Đỉnh cao của tình yêu chính là lòng ước muốn được nên một hình, một dạng với người mình yêu. Ở nơi đó, ta không còn thấy một sự khác biệt nào, cũng không còn là hai nhưng là một và là duy nhất. Có thể nói, chẳng có một sự hoàn hảo nào trên trần gian này khi con người biểu lộ tình yêu cho nhau; bởi vì để trở nên một hình một dạng với người ta yêu, thì đòi hỏi ở nơi ta sự hy sinh tuyệt đối, hay nói cách khác chính là sự từ bỏ chính bản thân mình. Thế nên, tình yêu giữa con người với con người có thể chưa bao giờ đạt đến đỉnh cao; nhưng, tình yêu giữa Thiên Chúa và con người thì hoàn toàn có thể; vì ngoài sự hy sinh của ta, Thiên Chúa là Đấng duy nhất biến ta trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài qua ân huệ tuyệt vời nơi Bí Tích Thánh Thể.
Có bao giờ bạn cảm thấy hạnh phúc thật sự khi đón rước Con Thiên Chúa vào tâm hồn mình chưa? Cũng có thể bạn đã có rất nhiều kinh nghiệm về hạnh phúc ấy, hoặc chỉ bâng quơ như một thói quen, hay thậm chí chẳng nhận ra được điều gì; tất cả đều phát xuất từ sự ý thức của ta trước món quà vĩ đại ấy. Thật khó tin làm sao khi một Thiên Chúa quyền uy dường ấy, lại ẩn mình trong những tấm bánh bé nhỏ và sẵn sàng ngự đến trong tâm hồn ta! Làm sao ta có thể biết được hồn ta đang được dưỡng nuôi và dưỡng nuôi như thế nào? Có cách nào để ta nhận ra rằng hồn ta được dưỡng nuôi bởi nguồn dinh dưỡng quý giá hay đang bị hủy hoại dần với những độc hại khôn lường?
Tôi nhớ đến lời của một bài hát: “Trong quá khứ, không có ai như là Giêsu; cho đến nay, chưa thấy ai bằng Giêsu, và trong tương lai, mãi mãi không có ai và sẽ chẳng có ai hơn Ngài Giêsu…” (LM Thành Tâm); như một cảm nhận sâu sa về những điều tuyệt vời mà Thiên Chúa thể hiện tình yêu cho con người. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa là cái đơn sơ vô đối trước con người, khi Ngài sẵn sàng tự hạ đến nhỏ bé như thế trong hình hài con người. Quả là không ai như Ngài! Tình yêu mà Ngài tự hiến cho nhân loại chẳng gì có thể so sánh được, và chỉ những ai được phúc ở lại trong tình yêu ấy mới nhận ra sự tuyệt đối của nó. Quả là không ai bằng Ngài! Cho dẫu ngàn năm qua đi, Thiên Chúa cũng không bao giờ thay đổi lòng chung thủy và tín trung của Ngài. Quả là sẽ không có ai hơn Ngài! Đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa được thể hiện với từng con người mà Ngài dựng nên, qua sự mời gọi kết hợp mật thiết và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài nơi Bí Tích Thánh Thể. Chỉ trong Thánh Thể, ta mới được nên một với Ngài, và được biến đổi càng ngày càng giống Ngài hơn. Một linh hồn khi mới sinh ra qua Bí Tích Thanh Tẩy mang hình ảnh hoàn hảo của Thiên Chúa; hành trình dương thế làm cho linh hồn đôi lúc không thể tránh khỏi những vết nhơ hay những ô uế, cho dẫu trải qua những lần được thanh tẩy, nó vẫn không hoàn lại được cái tinh tuyền ban đầu; chỉ có Thánh Thể Chúa mới biến đổi mọi sự trở lại như ban đầu và làm cho linh hồn được nên đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa. Tuy nhiên, không phải linh hồn nào cũng được như thế nếu họ không có lòng ước ao được biến đổi và sẵn sàng cho sự biến đổi. Đôi lúc, ta rước Chúa vào lòng như một thói quen mà thiếu sự ý thức; ngoài việc ý thức Thánh Thể là của ăn thiêng liêng, như một sự đảm bảo cho linh hồn hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa; ta cần phải có lòng ao ước như ao ước của Đấng muốn ta nên một với Ngài. Như thế, Bí Tích Thánh Thể mới tròn đầy ý nghĩa và thực sự trở nên sự kết hiệp giữa ta và Thiên Chúa.
Để Bí Tích Thánh Thể thực sự là nguồn sống của ta, điều thiết yếu chính là mong ước được giống như Đấng đã hóa thân nơi Thánh Thể và khao khát được tháp nhập vào Đấng ấy. Vì thế, mỗi lần lên rước lễ, ta đừng bao giờ quên cầu xin cho lòng mong ước và khao khát ấy của ta được Thiên Chúa thực hiện. Đó là lời cầu xin rất đẹp lòng Chúa trong giờ phút linh thiêng ấy; vì đỉnh cao của tình yêu chính là hai ước muốn, hai khát khao cùng được hòa quyện nên một. Do đó, ta đừng vô tình biến giờ phút linh thiêng ấy để cầu xin cho những giá trị trần gian, hoặc những câu kinh quen thuộc, mà quên mất rằng ta rất cần bày tỏ tình yêu riêng tư với Ngài.
Việc đón nhận Thánh Thể cũng đòi hỏi ở nơi ta những cố gắng để hoàn thiện chính mình, tức là sẳn sàng cho một sự biến đổi hay cắt tỉa của Thiên Chúa. Ta không thể rước Chúa hằng ngày mà không bỏ dần đi những cái xấu của bản thân. Điều đó không dễ dàng, nhưng nếu ta sẳn sàng đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, sức mạnh của Bí Tích Thánh Thể sẽ giúp ta thực hiện; và như vậy, linh hồn ta mới thực sự được nuôi dưỡng bằng Thịt Máu Ngài. Ngược lại, việc rước lễ của ta sẽ chỉ là hình thức bên ngoài, linh hồn ta cũng chẳng tiến hơn trên đường trọn lành, nhất là càng xa rời với hình ảnh của Thiên Chúa. Thế nên, ta đừng nghĩ rằng chỉ cần rước lễ là đủ, mà chẳng cần một sự biến đổi nào của bản thân. Nghĩ như thế, ta thật thờ ơ với Đấng đã nuôi dưỡng ta bằng Thịt Máu Ngài.
Càng khao khát được biến đổi bao nhiêu, linh hồn ta càng phải đón nhận những đau đớn của sự cắt tỉa bấy nhiêu. Chẳng có một vị thánh nào lại không một lần được nếm trải đau khổ nơi trần gian, nhưng các Ngài đã nên thánh vì đã đón nhận những đau khổ ấy để nên đồng hình đồng dạng với Đấng mà mình hết lòng yêu thương; và các Ngài đã biến những đau khổ ấy nên niềm vui, niềm hạnh phúc của đời mình. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh, tức là nên giống Đấng đã trao ban Thịt Máu Ngài cho ta; chúng ta hãy để cho Đấng ấy biến đổi cuộc đời chúng ta và hãy sẵn sàng làm những gì Đấng ấy mong đợi. Lương thực quý báu của linh hồn ta chính là sự kết hiệp tuyệt vời lòng ước muốn và khát khao ấy nơi giây phút ta được rước chính Ngài vào lòng.
Therese Trần Thị Kim Thoa