Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 04 Tháng 4 2017 20:17

Có phải tình yêu mạnh hơn sự chết?!

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Có phải tình yêu mạnh hơn sự chết?!



Chiều nay trong một không gian riêng tư tôi ngồi một mình ôn lại quá khứ, và quá khứ đã hiện về với một chuỗi những yêu thương, giận hờn, ghen tương, năn nỉ, tha thứ, xen lẫn những giọt nước mắt và nụ cười vì … yêu.

Có ít nhất bốn nhân vật cũng xuất hiện trong ký ức mông lung ấy với những lời nói dường như bất hủ của họ. Trước hết Augustine với câu: “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Tiếp đến là Thomas Aquinas với những nấc thang định giá tình yêu, mà điểm cao nhất là hy sinh: “Yêu thì biết hy sinh cho người yêu”. Rồi đến Xuân Diệu ông vua của thơ tình với câu: “Yêu là chết trong lòng một ít!”. Và Hồ Dzếnh với: “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề”.

Những ai đã có dịp nghiên cứu về Augustine, con người thời danh của thế kỷ IV, thì câu nói của ngài dĩ nhiên đòi hỏi một suy tư vừa có tính cách triết học lẫn thần học.Tuy nhiên, ở mặt đời thường - cũng là một định luật của tình yêu - thì quả thật khi yêu người ta làm được nhiều thứ, mà phần lớn mang những ý nghĩa tích cực, đem lại những giá trị cho cuộc đời.Hãy cứ nhìn đôi tình nhân đang trong thời gian mới bước vào tình yêu, những việc làm của họ cho nhau mang một ý nghĩa rất tích cực.Ít nhất là họ không muốn làm phiền hay buồn lòng người mình yêu.

Tiếp đến Thomas Aquinas.Ông được xưng tụng là bậc thầy của Giáo Hội Công Giáo và dưới cái nhìn của ông, điểm cao nhất để minh chứng tình yêu là hy sinh.Hy sinh là nấc thang cuối của mô hình thể hiện tình yêu.Theo ông, yêu là phải biết hy sinh cho người mình yêu.Càng yêu nhiều càng phải hy sinh nhiều.Hy sinh là dấu chỉ của tình yêu chân thật.Có lẽ ông muốn ám chỉ và so sánh về một tình yêu cao cả nhất và tuyệt vời nhất, tình yêu Con Thiên Chúa dành cho nhân loại: “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ thí mạng sống vì người mình yêu” (Gioan 15:13).

Ngược lại với Augustine và Thomas là Xuân Diệu và Hồ Dzếnh. Một người thì so đo, đong đếm khi bước vào tình yêu:

“Yêu, là chết ở trong lòng một ít,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?
Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu:
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.”
(Yêu - Xuân Diệu)

Người khác lại lấy cái giang dở như một vẻ đẹp của tình yêu, và ngại ngùng với lời thề chung thủy:

“Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở”.
(Ngập Ngừng - Hồ Dzếnh)


Phần đông các thanh thiếu niên nam nữ của thế hệ tôi, và cũng có thể có cả những bạn trẻ thuộc thế hệ mới lớn hiện nay rất thích những vần thơ trên.Nhưng chỉ khi những cái lãng mạn, bồng bềnh của tình cảm qua đi, lúc ấy người ta mới thật sự hiểu được tình yêu và giá trị của tình yêu như thế nào.

“Chết trong lòng một ít”, có nghĩa là chưa chết.Xuân Diệu đã lột tả được quan niệm và lối sống của phần đông tuổi trẻ ngày nay khi bước vào tình yêu. Nói theo từ ngữ hôm nay là cứ yêu đi “hay thì ở mà dở thì đi”. Điều tệ hại ở đây, yêu như thế lại là một nét đẹp theo Hồ Dzếnh: “Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở”. Và hậu quả của những tư tưởng lãng mạn, bồng bềnh ấy là trên 50% những gia đình đã đổ vỡ, những cuộc tình đã đi tới chỗ ly dị.

Thật ra tình yêu rất đẹp, lãng mạn, bồng bềnh và quyến rũ.Nhưng khi yêu là phải yêu hết mình.Yêu như Trịnh Công Sơn đã viết: “Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa”. Yêu như người tình trong Diễm Tình Ca với khả năng thắng vượt cả sự chết: “Tình yêu mạnh hơn sự chết” (8:6). Và ở một nghĩa nào đó, tâm lý học cũng nhìn nhận sức mạnh này của tình yêu: “tình yêu thắng vượt sự chết” (Clay Routledge, Ph.D).

Tình yêu còn mang đặc tính chiếm hữu, và ghen tỵ:
“Cô nhân tình bé của tôi ơi!
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
Những lúc có tôi và mắt chỉ...
Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi.

Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai,
Đừng hôn, dù thấy cánh hoa tươi,
Đừng ôm gối chiếc, đêm nay ngủ...
Đừng tắm chiều nay, biển lắm người.

Tôi muốn mùi thơm của nước hoa,
Mà cô thường xức, chẳng bay xa,
Chẳng làm ngây ngất người qua lại,
Dẫu chỉ qua đường, khách lại qua.

Tôi muốn những đêm đông giá lạnh
Chiêm bao đừng lẩn quất bên cô
Bằng không, tôi muốn cô đừng gặp
Một trẻ trai nào, trong giấc mơ.

Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ.
Đừng làm ẩm áo khách chưa quen.
Chân cô in vết trên đường bụi
Chẳng bước chân nào được dẫm lên.

Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi,
Thế nghĩa là yêu quá mất rồi
Và nghĩa là cô là tất cả.
Cô là tất cả của riêng tôi!”
(Ghen - Nguyễn Bính)

Sau 75 năm nghiên cứu để đi tìm bí quyết của hạnh phúc của Đại Học Harvard khởi đầu từ năm 1938.Năm 2012, những tài liệu này được xuất bản thành sách do nhà tâm thần học (Psychiatrist), Bác sỹ George Vaillant, người chịu trách nhiệm theo dõi cuộc khảo cứu từ 1972 đến 2004. Kết quả cho biết tình yêu là vĩnh cửu, là sợ giây nối kết giữa vợ chồng, và là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến hạnh phúc.Tình yêu chứ không phải tài năng, sắc đẹp, danh vọng và quyền bính. Những thứ ấy chỉ có thể giúp tăng thêm giá trị và ý nghĩa của tình yêu, nhưng không thể thay thế tình yêu.

Nhưng để có một tình yêu chân thật, một tình yêu đem lại hạnh phúc cho mình cũng như cho người mình yêu, không gì hơn là trở về với cái thực tại vô cùng quan trọng của tình yêu như Augustine đã nhận định. Và đặc biệt hơn hết, phải xây dựng tình yêu dựa trên những nấc thang hành động theo Thomas Aquinas: “Hy sinh cho người mình yêu”.

Nhiều người, nhất là các bạn trẻ thời nay đã hiểu lầm về ý nghĩa cũng như giá trị của tình yêu nên họ đã bước vào hôn nhân với một ý niệm rất mơ hồ, rất hời hợt.Do những quan niệm và suy tư mang tính phóng khoáng, vượt khỏi những ràng buộc lễ giáo, nhất là không đặt nặng giá trị tâm linh nên hôn nhân ngày nay dễ dàng đổ vỡ, dễ dàng đưa đến ly thân, ly dị. Hôn nhân như thế không khác gì một khế ước, một giao kèo (commitment).Và nó hoàn toàn khác với ý nghĩa đích thực của hôn nhân là một ơn gọi (vocation).

Khế ước hay hôn ước là một cuộc sống hôn nhân có điều kiện. Trong hôn nhân đó hai bên ngầm có những thỏa thuận và trao đổi.Khi những thỏa thuận ấy bị một hay hai người phá vỡ, khế ước được coi như bị hủy bỏ hay vô giá trị.Tương tự như trong lãnh vực chính trị, xã hội người ta thường dùng những hiệp ước để trao đổi và nói chuyện với nhau. Nhưng hôn nhân cao cả hơn một khế ước hay một hiệp ước. Nó chính là một ơn gọi. Điều này có nghĩa là anh và em không chỉ đáp lại tiếng gọi của con tim mình, mà trong tầm nhìn siêu nhiên, còn đáp lại một sự xe định thiêng liêng đến từ trên cao. Người Việt Nam dùng từ: “duyên tiền định” hay “thiên duyên” để nói lên việc hai người nam nữ đến với nhau trong đời sống hôn nhân với ý nghĩa hết sức quan trọng và thiêng liêng. Nó vượt ra ngoài sự ràng buộc của xã hội, của lời mời gọi và đáp trả tình cảm, lãng mạn, và có điều kiện.

“Chết trong lòng một ít!” hay “tình đẹp là tình còn dang dở”, là những quan niệm băng hoại làm mất đi vẻ đẹp của tình yêu. Nó phá vỡ những giá trị của hôn nhân, và gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình.Tình yêu lên đến tuyệt đỉnh là tình yêu tròn đầy.Tình yêu đạt tới mức cao cả là khi biết hy sinh cho người mình yêu, không phải chỉ là một ít, mà nếu cần phải hy sinh đến cả mạng sống mình.Thánh Têrêsa Calcutta đang thức tỉnh tình yêu của bạn khi ngài hỏi bạn: “Không cần biết bạn đã làm cái gì cho nhau, và những việc đó to nhỏ hay vĩ đại như thế nào. Nhưng cần phải hỏi bạn là bạn đã bỏ vào những việc làm đó bao nhiêu tình yêu”.

Trần Mỹ Duyệt

Read 862 times Last modified on Thứ năm, 06 Tháng 4 2017 06:06