Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 28 Tháng 11 2016 14:47

Con hướng về Chúa

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Con hướng về Chúa

Con hướng về Chúa
Như đất khô mong nước nguồn
Như tuần phiên mong trời sáng
Như con thơ mong mẹ hiền (Thánh ca)

Lời của bài Thánh ca diễn tả niềm khát vọng của con người luôn hướng về Chúa, bất kể họ thuộc về thời đại hoặc nền văn hoá nào. Con người cần Chúa như thân xác cần hơi thở, như đất cần có mưa. Niềm mong đợi Chúa vừa thiêng liêng cao cả, vừa thân thiết gần gũi. Không có Chúa, đời sống sẽ khô cằn, vô nghĩa. Vắng bóng Ngài, cuộc đời sẽ lạc lõng, đau thương.

“Con hướng về Chúa”, đó là lời tuyên xưng đức tin vào Đấng là nguyên lý của muôn vật muôn loài. Thiên Chúa là Đấng tạo dựng thiên nhiên vũ trụ và con người. Ngài dựng nên mọi sự từ hư vô. Ngài tiếp tục điều khiển vũ trụ, làm cho nó chuyển động trong trật tự kỳ diệu. Nhờ Chúa mà bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, thay nhau đắp đổi. Do Ngài mà bát tiết, tháng năm trật tự xoay vần. Với tình yêu thương quan phòng, Thiên Chúa chúc lành và gìn giữ để công trình tạo thành của Ngài ngày càng tiến triển, đạt tới tầm vóc hoàn hảo trong tương lai, vào thời điểm Ngài muốn. Trong số các tạo vật, con người được Chúa ưu ái dựng nên giống hình ảnh Ngài. Ngài còn phú bẩm cho họ linh hồn bất tử. Thiên Chúa cũng chia sẻ cho con người vinh quang của Ngài. Ngài dựng nên họ để hưởng hạnh phúc đời này và đời sau. Khi tôn nhận Chúa là nguyên lý của muôn vật muôn loài, chúng ta sẽ yêu mến thiên nhiên và yêu mến cuộc sống này hơn, vì vũ trụ này phản ánh vinh quang và sự thánh thiện của Thiên Chúa. Hướng về Chúa là khuynh hướng tự nhiên thuộc bản tính con người, giống như nam châm hút sắt, như đoá hoa hướng dương ngả về mặt trời. Trong nỗi khắc khoải hướng về Chúa, tác giả Thánh vịnh đã thốt lên: “Ngay từ rạng đông, con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước” (Tv 62,2). Từ xa xưa, khi con người bắt đầu hiện hữu trên trái đất, cũng là lúc con người khởi đầu những nỗ lực tìm kiếm Chúa, nhưng họ lầm tưởng Ngài với những hiện tượng thiên nhiên huyền bí. Đó là lý do tại sao những bộ lạc hoang sơ đã thờ mặt trời mặt trăng, cây đa cây đề, hoặc thần núi thần sông, thần sấm thần sét. Họ quan niệm rằng những hiện tượng và thực tại đó là những thần linh cao cả quyền năng.

“Con hướng về Chúa”, đó là tâm tình yêu mến của những ai tin vào Đấng là Cha chung của gia đình nhân loại. Tâm tình ấy thân thiết, gần gũi ấm êm “như con thơ mong mẹ hiền”. Chúa là Đấng đáng yêu đáng mến, vì Ngài tốt lành thánh thiện, và nhất là Ngài đã dựng nên chúng ta và cho chúng ta hiện hữu trên đời. Ngài còn ban cho chúng ta biết bao điều tốt lành trong cuộc sống. Trước những điều may mắn phúc lộc xảy đến trong cuộc đời, nhiều người nghĩ đó là điều ngẫu nhiên, nhưng những ai tin Chúa đều nhận ra đó là ân ban do lòng từ tâm và thương xót của Ngài. Chúa Giêsu đã khẳng định với chúng ta, những sợi tóc trên đầu mỗi người cũng được Chúa đếm cả, những con chim sẻ không tích trữ kho lẫm vẫn được Chúa nuôi dưỡng và những bông hoa huệ ngoài đồng không may vá dệt cửi vẫn được Chúa mặc cho vẻ đẹp huy hoàng (x. Mt 6,25-29). Người cũng dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha bằng tâm tình thân thương hiếu thảo: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”. Yêu mến Đấng đã dựng nên mình và là Cha của mình, đó là tình cảm tự nhiên và đó cũng là bổn phận của lòng hiếu thảo. Lòng yêu mến ấy giúp chúng ta mỗi ngày một đến gần Chúa hơn trong sự kết hiệp thâm sâu mà chúng ta thường gọi là đời sống nội tâm. Tâm tình ấy cũng giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, mỗi ngày một rõ nét hơn, để rồi, chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Ý thức Chúa sống trong tâm hồn, người tín hữu sẽ dễ dàng nên hoàn thiện trong lời nói, tư tưởng cũng như việc làm. Họ sẽ tìm thánh ý Chúa, cố gắng sống đẹp lòng Ngài và coi đó là điều ưu tiên quan trọng nhất trong đời.

“Con hướng về Chúa”, đó là lời cầu nguyện diễn tả niềm hy vọng cậy trông của người tín hữu. Giữa cuộc đời chìm nổi truân chuyên, nào ai biết những gì bất chợt sẽ đến? Giữa dòng đời bon chen xuôi ngược, nào ai đoán được hậu vận tương lai? Người tin Chúa luôn phó thác nơi Ngài, tin chắc rằng không bao giờ Ngài dửng dưng trước lời cầu nguyện chân thành tha thiết. Chúa Giêsu đã hứa: “Ai xin thì sẽ được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ cửa sẽ mở cho” (Mt 7,7). Người cũng hứa ngự giữa chúng ta khi chúng ta hội họp cầu nguyện nhân danh Người (x. Mt 18,19). Hướng về Chúa chính là niềm xác tín vào lời hứa ấy. Niềm cậy trông vào Chúa nuôi dưỡng đức tin của chúng ta, đồng thời là nguồn sức mạnh giúp chúng ta vượt lên những khó khăn thử thách trên đường đời. Niềm hy vọng cũng giúp chúng ta nhìn cuộc đời này lạc quan hơn, để cùng nhau hướng thiện, dù còn nhiều bóng tối vây quanh bao phủ. Sống mà không có niềm hy vọng, con người giống như người mộng du ảo giác, lang thang vô định. Không có niềm hy vọng, chúng ta sẽ nhìn cuộc đời đen tối tiêu cực và dễ chán nản. Tin vào tình thương của Chúa, chúng ta cùng hướng về Ngài, cầu xin Ngài giáng phúc ban ơn, để cuộc sống của chúng ta được bình an.

“Con hướng về Chúa”, tâm tình này thể hiện cuộc lữ hành trần thế của mỗi chúng ta. Sống một ngày trên đời là tiến tới gần Chúa hơn. Chẳng ai sống mãi ở đời này, nhưng mỗi người sinh ra được Chúa cho một quỹ thời gian nhất định. Hết quỹ thời gian đó, họ phải kết thúc cuộc sống, từ giã cõi đời. Mọi người sống trên đời, giàu sang phú quý hay nghèo nàn bất hạnh rồi cũng phải chết như nhau, nhưng hậu vận của họ lại không giống nhau. Những người sống một đời thánh thiện yêu thương sẽ được hưởng phúc thiên đàng; những ai sống bất công gian dối sẽ phải đau khổ trầm luân. Đừng vội trách Chúa nghiêm khắc với tội nhân! nhưng hãy tự trách mình đã dửng dưng và để lỡ nhiều cơ hội. Hạnh phúc thiên đàng hay hình phạt hỏa ngục là do chính mình tự chọn, qua thái độ sống ở đời. Chúa Giêsu đã nói tới hai con đường: con đường thênh thang rộng mở dẫn tới sự chết; con đường nhỏ hẹp khó đi dẫn tới sự sống (x. Mt 7,13-14). Nhiều người đã muốn chọn con đường rộng rãi thênh thang cho mình. Đó là sự buông thả, dễ dãi, chiều theo những tham vọng đam mê và ích kỷ. Mỗi người phải gánh trách nhiệm về sự lựa chọn ấy của mình.

Mỗi năm, khi Mùa Vọng về, Giáo Hội mời gọi các tín hữu cùng hướng về Chúa. Lời ngôn sứ diễn tả niềm khao khát của nhân loại mọi nơi mọi thời: “Trời cao, hãy đổ sương mai! Ngàn mây, hãy mưa Ðấng Công chính” (Is 45,8). Niềm khao khát ấy, cũng nồng nàn tha thiết như đất mong nước nguồn, như tuần phiên mong trời sáng và như con thơ mong mẹ hiền.

Người Kitô hữu hôm nay không còn mong đợi Đấng Công chính với tâm trạng của thời ngôn sứ Isaia. Bởi lẽ Đấng Công chính là Đức Giêsu Kitô đã giáng trần cách nay hơn hai ngàn năm. Người đã đi vào lịch sử nhân loại với sứ mạng rao giảng tình thương của Thiên Chúa. Hôm nay, Người đang hiện diện giữa chúng ta. Khi nỗ lực đón Chúa ngự đến tâm hồn, chúng ta sẽ được hưởng sự ngọt ngào của ân sủng. Đó cũng là niềm vui và hạnh phúc Chúa ban cho những ai chuyên tâm quy hướng về Ngài.

Hải Phòng, Mùa Vọng 2016

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Read 715 times Last modified on Thứ ba, 29 Tháng 11 2016 15:47