốn nên trọn lành. Một cuộc sống buông thả dễ dãi không phù hợp với tính cách của người môn đệ Đức Kitô.
Tiếng gọi của Chúa cũng được thể hiện qua những người cha mẹ và những nhà giáo dục. Họ là những người thay mặt Chúa để hướng dẫn chúng ta nên người. Nhờ gương sáng và lời dạy bảo của những bậc cha mẹ và các thày cô giáo, chúng ta trở nên người tốt và có ích lợi cho gia đình cũng như xã hội. Người biết lắng nghe và cảm nhận còn có thể nhận ra tiếng gọi của Chúa qua các biến cố xảy đến trong cuộc đời. Những biến cố vui buồn đều mang một thông điệp nếu chúng ta nhìn bằng con mắt đức tin. Những biến cố xảy đến, có thể là lời cảnh báo, nhắc nhở để chúng ta biết canh chừng và nhắc chúng ta biết quan tâm đến nhau.
Trong cuộc sống quay cuồng bởi biết bao cám dỗ tham vọng, có những tiếng gọi làm cho con người lạc hướng. Tiếng gọi này đồng nghĩa với cám dỗ và nó mang một hấp lực rất mạnh mẽ. Đôi khi nó núp dưới những ngôn từ đẹp đẽ ấn tượng, hoặc nhân danh những chủ đích cao cả, nhưng thực ra chúng là những cái bẫy nguy hiểm. Những đam mê tiền bạc, danh vọng và lạc thú có thể làm con người quên hết mọi sự và trở nên u mê tăm tối. Trước những cám dỗ này, người ta như con thiêu thân lao vào đốm lửa và tự thiêu đốt chính bản thân mình. Trong cơn u mê, người ta giống như những con bạc, càng say càng khát, mất hết lý trí và càng ngày càng trượt sâu trong con dốc sa đoạ, đánh mất chính mình trong những trò đen đỏ. Có những người hoang phí đời mình trong truỵ lạc, đến khi tỉnh ngộ thì đã quá muộn màng, như bị chiếc lưới mạng nhện phong toả, không còn lối thoát.
Sống theo lương tâm ngay thẳng và thành tâm tìm kiếm ý Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ thanh thản an vui. Hãy nhận ra tiếng gọi của Chúa nơi sâu thẳm của tâm hồn, để chúng ta đi theo Ngài đến bến bờ của hạnh phúc.
Gm Giuse Vũ Văn Thiên