Tôi là chiếc quan tài. Từ một cây bá hương lớn, con người đốn hạ, xẻ thành gỗ và làm ra tôi. Con người nhìn tôi như hình ảnh của sự chết chóc đầy đau buồn và mất mát. Quả vậy, tôi chưa thấy ai tới cửa hàng của ông chủ tôi mua quan tài mà vui vẻ cả. Ánh mắt ai cũng đượm buồn. Có khuôn mặt còn vương những dòng lệ nhạt nhòa. Âu cũng vì thế mà tôi thấy cuộc đời mình thật tẻ nhạt và vô nghĩa. Dường như sự xuất hiện của tôi trên trái đất này làm những nụ cười thêm ít đi. Nhưng có một ngày, một ngày tôi chợt khám phá ra đời mình thật ý nghĩa, một “ơn gọi” lớn lao.
Vào buổi chiều nọ, một người đàn ông trung tuổi tới hỏi mua một trong số chúng tôi. Sau khi xem qua một lượt, ông chỉ vào tôi và nói với ông chủ: “bác cho tôi cái này”. Chiếc quan tài kế bên quay sang thủ thỉ: “Đến lượt cậu nhé! Chắc nhà ông này có điều kiện lắm. Thôi! Chào người anh em”. Tôi lặng thinh, nhìn ngắm người đàn ông mang nét mặt đầy tuyệt vọng. Chắc ông “có điều kiện” thật, bởi người nghèo thì chẳng đủ tiền mua một chiếc quan tài gỗ bá hương. Ánh mắt ông nhìn tôi. Một ánh mắt buồn. Buồn quá!
Người đàn ông đưa tôi về nhà. Vừa tới đầu ngõ, tôi cảm thấy một bầu khí ảm đạm bao trùm. Tiếng khóc từ trong ngôi nhà của ông nghe ngày một rõ hơn, tiếng khóc của một gia đình “có điều kiện”. Bước vào ngôi nhà ấy, tôi choáng ngợp trước sự giàu có của gia chủ. Tôi nhận ra người anh em cùng “mẹ bá hương” giờ là chiếc tủ gụ. Tôi cũng gặp người bạn vốn là một cây lim lớn trong mái nhà rừng xanh giờ đây được người ta làm thành bộ phản, thân nạm ngọc trai. Rồi biết bao những tiện nghi quý giá trong nhà ông mà có lẽ bất cứ ai nhìn thấy cũng phải ngỡ ngàng.
Thế nhưng trong ngôi nhà ấy, sự giàu có giờ đây chẳng được ai chú ý. Không những vậy, dường như nó càng làm sự mất mát của gia đình ông thêm tang thương. Vợ chồng ông hiếm hoi, khó khăn lắm mới sinh được một người con. Và ông vừa mất đi người con duy nhất ấy của mình. “Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”, thật trớ trêu thay! Người ta niệm xác con ông và đặt vào tôi. Tôi nhẹ nhàng đưa tay ôm lấy đứa con duy nhất của ông vào lòng.
Sáng sớm hôm sau, khi những ánh đèn đường còn chưa kịp tắt, họ đưa tôi tới một nơi mà người ta gọi là nhà thờ. Những giọt mưa bay cùng những cơn gió se lạnh khiến đoàn tang thêm lặng lẽ, u buồn. Lúc đến nơi, vừa bước vào trong nhà thờ, tôi chợt bắt gặp một sự lạ lùng đến khó hiểu. Ở đó, người ta đến dự lễ tiễn đưa con ông nhưng không một tiếng khóc. Trái lại, qua những gương mặt ấy, tôi cảm nhận được sự an bình và niềm hy vọng phát xuất từ sâu thẳm mỗi người. Tôi bắt đầu tò mò. Họ đặt tôi ở lối đi chính giữa nhà thờ. Những tiếng hát du dương được cất lên, và người ta bắt đầu “làm lễ”. Tôi lặng lẽ và chăm chú dõi theo những nghi thức được cử hành.
“Cuộc sống này, chỉ thay đổi mà không mất đi. Lúc con người năm yên giấc ngủ, mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai”. Lời hát ấy làm tôi xúc động mạnh và khó hiểu quá. Trước giờ tôi vẫn nghĩ: “chết là hết”. Những ai được tôi ôm vào lòng và đưa về với đất mẹ để rồi đi vào cõi chết thì làm gì có tương lai. Tương lai ở đâu khi con người ta đã kết thúc cuộc đời này? Tôi chẳng tìm ra chút ánh sáng hy vọng nào, nhưng chỉ thấy còn lại đây nỗi tuyệt vọng cho một kiếp người vừa nằm xuống. Tôi thả tâm trí của mình cuốn theo nhưng lời bài hát kia, đầu óc vẩn vơ những câu hỏi không lời giải đáp.
Chợt một câu nói từ phía trên ngắt ngang dòng suy nghĩ của tôi và làm tôi chú ý: “Chính Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”. Tôi chưa từng nghe ai có khả năng làm cho người chết sống lại, hay có một sự sống vĩnh cửu nào đó sau khi con người ta mất đi. Vị linh mục nói đó là Lời của Chúa Giê-su. Tôi tự hỏi: ông Giê-su đó là ai? Ông là ai mà có thể đánh bại nỗi khiếp sợ của loài người: sự chết.
“Đức Giê-su là nguồn mạch sự sống. Chính người là con đường dẫn mọi người đến với hạnh phúc trường sinh. Sự chết giờ đây không còn là nỗi sợ hãi và tuyệt vọng, nhưng là cánh cửa mở ra sự sống đời đời. Vì thế, sự chết là nguồn hy vọng và niềm hoan lạc cho những người tìm sống công chính, tốt lành”. Những lời giảng của vị linh mục đối với tôi thật mới mẻ.
Thần Chết đáng sợ quá! Hắn chẳng quan tâm sang, hèn, già, trẻ. Hắn thích ai là hắn đến gọi đi. Những cuộc viếng thăm không báo trước. Suy ngẫm về những kiếp người mong manh ấy, tôi chợt ngộ ra rằng: Quả thật, khi chết đi, con người trở về lòng đất với hai bàn tay trắng. Họ chẳng mang theo được gì trong số những của cải mình gom góp bao năm. Lắm khi con người ngộ nhận những sự phù vân ấy là cứu cánh đời mình, cho đến lúc nhắm mắt lìa đời, con người vỡ mộng. Để rồi họ đau đớn nhận ra: những điều bấy lâu mình khổ công theo đuổi giờ đây chẳng còn nghĩa lý gì. Có một câu hỏi làm tôi đau đáu: Sau hành trình gian nan của kiếp người, con người đi vào cõi hư vô, chẳng còn chút hy vọng nào ư? “Chết là hết”. Ôi! Cuộc đời con người thật đáng thương và vô nghĩa.
Nhưng giờ đây, chính những lời giảng mới mẻ kia của vị linh mục làm thay đổi những điều tôi vốn nghĩ. Tôi khám phá ra một nguồn hy vọng lớn lao cho mỗi kiếp người. Tôi lần đầu tiên nghe biết về một sự sống sau cái chết, và quan trọng hơn là con đường dẫn tới sự sống vĩnh cửu ấy: Đức Giê-su Ki-tô. Điều đó làm tôi biến đổi mạnh mẽ. Tôi không còn nghĩ sự xuất hiện của mình chỉ đem lại nước mắt đau khổ cho con người nữa. Nhưng mỗi khi thấy tôi, con người biết phản tỉnh chính mình để ý thức sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn, và hy vọng vào một tương lai sau sự chết. Để rồi sau khi con người nhắm mắt xuôi tay, tôi lại thực hiện sứ mạng của mình, ôm con người vào lòng và đưa họ đến sự sống đời đời như họ vẫn hằng mong ước.
(Fx.NVL)