Giáng Sinh bị tục hóa ? Đâu là ý nghĩa đích thực của Giáng Sinh ?
Posted by Ban Biên Tập
Cách mà con người mừng Giáng Sinh hôm nay đã bị tục hóa nhiều. Giáng sinh trở thành mùa thương mại lớn trong năm. Dù gắn liền với niềm vui, khắp nơi rộn ràng, ca hát vang lừng, lễ hội tưng bừng, ánh sáng lung linh, nhưng ý nghĩa đích thực của Giáng Sinh lại bị mai một, bị vật chất hóa dần dần. Vậy, đâu là lý do và ý nghĩa đích thực của Giáng Sinh? Đâu là điều mà tôi vui mừng trong biến cố kỷ niệm Chúa làm người?
1.Lý do thứ nhất : Thiên Chúa hiện thân nơi một con người ở giữa nhân loại
“Một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12) là dấu để chỉ về Thiên Chúa yêu thương. Vui Mừng vì Thiên Chúa không ai thấy được, nay làm người nơi một em bé nằm trong máng cỏ. Ngài quyền năng, vinh hiển, nay mặc lấy thân phận con người nghèo hèn, nhỏ bé, yếu ớt, chịu chi phối bởi không gian, thời gian, cần sự giúp đỡ của tha nhân. Cái dấu được dùng để chỉ Đấng cứu độ là máng cỏ. Tại sao Thiên Chúa lại dùng máng cỏ để chỉ Đấng Cứu Độ, Đấng làm vinh quang Thiên Chúa và đem lại bình an cho nhân loại? Đó là những điều tôi cần suy niệm kỹ hơn, để may ra hiểu được một chút nào đó về tình yêu, sự tự hủy của Thiên Chúa. Chúa làm người để tỏ cho tôi biết tình yêu của Ngài: yêu đến nỗi tự hủy để sống gần gũi với loài người.
2.Lý do thứ hai, Thiên Chúa làm người trở thành mẫu sống cho con người
Lý do thứ hai để vui mừng là vì Chúa làm người để tôi biết cách sống làm con Thiên Chúa, nhờ khuôn mẫu thánh thiện của con người mang tên Giê-su. Chọn sinh ra trong máng cỏ, sống khó nghèo ở Nagiaret, thi hành sứ mạng ngoài đường và chết trần trụi trên thập giá, Chúa Giê-su cho tôi biết cuộc đời là một cuộc hành hương, quê hương đích thực không ở trần gian này, nhưng ở trên Thiên Đàng, nên Ngài sống rất tự do với mọi sự ở trần gian này. Thiên Chúa có tất cả nhưng vì yêu, Ngài đã xóa mình. Chính nơi máng cỏ mà tôi thấy cách sống khó nghèo thực sự của Chúa. Và cũng chính nơi máng cỏ mà tôi gần gũi với Thiên Chúa hơn bao giờ hết; tôi cảm thấy mình cũng được giải thoát: tự do với vật chất, với địa vị, với dư luận; tự do với tình cảm, tương quan. Như vậy, máng cỏ cho tôi có kinh nghiệm của tình yêu giải phóng, nhờ đó mà tôi có được một lối sống mới: Sống có Thiên Chúa là trước hết và là trên hết, còn mọi sự khác là phương tiện giúp tôi sống phụng sự Ngài.
3.Lý do thứ ba: Chúa làm người để cứu tôi khỏi tội lỗi.
Lý do thứ ba khiến tôi vui mừng là vì Chúa làm người để cứu độ tôi. Cứu độ ở đây là Chúa đến để đưa tôi về lại với tình yêu của Ngài, nhờ sự chết thay, sự hiến mình của Ngài dành cho tôi (x. Gl 2,20). Vì ai cũng có tội. Tội lỗi làm cho các tương quan bị đổ vỡ. Thiên Chúa đến để hàn gắn các tương quan và đưa tôi về lại trong tình yêu, trong nguồn sống của Ngài. “Chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và đã sai Con Ngài xuống làm hy lễ đền bồi cho tội lỗi chúng ta” (1 Ga 4,10; 4,14); (GLGHCG 457). Vậy, được làm người Ki-tô hữu, được sống trong tình yêu của Chúa là một niềm hãnh diện, niềm hạnh phúc lớn lao của tôi. Ngài đưa tôi trở lại trong tình yêu của Ngài để tôi có sự sống, sẽ có lẽ sống, sẽ biết đường để sống mãi trong tình yêu. Con người đến từ Thiên Chúa và sẽ trở về với Thiên Chúa khi họ được giải phóng khỏi tội lỗi.
4.Lý do thứ bốn: Chúa làm người để ở với con người luôn mãi
Lý do thứ tư đáng hân hoan là vì Thiên Chúa làm người để ở lại với con người (Ga 15,9). Đấng Emmanuel, Thiên Chúa yêu và ở lại cùng nhân loại cho đến cùng (Ga 13,1). Từ nay con người không chỉ thao thức tìm kiếm và ở lại trong Thiên Chúa là nguồn an nghỉ và là niềm hạnh phúc; nhưng chính Thiên Chúa cũng ước ao được an nghỉ, được ở lại trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên lòng Chúa thao thức cho tới khi Chúa an nghỉ ở trong con người. Bao lâu người con chưa về, bao lâu con chiên còn lạc, thì bấy lâu lòng Thiên Chúa vẫn còn thao thức tìm kiếm.
5.Lý do thứ năm: Chúa làm người để con người được trở nên thần linh
Lý do nữa để vui mừng là Chúa làm người để tôi được thông phần vào bản tính thần linh của Chúa mà chiêm ngưỡng vinh quang Ngài (x. 2 Pr 1,4). Vinh quang của Thiên Chúa là sự sống con người, và sự sống con người là chiêm ngưỡng Thiên Chúa” (Irene). Và bởi vinh quang thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi (Soli Deo Gloria), nên con người chỉ có sự sống đích thực trong Thiên Chúa. Thánh Irene nói rõ hơn: “Con Thiên Chúa trở thành con cái loài người, để con cái loài người được trở nên con Thiên Chúa”. Giáo phụ Clémẹnt (Alexandrie) và Grégoire (Naziance) đã quả quyết mạnh hơn: “Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa”. Hàng ngày, Chúa nhập thể trong tôi qua việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Tôi rước Chúa, để Chúa nuôi tôi. Ước gì tôi cũng được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài (Rm 8,29).
6.Liệu tôi có đón nhận được niềm vui Giáng Sinh thực sự không?
Chúa Giáng Sinh đem lại niềm vui đích thực, sự giải phóng lớn lao cho con người. Tuy nhiên, ngày hôm nay, niềm vui Giáng sinh đã bị tục hóa rất nhiều. Dịp Giáng sinh lại trở thành dịp để con người ăn chơi, hưởng thụ khoái lạc, kinh doanh buôn bán, chạy theo các giá trị phù phiếm. Những thú vui lầm lạc chỉ đem lại sự chán nản, bất an, thất vọng và sự vô nghĩa cho đời sống con người.
Cần trả lại giá trị đích thực của Giáng Sinh. Cần loại bỏ sự túc hóa, để Giáng Sinh trở thành niềm vui giải phóng con người. Thiên Chúa cần một nơi ở, một chỗ trong đời sống của con người để Giáng Sinh. Liệu tôi có sẵn sàng mở lòng, mở con tim tôi để đón Chúa Giáng Sinh vào trong ngôi nhà cuộc đời tôi không?
Ước gì mùa Giáng Sinh năm nay, tôi biết dừng lại, hồi tâm suy nghĩ, để Giáng Sinh thực sự mang lại ý nghĩa cho đời sống của tôi.
Niềm vui Giáng Sinh mà con người cầu chúc cho nhau chỉ thực sự vui khi và chỉ khi con người loại bỏ sự tục hóa, “nâng tâm hồn lên” để đón nhận Chúa Giê-su Ki-tô vào cuộc đời mình và sống theo gương mẫu mà Ngài đã sống.
Vinh Danh, SJ.