Chút Tâm Tình Sau Khi Xem Bộ Phim ”Xin đừng khóc thương tôi Sudan”
Posted by Ban Biên TậpSudan, một miền đất được biết đến như sự tận cùng của nghèo đói. Những người châu Phi da đen, gầy còm dơ xương, uể oải, bê bết trong bộ dạng tả tơi, bẩn thỉu…Nhìn khắp Sudan không thể tìm thấy tiềm năng cho sự màu mỡ. Cái nghèo hiện rõ từ cảnh vật đến con người, khô hoang, ô nhiễm và lạc lõng. Nếu có thể có một ngôn từ nào khác để miêu tả cho sự nghèo đói tột cùng, làm ơn hãy nghĩ đến Sudan.
Gioan Lee, một linh mục người Hàn Quốc. Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, người mẹ góa nuôi 10 đứa con. Từ bé Gioan Lee đã bộc lộ sự hiếu học, thông minh và năng khiếu đàn nhạc. Đậu vào một trường Đại Học Y danh tiếng của Hàn Quốc, đối với một học sinh nghèo là một niềm tự hào lớn cho mẹ cậu.
Trong những năm Đại học, Gioan Lee chọn con đường dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân, dù cho sự lựa chọn đó làm người mẹ lo buồn và phản đối vì bà đã có một cậu con trai và một cô con gái sống đời tận hiến rồi.
Cuối cùng người mẹ cũng vui vẻ chấp nhận vì đó là sự lựa chọn duy nhất mà Gioan Lee không muốn thay đổi, dù biết làm một bác sĩ được đào tạo ở trường y danh tiếng sẽ có thể làm thay đổi đời sống gia đình anh.
Sau khi được thụ phong linh mục tại Roma, cha Gioan Lee đã tình nguyện tới miền đất Sudan, nơi mà cha đã từng đặt chân đến đó một lần.
Cha là người đầu tiên của đất nước Hàn Quốc tình nguyện đến Sudan. Sự lựa chọn đó lại khiến bà mẹ lo lắng.
Cha hẳn có thể phục vụ tại quê hương Hàn Quốc mà không cần đi đâu xa, bởi tại Hàn Quốc cũng có rất nhiều người cần giúp đỡ. Nhưng có lẽ tình yêu với Sudan đã được ấp ủ trong cha từ lâu nên với cha, Sudan đã nằm trong tim và là mối quan tâm hàng đầu của cha.
Vị linh mục trẻ lên đường, mang theo bao hoài bão, khát khao và tình yêu cháy bỏng của người môn đệ Chúa Kitô, từ bỏ tất cả để đến nơi mà từ trước tới nay nhận được rất ít sự lựa chọn và quan tâm của bao người.
Có lẽ, bởi Sudan quá nghèo nên đã trở thành quá sức với nhiều người. Cha học tiếng địa phương, sống cùng với người dân bản địa, và là bác sĩ duy nhất cho vùng này.
Tất cả mọi người nơi đây đều nghèo, thiếu thốn cái ăn, cái mặc, thậm chí thiếu cả nước sạch dùng để sinh hoạt thường ngày nên bệnh tật hoành hành, đủ trăm ngàn thứ bệnh.
Đói khát, phong cùi, mù lòa, mù chữ, đau khổ và bệnh tật làm họ trở nên dưới đáy của sự cùng cực, không thể diễn tả được hơn nữa.
Cha Gioan Lee đến đã mang một luồng sinh khí mới. Luồng sinh khí đó chính là “bộ mặt của Thiên Chúa” như những người dân bản địa nói về cha.
Một bệnh viện đã được lập lên từ những viên gạch do chính tay cha và dân làng tự làm, dù nhỏ bé, đơn sơ nhưng đó là tất cả cho sự cần thiết hàng đầu, người dân được chữa bệnh, được phát thuốc, được quan tâm.
Rất nhiều người đi bộ hơn trăm cây số để đến với cha Gioan Lee mong được chữa bệnh. Dù là đêm hay ngày, bất kể thời gian nào cha đều không từ chối một ai.
Những người phong cùi lần đầu tiên có những đôi giầy vừa chân, có những chiếc áo che thân và niềm vui ấm áp của sự ân cần, gần gũi.
Một trường học được mở ra, cũng đơn sơ, bé nhỏ, những đứa trẻ đã được đi học, người thầy duy nhất cũng chính là Gioan Lee.
Một đội kèn được thành lập, những đứa trẻ được tham gia, được phát huy tài năng ca hát, đàn nhạc…Đó là niềm vui, là sự tự hào, khao khát mà bấy lâu nay đối với chúng vẫn chỉ là một giấc mơ.
Cha Gioan Lee đã trở thành một người bản địa, cùng đồng sinh đồng tử với họ, người dân ở đây ai cũng mến yêu cha. Cha đã mang đến cho họ niềm tin, sự hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Thay vì cảnh tăm tối, nước mắt và không hy vọng, giờ đây họ đã có nụ cười đầm ấm, được hát hò và nhảy nhót reo vui, họ hạnh phúc trong chính cái nghèo vì họ nhận ra “gương mặt Thiên Chúa” nơi gương mặt của cha Gioan Lee.
Điều gì làm bạn cảm thấy thao thức nhất với bộ phim tài liệu này? Với tôi, đó chính là sự dang dở. Giá như cho đến lúc này đây, khi tôi đang viết những dòng này mà cha Gioan Lee vẫn còn sống với Sudan thì thật tốt hạnh phúc biết bao…
Cha đã vĩnh biệt Sudan và mọi người mà ra đi mãi mãi vì căn bệnh ung thư sau 8 năm sống hết tình, sống hết mình phục vụ Sudan.
Bệnh ung thư không làm cha thất vọng, cha luôn sống trong hy vọng và luôn hướng về Sudan.
Những ngày xạ trị, cha vẫn không ngừng cố gắng kêu gọi quyên góp cho Sudan. Cha thao thức và ước muốn được trở lại Sudan vì nơi đó còn bao việc làm đang dang dở, người dân và những đứa trẻ đang đợi cha trở về.
Sudan ơi, xin đừng khóc thương ta. Nghe sao mà giống nơi thứ 8: “ Đức Chúa Giêsu đứng lại yên ủi con thành Giê-ru-sa-lem như cha yên ủi con trong cơn khóc lóc” vậy.
Sự an ủi lớn lao nhất cho Sudan là tất cả tình yêu của Chúa được biểu lộ qua khuôn mặt của người linh mục Gioan Lee. Nhưng lạy Chúa, sao Chúa lại gọi cha vào lúc Sudan đang cần cha nhất?
Cả Sudan đang khóc thương cha, một người đàn ông mù lòa cầm bức hình cha khóc nức nở và không ngừng hôn lấy hôn để trên di ảnh cha.
Một em bé làm dấu nói lời tạm biệt, em nghẹn lời, ôm mặt nức nở. Thật quá khó cho em khi phải chấp nhận sự thật rằng: cha Gioan Lee đã rời xa em mãi mãi.
Ôi lạy Chúa Giê-su Linh mục tối cao, Linh Mục đời đời, chúng con cầu nguyện cho thế giới ngày nay luôn luôn có những tâm hồn trẻ quảng đại dâng mình cho Chúa phục vụ cho sự sống nhân loại, để tình yêu của Chúa được nối dài nhờ những tình yêu tận hiến như cha Gioan Lee, xin cho nhân loại ngày này có nhiều Linh mục như lòng Chúa mong ước là dám sống, dám làm, dám nói, dám yêu như Chúa đã yêu
( Tác giả gởi trực tiếp)
Mariabuisinh